Người "nuôi dưỡng" ca trù xứ Nghệ

Tuổi ngoài bát tuần, nhưng với nhà giáo Nguyễn Nghĩa Nguyên, giọng nói, thanh sắc vẫn trong trẻo, lánh lót.


Năm 1985, sau 43 năm làm nghề "gõ đầu trẻ", nhà giáo Nguyễn Nghĩa Nguyên rời bục giảng về quê sinh sống ở tuổi 65. Thú hưu là vậy nhưng ông giáo Nguyên vẫn luôn tiếc nhớ tiếng gõ trống, tiếng cô đào hát ca trù mỗi tuần trăng lên ở đình làng.

Ngày ấy những nghệ nhân hát ca trù quê ông đã đi vào chốn bồng lai thiên cổ. May sao giữa thập niên 90, Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An do Phó giáo sư Ninh Viết Giao làm chủ tịch (nhà giáo Nguyễn Nghĩa Nguyên đã được hội kết nạp) phát động mỗi hội viên nghiên cứu, sưu tầm một mảng văn hoá dân gian truyền thống. Với ý tưởng ấp ủ từ lâu, nhà giáo Nguyễn Nghĩa Nguyên xin nhận đề tài tìm hiểu về nguồn gốc hát ả đào.

 Môn học hát ca trù được đưa vào giảng dạy ở Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (Diễn Châu). Ảnh: Vương Đình Bảng.

 Môn học hát ca trù được đưa vào giảng dạy ở Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (Diễn Châu).     Ảnh: Vương Đình Bảng.

Với chiếc xe đạp thống nhất cũ kỹ, ông đã đi khắp cả vùng Nghệ An - Hà Tĩnh. Ở đâu có ca trù, chẳng quản đường dài mệt nhọc, ông đến tận nơi tìm hiểu, ghi chép, gặp gỡ. Lúc thì ở Cổ Đạm (Nghi Xuân - Hà Tĩnh), lúc thì Đô Lương, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Nam Đàn (Nghệ An)... Có lúc, thầy giáo Nguyên nhờ học trò cũ của mình chở đi khắp trong Nam ngoài Bắc.


Ông cho biết, riêng huyện Diễn Châu quê ông với 10 điểm có ca trù chưa kể cả 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có tới 20 nơi có nguồn gốc hát ca trù.


Đi, ghi, gặp gỡ là vậy nhưng rất ít người còn thích thú với lối hát này, chỉ có những nghệ nhân đã gắn bó với ca trù mới còn tâm huyết. Nhưng họ đã ở vào cái tuổi "xưa nay hiếm" cả rồi.

Thế là, có ngày ông đạp xe tới 70 cây số, túi nải đến nơi hầu rượu các nghệ nhân chỉ để nghe họ hát một vài làn điệu ca trù.


Với ông, đó là những niềm vui không thể đong đếm hết. Mà vui hơn, hạnh phúc hơn nữa khi từ tháng 10/2009, thể loại âm nhạc ca trù đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại và CLB ca trù quê ông đã hoạt động khởi sắc.


 
Hàng năm CLB được các tổ chức mời đi biểu diễn. Ngoài ra còn được đi giao lưu toàn quốc tại Hà Nội, Thanh Hoá, Hà Tĩnh... Thầy giáo Nguyễn Nghĩa Nguyên cùng CLB thường được mời đến giảng và hát minh hoạ tại các trường học.


Riêng với nhà giáo Nguyễn Nghĩa Nguyên, 64 năm tuổi Đảng, 89 năm tuổi đời, từng là cán bộ cốt cán của địa phương rồi hiệu trưởng trường cấp 3 Diễn Châu, nửa đời làm thầy giáo, ông từng dìu dắt bao thế hệ học trò nay có người đã trở thành tiến sĩ, thạc sĩ...

Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, họ đều ghé thăm nhà ông và được thầy "khoe" các tác phẩm của mình đã được tập hợp để xuất bản: "Cụ Nghè Ôn - giai thoại và truyền thuyết" (1993); "Từ Cổ Loa đến Đền Cuông" (1994); "Mơ lên cung trăng" (1995); "Đắp núi Tháp Bút" (1996); "Cụ Hoàng Nho Lâm" (1997); "Hát nhà Trò nhà Tơ xứ Nghệ" (Hội văn nghệ dân gian Việt Nam tài trợ và nghiệm thu năm 2002); "Đi tìm nguồn gốc Hát ả đào" (Giải thưởng Hội văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2007)...


Nhà giáo Nguyễn Nghĩa Nguyên tâm sự: Để mất đi di sản ca trù là có tội với cội nguồn, có tội với lịch sử. Gần 20 năm nay, tôi đã dày công sưu tầm, nghiên cứu và khơi dựng cũng vì lẽ đó.

Trần Ngọc Thái

Tin mới