Nhiều thị trường xuất khẩu truyền thống của Nghệ An gặp khó khăn

Nhiều thị trường xuất khẩu truyền thống của Nghệ An gặp khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2023 dự ước đạt 1.086,8 triệu USD, giảm 2,11% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với nhiều khó khăn…

Số liệu từ Sở Công Thương cho thấy, 6 tháng, bên cạnh một số mặt hàng tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022, thì có nhiều mặt hàng có kim ngạch giảm so với cùng kỳ 2022.

Đó là, hàng dệt may giảm 11,6%, linh kiện điện tử giảm 22,3%, tôn thép các loại giảm 19,1%, dăm gỗ giảm 28,2%, sắn và sản phẩm từ sắn giảm 26,7%; xơ sợi dệt các loại giảm 68,5%; Nhóm nhựa thông, tùng hương giảm 28,6%, chè giảm 15%, đá ốp lát giảm 9%, bột đá vôi trắng siêu mịn giảm 19%,...

bna_công ty may Sangwoo.jpeg
6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may giảm 11,6%. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty may Sangwoo, KCN VSIP Nghệ An. Ảnh: Thu Huyền

Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã nỗ lực xuất khẩu sang 126 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Một số thị trường truyền thống của doanh nghiệp Nghệ An có kim ngạch giảm như: Trung Quốc giảm 11,14%, Hoa Kỳ giảm 1,5%, Đài Loan giảm 38,6%, Thụy Sỹ giảm 10,6%, Philippines giảm 21,44%, Bangladesh giảm 45,8%...

Nhìn chung kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn đều giảm. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 28,64 tỷ USD, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái giảm tới 21,6%.

Thị trường Trung Quốc đứng thứ hai với 15,49 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, xuất khẩu hàng hóa thị trường EU đạt 14,22 tỷ USD, giảm 10,6%; thị trường ASEAN giảm 3,6%; Hàn Quốc giảm 9,6%...

bna_chính.hàng đá trắng, hạt nhựa đóng container xuất qua cảng Cửa Lò. ảnh Thu Huyền.jpeg
Hàng hoá xuất qua cảng Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền

Đại diện Sở Công Thương cho biết: Thời gian qua, hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Một số thị trường truyền thống của doanh nghiệp Nghệ An gặp khó khăn như Trung Quốc mới mở cửa, chuỗi cung ứng chưa hồi phục, chính sách thắt chặt kiểm soát về hàng nông sản, thực phẩm. Hay thị trường Hoa Kỳ, do suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu dùng giảm. Đối với EU, do chính sách thắt chặt tiền tệ, lạm phát tăng, các tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe,…

Trong khi đó, việc thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại đã làm tăng sự cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Bởi đây cũng là thị trường có khả năng cung ứng hàng hóa lớn với các mặt hàng tương tự như hàng hóa của Việt Nam.

Ngoài sự thiếu vắng các đơn hàng, một trong những yếu tố làm giảm kim ngạch xuất khẩu trong thời gian qua là sự đi xuống của giá hàng hoá.

Số liệu ước tính cho thấy, giá xuất khẩu nhiều mặt hàng giảm ở mức hai con số trong 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái như: Chè (-11,9%), hạt tiêu (-34,9%), sắn các loại (-12%), sắt thép (-26,5%), xơ sợi dệt (- 26,5%),… Chỉ có một số ít mặt hàng có giá tăng như gạo (+5,8%), cà phê tăng (+2,4%), than đá (+38,5%)...

Tin mới