Những người gieo chữ ở Pu Lon

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Trên đỉnh núi Pu Lon cao gần 2.000 mét so với mực nước biển, những người giáo viên cắm bản vẫn ngày đêm âm thầm gieo chữ cho đám trò nhỏ. Hàng chục năm bám bản, những gì họ nhận lại được chính là tình yêu của bản làng, sự kính trọng, biết ơn của bà con người Mông nơi đây.

Một ngày mùa Thu, chúng tôi theo chân các giáo viên cắm bản của trường Tây Sơn vào với bản Đống (bao gồm Đống Trên và Đống Dưới) của xã Tây Sơn (Kỳ Sơn). Kỳ thực mà nói, dù đã kinh qua nhiều con đường ở miền Tây xứ Nghệ, nhưng có lẽ con đường dài 15 km này là con đường để lại nỗi khiếp đảm nhất đối với tôi. Đường đất nhỏ dốc đứng và trơn trượt. Xe luôn “cày” số 1 nhưng vẫn ì ạch nhích từng tí. Có những quãng quá nản lòng tôi định quay về nhưng nhìn các thầy, cô giáo miệt mài vừa dắt, vừa đẩy xe tôi lại bấm bụng hạ quyết tâm lên cho bằng được cái bản làng người Mông cao ngất nằm trên dãy Pu Lon kia.

bna _ 1.jpeg
Một góc bản Đống Trên (xã Tây Sơn). Ảnh: Đào Thọ

Tới nơi, vừa thả xe xuống, rửa vội tay chân, cô giáo Xồng Y Ia (SN 1995) liền chạy ra cổng để đón từng học sinh vào lớp. Lớp học mầm non của cô ở bản Đống Dưới này chỉ có 1 lớp với 18 học sinh. Thấy cô giáo, đám trò nhỏ liền chạy tới nắm lấy tay cô như người thân lâu ngày chưa gặp. Cô giáo Y Ia bảo rằng, học sinh ở đây cũng rất đáng thương, tuổi còn nhỏ nhưng nhiều cháu phải ở với ông bà, còn bố mẹ đi làm công ty kiếm sống. “Cuộc sống vất vả nên các cháu cũng phải chịu lây. Nhiều khi nhìn học sinh em lại nghĩ đến các con em ở nhà, bố mẹ đi làm cũng phải gửi ông bà cả tuần” – cô Xồng Y Ia thở dài.

bna _ 2.jpeg
Cô giáo Xồng Y Ia đón học sinh vào lớp. Ảnh: Đào Thọ

Khi chúng tôi gặng hỏi, Xồng Y Ia mới tâm sự: Cô có 2 đứa con, một đứa 7 tuổi, một đứa 3 tuổi nhưng vì chồng cũng đi làm xa nên đành phải nhờ cả vào ông bà nội ở bản Sơn Hà (xã Tà Cạ). Dù ở đây cách nhà chỉ 15 km nhưng đường núi dốc đứng đi về khó khăn nên cuối tuần được nghỉ cô mới có thể về nhà thăm con. Những lúc trời nắng ráo thì đi lên hoặc đi xuống chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ, còn trời mưa thì cứ xác định ít nhất 3 tiếng. Ở đây điện lưới chưa có, sóng điện thoại lúc được, lúc mất nên nhớ con lắm mà đành chịu không gọi cho con được.

Cứ chiều tối thứ Sáu sau khi học sinh đã về hết cô Xồng Y Ia lại chạy về với con. Chiều Chủ nhật, cô đi chợ sắm sửa gạo, mắm muối và ít thực phẩm khác đủ dùng cho 1 tuần rồi "cưỡi " xe máy cà tàng lên bản. “Một thân một mình nơi này nhiều lúc cũng thấy sợ nhưng quen rồi anh ạ. Những năm trước em cắm bản ở Lữ Thành, Vàng Lữ đường cũng khó khăn nhưng có người ở cùng nên cũng đỡ, bây giờ thì học sinh chỉ có 1 lớp nên chỉ một mình thế này thôi. Cách điểm trường của bản Đống Dưới chừng 2 km là bản Đống Trên, em gái chồng em cũng vừa ra trường đang dạy nơi đó. Hai chị em ở gần nhau nên những lúc tối trời đôi khi em phải rủ nó xuống cùng ăn ngủ cho bớt sợ. Được cái, bà con dân bản ở đây quan tâm giáo viên nên những lúc thấy cô thiếu thức ăn liền mang rau, củ, quả đến để chia sẻ” – cô Y Ia hạnh phúc nói.

bna _ 3.jpeg
Công tác dạy học ở bản Đống còn gặp nhiều khó khăn do không có điện lưới và mạng internet. Ảnh: Đào Thọ

Nằm đối diện với điểm trường mầm non là điểm trường của Trường PTDTBT Tây Sơn. Toàn điểm trường có 20 học sinh lớp 1, lớp 2 với 3 thầy giáo. Người có “thâm niên” ở đây lâu nhất là thầy giáo Hạ Bá Tếnh (SN 1982) với 18 năm bám bản. Thầy Tếnh bảo rằng, ngày xưa ra trường lên bản Đống dạy học thực sự là một thử thách lớn. Không có đường, chỉ có lối mòn nhỏ trong rừng để đi lại. Nhà thầy cũng ở bản Sơn Hà (xã Tà Cạ) nhưng lên được bản Đống ngày ấy phải đi bộ mất cả một buổi trời. Bây giờ tuy đường đã có nhưng cũng chẳng hơn được là bao, trời mưa vừa đi vừa đẩy xe cũng gần bằng chừng ấy thời gian. “Ba giáo viên nam chúng tôi, thêm cả cô giáo mầm non Xồng Y Ia nữa lúc nào cũng phải hẹn nhau để cùng đi. Có chuyện gì còn giúp nhau đẩy xe lên dốc nữa. Vất vả nhất là những lúc nhà trường có cuộc họp hay sự kiện gì, gọi cho chúng tôi thì ở điểm mất sóng không liên lạc được. Lúc gọi được thì đã gần thời gian họp rồi nên không thể về kịp” – thầy Hạ Bá Tếnh ngậm ngùi.

bna _ 4.jpeg
Ngoài những giờ dạy học, cô Xồng Y Ia còn tranh thủ làm vườn rau để cải thiện đời sống. Ảnh: Đào Thọ

Trong căn phòng nhỏ chừng 15 mét vuông là nơi nghỉ ngơi và làm việc của 3 thầy giáo. Còn căn bếp nhỏ được thưng bằng ván đơn sơ chứa đựng nồi niêu, xoong chảo là nơi các thầy dùng để nấu ăn. Thầy Mùa Bá Vừ bảo rằng, mỗi tuần được về nhà họ đều phân công nhau chở từng thùng mì tôm, từng quả trứng lên để dùng cho cả tuần. “Thiếu thốn nhất ở đây vẫn là điện và mạng internet. Bây giờ dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới mà các thầy đều phải dạy học “chay” thế này cũng vất vả lắm” – thầy Mùa Bá Vừ tâm sự.

bna _ 5.jpeg
Thầy giáo Hạ Bá Tếnh tỉ mỉ hướng dẫn cho từng học sinh lớp 1. Ảnh: Đào Thọ

Tuy nhiên, theo những giáo viên cắm bản lâu năm ở đây thì thời gian họ bám bản chưa là gì so với vợ chồng thầy Nguyễn Hồ Quang và cô Võ Thị Minh Bình. Năm trước, vợ chồng thầy Quang đã được chuyển về cơ sở chính để dạy học nhưng câu chuyện về thầy vẫn còn được bà con dân bản khắc ghi.

bna _ 6.jpeg
Căn bếp nhỏ nơi các thầy giáo quây quần sau mỗi buổi dạy học. Ảnh: Đào Thọ

Thầy Nguyễn Hồ Quang quê ở xã Yên Khê (Con Cuông), còn cô Võ Thị Minh Bình quê ở Cát Văn (Thanh Chương). Tốt nghiệp ngành Sư phạm, thầy Quang và cô Bình cùng xin lên công tác tại đây. Qua những năm tháng miệt mài ở bản, vợ chồng thầy Quang có thể nói tiếng Mông như một người Mông thực thụ. Thầy còn là cầu nối cho những người ở xuôi lên công tác hay buôn bán với bà con người Mông. Các loại chim trên trời, con thú trong rừng sâu hay cái cây, bông hoa... đều được thầy nói bằng tiếng Mông với người dân bản địa.

bna _ 8.jpeg
Niềm hạnh phúc lớn nhất của giáo viên ở đây là những đóa hoa rừng được học sinh mang đến lớp tặng nhân ngày lễ 20/11. Ảnh: Đào Thọ

Nói về chuyện này, ông Hạ Bá Lồng ở bản Đống Trên còn kể lại rằng: Bà con dân bản thấy vợ chồng thầy Quang cắm bản lâu năm, lại xin chuyển hộ khẩu lên đây ở luôn với bà con nên họ rất quý. Thầy thông thạo tiếng nói, chữ viết và cả phong tục, tập quán của người Mông nữa nên mọi người mới xin ý kiến già làng tổ chức một buổi lễ đặt tên cho thầy. Đây là một chuyện chưa từng có tiền lệ ở bản Đống. Tất nhiên, già làng cũng đồng ý vì thương thầy cống hiến cho bản làng mình đã lâu. Vậy là dân bản mỗi người góp ít tiền mua con lợn về giết thịt để làm lễ xin cho thầy Quang được nhập họ và đổi sang tên người Mông. Sau buổi lễ, mọi người đều gọi thầy là Hạ Chồng Của.

Chúng tôi chia tay những giáo viên cắm bản trên đỉnh Pu Lon. Mây mù bắt đầu kéo đến khiến cái lạnh như thấm vào da thịt. Nhưng nhìn những đóa hoa rừng trong tay các em học sinh mang đến để tặng giáo viên mình nhân ngày lễ 20/11 chúng tôi lại thấy lòng ấm áp biết bao. Cuộc sống vật chất còn thiếu thốn, gian khổ nhưng trong ánh mắt mỗi người vẫn sáng lên một niềm hạnh phúc lớn lao. Đó chính là niềm hy vọng và khát khao đem con chữ đến với những bản làng xa xôi hẻo lánh của người giáo viên cắm bản nơi đại ngàn xứ Nghệ.

Tin mới