Những ' triệu phú ' trẻ sinh ra từ làng

(Baonghean.vn) - Với khát khao thay đổi cuộc sống nghèo khó, nhiều thanh niên đã và đang từng bước tìm hướng đi trong phát triển kinh tế. Nhiều mô hình kinh tế phù hợp với năng lực và xu hướng thời đại đang được thử nghiệm và đem lại hiệu quả bước đầu, tạo ra hiệu ứng tích cực trong tư duy sản xuất kinh doanh, lập nghiệp của thanh niên.

Làm giàu với Thanh Long ruột đỏ

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Diễn Phú, huyện Diễn Châu còn nhiều khó khăn, anh Võ Trọng Phúc đã sớm nuôi trong mình quyết tâm làm giàu từ chính mảnh đất quê mình. Năm 2014, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, nhận sự hỗ trợ của UBND huyện theo đề án phát triển cây thanh long ruột đỏ, chàng thanh niên giàu ý chí và nghị lực này đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư trên 500 triệu đồng biến 0,75 hecta sắn, rau màu cũ kỹ thành  trang trại thanh long ruột đỏ, bắt đầu con đường khởi nghiệp của mình. 

Anh  Phúc tâm sự: Những ngày đầu, do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc nên những quả thanh long của gia đình không được đẹp, tán không được đều, nhiều lúc cũng thấy nản.

Anh Phúc đều đặn kiểm tra sức khoẻ sinh trưởng của cây thanh long đỏ. Ảnh: Mỹ Nga
Anh Phúc đều đặn kiểm tra sức khoẻ sinh trưởng của cây thanh long đỏ. Ảnh: Mỹ Nga

Tuy vậy, với quyết tâm không ngại khó khăn, bên cạnh việc tham gia các lớp tập huấn do huyện tổ chức, anh Phúc còn dành thời gian đi tham quan học hỏi các mô hình trồng thanh long ruột đỏ đạt hiệu quả cao ở Bình Thuận, Quảng Ninh, Hà Nội… Anh còn chịu khó mày mò, tìm hiểu kiến thức về trồng và chăm sóc cây thanh long ruột đỏ trên mạng, vận dụng vào thực tiễn. Nhờ vậy, 500 trụ thanh long ruột đỏ đã không phụ công người, bù đắp cho những nỗ lực của anh trong suốt 3 năm qua. Bình quân mỗi đầu trụ cho thu nhập 10-20kg, mang lại cho gia đình anh Phúc thu nhập 200-300 triệu đồng/năm.

Không dừng lại ở đó, khi kiến thức về trồng và chăm sóc thanh long ruột đỏ đã vững, anh Phúc tiếp tục mạnh dạn đầu tư chuồng trại, phát triển chăn nuôi lợn, gà, bò cho thu nhập bình bình 300 triệu đồng/năm. Từ đó, Võ Trọng Phúc trở thành một trong những tấm gương điển hình trong phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi của huyện Diễn Châu.

Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, anh Phúc còn tận tình giúp đỡ trao đổi và hướng dẫn kinh nghiệm cho những người đi sau. Nhìn lại chặng đường 3 năm làm kinh tế của mình, anh Phúc tâm sự: “Những ngày đầu còn nhiều lo lắng, băn khoăn, vì tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm lại chưa có, nhưng cũng chính vì trẻ nên phải mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm”. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song Phúc cho biết, trong thời gian tới, anh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ.

Anh Võ Trọng Phúc là một trong 29 gương kinh doanh sản xuất giỏi được tỉnh đoàn tuyên dương vào tối 7/7. Ảnh: Mỹ Nga
Anh Võ Trọng Phúc là một trong 29 gương kinh doanh sản xuất giỏi được tỉnh đoàn tuyên dương vào tối 7/7. Ảnh: Mỹ Nga

 Khởi nghiệp từ chuỗi của hàng thực phẩm sạch

Cũng giống như anh Võ Trọng Phúc,  anh Nguyễn Viết Phước,  SN 1989  (phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai) tốt nghiệp ngành Đại học Tài Chính nhưng  không chọn các thành phố lớn để lập nghiệp, mà quay về Hoàng Mai học cách kinh doanh, bắt đầu gây dựng dự án khởi nghiệp cho riêng mình.

Ban đầu, nhờ sự hỗ trợ vốn của người thân, bạn bè, anh mở cửa hàng nhỏ nhằm tiêu thụ một phần sản phẩm nông nghiệp của quê nhà. Dần dần, anh nhận thấy tại địa phương, tình trạng thực phẩm bẩn trôi nổi và không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan, cũng như nhu cầu về thực phẩm sạch đang ngày càng tăng cao trong xã hội. Thời gian ấy, anh ấp ủ mong muốn xây dựng một chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và mô hình chăn nuôi, trồng trọt, tự sản xuất và cung cấp nguồn hàng hóa sạch cho chính cửa hàng của mình.

Tháng 9/2015, anh thành lập công ty cổ phần Auriga – chuyên kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch như rau, củ, quả, thịt và các mặt hàng thiết yếu khác. Tất cả đều đạt tiêu chuẩn an toàn Vietgap và Globlagap.

Trở thành người kinh doanh của một công ty với chuỗi liên tiếp 3 cửa hàng là thử thách không nhỏ đối với anh Phước. Khó khăn liên tục bủa vây anh, đặc biệt là sự thiếu thốn về kinh nghiệm và kỹ thuật.

“Thời điểm đầu, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vốn, cơ sở vật chất và kinh nghiệm.  Khởi nghiệp trong nông nghiệp sạch là ý tưởng tâm huyết của tôi nhằm tối đa hóa cung cấp được sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng”, anh chia sẻ.

Mạnh dạn đầu tư, đến nay Công ty Auriga đã có mặt trên thị trường với chuỗi 3 cửa hàng. Ảnh: Mỹ Nga
Mạnh dạn đầu tư, anh Phước xây dựng thành công chuỗi 3 cửa hàng chuyên cung cấp thực phẩm sạch. Ảnh: Mỹ Nga

Với mong muốn xây dựng mô hình hoàn thiện hơn, anh quyết định triển khai mô hình trang trại sạch nhằm chủ động hơn trong nguồn cung thực phẩm. Cụ thể như: triển khai chăn nuôi lợn, gà theo mô hình EM của Nhật Bản.

Anh khắt khe trong việc tuyển chọn con giống, chỉ dùng những giống khỏe mạnh và quy trình chăm sóc, sử dụng nước, thuốc đến thu gom, đóng gói đều phải tuân thủ tiêu chuẩn an toàn.

Về tầm nhìn, với phương châm “Phụng sự cộng đồng” anh Phước định hướng Auriga trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực thương mại thực phẩm, chế biến. Bên cạnh đó, dảm bảo nhu cầu người tiêu dùng, đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến kỹ thuật, và hướng tới thị trường thế giới là mục tiêu mà anh Phước và các cộng sự của mình đề ra.

Con đường dẫn tới thành công của anh Phước đã và đang trải qua nhiều khó khăn, thử thách, tuy nhiên, nhờ bản lĩnh và đam mê, chàng trai đất Hoàng Mai đã đưa nông sản quê hương lan rộng ra nhiều tỉnh phía Bắc, đến gần hơn với người tiêu dùng.

Xưởng may tư nhân tạo việc làm cho 26 lao động trẻ

Sinh năm 1995, tuổi đời còn rất trẻ nhưng Trần Văn Tuấn (xã Sơn Thành, huyện Yên Thành) đã làm chủ một xưởng may tại gia với số lượng nhân công lên tới 26 người.  Năm 2012, Tuấn sang Nga lao động trong các xưởng may. Sau 3 năm tự học hỏi, có “ít vốn” kinh nghiệm về may mặc, đồng thời nắm bắt được thị trường châu Âu. Năm 2015, Tuấn trở về nước, được sự động viên của gia đình, anh mở cơ sở may gia công tại gia đình với cái tên “Tuấn Hường”.

Những ngày đầu khởi nghiệp, khó khăn là điều không tránh khỏi. Với số vốn 200 triệu đồng vay mượn từ gia đình, anh em, cộng với số tiền tích góp được từ những tháng ngày lao động ở Nga, Tuấn tận dụng 100m2 đất của gia đình để xây xưởng. Anh vừa chịu trách nhiệm đôn đốc xây dựng và tuyển thợ may. Tuấn chia sẻ “Những tháng đầu, tôi rất vất vả trong việc tuyển dụng nhân công. Chỉ tuyển được 10 người, chủ yếu là người trong xã. Số lượng hàng lớn, nguồn lực không có, nên đôi khi phải chịu lỗ”.

Trần Văn Tuấn (thứ hai từ trái sang, hàng thứ 2) tại buổi lễ tuyên dương thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi. Ảnh: Mỹ Nga
Trần Văn Tuấn (thứ hai từ trái sang, hàng thứ 2) tại buổi lễ tuyên dương thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi. Ảnh: Mỹ Nga

Gian nan không nản, với ý chí quyết tâm duy trì và phát triển, xưởng may của Tuấn đã đi vào hoạt động ổn định với 30 máy may công nghiệp. Từng đợt hàng, Tuấn chịu trách nhiệm kỹ thuật may và gia công. Tuấn chia sẻ “Sản phẩm của công ty "mẹ" chuyên mặt hàng cao cấp áo, quần xuất sang các nước châu Âu, Mỹ. Do đó, yêu cầu về chất lượng sản phẩm rất khắt khe, phải đạt chuẩn. Tại các cơ sở vệ tinh như thế này, chúng tôi hướng dẫn công nhân làm quen và tiếp cận với công việc trực tiếp trên sản phẩm, vừa kết hợp hướng dẫn và thực hành để thợ nhanh chóng bắt tay vào công việc một cách hiệu quả”.

Nhờ sự cần cù, chịu khó cũng như nhờ tay nghề vững vàng, cơ sở của Tuấn tạo được tiếng tăm, uy tín với khách hàng. Xưởng may  tạo việc làm cho 26 lao động, với thu nhập đổn định mỗi tháng 4-5 triệu. Tuấn chia sẻ, thời gian đầu chỉ có ý định mở cơ sở với quy mô nhỏ để giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương, nhưng không ngờ nhu cầu của người lao động ở các vùng lân cận cũng rất lớn. Do đó, thời gian tới, Tuấn sẽ cố gắn mở rộng xưởng, tìm nhiều nguồn hàng, cố gắng điều hành cơ sở hoạt động hiệu quả để đảm bảo công căn việc làm ổn định cho công nhân.

Phúc, Phước, Tuấn là ba trong 29 gương thanh niên kinh doanh sản xuất giỏi  năm 2017 vừa được Tỉnh đoàn Nghệ An tuyên dương. Họ có những xuất phát điểm khác nhau, nhưng điểm chung giữa họ là những thanh niên nông thôn không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn là những cán bộ Đoàn, Hội tâm huyết, năng nổ  với hoạt động ở cơ sở.

Mỹ Nga

TIN LIÊN QUAN

Tin mới