Nhiều lo ngại khi mỏ đá xen giữa... 'tổ đại bàng'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Được xác định là trung tâm công nghiệp, cực tăng trưởng của tỉnh với 2 Khu công nghiệp (KCN) trọng điểm là KCN Hoàng Mai I và KCN Hoàng Mai II. Tuy nhiên, lo ngại khi có nhiều mỏ đá đang trong thời hạn khai thác nằm gần với khu đất các nhà máy sản xuất công nghệ cao.

Mỏ đá "quây" khu công nghiệp

Chính phủ vừa ký Quyết định số 1164/QĐ-TTG vào ngày 9/10/2023 chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án KCN Hoàng Mai II tại xã Quỳnh Vinh (TX.Hoàng Mai) cho Công ty Cổ phần Hoàng Thịnh Đạt. Trước đó, vào năm 2021 doanh nghiệp này cũng được chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án KCN Hoàng Mai I. Đây được xem là những bước tiến lớn trong việc thu hút đầu tư vào khu vực phía Bắc của tỉnh. Thực tế cũng đã có nhiều nhà đầu tư lớn đã được thu hút về xây dựng nhà máy tại đây.

Hiện tại, ngoài KCN Hoàng Mai II vừa có quyết định chấp thuận đầu tư, đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục để được cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án theo quy định của pháp luật, thì KCN Hoàng Mai I có diện tích 264,77ha đã hoàn thiện gần như toàn bộ phần kết cấu hạ tầng xây dựng, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn.

BNA_mỏ đá.png
Bản đồ vị trí một số mỏ đá bao quanh KCN Hoàng Mai I. Ảnh: Tiến Đông

Các dự án đầu tư tính đến thời điểm hiện tại ở KCN Hoàng Mai I chủ yếu là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó, nổi bật nhất là dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô giai đoạn 1 của Tập đoàn quốc tế Ju Teng, với diện tích 120ha, tổng vốn đầu tư 200 triệu USD; dự án Sản xuất gia công giày, dép xuất khẩu (diện tích 13,9ha, tổng vốn đầu tư 56 triệu USD).

Cả 2 tập đoàn này đều đến từ Đài Loan và đã được cấp chứng nhận đầu tư và bắt đầu xây dựng nhà máy từ tháng 9/2022. Ngoài ra vào tháng 6/2023 một công ty đến từ Thái Lan cũng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án sản xuất thanh Silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn (sử dụng trong cấu kiện pin năng lượng mặt trời), với tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu USD, trên diện tích 30ha. Những dự án lớn này đã góp phần gia tăng tỷ lệ lấp đầy của KCN Hoàng Mai I lên đến 82%.

Ngoài dự án nhà máy sản xuất gia công giày, dép xuất khẩu thì các nhà máy nói trên đều sản xuất công nghệ cao, có yêu cầu khắt khe về môi trường cũng như độ ổn định, bằng phẳng tuyệt đối về nhà xưởng, thiết bị trong quá trình hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, xung quanh KCN Hoàng Mai I, nơi các nhà máy này đứng chân đang có một số mỏ đá còn hoạt động, sử dụng phương pháp khai thác bằng cách nổ mìn, gây rung chấn mạnh và tạo ra nhiều bụi mịn. Điều này khiến cho chủ đầu tư xây dựng KCN Hoàng Mai I lo ngại.

BNA_Mỏ đá Hoàng Mai nằm gần KCN Hoàng Mai 1 đến năm 2025 mới hết hạn khai thác. Ảnh Tiến Đông .jpg
Mỏ đá Hoàng Mai nằm gần KCN Hoàng Mai I đến năm 2025 mới hết hạn khai thác. Ảnh: Tiến Đông

Cụ thể, tại mỏ đá Hoàng Mai của Công ty Cổ phần đá Hoàng Mai (nằm bên cạnh Quốc lộ 1A) có khoảng cách từ mỏ đến lô đất xây dựng nhà máy gia công giày, dép xuất khẩu chỉ là 0,64km và cách nhà máy linh kiện điện tử 1km. Theo tìm hiểu của chúng tôi mỏ đá này trước thuộc Xí nghiệp đá Hoàng Mai (đơn vị trực thuộc Liên hiệp đường sắt Việt Nam). Vào ngày 23/10/1995, Bộ Công nghiệp nặng đã cấp Giấy phép khai thác mỏ cho Xí nghiệp đá Hoàng Mai, diện tích khu vực khai thác là 7,5ha trong thời gian 30 năm (đến năm 2025). Do đang trong thời hạn cấp phép nên hiện tại mỏ đá này vẫn còn hoạt động, thường xuyên nổ mìn để khai thác.

Bên cạnh mỏ đá nói trên, còn có mỏ đá vôi Bắc Hoàng Mai A thuộc Công ty Xi măng Nghi Sơn. Mỏ đá này cách nhà máy gia công giày, dép xuất khẩu 3km và cách lô đất xây dựng nhà máy linh kiện điện tử 0,4km. Mỏ đá này có thời hạn khai thác từ 14/9/1996 đến 14/9/2026.

BNA_Mỏ đá Hoàng Mai.jpg
Phía sau lưng mỏ đá Hoàng Mai là đường Quốc lộ 1 và KCN Hoàng Mai I. Ảnh: Tiến Đông

Ngoài ra còn có một số ngọn núi đá vôi nằm trong khu vực mỏ đã được cấp phép cho Công ty Xi măng Nghi Sơn nhưng chưa khai thác đến. Trong đó có ngọn núi Mác Nác nằm giáp ranh với khu vực phía Nam của KCN Hoàng Mai I, cách lô đất xây dựng nhà máy gia công giày, dép xuất khẩu 2,7km, nhưng lại nằm gần kề với Trạm xử lý nước thải tập trung của KCN này. Nếu Công ty Xi măng Nghi Sơn đưa ngọn núi này vào khai thác thì các công trình của Tập đoàn Ju Teng; tuyến đường dây 110kV đang cấp điện cho Nhà máy tôn Hoa Sen và tuyến đường dây 500kV theo quy hoạch sẽ nằm trọn trong hành lang an toàn mỏ.

Theo đánh giá tác động khi khảo sát xây dựng KCN Hoàng Mai I của Công ty Cổ phần Hoàng Thịnh Đạt thì cao độ và kích thước tự nhiên của ngọn núi Mác Nác hiện đang giữ vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các tác động như rung chấn, bụi mịn từ việc khai thác mỏ ở khu vực phía Nam của ngọn núi này tới KCN Hoàng Mai I và khu vực lân cận.

BNA_Ngọn núi Mác Nác nằm bên cạnh khu xử lý nước thải của KCN Hoàng Mai I. Ảnh Tiến Đông.jpg
Ngọn núi Mác Nác nằm bên cạnh khu xử lý nước thải của KCN Hoàng Mai I. Ảnh: Tiến Đông

Nghiên cứu đưa ra giải pháp phù hợp

Một vị đại diện của Công ty Cổ phần Hoàng Thịnh Đạt cho biết: từ những lo ngại về vấn đề an toàn, môi trường, khi các mỏ đá nằm quá gần với khu vực nhà máy, phía đơn vị cũng đã kiến nghị xem xét, xử lý một số vấn đề liên quan. Trong đó, kiến nghị không xem xét gia hạn Giấy phép khai thác của mỏ đá Hoàng Mai khi hết thời hạn khai thác. Và tìm giải pháp để mỏ đá Hoàng Mai dừng khai thác trước ngày 31/10/2023, đảm bảo đủ điều kiện cho các dự án vào hoạt động. Đồng thời xem xét, đánh giá lại trữ lượng các khu vực đã khai thác để tính toán phần trữ lượng còn lại, để không đưa ngọn núi Mác Nác vào khai thác, làm ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy sản xuất trong KCN Hoàng Mai I trong tương lai.

BNA_mỏ.JPG
Mỏ đá Hoàng Mai nằm rất gần với đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 1 và cả nhà máy của Công ty Runergy. Ảnh: Tiến Đông

Liên quan đến mỏ đá Hoàng Mai của Công ty Cổ phần đá Hoàng Mai, theo tìm hiểu của chúng tôi, mỏ đá này đã từng bị kiến nghị dừng hoạt động do việc nổ mìn khiến đất đá văng ra đường sắt, đường Quốc lộ 1A rất nguy hiểm đến sự an toàn của người và phương tiện khi tham gia giao thông qua đoạn đường này. Thậm chí có nhiều thời điểm khi đơn vị này nổ mìn đã có công nhân ra đường Quốc lộ 1A chặn người và phương tiện qua lại gây ách tắc giao thông. Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hoàng Mai cũng đã từng xuống đơn vị này để kiểm tra, làm việc liên quan đến vấn đề môi trường và vấn đề dừng hoạt động trước khi nhà máy linh kiện điện tử đi vào hoạt động.

Ngày 26/7/2023 từ kiến nghị của Công ty Runergy, UBND tỉnh đã có văn bản số 6149/UBND-CN gửi các sở, ngành, địa phương liên quan. Trong đó, đối với mỏ đá vôi Hoàng Mai B của Công ty Cổ phần đá Hoàng Mai, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường không tiếp tục gia hạn (hoặc cấp phép hoạt động mới); chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan thống nhất việc dừng hoạt động khai thác đáp ứng yêu cầu tiến độ vận hành Dự án Runergy.

Đối với mỏ đá vôi Bắc Hoàng Mai A của Công ty Xi măng Nghi Sơn, giao Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình tham mưu gia hạn Giấy phép khai thác (nếu có), lưu ý ý kiến của UBND TX.Hoàng Mai về việc không đưa vào khai thác một số ngọn núi (trong đó có ngọn Mác Nác), nhằm đảm bảo cảnh quan, gắn với các di tích lịch sử.

Ngoài ra, UBND tỉnh còn giao cho Sở Công thương chủ trì, phối hợp với một số sở, ngành, địa phương, các chủ mỏ đá và nhà đầu tư KCN Hoàng Mai I thống nhất phương án, thời gian nổ mìn của các mỏ đá nhằm giảm thiểu rung chấn tới hoạt động của dự án.

BNA_mỏ đáhh.JPG
Đứng trên cao có thể thấy rõ nhà máy của Công ty Runergy phía sau mỏ đá Hoàng Mai. Ảnh: Tiến Đông

Theo đại diện phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hoàng Mai thì do mỏ đá này còn thời hạn khai thác đến năm 2025, hơn nữa trước đây do Bộ Công nghiệp nặng (tiền thân của Bộ Công thương), cấp nên cũng không thuộc thẩm quyền của thị xã.

Ông Phạm Văn Hào – Phó Chủ tịch UBND TX.Hoàng Mai cho biết: những kiến nghị của chủ đầu tư KCN Hoàng Mai I phía thị xã cũng đã nắm được. Tại một số buổi làm việc của lãnh đạo tỉnh với thị xã hay của thị xã với Ban quản lý KKT Đông Nam, phía chủ đầu tư cũng đã từng kiến nghị những vấn đề liên quan đến mỏ đá nằm gần với các nhà máy trong KCN. Tuy nhiên cho đến thời điểm này cũng chưa có một quyết định cuối cùng. Ông Hào cũng kiến nghị phải xác định độ rung chấn khi các mỏ đá nổ mìn để khai thác, từ đó có giải pháp xử lý cụ thể.

Có thể thấy rằng, hiện nay TX Hoàng Mai đã trở thành trọng điểm thu hút đầu tư của tỉnh với nhiều dự án đầu tư lớn. Việc có một số mỏ đá đang còn hạn khai thác nằm gần với khu vực xây dựng các nhà máy tại KCN Hoàng Mai I là có thật. Chính vì thế, đã đến lúc cần có giải pháp xử lý phù hợp, tránh để ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư tại khu vực này.

Tin mới