Những người 'vá' hạnh phúc ở làng biển xứ Nghệ

(Baonghean.vn) - Mùa mưa bão về, những người vợ có chồng gặp nạn trên biển càng thêm bùi ngùi trong cảnh lẻ loi, đơn chiếc. Nhưng đã lấy chồng làng biển nghĩa là những người phụ nữ ấy chấp nhận gánh chịu nỗi bất hạnh và gồng mình lên để vượt qua sóng gió cuộc đời.

Một mình nuôi 6 con vào đại học

Chúng tôi về xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu), một vùng quê ven biển, phần lớn cư dân có nguồn thu nhập từ biển. Biển cho con người bao kế sinh nhai và cũng lấy đi bao nhiêu thứ, trong đó có những chàng ngư phủ lực lưỡng, để lại những người vợ trẻ cùng đàn con thơ. Nhưng sinh ra và lớn lên ở làng biển, vốn quen với sóng gió, những người phụ nữ làng biển sẵn có sức mạnh và bản lĩnh để vượt qua sóng gió. Chị Trần Thị Chậm (SN 1972) ở thôn Đại Hải là một người như thế.

Ảnh: Công Kiên
Một góc làng biển thuộc xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu). Ảnh: Công Kiên

Trong ngôi nhà nhỏ khang trang, chị Trần Thị Chậm hướng ánh nhìn ra phía biển, khóe mắt chợt rưng rưng. Chị kể: “Hơn 11 năm trước, anh ấy lên tàu ra khơi đánh cá, rồi đi mãi không về. Chừng ấy năm tôi sống trong nhớ thương khắc khoải, luôn gắng gượng để làm điểm tựa cho các con”. Chị Chậm và anh Nguyễn Văn Bình (SN 1969) cưới nhau từ năm 1989 và sinh được 6 người con (5 gái, 1 trai).

Cuộc sống dẫu có khó khăn, vất vả nhưng ngôi nhà luôn đầy ắp tiếng cười con trẻ. Rồi, một ngày giữa năm 2010, biển đã cướp đi người chồng của chị Chậm, để lại cho chị đàn con thơ dại, con trai út mới học lớp 3 và số nợ gần 200 triệu đồng. Chưa kể bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng đều đã già yếu, mắc bệnh hiểm nghèo.

Ảnh: Công Kiên

  Chị Trần Thị Chậm tự hào kể về thành tích học tập của các con. Ảnh: Công Kiên

Mất đi người chồng yêu thương và trụ cột của gia đình, chị Chậm đau khổ tưởng chừng như gục ngã. Nghĩ đến đàn con thơ thiếu vắng tình thương của bố, chị đã gượng dậy bên các con, để từ nay vừa làm mẹ, vừa làm bố, quyết tâm nuôi con nên người. Người dân Quỳnh Long, Quỳnh Thuận thường thấy chị tất tả gánh gồng nơi bến cá, tàu cá cập cảng chị vội mua hàng rồi chở đi nhập khắp nơi trong vùng.

Những ngày biển động, không ra khơi, chị lại đi vá lưới thuê kiếm mỗi ngày mấy chục nghìn đồng. Không kể ngày đêm, gần như lúc nào chị Chậm cũng tần tảo, gom nhặt từng đồng tiền để lo cho đàn con ăn học.

“Thương mẹ vất vả, nhọc nhằn, các con đã bảo ban nhau luôn chăm ngoan, học giỏi và đỡ đần công việc. Nhìn thấy các con lớn lên từng ngày tôi càng có thêm động lực để vượt lên sóng gió, bù đắp hạnh phúc cho chúng”.

Chị Trần Thị Chậm, thôn Đại Hải, xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu)

Ảnh: Công Kiên
Gia đình chị Trần Thị Chậm được công nhận danh hiệu Gia đình hiếu học. Ảnh: Công Kiên

Tất cả 6 người con của chị Chậm đều thi đậu vào đại học, nay 5 người đã tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định, con trai út đang là sinh viên năm thứ 3. Có thời điểm nuôi 3 con học đại học, 2 con học phổ thông, chị Chậm gần như không có thời gian ngơi nghỉ, lúc nào cũng lo xoay xở công việc và vay mượn để lo cho các con.

Đến hôm nay, gánh nặng của chị Trần Thị Chậm đã vơi đi đáng kể, 4 người con đã lập gia đình và có cuộc sống hạnh phúc. Chị vay vốn, góp tiền mua tàu đánh cá nên có nguồn thu nhập đều đặn, có điều kiện xây dựng lại nhà cửa và mua sắm các loại tiện nghi.

Ảnh: Công Kiên

Chồng qua đời, chị Trần Thị Chậm tần tảo mưu sinh và nuôi các con thành đạt. Ảnh: Công Kiên

Dù vất vả, bận rộn nhưng chị Trần Thị Chậm vẫn tích cực tham gia hoạt động xã hội, hàng chục năm làm cán bộ Chi hội Nông dân và Phụ nữ, luôn là tấm gương sáng của hội viên. Ghi nhận sự tích cực và tận tụy ấy, chị Chậm được các tổ chức hội địa phương tặng nhiều Giấy khen; gia đình chị nhiều năm được công nhận Gia đình văn hóa và Gia đình hiếu học.

“Vì các con, tôi làm tất cả”

Nếu gánh nặng của chị Trần Thị Chậm đang vơi dần thì chị Trần Thị Huệ (SN 1993) ở thôn Phú Liên mới chỉ bắt đầu và những năm tháng phía trước sẽ còn chồng chất bao khó khăn. Bởi chưa đầy 2 tháng trước, trong một chuyến ra khơi đánh lưới vây, anh Trần Văn Long (SN 1989) - chồng chị Huệ không may bị điện giật và không qua khỏi.

Ảnh: Công Kiên

Chị Trần Thị Huệ và con trai thứ hai. Ảnh: Công Kiên

Ở tuổi 28, chị Huệ đã thành góa phụ, có lúc chị vẫn không tin nổi sự thật phũ phàng này. Chỉ những lúc nhìn thấy di ảnh và khói hương trên bàn thờ chồng, người phụ nữ làng biển ấy mới thật sự tin chồng mình không còn trên cõi đời nữa.

Chồng qua đời để lại cho chị Huệ 3 đứa con, đứa đầu chưa đầy 6 tuổi, đứa thứ hai 3 tuổi và đứa thứ ba còn trong bụng mẹ, dự sinh vào cuối tháng 10 này. Vợ chồng vay mượn tiền xây được ngôi nhà nhỏ và chung vốn mua sắm tàu cá, nay người chồng - trụ cột của gia đình không còn, một mình chị Huệ gánh khoản nợ 500 triệu đồng.

Ảnh: Công Kiên

Chị Trần Thị Huệ vá lưới kiếm tiền lo việc sinh nở. Ảnh: Công Kiên

Cũng như bao phụ nữ làng biển Quỳnh Long, sau mỗi lần tàu cá cập cảng, chị Huệ thường phụ giúp chồng chở tôm cá đến nhập tại các khu chợ và cơ sở chế biến hải sản. Từ ngày chồng mất đến nay chị gần như kiệt sức, lại sắp sinh nở, chị phải ở nhà lo hương khói cho chồng và chăm sóc con nhỏ. Người thân và anh em, họ hàng nội ngoại phần lớn đều khó khăn nên không thể giúp đỡ mẹ con chị được nhiều.

Dẫu đau buồn đến mấy, chị Trần Thị Huệ đã xác định phải gắng gượng để nuôi các con nhỏ, bù đắp phần nào những thiệt thòi bởi thiếu vắng bờ vai của người cha.

Ảnh: Công Kiên
Nhiều chị em làng biển ở xã Quỳnh Long làm nghề vá lưới kiếm tiền trang trải cuộc sống. Ảnh: Công Kiên

Chị chia sẻ: “Phía trước bao nhiêu khó khăn, thử thách đang chờ, không có cách nào khác là phải gắng sức để vượt qua, làm điểm tựa cho các con thơ dại. Chồng không còn nữa nhưng các con vẫn phải có tương lai tốt đẹp, vì các con, tôi sẽ làm tất cả”. Mấy hôm nay, chị Huệ nhận vá lưới cho một gia đình trong thôn để có tiền lo việc sinh nở. Và chị dự tính sinh nở xong sẽ tiếp tục công việc vá lưới, chờ con lớn thêm sẽ trở lại với công việc buôn bán hải sản hoặc làm công nhân để kiếm tiền chăm lo cuộc sống gia đình.

“Nghề đi biển thường hay gặp rủi ro, tính từ năm 2010 đến nay có gần 20 chị em trên địa bàn có chồng gặp nạn và mất trên biển. Với các chị em gặp hoàn cảnh này, chúng tôi luôn kịp thời động viên, chia sẻ nỗi đau và ưu tiên hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, chăm lo con cái. Phần nhiều chị em đều vượt lên hoàn cảnh, nuôi dạy các con nên người và tích cực hoạt động xã hội, góp phần xây dựng quê hương”.

Chị Trần Thị Thu Hiền - Chủ tịch Hội LHPN xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu)

Tin mới