Nhọc nhằn nghề bán muối rong

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Đi khi tối đất, về khi tối trời, nghề bán muối rong xưa nay vẫn thế. Những đồng tiền kiếm được từ nghề “Ai muối không” thấm đẫm mồ hôi, mặn chát vị biển của sự vất vả, khó nhọc, nhiều khi còn có cả nước mắt.

Sau khi ăn sáng qua loa tại một quán cơm bình dân ở xã Mỹ Thành (Yên Thành), những người bán muối ở xã Diễn Vạn (Diễn Châu) nhanh chóng lên xe ngược Quốc lộ 7 tỏa về các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Anh Sơn…

Với 5 bì muối nặng gần 2 tạ rưỡi, chiếc xe máy cũ của anh Phan Văn Nghị (48 tuổi) dường như quá tải. Từ xã Hòa Sơn (Đô Lương) anh đi theo Quốc lộ 7B để đến Thanh Chương.

bna_1..JPG
Anh Phan Văn Nghị trên đường đi bán muối. Ảnh: Huy Thư

Theo anh Nghị, gia đình anh trước đây cũng làm nghề sản xuất muối kiêm nghề bán muối rao. Làm ra muối, nhưng chỉ bán cho lái buôn thì kiếm không được mấy, do đó bà con diêm dân quê anh phải mang muối lên các huyện xa biển để bán.

Ngày trước, cả hai vợ chồng anh cùng đi bán muối, sau đó vì bận chăm con, nên vợ nghỉ, còn anh vẫn theo nghề đến tận bây giờ. Tính đến nay, anh đã có hơn 30 năm trong nghề, từng chở muối đi bán khắp các huyện trong tỉnh và cả Hà Tĩnh, Thanh Hóa…

bna_3.JPG
Nghề bán muối rong phải chở nặng, vượt đường xa. Ảnh: Huy Thư

Anh Nghị cho hay, những năm làm ăn được, anh đã mua hàng chục tấn muối chở lên Thanh Chương tập kết ở nhà người quen, ở lại đó bán tầm 10 - 15 ngày khi hết muối lại về quê làm chuyến khác. Nay thời buổi khó khăn, chỉ dùng xe máy chở muối đi bán trong ngày, nếu bán được hết số muối mang theo chừng 200 - 250 kg mới có lời, còn bán không được phải mang về coi như lỗ.

Hàng ngày anh lên xe khi 4h - 5h sáng, chiều 7h - 8h mới về đến nhà. Gặp hên bán hết hàng sẽ kiếm được vài trăm nghìn đồng. Trung bình mỗi tháng anh đi bán được 20 ngày. Để chuyên chở được hàng tạ muối bằng xe máy cũ đi hàng trăm km, anh sắm 1 con xe vững với bộ giá đỡ thật chắc.

Trên chiếc xe bán muối của anh ngoài những bì muối đầy căng được buộc chặt bằng các dây thun, còn có máy “rao”, 1 chiếc cân, những tấm ni lông, 1 bình nhựa đựng xăng, 1 bình nước uống, 1 chiếc võng gai…

Theo anh Nghị tất cả những thứ đó đều rất quan trọng với người đi bán muối rong. Riêng chiếc võng được anh dùng để nằm nghỉ trưa. “Buổi trưa nắng nóng, người dân đóng cửa để ngủ mình muốn bán thêm cũng không được, đành phải mắc võng ngủ thôi, tiện đâu ngủ đó” - anh Nghị nói.

bna_2..JPG
Những vật dụng quen thuộc treo bên xe máy của nghề bán muối rong. Ảnh: Huy Thư

Xã Diễn Vạn quê anh trước đây là vựa muối của huyện Diễn Châu, mỗi xóm như Vạn Nam, Trung Hậu… có hàng trăm hộ sản xuất muối kiêm nghề bán muối rong. Nay phần lớn bà con diêm dân ở đây đã bỏ nghề làm muối, chỉ còn một số người theo nghề bán muối. Những đồng muối mênh mông một thời “nhộn nhịp nắng trưa” giờ chỉ còn trong ký ức.

Xóm Vạn Nam hiện có khoảng 40 người làm nghề bán muối rong. Họ chủ yếu là những người trung niên tuổi từ 40 - 50. Hàng ngày, bà con thường đến lấy muối ở các đại lý trong vùng rồi chở đi bán ở các huyện. Trong xóm có 2 đại lý muối của ông Phạm Văn Nhuần và bà Vũ Thị Hồng, họ thường thu mua muối ở các nơi về dự trữ và bán lại cho bà con địa phương. Giá muối bán ra ở các đại lý hiện khoảng 2.800 đồng/kg.

Thời điểm này, muối bà con mua ở các địa lý chủ yếu được sản xuất ở huyện Quỳnh Lưu. Khi trong tỉnh khan hàng thì muối các tỉnh Nam Trung Bộ sẽ được chuyển ra. Những lúc trong nước hiếm muối sẽ có muối mỏ của nước ngoài, như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ….

bna_6.jpg
Làm ra những hạt muối đã khó, chở đi bán được hàng còn khó hơn. Ảnh: Huy Thư

Xóm Trung Hậu hiện cũng chỉ còn khoảng vài chục người làm nghề bán muối rong. Họ cũng đến lấy muối từ các đại lý ở xóm Vạn Nam để đi bán. Bà Trần Thị Mai (58 tuổi) – một người bán muối trong xóm chia sẻ: Nhà bà hiện chỉ mỗi mình bà ở nhà (con trai, con dâu đang đi làm ở Đài Loan), nhưng hàng ngày, bà vẫn đóng cửa để đi bán muối.

Bà thường dậy sớm, tầm 3h sáng, bà đã dậy chuẩn bị cơm nước mang đi ăn trưa dọc đường và chở muối đi chợ Viện ở xã Đồng Thành (Yên Thành), khi tan chợ, mới đi bán rao.

Đi sớm về khuya, nên chiếc xe Dream cũ, bà đã gắn thêm 1 chiếc đèn led. Trong hành lý bán muối của bà còn có 2 chiếc đèn pin dự phòng. 15 năm nay, bà đã gắn bó thường xuyên với công việc này, dường như chỉ những ngày gia đình có giỗ chạp, bà mới nghỉ.

Theo bà Mai, xóm Trung Hậu có nhiều người phụ nữ làm nghề như bà. Dù nghề bán muối rong khá vất vả, khó nhọc, nhưng ai cũng phải chịu khó để mưu sinh.

Kỷ niệm mà bà Mai nhớ nhất trong những năm tháng làm nghề là một lần chở muối đi chợ bị hư xe giữa đường. “Trời đang đêm, phải đẩy xe muối đến nhà thợ sửa xe, đập cửa hồi lâu họ mới dậy sửa cho. Mặc dù bị mắng nhưng cũng cố mà nhịn để người ta giúp mình, mới đi chợ được” - bà Mai kể.

Theo những người trong nghề, bà con đi bán muối rong thường phải đi xa. Trung bình mỗi ngày họ phải vượt hàng trăm km cả đi lẫn về. Những ngày Hè nóng bỏng, rong ruổi trên các cung đường, nhiều người nắng cháy sém cả mặt.

Ngày trước phương tiện chuyên chở là những chiếc xe đạp cà tàng, nên phải còng lưng đẩy muối, phải rao khản cả cổ. Khi các hộ làm nghề mua được xe máy, sắm được máy phát nhạc để rao “Ai muối đê” thì hành trình bán muối đỡ vất vả hơn.

Phụ nữ thường đi bán muối về sớm hơn đàn ông. Nhiều khi không bán được họ có thể gửi lại hàng trong dân để về nhà. Đàn ông, con trai làm nghề thường đi xa hơn và quyết tâm “bán hết hàng mới ra về”, nhưng nhiều hôm mắc mưa vẫn ế. Một thời, bà con chủ yếu chở muối đi đổi lúa, nay người dân thường mua bằng tiền mặt nên đỡ phải “đi nặng nề, về nặng trịch”.

bna_4.JPG
Nghề bán muối rong nay phải đi xa mới bán được hàng. Ảnh: Huy Thư

Khó khăn, vất vả của nghề bán muối rong hiện nay không chỉ phải đi sớm về khuya, đi xa “huyện mô cũng qua, xã mô cũng đến”, hỏng xe, sự cố dọc đường, mà còn vấp phải sự cạnh tranh của những người bán muối sở tại. Ở quê thì họ khó mua được muối giá thấp trên ruộng, vì bà con diêm dân chỉ thích bán số lượng lớn cho các đại lý.

Sự phong phú các loại muối trên thị trường cũng làm cho muối thô của bà con ít người mua. Trước đây, “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, hay mỗi mùa làm tương, làm nhút đều chạy hàng thì nay quanh năm đều khó bán.

Ngoài ra, trên hành trình bán muối đường xa, bà con cũng gặp phải nhiều hiểm nguy rình rập, nhất là tai nạn giao thông. Hàng chục năm qua, nhiều người dân Diễn Vạn đã phải bỏ mạng trên đường bán muối.

Câu chuyện đau lòng gần đây nhất là tháng 12/2022, anh Phan Văn Chí (32 tuổi) ở xóm Vạn Nam trong quá trình đi bán muối ở xã Thanh Khê (Thanh Chương) đã rơi xuống hố sâu, xe muối đè lên người tử vong. Thu nhập của nghề bán muối rong thật sự có vị mặn của mồ hôi và nước mắt...

Tin mới