Những hạn chế cần khắc phục

(Baonghean) - Sau hơn 5 năm thực hiện Hướng dẫn số 10-HD/BTCTƯ ngày 10/10/2007 của Ban Tổ chức Trung ương và Công văn số 610-CV/BTCTU ngày 22/10/2007 của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Nghệ An về việc “Thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn”, vừa qua, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tổ chức hội thảo nhằm xác định những hạn chế, khuyết điểm của mô hình này để có hướng khắc phục hiệu quả.

Trước khi có chủ trương về việc thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là chi bộ cơ quan cấp xã), ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có mô hình chi bộ này. Tại Đảng bộ Thành phố Vinh, trước năm 2007 đã có 8/20 chi bộ cơ quan xã, phường được thành lập và hoạt động ổn định, hiệu quả; một số chi bộ thành lập từ năm 1994, 1995 như chi bộ cơ quan phường Lê Mao, Lê Lợi...

Thành lập chi bộ cơ quan cấp xã phù hợp với nhu cầu trước mắt về quản lý cán bộ, đảng viên, phân công nhiệm vụ cho đảng viên sát đúng với yêu cầu trong tình hình mới; góp phần tăng cường vai trò, trách nhiệm, đổi mới phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về thực hiện chế độ sinh hoạt, công tác phát triển đảng đối với cán bộ, công chức cấp xã không phải là người địa phương. Đảng viên chi bộ cơ quan cấp xã nhìn chung có trình độ nhận thức khá cao, phần lớn được đào tạo cơ bản và đều làm việc tập trung tại trụ sở, có nhiều đảng viên là ủy viên BCH, BTV đảng ủy nên thuận lợi trong quá trình hoạt động của chi bộ. Sau khi được thành lập, nhiều chi bộ đã thực hiện tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành, qua đó phát huy được trí tuệ, nâng cao vai trò trách nhiệm, tích cực, chủ động hơn trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cơ sở. 
Làm giao thông nội đồng ở xã Hưng Hòa (Thành phố Vinh). 	Ảnh: Khánh Ly
Làm giao thông nội đồng ở xã Hưng Hòa (Thành phố Vinh). Ảnh: Khánh Ly
Bên cạnh những ưu điểm nêu trên thì việc thành lập chi bộ cơ quan cấp xã còn có những tồn tại, hạn chế cơ bản, đó là:
- Một số cấp ủy do chưa nghiên cứu kỹ, thực hiện chưa đúng tinh thần Hướng dẫn số 10-HD/BTCTƯ và tình hình thực tế tổ chức đảng ở địa phương, nên đã tập trung tất cả cán bộ, công chức, kể cả cán bộ không chuyên trách sinh hoạt ở chi bộ cơ quan cấp xã, trong khi đó ở chi bộ khối, xóm, bản phần đông là đảng viên già yếu, có nơi số lượng đảng viên ít, làm giảm sức trẻ và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ khối, xóm, bản.
- Một số nơi còn lúng túng trong việc xác định chức năng, nhiệm vụ, đối tượng lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ cơ quan cấp xã (chi bộ không có các tổ chức đoàn thể tương ứng để lãnh đạo, chỉ đạo), do vậy việc xây dựng quy chế làm việc có nơi chưa phù hợp với thực tiễn cơ sở, nhiều quy chế có nội dung tương tự như quy chế hoạt động của đảng uỷ. 
- Do trong cơ quan cấp xã bao gồm cán bộ, công chức ở trong nhiều tổ chức của hệ thống chính trị cơ sở nên việc xây dựng nhiệm vụ, kế hoạch và triển khai chỉ đạo thực hiện nghị quyết ở một số chi bộ còn chung chung, thiếu cụ thể, có khi còn lẫn lộn với nhiệm vụ của đảng ủy. Nội dung sinh hoạt của chi bộ cơ quan cấp xã còn nghèo nàn, nặng về đánh giá công tác chuyên môn; có lúc, có nơi nội dung sinh hoạt chi bộ trùng với nội dung họp của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cấp xã.
- Việc xây dựng, triển khai thực hiện nghị quyết ở một số chi bộ còn chung chung, chưa sát với yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan cấp xã, phân công nhiệm vụ cho đảng viên chưa rõ ràng; một số cấp ủy viên, đảng viên trong chi bộ không thực hiện nghiêm túc chế độ tham dự sinh hoạt với các chi bộ khối, xóm, bản.
- Đảng viên là công chức xã khi tham gia sinh hoạt chi bộ nơi cư trú phần lớn hàng năm đều được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng sau khi tham gia sinh hoạt chi bộ cơ quan cấp xã, mặc dù được tập thể ghi nhận nhưng chỉ được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ do phải thực hiện xếp loại theo tỷ lệ quy định (tối đa không quá 15% số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ) nên phần nào làm ảnh hưởng đến tư tưởng của cán bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Thực tiễn trong quá trình thực hiện, toàn tỉnh có 7 đơn vị thành lập được 100% số chi bộ cơ quan cấp xã, đến nay đang duy trì hoạt động gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Đô Lương, TX Cửa Lò, TX Thái Hòa, Quỳ Châu; có 96 chi bộ phải giải thể do hoạt động không hiệu quả (Tân Kỳ 22/22, Nam Đàn: 16/16, Nghi Lộc 24/24, Quỳnh Lưu: 26/38, ...). Đến nay còn 143 chi bộ cơ quan cấp xã với 3.047 đảng viên. 
Sau hơn 5 năm thực hiện, vừa qua, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã chủ trì tổ chức hội thảo về việc thành lập, hoạt động của chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn, hội nghị đã cơ bản xác định các ưu điểm, khuyết điểm như trên và thống nhất giải pháp tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Tổ chức Trung ương để có sự chỉ đạo trong thời gian tới đối với chi bộ cơ quan cấp xã theo hướng: Tiếp tục ổn định tại các phường; giải thể tại các xã, thị trấn (tùy điều kiện cụ thể để Ban Thường vụ các huyện, thành, thị ủy quyết định). 
Ngô Đình Viện (Ban Tổ chức Tỉnh ủy)

Tin mới