Nhật Bản theo chân Mỹ hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip bán dẫn sang Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Nhật Bản cuối cùng cũng đã theo chân Mỹ đưa ra các hạn chế đối với việc xuất khẩu 23 loại công nghệ sản xuất chip bán dẫn hàng đầu sang Trung Quốc.

Trong gần 6 tháng qua, Chính phủ Mỹ đã vận động các đồng minh của mình, bao gồm cả Nhật Bản để đưa ra các chính sách nhằm hạn chế việc chuyển giao các công nghệ tiên tiến liên quan đến việc sản xuất chip bán dẫn sang Trung Quốc.

Trước các nỗ lực của Mỹ, mới đây Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura đã đưa ra tuyên bố rằng, chính quyền Tokyo sẽ mở rộng các hạn chế đối với việc xuất khẩu 23 loại công nghệ sản xuất chip hàng đầu sang Trung Quốc.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mặc dù ông Nishimura tuyên bố động thái này không liên quan đến các nỗ lực vận động của Mỹ và không phải là lệnh cấm, nhưng rõ ràng hạn chế của Nhật Bản phù hợp với những nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Chính phủ Trung Quốc đối với các công nghệ sản xuất chip bán dẫn quan trọng.

Ông Yasutoshi Nishimura cho rằng, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu này áp dụng cho tất cả các khu vực và không nhằm mục tiêu vào một quốc gia nào. Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét liệu có bất kỳ nguy cơ chiếm dụng quân sự nào hay không. Các biện pháp hạn chế sẽ được lấy ý kiến ​​công khai trước khi thực hiện, dự kiến ​​vào tháng 7 tới.

Tuyên bố cũng lưu ý rằng, phán quyết được đưa ra có nghĩa là khoảng 10 công ty Nhật Bản, bao gồm cả nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip bán dẫn hàng đầu như Tokyo Electron Ltd, Screen Holdings và Nikon sẽ cần phải xin giấy phép để xuất khẩu một loạt thiết bị dự kiến ​​được sử dụng để biến silicon thành chip, bao gồm thiết bị làm sạch, lắng đọng, ủ, in thạch bản, quang khắc và thử nghiệm.

Hiện nay, Nhật Bản và Hà Lan là nơi đặt trụ sở chính của một số nhà sản xuất thiết bị sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới. Với sức mạnh của mình, Mỹ đã cố gắng tập hợp các đồng minh bởi vì các chuyên gia cho rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu do Mỹ thúc đẩy chỉ có thể bóp nghẹt hoàn toàn Trung Quốc một cách hiệu quả nếu các quốc gia khác trong chuỗi cung ứng cũng làm như vậy.

Thông báo này được đưa ra sau khi Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản đạt được thỏa thuận vào tháng 1 năm 2023. Trước động thái của Nhật Bản, vào ngày 9 tháng 3 vừa qua, Hà Lan đã tiết lộ chi tiết công khai đầu tiên về cách tiếp cận của mình, tức là ý định áp đặt các hạn chế xuất khẩu các công nghệ sản xuất bán dẫn tiên tiến nhất.

Trong vấn đề này, Nhật Bản vẫn thận trọng hơn bằng cách không nêu rõ Trung Quốc là mục tiêu hạn chế xuất khẩu của mình. Các quan chức Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết, các quốc gia được phân loại là đối tác thương mại được ưu đãi nhất của Nhật Bản sẽ có thể tiếp tục được nhập khẩu mà không cần giấy phép.

Thông tin từ tờ Bloomberg cho biết: “Những quốc gia có thể tiếp tục được nhập khẩu mà không cần giấy phép bao gồm Đài Loan và Singapore, những quốc gia tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu quan trọng. Các lô hàng thiết bị bị hạn chế đến Trung Quốc sẽ cần có sự chấp thuận của các quan chức kiểm soát xuất khẩu”.

Việc kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản sẽ ảnh hưởng đến nhiều loại thiết bị, bao gồm cả máy quang khắc có khả năng sản xuất các loại chip bán dẫn tiến trình 14 và 16 nanomet và các loại chip bán dẫn tiên tiến hơn.

Bộ trưởng Nishimura cho rằng, Nhật Bản sẽ tiếp tục xuất khẩu nếu hàng xuất khẩu của họ không được tái phân bổ cho mục đích quân sự. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu theo kế hoạch của Nhật Bản cũng bao gồm các công cụ để làm sạch tạp chất của các tấm silicon và máy in thạch bản.

Ngay cả đối với Hà Lan, quê hương của nhà cung cấp hàng đầu thế giới về thiết bị quang khắc cho ngành công nghiệp bán dẫn - ASML Holding NV thì kế hoạch hạn chế xuất khẩu một số thiết bị như máy in thạch bản không nhắm mục tiêu vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào. Các quy tắc do Hà Lan đưa ra dự kiến ​​sẽ được công bố trước mùa Hè tới, bổ sung thêm các hạn chế hiện có đối với các máy in thạch bản tiên tiến nhất, đây là các thiết bị đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các con chip tiên tiến nhất thế giới.

Mặt khác, Mỹ cũng đã cấm các nhà cung cấp thiết bị của Mỹ là Applied Materials Inc, Lam Research Corp và KLA Corp xuất khẩu một số công nghệ tiên tiến nhất của họ sang Trung Quốc. Đối với chính quyền Tổng thống Biden, Tokyo Electron Ltd của Nhật Bản và ASML Holding NV của Hà Lan là hai nhà cung cấp quan trọng khác mà Mỹ cần để ngăn chặn sự phát triển công nghệ bán dẫn của Trung Quốc.

Trước đó, vào tháng 10 năm 2022, Chính phủ Mỹ đã ban hành các quy định nghiêm ngặt liên quan đến xuất khẩu thiết bị sản xuất chip bán dẫn, trong đó yêu cầu các thiết bị và công nghệ cần thiết để sản xuất chip bán dẫn tiến trình từ 14 đến 16 nanomet trở xuống và các thiết bị dùng để sản xuất chất bán dẫn tiên tiến được sử dụng trong siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo phải được Bộ Thương mại Mỹ phê duyệt trước khi xuất khẩu đi các nước.

Bên cạnh việc hợp tác để hạn chế xuất khẩu chip bán dẫn cho Trung Quốc, Nhật Bản cũng là một phần trong đề xuất của Liên minh chip bán dẫn, bao gồm Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ. Các quốc gia trong liên minh đều vượt trội trong các phân khúc cụ thể của ngành công nghiệp bán dẫn. Đối với Mỹ, việc kết hợp sức mạnh của mỗi bên tham gia sẽ tạo ra chuỗi cung ứng bán dẫn hoàn chỉnh từ khâu thiết kế đến sản xuất.

Trước động thái mới của Nhật Bản, nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ áp đặt các biện pháp đối phó với Nhật Bản trong thời gian tới. Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì cho rằng, các hạn chế xuất khẩu của Mỹ đối với chất bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc là bất hợp pháp./.

Tin mới