Nghề làm chổi từ dây nhựa phế liệu và lạt giang ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Người dân ở Làng nghề chổi giang, thôn Lĩnh Trường, xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) ngoài làm chổi bằng vật liệu lạt giang, còn tận dụng dây nhựa phế thải tại các công trình xây dựng để làm ra những chiếc chổi có độ bền cao.

Clip: Xuân Hoàng
bna_choi 1.JPG
Nghề làm chổi giang ở thôn Lĩnh Trường, xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương có từ những năm 2000, đến năm 2015 được UBND tỉnh công nhận là Làng nghề chổi giang. Ông Trần Xuân Quang - Trưởng thôn Lĩnh Trường cho biết, hiện nay làng nghề có 15 hộ với hàng chục lao động chuyên sản xuất chổi. Ngoài ra, còn có hàng chục hộ chuyên chẻ giang để cung ứng nguyên liệu cho những hộ làm chổi. Ảnh: Xuân Hoàng
bna_choi 6.JPG
Bà Nguyễn Thị Mai - một trong những người chuyên sản xuất chổi giang ở thôn Lĩnh Trường cho hay, để làm ra những chiếc chổi giang chắc đẹp, ngoài bí quyết về cách làm, còn phải dùng dây chun để buộc thì chiếc chổi mới thực sự chắc chắn. Ảnh: Xuân Hoàng
bna_coi 7.JPG
Khâu cuối cùng là dùng chiếc đinh dài 3 phân để đóng vào thân chổi, nhằm tránh tuột cán trong quá trình sử dụng. Ảnh: Xuân Hoàng
bna_choi 2.JPG
Cán chổi được làm bằng những thân cây hóp có độ già nhất định, nên nhẹ nhàng và dễ cầm. Bà con cho biết, cán chổi do những người dân ở khu vực miền núi mang xuống nhập cho các hộ làm nghề. Ảnh: Xuân Hoàng
bna_choi 3.JPG
Đối với chổi giang, nguyên liệu được làm từ những dây lạt chẻ mỏng từ cây giang (trúc) lấy ở trong rừng. Theo đó, cứ mỗi tháng 3 - 4 lần, một bộ phận người dân ở miền núi chở giang xuống nhập cho bà con. Sau đó, những hộ chuyên chẻ lạt cung ứng nguyên liệu cho các hộ dân sản xuất chổi. Ảnh: Xuân Hoàng
bna_choi 4.JPG
Ngoài chổi giang, mấy năm gần đây bà con thôn Lĩnh Trường còn tận dụng dây nhựa dùng buộc hộp gạch xây dựng để làm chổi. Thôn trưởng Trần Xuân Quang cho hay, trong thôn có một số người chuyên đến các công trình xây dựng để nhặt dây nhựa phế liệu sau khi thợ xây dựng mở hộp gạch lát nền ra. Bà con nhặt về, cung ứng cho các hộ trong thôn để sản xuất chổi. Cách làm chổi dây nhựa này cũng giống như làm chổi giang, nhưng chổi dây nhựa sử dụng được lâu bền hơn, nên giá bán cao hơn và được thị trường ưa chuộng hơn. Ảnh: Xuân Hoàng
bna_choi 5.JPG
Sản phẩm các loại chổi sau khi làm ra, phần lớn nhập cho các điểm bán hàng tại TP. Vinh và các huyện lân cận; phần còn lại bán lẻ hai bên đường chính chạy qua địa bàn thôn. Ông Trần Xuân Quang cho biết: Mỗi người làm nghề, mỗi ngày làm ra hơn 20 chiếc chổi. Giá nhập đối với chổi giang 12.000 đồng/cái, chổi dây nhựa 22.000 đồng/cái. Do nhu cầu thị trường tiêu thụ cao, nên sản phẩm các loại chổi của làng nghề làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Ảnh: Xuân Hoàng

Tin mới