Những cuộc chiến 'vô tiền khoáng hậu'

(Baonghean) - Tuần qua có vẻ là một tuần “kì cục” với nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới khi phải đối diện với nhiều vấn đề… lạ lùng: Tổng thống Pháp đau đầu vì rác thải nhấn chìm các thành phố mùa Euro, cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ chuyển sang mặt trận khẩu chiến trên Internet…

Paris trở thành bãi rác mùa Euro. Ảnh: Reuters.
Paris trở thành bãi rác mùa Euro. Ảnh: Reuters.

Pháp đối diện muôn vàn khó khăn mùa Euro

Euro 2016 đã chính thức khai mạc hôm 10/6 và trận bóng mở màn của chủ nhà Pháp gặp Romania đã không dễ dàng như nhiều người dự đoán. Không riêng gì đội tuyển Pháp, cả đất nước này đang chật vật với những khó khăn xung quanh Euro 2016.

Nguy cơ khủng bố nổi lên như thách thức hàng đầu đối với an ninh quốc gia cũng như an toàn cho các trận đấu và cổ động viên nước ngoài. Ngày 8/6, Pháp chính thức phát hành ứng dụng trên điện thoại di động giúp cảnh báo khủng bố. Người dùng cài đặt ứng dụng sẽ nhận được các tin cảnh báo trong trường hợp xảy ra các vụ tấn công hoặc thiên tai. Ứng dụng mang tên Saip được phát triển từ sau vụ khủng bố cuối năm 2015 tại Paris khiến 150 người thiệt mạng. Ngoài việc gửi tin nhắn cảnh báo, ứng dụng này còn tự động cài đặt điện thoại ở chế độ im lặng để người sử dụng không bị nguy hiểm khi ở gần bọn khủng bố. Các thông tin về hoạt động và hướng dẫn của cảnh sát sẽ được gửi đến người dùng sau đó. Thậm chí ứng dụng này còn kết nối với các mạng xã hội để lan toả thông điệp cảnh báo.

Một số biện pháp an ninh khác cũng được chính phủ Pháp triển khai - dù không được lòng giới hâm mộ bóng đá cho lắm. Đó là lệnh cấm tụ tập xem bóng đá trên tầng thượng hay các quán bar vì lý do an ninh không đảm bảo. Rõ ràng điều này sẽ đi ngược lại thói quen của các fan hâm mộ bóng đá - vốn ưa thích không khí náo nhiệt tại các điểm đông người. Dù vậy, tất cả đều hiểu rằng đó sẽ là gánh nặng không tưởng đối với lực lượng cảnh sát Pháp - vốn đã được huy động đến mức tối đa trong suốt mùa Euro 2016.

Bên cạnh mối lo khủng bố, đình công cũng là vấn đề đang khiến chính phủ Pháp đau đầu khi mà thời gian này trong năm cũng là thời điểm “yêu thích” của công đoàn Pháp. Ngày 9/6, chỉ một ngày trước lễ khai mạc Euro 2016, một cuộc đình công đã diễn ra, bao vây đường đến Rungis, chợ thực phẩm lớn nhất châu Âu. Trên thực tế, cuộc đình công lớn bắt đầu từ ngày 1/6 với việc các công nhân thu gom rác ngừng làm việc tại các thành phố lớn, trong đó có thủ đô Paris. So với các cuộc đình công phổ biến ở Pháp - thường liên quan đến lực lượng lao động trong ngành vận tải - việc “nhấn chìm” các thành phố trong rác thải có vẻ đáng lo ngại hơn nhiều. Nhất là trong thời điểm mà du khách từ nhiều nơi trên thế giới đổ về Pháp vì Euro 2016. Đài Châu Âu 1 thậm chí còn chất vấn Bộ trưởng Giao thông Pháp Alain Vidalies về việc hình ảnh rác thải thối rữa bị phát sóng trên toàn thế giới có thể ảnh hưởng đến việc tranh cử giành quyền đăng cai tổ chức Thế vận hội 2024. Trong khi ông này tỏ thái độ lạc quan thì Tổng thống Pháp Francois Hollande đã phải “xuống nước” thỉnh cầu công đoàn hạn chế các hoạt động đình công ảnh hưởng đến dịch vụ công cộng trong mùa cao điểm phục vụ Euro.

Tổng thống Obama phát đi thông điệp ủng hộ bà Clinton: “Tôi muốn bạn là người đầu tiên biết rằng tôi ủng hộ bà ấy”. Ảnh: Internet.
Tổng thống Obama phát đi thông điệp ủng hộ bà Clinton: “Tôi muốn bạn là người đầu tiên biết rằng tôi ủng hộ bà ấy”. Ảnh: Internet.

Clinton - Trump: Cuộc chiến vô tiền khoáng hậu

Ngày 9/6, đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức bày tỏ sự ủng hộ với ứng viên chính thức của đảng Dân chủ tranh cử Tổng thống Hillary Clinton thông qua một đoạn video. Trong đó, ông dành cho cựu Ngoại trưởng Mỹ nhiều lời khen có cánh và khẳng định sự ủng hộ, tin tưởng tuyệt đối vào khả năng của bà trên cương vị chủ nhân Nhà Trắng.

Một ngày sau đó, ứng viên đảng Cộng hoà Donald Trump đăng tải dòng trạng thái đầy khiêu khích trên trang Twitter của mình: “Obama vừa liên minh với Hillary-kẻ-không-trung-thực. Ông ta muốn có thêm 4 năm nữa, nhưng chẳng ai muốn điều đó!”. “Hillary-kẻ-không-trung-thực” là biệt danh mà nhà tài phiệt đặt cho cựu Ngoại trưởng Mỹ. Đây cũng là “phương pháp” công kích đối thủ yêu thích của Trump. Trong cuộc cạnh tranh giành ngôi ứng viên đại diện đảng Cộng hoà, ông từng gọi Ted Cruz là “kẻ dối trá” và Marco Rubio là “tên lùn”. Donald Trump cũng được mệnh danh là “ông vua gây chiến trên Twitter”.

Tuy nhiên, lần này thì Hillary Clinton đã quyết định phản pháo lại “vai bằng vai, đầu bằng đầu” khi chỉ ít phút sau khi Trump đăng tải dòng trạng thái trên, trên trang Twitter của bà cũng xuất hiện dòng trạng thái nhắm thẳng đến nhà tài phiệt: “Hãy xoá tài khoản của mình đi”. Việc thiếu vắng đi chữ H. - được xem như chữ ký cá nhân trên Twitter của bà Clinton cho thấy đây có thể là thông điệp của đội ngũ cố vấn tranh cử - được quyền quản lý và sử dụng tài khoản Twitter của bà. Dù vậy thì lời đáp trả này vẫn nhận được hơn 320.000 lượt chia sẻ và 380.000 lượt thích của cư dân Twitter. Đây là lần đầu tiên ứng viên đảng Dân chủ thể hiện thái độ căng thẳng như vậy với Trump trên mạng Internet và được cư dân mạng ngầm hiểu là cuộc chiến chính thức giữa 2 ứng viên đến chiếc ghế Tổng thống bây giờ mới thực sự bắt đầu. Và trong cuộc chiến đó, nữ ứng viên của đảng Dân chủ sẽ không khoan nhượng, sẵn sàng đáp trả mọi “ngón đòn” mà nhà tài phiệt lắm chiêu tung ra.

Clinton - Trump: Cuộc chiến không khoan nhượng. Ảnh: DR.
Clinton - Trump: Cuộc chiến không khoan nhượng. Ảnh: DR.

Có vẻ cuộc khẩu chiến đầu tiên trên Twitter đã có phần thắng nghiêng về phía bà Clinton khi mà dòng trạng thái đáp trả của Trump chỉ nhận được lượng chia sẻ và thích bằng một nửa của bà Clinton: “823 người trong đội của bà mất bao nhiêu thời gian để nghĩ ra câu đó vậy? Và 33.000 cái email mà bà đã xoá nằm ở xó nào rồi?”. Thủ thuật này không hề mới mẻ: năm 2012, khi ông Obama vận động tái tranh cử Tổng thống, Trump từng cáo buộc ông Obama nói dối về nơi sinh, đe doạ tư cách tranh cử của đương kim Tổng thống.

Xuất hiện trên chương trình “Show tối nay” hôm 9/6, ông Obama nhắn gửi đến Trump rằng trở thành Tổng thống Mỹ không phải là một show truyền hình thực tế. Còn Elan Gale - nhà sản xuất các chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng ở Mỹ - nhận xét: “Một điều chắc chắn: Đây là cuộc vận động tranh cử kỳ cục nhất mọi thời đại”.

Thục Anh

(Theo Le monde)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới