Nghệ sĩ Nhân dân Đức Long: 'Hát là bản năng, là lẽ sống của đời tôi'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Nghệ sĩ Nhân dân Đức Long là gương mặt nổi tiếng suốt nhiều thập niên qua, tuy nhiên ít ai biết anh quê gốc ở xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An.

Dù chưa một lần được biết những người thân thích ở quê, nhưng anh luôn tự hào mình là một người Nghệ, dòng máu nghệ sĩ của anh có chất Nghệ chảy trong huyết quản.

Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với Nghệ sĩ Nhân dân Đức Long, người được giới mộ điệu trên cả nước vinh danh “người đàn ông hát”.

hhkd2558-1647249442284-8099.jpeg
NSND Đức Long. Ảnh: NVCC

P.V: Khi nhìn vào con đường nghệ thuật rực rỡ của những ngày hôm nay, nhiều người sẽ nghĩ con đường đến với âm nhạc của anh “thuận buồm xuôi gió”, thế nhưng sự thật lại không phải vậy. Anh có thể kể về hành trình đến với âm nhạc của mình?

Nghệ sĩ Nhân dân Đức Long: Tôi sinh ra và lớn lên ở Hòn Gai - Quảng Ninh. Mồ côi cha mẹ khi mới 8 tuổi, tôi từng làm đủ mọi việc lao động chân tay rất vất vả như đóng gạch thuê, kéo xe bò, bốc vác... để mưu sinh, thế nhưng chính những câu hát đã cứu rỗi tâm hồn tôi, cho tôi thêm niềm tin và hy vọng vào cuộc đời, vào tương lai phía trước. Tôi hát trên công trường, trên những chuyến xe, ở đâu tôi cũng thấy yêu đời, vui vẻ vì mình có giọng hát và được hát. Vì hát hay, nên dù là công nhân mỏ tôi hầu như không phải lao động chân tay mà quanh năm đi diễn phục vụ công nhân. Hồi ấy, chúng tôi được giao nhiệm vụ đi hát động viên, khích lệ công nhân hoàn thành chỉ tiêu mà xí nghiệp giao phó. Đến bây giờ tôi vẫn tự hào về thời đã qua, được cùng đội ca hát của xí nghiệp liên tiếp giành vị trí đầu bảng trong các hội diễn ca nhạc không chuyên ở cả ba miền.

duc-long-show-3980.jpeg
NSND Đức Long trong show "Đức Long hát" diễn ra năm 2021. Ảnh: NVCC

Thế rồi một cơ duyên đã đưa tôi đến với con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Ấy là tôi khi đạt giải Nhất cuộc thi Liên hoan Nghệ thuật quần chúng toàn quốc vào năm 1980, với bài hát “Chiều Hạ Long”. Sau đó, năm 1982, tôi được Đoàn Nghệ thuật Quân chủng phòng không không quân mời về Đoàn. Chính nấc thang này cho tôi một cuộc sống mới, cuộc sống mà dù có nằm mơ tôi cũng không bao giờ nghĩ đến, là được trở thành ca sĩ.

Chính trong môi trường này đã trui rèn cho tôi những phẩm chất của một người lính hát, ấy là sự tận tâm, là hy sinh, nhiệt huyết. Dù có đi bất cứ nơi đâu, hát ở sân khấu nào chúng tôi cũng rút ruột như con tằm nhả tơ để được phục vụ khán giả, nhất là những người lính.

duc-long-thai-bao-6120.jpeg
NSND Đức Long và NSND Thái Bảo trong show "Đức Long hát". Ảnh: NVCC

Cũng từ Đoàn Nghệ thuật Quân chủng phòng không không quân, tôi được cử đi học thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia và được trau dồi chuyên môn kỹ năng thanh nhạc từ những ngày này. Người ta bảo nghe tôi hát rất tình, rất nhẹ và không thấy tôi sử dụng kỹ thuật. Không phải vậy đâu, rất nhẹ rất tình ấy là khi tôi dùng kỹ thuật thanh nhạc mà mình dùi mài nhiều năm tháng, cộng với tâm hồn một người hát, sự trân trọng khán giả mà thành.

Lại nói về chặng hành trình được đi hát, tôi nghĩ rằng nấc thang nào cũng cho ta những bài học quý, những sự trưởng thành nhất định. Khi là công nhân mỏ tôi được hát với sự trong sáng hồn nhiên nhất, khi được về đầu quân cho đoàn chuyên nghiệp, tôi được hát bằng sự chỉn chu và nhiệt huyết. Sau này nữa tôi hát bằng cả trái tim, khối óc, sự trân trọng và cả những tâm sự trong lòng mình. Vì thế, hát là bản năng, là lẽ sống của đời tôi.

duc-long-jpeg-6270.jpeg
Với NSND Đức Long hát là bản năng, là lẽ sống. Ảnh: NVCC

P.V: Thưa anh, ngoài vai trò là ca sĩ, anh còn được biết đến với công việc của một giảng viên thanh nhạc có tiếng “mát tay”. Trong cuộc đời làm thầy giáo của mình, anh luôn được các học trò yêu mến, quý trọng bởi anh luôn thể hiện tình thương yêu, sự độ lượng. Với những học trò có hoàn cảnh khó khăn, anh thường dạy mà không thu kinh phí. Cũng có nhiều học trò nhờ có anh mà có thể vượt khó, trưởng thành trong nghề nghiệp. Điển hình là những ca sĩ nay đã trở thành những nghệ sĩ lớn trong làng nhạc Việt như Tùng Dương, Phan Thu Lan, Minh Thu… Anh có thể nói gì về vai trò người thầy của mình?

Nghệ sĩ Nhân dân Đức Long: Sau khi tham gia học thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia, tôi được giữ lại làm trợ giảng rồi giảng viên thanh nhạc. Suốt chặng hành trình đó, ngoài ca hát lưu diễn, một phần quan trọng trong đời sống của tôi là ươm mầm và chắp cánh cho những tài năng âm nhạc. Trong quá trình dạy học, tôi luôn tâm niệm dạy nhạc cũng như dạy chữ, trước hết phải bồi dưỡng về tâm hồn, nhân cách, sau đó mới đến tài năng. Vì thế, đa số những học sinh mà tôi giảng dạy, các em đều có cách cảm thụ âm nhạc rất cá tính, đầy màu sắc riêng biệt nhưng rất nhân văn, rất giàu cảm xúc, vì thế khi hát các em chạm đến trái tim người nghe.

Còn về khía cạnh bạn chia sẻ, tôi nghĩ, là một người thầy dạy thanh nhạc thì phải truyền được tình yêu và sự đam mê thực sự cho các học trò. Điều quan trọng là phải làm sao để khi ra trường các em có thể làm nghề thật tốt, tự tin trong vai trò một nghệ sĩ. Mặc dù luôn khuyến khích, động viên học trò nhưng với những em không có năng khiếu, tôi cũng thẳng thắn khuyên các em theo nghề khác, bởi nghề này nếu không có năng khiếu thì có khổ luyện cũng không thể thành tài. Chắc bởi sự chân thành, thẳng thắn đầy trách nhiệm đó mà học trò yêu quý, tin tưởng tôi chăng.

duc-long-thanh-hoa-4868.jpeg
NSND Đức Long và ca sĩ Thu Hà trong một show diễn của anh. Ảnh: NVCC

P.V: Đời sống âm nhạc hiện đang “vàng thau lẫn lộn”, nhiều ca sĩ không có giọng tốt vẫn đắt show, thu nhập “khủng”. Trong khi, những ca sĩ dòng nhạc chính thống trải qua quá trình được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, giọng hát và sự trưởng thành phải có sự khổ luyện lại luôn chịu sự thiệt thòi nhất định. Anh nghĩ sao về điều này, anh có cho rằng mình đang chịu nhiều thiệt thòi trong thời thế hiện nay không?

Nghệ sĩ Nhân dân Đức Long: Hoàn toàn không! Ngay từ những ngày trẻ khi giọng hát đang ở độ đỉnh cao nhất của kỹ thuật và sự nồng nàn của cảm xúc, chúng tôi đã có được những vinh quang của nghề và bây giờ cũng vậy. Và vì thế, từ lâu danh tiếng, đắt show, tiền cát-xê... đối với tôi không quá quan trọng. Tôi không thấy buồn vì những điều đó. Tôi chỉ muốn được khán giả yêu vì sức lao động, sự cống hiến của mình. Và dĩ nhiên tôi luôn muốn có được sự cộng hưởng cảm xúc của khán giả mỗi khi lên sân khấu. Thế hệ chúng tôi đó mới là điều quan trọng.

duc-long-8939.jpeg
Với NSND Đức Long được khán giả yêu quý là điều quan trọng bậc nhất. Ảnh: NVCC

Về chuyện các ca sĩ chưa có chuyên môn giỏi về thanh nhạc mà vẫn đắt show, tôi thấy điều đó đáng mừng, khi toàn dân yêu âm nhạc, toàn dân sẽ đi nghe hát. Ai cũng có thể bày tỏ tình yêu với âm nhạc, tuy nhiên, các bạn ấy phải biểu diễn như thế nào, học hỏi để trở nên chuyên nghiệp ra sao, thuyết phục được khán giả nghe mình hát được dài lâu hay không... đó mới là yếu tố quan trọng. Trên thực tế, không chỉ tôi, mà cả thế hệ chúng tôi không ai suy tư hay cảm thấy “chạnh lòng” khi các bạn trẻ chưa có khả năng thanh nhạc tốt mà có thu nhập cao từ nghề hát, còn mình thì không.

Bản thân tôi đã có khoản lương cố định theo thang bậc của Nhà nước, và dĩ nhiên tôi hài lòng với điều đó. Thế hệ chúng tôi khi đi hát không ai nghĩ đến chữ “tiền”, chúng tôi cũng không đòi hỏi cao về cát-xê. Bao tâm huyết, tình yêu, chúng tôi dành tất thảy cho âm nhạc. Điều khiến chúng tôi lo lắng nhất chỉ là, khi mình bước ra sân khấu, khán giả có nghe mình hát nữa hay không, và họ có đồng điệu với cảm xúc trong câu chuyện bài hát mà chúng tôi chuyển tải hay không. Vì thế với tôi, ca sĩ nào thì có đối tượng âm nhạc đó, và chúng tôi vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ trong đời sống âm nhạc của mình.

P.V: Cuối năm 2023 anh vinh dự được vinh danh Nghệ sĩ Nhân dân, với anh đây là một bất ngờ lớn hay là một sự hiển nhiên sau nhiều năm cống hiến và đạt nhiều thành quả?

Nghệ sĩ Nhân dân Đức Long: Đó là một vinh dự lớn! Người nghệ sĩ nào cũng mong có được những sự ghi nhận đúng nghĩa dù anh có tự tin đến bao nhiêu. Và để có được sự vinh danh này, người nghệ sĩ phải lao động và cống hiến một cách chỉn chu, nhiệt tâm nhất. Tôi luôn tự hào rằng tôi được biểu diễn bằng xúc cảm và sự nghiêm túc làm nghề, không màng đến danh vọng. Thế nhưng, trong hành trình đó tôi có sự may mắn là được hội đồng nghệ thuật ghi nhận, họ đã vinh danh tôi bằng những Huy chương Vàng, Bạc ở các hội diễn, để tôi được là nghệ sĩ của nhân dân. Đó không phải là điều quá vinh dự và tự hào hay sao? Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân là một động lực mới để tôi lại tiếp tục cố gắng và tận hiến hơn nữa trong chặng đường phía trước.

P.V: Được biết, anh có quê gốc ở Nghệ An nhưng vẫn chưa một lần được về thăm quê một cách đúng nghĩa. Anh có thể nói về điều này?

Nghệ sĩ Nhân dân Đức Long: Ngay từ ngày bé tôi đã đọc thuộc lòng lý lịch của mình rằng mình quê gốc ở Nghi Xuân, Nghi Lộc, Nghệ An và ông bà nội mình sinh ra lớn lên ở đó. Nhưng thật buồn, ký ức của tôi không có bóng dáng của quê hương mình, vì bố mẹ tôi ra đi khi tôi còn quá nhỏ. 3 anh em tôi dắt díu nuôi nhau khôn lớn trong sự khó khăn vất vả trăm bề. Lớn lên như bạn đã biết, tôi đi làm công nhân mỏ rồi đi hát, thời gian cứ cuốn đi như nước qua cầu. Có rất nhiều lần tôi cũng có bàn bạc với anh chị mình muốn được về tìm lại gốc tích của dòng họ, xem ai còn ai mất, xem gia phả dòng họ mình bây giờ được thờ cúng ra sao. Nhưng để làm được điều đó cần rất nhiều thời gian, thực tình cuộc sống quá nhiều bận rộn, anh em tôi vẫn chưa về được quê hương lần nào.

Thế nhưng, cái chữ “nguyên quán” trong tờ lý lịch vẫn luôn là sự tự hào mãnh liệt trong tôi. Tôi là một người Nghệ, tôi có chất Nghệ là sự hào sảng, là tinh thần tự lực tự cường, ý chí vượt khó khăn là sự nhiệt huyết cháy lòng mỗi khi nhận việc, mỗi khi được lên sân khấu.

Tôi còn nhớ có lần tôi sang Cộng hòa Liên bang Đức biểu diễn cho cộng đồng người Việt xem, tôi gặp được rất đông anh em Nghệ kiều, họ đoàn kết và nói toàn tiếng Nghệ, vui lắm. Tự dưng một cảm giác xúc động nghẹn ngào, xen lẫn tự hào và vinh dự đầy lên trong tôi. “Tôi cũng là người Nghệ đây”. Tiếng nói ấy vang lên trong tôi, vang lên giữa đông đảo bà con người Nghệ ở nước ngoài thật thiêng liêng và ấm áp.
Và dẫu bây giờ chưa gặp lại được người bà con nào ở Nghi Xuân, Nghi Lộc, chưa biết được gốc tích của mình trên quê hương Xô viết anh hùng, nhưng tôi vẫn đau đáu một nỗi niềm: “Về quê, về với dòng dõi tổ tiên cha ông mình”.

P.V: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Tin mới