Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Bài học giữ nước từ Hiệp định Paris 50 năm trước vẫn còn nguyên giá trị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
4 triết lý giúp chúng ta chiến thắng trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris trong bối cảnh hiện nay vẫn còn nguyên giá trị, chỉ có cách thể hiện phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Ngày này cách đây tròn nửa thế kỷ, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết tại Thủ đô Paris (Pháp). Đây là mốc son lịch sử, là “cánh cửa đến hòa bình” của nước ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan. Ảnh: VTC.VN

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan. Ảnh: VTC.VN

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, người từng may mắn được tham gia đoàn Việt Nam sang Pháp ký Hiệp định Paris chia sẻ, ý nghĩa lớn nhất của Hiệp định Paris đó làm thay đổi hẳn vị thế của Việt Nam. Lần đầu tiên Việt Nam chủ động ngồi ngang vai bằng vế, đàm phán 4 bên với Mỹ. Và sau đó là dự hội nghị quốc tế 14 nước, trong đó có cả “5 ông lớn”, tức là 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Tổng Thư ký Liên hợp quốc để bảo đảm Hiệp định Paris.

Cũng trong năm 1973, 15 nước công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó có những nước lớn như Pháp, Anh, Nhật Bản, Bỉ, Australia, Canada…

Phóng viên: Thưa ông, trong quá trình đàm phán tại Paris, chúng ta phải chịu sức ép từ nhiều phía, chịu sự chi phối của các nước lớn, nhưng chúng ta vẫn kiên định lập trường yêu cầu Mỹ phải rút toàn bộ quân đội khỏi chiến trường miền Nam Việt Nam. Đây có được coi là minh chứng rõ nét thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ của chúng ta trên bàn đàm phán Paris không?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Tinh thần đó phản ánh triết lý của Bác Hồ, lấy sức ta giải phóng cho ta. Khi chuẩn bị bước vào đàm phán Paris, năm 1967, Trung ương có họp, lần đầu tiên đưa ra chủ trương chúng ta vừa đánh vừa đàm. Trong đó, nhấn mạnh chúng ta phải độc lập, tự chủ và thực sự là chúng ta đã độc lập, tự chủ, khác hẳn với hội nghị Geneve. Hiệp định Paris từ đầu chí cuối, từ khâu chuẩn bị, tất cả các bước đi, đều thể hiện chủ trương là ta độc lập, tự chủ hết. Tất nhiên, chúng ta cũng tranh thủ bạn ủng hộ nhưng phương án là chúng ta quyết định.

Cuộc gặp riêng giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy - Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ VNDCCH với Trưởng đoàn Mỹ Harriman tại Hội nghị Paris. (Ảnh tư liệu)

Cuộc gặp riêng giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy - Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ VNDCCH với Trưởng đoàn Mỹ Harriman tại Hội nghị Paris. (Ảnh tư liệu)

P.V: Theo ông, việc giữ vững tinh thần độc lập tự chủ có được coi là bài học lớn nhất mà chúng ta đúc rút ra được từ Hội nghị Paris?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Đấy là một bài học, nhưng theo tôi, Hiệp định Paris đem lại nhiều bài học chứ không phải là chỉ một bài học ấy. 4 bài học đều bắt đầu từ chữ K. Bài học thứ nhất là kết hợp, bài học thứ hai là kiên định, thứ ba là kiên trì, bài học thứ tư là khôn khéo.

Thứ nhất, liên quan đến việc kết hợp. Chúng ta là một nước tương đối nhỏ, lại rất nghèo thời ấy. Nhưng lịch sử lại trút lên vai nhân dân ta một sứ mạng rất nặng nề, luôn luôn phải đối mặt với các thế lực hùng mạnh hơn rất nhiều về vật chất. Nếu một mình đối phó thì không đơn giản. Do đó, Đảng ta ngay từ đầu đã chủ trương kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế. Lúc bấy giờ chúng ta có một triết lý, là hình thành 3 vòng mặt trận. Mặt trận thứ nhất là đoàn kết dân tộc, tất cả các tầng lớp nhân dân đứng lên để bảo vệ Tổ quốc. Vòng thứ hai là đoàn kết 3 nước trên bán đảo Đông Dương, cùng một số phận với nhau. Và vành đai thứ ba, mặt trận thứ ba (vòng lớn hơn), tức là nhân dân toàn thế giới. Chúng ta hình thành một mặt trận nhiều vòng như thế, để tạo nên một sức mạnh lớn hơn rất nhiều. Cuộc đấu tranh của chúng ta nói chung và Hiệp định Paris nói riêng có một mặt trận rất lớn là nhân dân thế giới, kể cả nhân dân các nước xâm lược ta.

Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973 sau gần 5 năm đàm phán. (Ảnh tư liệu)

Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973 sau gần 5 năm đàm phán. (Ảnh tư liệu)

P.V: Ông vừa phân tích về chữ K thứ nhất trong bốn chữ K đúc rút ra được từ Hội nghị Paris. Thế còn chữ K thứ hai, tức là kiên quyết, điều này được thể hiện như thế nào tại bàn đàm phán Paris?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Kiên quyết thể hiện ở quan điểm như Bác Hồ căn dặn "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào". Trong quá trình đàm phán, chúng ta trước sau như một kiên định 2 điều. Một là các ông phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, và quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam. Việc Việt Nam do Việt Nam quyết định. Đấy là tiền đề chúng ta không lay chuyển, không thay đổi. Và điều thứ hai là dứt khoát Mỹ phải rút quân hoàn toàn triệt để ra khỏi Việt Nam. Còn quân đội Việt Nam, dù miền Nam, miền Bắc cũng trên đất Việt Nam, không có chuyện rút đi đâu cả, không thể rút ra khỏi đất nước mình.

P.V: Cũng chính vì kiên quyết nên chúng ta cần phải kiên trì mới có thể đạt được mục tiêu buộc người Mỹ phải chấp nhận ký vào Hiệp định Paris đúng không, thưa ông?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Đúng vậy, vì chúng ta phải đối mặt với một thế lực rất hùng mạnh. Như vậy, không thể một sớm một chiều mà giải quyết được, không thể đánh nhanh thắng nhanh được, mà phải rất kiên trì, gọi là tiến từng bước, chúng ta phải đi từng bước, ngay cả việc đàm phán Paris cũng mang tính chất đó. Làm gì có cuộc đàm phàn nào về chấm dứt chiến tranh mà gần 6 năm trời, cò cưa như thế với nhau. Đó cũng là một cách kiên trì, chứ không phải là một sớm một chiều vội vã có thể được.

Chúng ta nhớ lời kêu gọi của Bác Hồ năm 1967, khi Mỹ tăng cường ném bom bắn phá miền Bắc. Bác ra lời tuyên bố, chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, nhưng mà nhân dân Việt Nam quyết không sợ, không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đấy là tư tưởng, là lời kêu gọi của sông núi, là một nguồn động lực cho cuộc kháng chiến và thể hiện một quyết tâm rất cao của nhân dân ta.

P.V: Với bốn chữ K là kết hợp, kiên trì, kiên quyết và khôn khéo như ông vừa phân tích, điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với chúng ta trong triển khai đường lối đối ngoại hiện nay, nhất là trong bối cảnh quốc tế, cạnh tranh chiến lược các nước lớn đang có những ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích quốc gia dân tộc?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Thực ra, những triết lý cơ bản đó vẫn còn nguyên giá trị. Chỉ có cách thể hiện phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình rắc rối như hiện nay.

Mấy năm vừa qua, nhất là năm 2022, là một năm đầy sóng gió, có những diễn biến có thể nói mang tính thời đại, mang tính thế kỷ, chứ không chỉ nhất thời, đòi hỏi chúng ta đã kiên quyết rồi, phải kiên quyết hơn nữa, đã linh hoạt rồi phải linh hoạt hơn nữa. Chúng tôi thường nói đùa với nhau là người ta cứ nói Việt Nam hay đi trên dây, tức là hình ảnh như một nghệ sĩ xiếc đi trên dây, đi qua được tất cả những khó khăn, thách thức. Tôi vẫn nói đùa với anh em là chúng ta vẫn phải tiếp tục đi trên dây. Nhưng sợi dây đó bây giờ mỏng hơn rất nhiều, do đó, cơ động, linh hoạt, khôn khéo lại càng phải gấp nhiều lên. Khôn khéo không có nghĩa là thực dụng, không có nghĩa rằng mình dối trá. Mà khôn khéo là xuất phát từ lợi ích dân tộc của mình, xuất phát từ cục diện thế giới.

Chúng ta phải độc lập, tự chủ nhiều hơn nữa và khôn khéo hơn nữa, đa dạng hóa hơn nữa và luôn luôn duy trì và ủng hộ chủ nghĩa đa phương. Vì thế giới này cũng không ai chạy đi đâu được. Cuối cùng, họ vẫn phải ở trên trái đất thôi. Nếu mà cùng ở trên trái đất thì phải tìm cách sống với nhau. Vậy thì chúng ta tìm cách sống với nhau một cách hòa bình, hợp tác, cùng thắng chứ đừng cùng thất bại.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Tin mới