Người góp phần xoa dịu nỗi đau da cam

(Baonghean) - Sau hơn 10 năm phục vụ trong quân ngũ, trở về cuộc sống đời thường, nhưng dường như ông vẫn chưa có lấy một giây phút được nghỉ ngơi thực sự. Bởi ông luôn tâm niệm rằng, còn sức lực là còn phải cống hiến hết mình. Đó chính là ông Hồ Xuân Lương – Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Nghĩa Đàn.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn, là một giáo dân, năm 1968, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Về phục viên mang trong mình chất độc da cam, nhưng ông may mắn hơn những người đồng đội là còn sức khoẻ và với ông còn sức khỏe là còn cống hiến. Được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm, ông lần lượt đảm nhiệm các cương vị: Phó Chủ nhiệm hợp tác xã năm 1980; Chủ tịch Hội Nông dân xã từ 1981 – 2001; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã từ năm 2002 – 2008, sau đó ông nghỉ hưu. Dù ở cương vị công tác nào, ông đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được cán bộ và nhân dân tin yêu.
Ông Hồ Xuân Lương (phải) thăm nạn nhân chất độc da cam.
Ông Hồ Xuân Lương (phải) thăm nạn nhân chất độc da cam.
Năm 2009, Đại hội thành lập Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin huyện Nghĩa Đàn, nhiệm kỳ 2009 – 2013, ông được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch hội. Đảm nhiệm một công việc mới, với trách nhiệm nặng nề, nhưng ông xác định đó là trách nhiệm mà tổ chức, xã hội giao. Ông cùng với tập thể Ban Chấp hành Hội tích cực vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, các nhà hảo tâm quan tâm chăm sóc, sẻ chia những khó khăn, vất vả mà những người bị nhiễm chất độc da cam trên địa bàn đang phải gánh chịu. Từng là một người lính trên chiến trường, ông thấu hiểu hơn ai hết nỗi đau đớn, xót xa của đồng chí, đồng đội bị phơi nhiễm chất độc hóa học, nay còn truyền sang cả thế hệ con, cháu. Những cơ thể suy nhược, ú ớ không thành lời, những dáng hình quặt quẹo co rút, méo mó... của các nạn nhân là động lực thúc giục ông phải luôn tận tâm, tận lực với nhiệm vụ được giao để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.
Những ngày đầu mới thành lập, Hội gặp rất nhiều khó khăn do thiếu cơ sở vật chất, việc vận động phát triển hội viên và thành lập hội cơ sở cũng rất khó khăn, nhưng với lòng nhiệt tình, ông đã không quản ngại đường sá xa xôi, trời mưa hay nắng, ông đi khắp địa bàn huyện để khảo sát, tuyên truyền, vận động tập hợp thêm hội viên. Nếu như ngày đầu thành lập hội chỉ có 57 hội viên thì đến nay tổng số hội viên toàn huyện là 298 sinh hoạt ở 12 hội cơ sở. Hiểu được cuộc sống khó khăn, vất vả của các hội viên, ông và tập thể Ban Chấp hành Huyện hội đã tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành liên quan, sự ủng hộ của các nhà hảo tâm nên từ năm 2009 đến năm 2013 (từ nguồn quỹ của Tỉnh hội và Huyện hội vận động) đã tặng được 19 suất học bổng cho con của hội viên học giỏi, với tổng trị giá 38 triệu đồng; hỗ trợ vốn sản xuất cho 12 hội viên, tổng trị giá 72 triệu đồng; hỗ trợ vốn làm nhà cho 14 hội viên, với số tiền 277 triệu đồng; tặng 371 suất quà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vào dịp lễ, tết, với giá trị  125.800.000 đồng… Và một trong những tổ chức có nhiều việc làm thiết thực góp phần “chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” tiêu biểu là cơ quan Huyện ủy Nghĩa Đàn, từ năm 2010 đến năm 2014 đã nhận 5 địa chỉ nhân đạo để giúp đỡ từ nguồn kinh phí do cán bộ, công nhân viên chức trong cơ quan tự nguyện đóng góp và đến nay đã lên tới vài chục triệu đồng...
Trên cương vị được giao, ông đã cùng với Ban Chấp hành Huyện hội phối hợp với các ban, ngành liên quan tích cực phát hiện nạn nhân ở cơ sở để đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết chế độ kịp thời, tăng cường công tác xây dựng hội cơ sở, tuyên truyền vận động hội viên khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. 
Với những đóng góp trong công tác hội ông đã được Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tặng Bằng khen năm 2010; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen năm 2011 và nhiều lần được Tỉnh hội tặng Giấy khen. Tập thể Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện hàng năm đều được Tỉnh hội xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 
Hơn 40 tuổi đảng, 65 tuổi đời, trong công việc ông là tấm gương sáng, ở địa phương ông là người đảng viên, người giáo dân gương mẫu, trong gia đình ông là người chồng, người cha, người ông mẫu mực, trong tổ chức giáo hội ông là người "kính Chúa yêu Nước". Ông chia sẻ: "Là người lính Cụ Hồ, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, tôi luôn tâm niệm còn sức lực là còn phải cống hiến. Là đảng viên lại là người công giáo nên tôi càng phải gương mẫu hơn".
Bài, ảnh: Mai Phượng

Tin mới