Những 'cây cao bóng cả' giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống ở miền Tây Nghệ An

(Baonghean.vn) - Được ví như những người “truyền lửa” thắp sáng những giá trị bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số, hiện những người cao tuổi ở miền Tây xứ Nghệ vẫn ngày đêm trao truyền những giá trị văn hoá của dân tộc mình với mong ước bảo tồn, gìn giữ cho muôn đời sau.

bna_bao ton van hoa thai (2).jpg
Có mặt tại một buổi sinh hoạt của Câu lạc Bảo tồn văn hóa dân tộc Thái xã Châu Hạnh (Quỳ Châu) ở bản Đồng Minh, đã thấy không khí đông vui nhưng cũng rất nghiêm túc của một lớp học. Các nghệ nhân và người cao tuổi trong bản, trong xã đã có mặt từ rất sớm để chuẩn bị nước nôi, giáo cụ cho buổi sinh hoạt. Ảnh: Đình Tuyên
bna_ trao truyền văn hoá (13).jpg
Nghệ nhân Ưu tú Quang Thị Dũng – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Thái xã Châu Hạnh cho hay: “ Các giá trị văn hoá của dân tộc Thái là vốn quý, được gìn giữ và lưu truyền từ ngàn đời nay. Chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm phải trao truyền lại cho các thế hệ sau. Các nghệ nhân cố gắng truyền đạt một cách hấp dẫn, dễ hiểu nhất để các cháu dễ tiếp thu, cảm nhận cái hay, cái đẹp các giá trị văn hoá dân tộc mình, để rồi từ đó thêm yêu, thêm quý. Ảnh: Đình Tuyên
bna_ trao truyền văn hoá (20).jpg
Các nghệ nhân đã lần lượt trình bày, giới thiệu về các giá trị văn hoá Thái, từ cách thổi sáo, khèn bè, cho đến cách đội khăn piêu, cách viết chữ Thái cổ, cách đánh cồng chiêng và cách hát các điệu suối, khắp, lăm, nhuôn… Ảnh: Đình Tuyên
bna_tho cam lang xieng (3).JPG
Trong văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, thổ cẩm là một nét văn hóa đặc trưng có từ lâu đời, những sản phẩm thổ cẩm truyền thống được dệt thủ công không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống, trong các nghi lễ dân gian, mà còn mang hồn cốt văn hóa dân tộc. Dù trước sự biến động của thời gian, đời sống người dân dần phát triển khiến cho văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng bị mai một nhưng các bà, các mẹ ngày đêm âm thầm trao truyền lại những nét đẹp văn hoá cho thế hệ sau. Ảnh: Đình Tuyên
bna_kỳ sơn (11).JPG
Còn đối với người Mông, khèn là một nhạc cụ không thể thiếu và là một phần quan trọng tạo nên nét văn hóa đặc sắc của đồng bào. Khèn có mặt hầu hết trong mọi mặt đời sống sinh hoạt, văn hóa và tâm linh. Ảnh: Đình Tuyên
bna_kỳ sơn (14).JPG
Là người con của dân tộc Mông bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn, huyện rẻo cao Kỳ Sơn, ngay từ khi còn nhỏ, nghệ nhân Vừ Lầu Phổng (trái) thường được nghe cha mình thổi những điệu khèn Mông. Có lẽ vì thế mà tình yêu âm nhạc cứ lớn dần trong ông theo năm tháng. Để đến nay, nghệ nhân Vừ Lầu Phổng đang là người tích cực góp phần bảo tồn nhạc cụ truyền thống dân tộc Mông ở huyện mình. Ảnh: Đình Tuyên
bna_dan toc tho.JPG
Với đồng bào dân tộc Thổ, những làn điệu dân ca, dân vũ và nhiều bài hát đồng dao vẫn được các bà, các mẹ hàng ngày say sưa tập luyện và lưu truyền cho đến ngày nay như hát Dạ ời, Hát ru em “Tún ta Tún”, bài hát "Đu đu điềng điềng", hát giao duyên, hát đối đáp... Hàng năm, những làn điệu dân ca độc đáo, mang đậm dấu ấn đặc trưng này vẫn được ngân lên trong cuộc vui hay ngày tết, ngày hội. Ảnh: Đình Tuyên
bna_dan tộc thổ.JPG
Ngoài những bài hát, điệu múa, tập tục được các nghệ nhân sưu tầm, lưu giữ thì mới đây người dân đồng bào dân tộc Thổ ở xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp) còn sưu tầm những vật dụng và phục dựng nhà sàn cổ của người Thổ trong khuôn viên nhà văn hóa cộng đồng xóm Mo Mới. Công trình này sẽ góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống của ông cha đến thế hệ sau... Ảnh: Đình Tuyên

Tin mới