Nguyễn Thị Hồng Ngát và những trăn trở

(Baonghean.vn) - Bạn đọc yêu thi ca biết đến Nguyễn Thị Hồng Ngát trước hết là một nhà thơ trưởng thành trong giai đoạn Văn học chống Mỹ. Chị đã có 8 tập thơ trình làng, vào Hội Nhà văn từ những năm 80 của thế kỷ trước. Chị còn là người phụ nữ thành đạt trên lĩnh vực hoạt động điện ảnh. Từ biên kịch trở thành Giám đốc Hãng phim, rồi Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam. Hiện đã nghỉ hưu nhưng chị vẫn đảm đương chức vụ Phó tổng thư ký Thường trực Hội Điện ảnh, kiêm Giám đốc Hãng Hodafilm của Hội.


Hồng Ngát sinh năm 1950 (tuổi Canh Dần) ở Hưng Yên, nhưng chị là con dâu xứ Nghệ. Chồng chị - Tiến sỹ văn học Phan Hồng Giang- con trai thứ nhà phê bình văn học Hoài Thanh nổi tiếng dòng khoa bảng họ Nguyễn Đức ở Nghi Trung, Nghi Lộc. Chị nguyên là diễn viên chèo, từ nhỏ đã mê mẩn với các vai diễn Thị Kính, Thị Mầu, Súy Vân giả dại của đoàn chèo về biểu diễn ở đình làng. Năm 15 tuổi, một mình trốn nhà ra Hà Nội, nhảy tàu điện Bờ Hồ xuống khu Văn công Mai Dịch để thi tuyển diễn viên và chị đã đạt được ước mơ. Tốt nghiệp lớp trung cấp diễn viên sân khấu (nay là Trường đại học SKĐA Hà Nội), chị đầu quân về Đoàn chèo T.Ư (Nhà hát chèo Việt Nam).

Nguyễn Thị Hồng Ngát và những trăn trở ảnh 1


                                    Nguyễn Thị Hồng Ngát

Với những chuyến đi lưu diễn dài ngày vào Trường Sơn phục vụ chiến sỹ đã giúp chị có những bài thơ hay, dự thi trên báo Văn nghệ và đoạt giải. Cũng chính ở chiến trường, chị gặp được tình yêu đầu tiên với chàng trai Hà Nội. Hai người sống với nhau 8 năm, có 3 mặt con thì xảy ra chuyện... Anh đẹp trai, hào hoa, có vợ con rồi mà vẫn lắm cô mê. Chị thích thơ, nghệ thuật, còn anh chỉ biết có máy móc, kỹ thuật, thế là họ chia tay. Chị mang theo 3 con về nương nhờ bên ngoại, khó khăn không kể hết. Lúc này đã là "gái ba con" nên nghề diễn không còn phù hợp, nghe theo lời khuyên của Đạo diễn, NSND Trần Bảng, chị chuyển sang học viết kịch bản.


Năm 1981, chị được cử sang Liên Xô (cũ) học biên kịch sân khấu, nhưng trường bạn không có chuyên ngành ấy nên phải chuyển sang học biên kịch điện ảnh. Ngoài thời gian học tập, chị làm thêm đủ nghề để có tiền gửi về nuôi con, vừa quên những khổ đau, dằn vặt. Năm 1987, tốt nghiệp bằng loại ưu, về nước, chị được biên chế vào Hãng phim truyện Việt Nam, làm biên kịch. Một loạt kịch bản do chị sáng tác hồi ấy đã gây tiếng vang, như: "Một thời đã sống"; "Canh bạc"; "Dã tràng xe cát"...


Năm 1990, Hồng Ngát gặp được Phan Hồng Giang, người đàn ông chị vừa yêu, vừa nể phục. Anh đã biết chị từ năm chị ngoài 20 tuổi, nhưng 2 người đều đã có gia đình nên chỉ biết mà thôi. Năm chị 40 tuổi, anh đã đến và ghé vai gánh vác gia đình cùng chị, chăm lo cho 3 đứa trẻ chẳng khác gì con đẻ. Chị bắt đầu rảnh rang lo sự nghiệp mà mình đam mê. Hai năm làm Giám đốc Hãng, những kịch bản gai góc: "Bến không chồng"; "Đời cát"; "Của rơi"; "Vua bãi rác" mà các đời giám đốc trước đã vứt vào sọt rác, được đưa vào sản xuất.

Trong đó phim "Đời cát" của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đã đoạt giải Bông sen Vàng tại Liên hoan him (LHP) 13, tổ chức tại Tp.Vinh, Nghệ An. Năm 1996, phim "Canh bạc" ra đời gây ồn ào trên mạng một thời gian, đến LHP 12 ở Huế, phim "ẵm" giải thưởng Bông sen Bạc và giải Kịch bản xuất sắc nhất đã thuộc về chị.

Sau này, tuy bận rộn với công tác quản lý, nhưng chị vẫn dành thời gian cho sáng tác kịch bản và làm thơ, "Ký sự Điện Biên", "Nhật ký chiến trường" (phim truyền hình 4 tập), "Bỏ trốn" (phim truyện thiếu nhi) và gần đây nhất là "Nhìn ra biển cả" phim về đề tài Bác Hồ. Kịch bản của chị tuy "gai góc" nhưng giàu tính nhân văn sâu sắc, được nhiều đạo diễn nhận làm phim. Chị còn là "bà đỡ" mát tay cho các dự án phim "Đời cát", "Bến không chồng", "Đừng đốt", "Áo lụa Hà Đông" ra đời.


Nhìn lại đời mình, Hồng Ngát bảo: Chị được trời thương khi cho chị làm công việc mình yêu thích, lại cho chị gặp một người đàn ông đúng như ước muốn, sau chừng ấy giông bão?- "Tôi là người đam mê nhưng lại tiếc đời. Nếu đã biết sự lựa chọn của mình là sai, sao không dám tung hê để sắp xếp lại từ đầu"- chị nói.


Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, người bạn thân nhất của chị đã nhận xét: "Một Hồng Ngát nhẹ nhõm, vui tươi, biết gạt bỏ những gì chưa hài lòng để nhìn và sống lạc quan, "Canh bạc" đã là phim thành công của Ngát, như bây giờ không ai không thấy chị là người phụ nữ thành đạt, hạnh phúc.

Lê Lân

Tin mới