Luân chuyển, biệt phái giáo viên trước năm học mới:

Nỗi niềm 'mùa biệt phái' !

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Dù đã có nhiều hướng dẫn, lập kế hoạch, xây dựng đề án nhưng đầu năm học mới, việc “đi - ở” của giáo viên vẫn khiến nhiều địa phương rơi vào khó khăn trong quá trình thực hiện.

Tình trạng này lại tái diễn trong năm học này, khi việc thiếu giáo viên đang ngày một gia tăng và việc biệt phái, thuyên chuyển giáo viên thực chất “lấy chỗ thiếu bù vào chỗ thiếu nhiều hơn”.

Khó để “nâng lên, đặt xuống”

Một tuần trước, buổi họp để lựa chọn giáo viên phải thuyên chuyển, biệt phái của tổ Tiếng Anh - Trường THCS Trà Lân (Con Cuông) phải kéo dài đến 12 giờ trưa. Trong khi đó, buổi bình xét của tổ Toán nhà trường cũng phải kéo dài sang buổi chiều. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc đi hay ở của giáo viên vẫn chưa có lời giải đáp cuối cùng.

“Việc lựa chọn giáo viên đi hay ở là một điều rất khó khăn và chúng tôi phải cân nhắc “nâng lên đặt xuống” rất nhiều lần. Công việc này cũng được nhà trường thực hiện một cách dân chủ, công khai, nhưng quả thật không dễ dàng vì nó liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người lao động” – cô giáo Nguyễn Thị Bích Nguyệt – Hiệu trưởng Trường THCS Trà Lân chia sẻ.

Giáo viên Trường THCS Trà Lân - Con Cuông tập huấn chuẩn bị cho năm học mới.JPG
Giáo viên Trường THCS Trà Lân (Con Cuông) họp chuyên môn chuẩn bị cho năm học mới.

Trường THCS Trà Lân là trường điểm của huyện Con Cuông. Từ năm học trước, trường sáp nhập với trường thị trấn nên quy mô lớp học của trường tăng lên 24 lớp, với hơn 900 học sinh và là một trong những trường có số lượng học sinh đông nhất huyện.

Hiện với 41 giáo viên (bao gồm cả Tổng phụ trách Đội), tỷ lệ giáo viên đứng lớp của nhà trường là 1,67 giáo viên/lớp, được xem là cao hơn mặt bằng chung của huyện, nhưng vẫn thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh và thấp hơn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 1,9 giáo viên/lớp. Để hài hòa giáo viên trong toàn huyện, mới đây, theo kế hoạch sắp xếp giáo viên, nhân viên trên địa bàn huyện Con Cuông năm học 2023 – 2024, huyện xác định Trường THCS Trà Lân thừa 3 giáo viên (Toán – Ngữ văn – Tiếng Anh) và thiếu giáo viên môn Tin học. Nhằm đảm bảo cân đối giáo viên giữa các trường, trường buộc phải thuyên chuyển 3 giáo viên và đây là bài toán khó của nhà trường.

bna_Việc bố trí giáo viên ở nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn vì thiếu giáo viên.jpg
Việc bố trí giáo viên ở nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn vì thiếu giáo viên. Ảnh: Mỹ Hà

Nói về điều này, Hiệu trưởng nhà trường nói thêm: Chúng tôi thấy việc điều giáo viên đi có những bất cập. Ví dụ hiện nay, chúng tôi đang có 4 giáo viên Tiếng Anh và đang bố trí đủ số tiết theo quy định là 19 tiết/lớp. Nhưng nếu phải điều giáo viên Tiếng Anh đi thì giáo viên của trường phải làm thêm 23, 24 tiết/tuần và rơi vào quá tải. Chưa kể đội ngũ giáo viên của trường hiện chủ yếu là giáo viên cốt cán của phòng, ngoài nhiệm vụ ở trường còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác, như bồi dưỡng học sinh giỏi, tập huấn, nên sẽ không đủ thời gian.

Ở các môn còn lại, việc điều chuyển giáo viên cũng không dễ dàng. Trước mắt, nhà trường cho các tổ tự bình xét, đánh giá năng lực của các giáo viên và sẽ điều chuyển giáo viên có điểm thấp nhất. Nhưng xét trên bình diện chung, điều này chưa công bằng với ngôi trường tiếp nhận và khó tránh khỏi những thắc mắc ngay trong nội bộ đội ngũ giáo viên.

Trước việc điều chuyển giáo viên trong năm học này, đồng loạt nhiều giáo viên trong trường thuộc diện thuyên chuyển cũng đã viết đơn bày tỏ nguyện vọng xin ở lại.

Trong lá đơn của cô Phạm Thị Thu Hiền – giáo viên Tiếng Anh chị cho biết: “Không có nguyện vọng thuyên chuyển” bởi “con tôi bị bệnh hiểm nghèo, bản thân sức khỏe không được tốt, mắt kém không thể đi đường xa được. Nếu như đi theo diện nghĩa vụ và hết thời gian nghĩa vụ được quay về trường thì tôi sẵn sàng chấp nhận. Còn nếu không thì xin được trả tôi về đơn vị cũ là Trường THCS Yên Khê".

Trước thềm năm học mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông nhận được khoảng 60 lá đơn của các giáo viên trong toàn huyện xin được thuyên chuyển công tác và trong đó, chỉ có khoảng 20 giáo viên được giải quyết.

Ông Nguyễn Thanh An – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Có 2 đối tượng xin thuyên chuyển, thứ nhất, là những người đang công tác ở vùng khó xin về gần nhà, thứ hai, là những người muốn thuyên chuyển vào những vùng đặc thù để tăng thêm các phụ cấp.

Tuy nhiên, với đối tượng nào huyện cũng phải cân nhắc và chỉ thuyên chuyển trong 2 trường hợp, thứ nhất, là nơi xin đến đang thiếu giáo viên và thứ hai, phải đảm bảo hợp lý cơ cấu giáo viên trong toàn huyện. Huyện cũng chủ trương thực hiện bố trí, sắp xếp đảm bảo tính ổn định lâu dài, chất lượng đội ngũ và cơ cấu bộ môn. Hạn chế tối đa tâm lý chọn trường, chọn nơi công tác, đảm bảo tính khách quan, công bằng, không mất đoàn kết, không có tiêu cực. Trường hợp còn lại, sẽ thực hiện biệt phái, các giáo viên sẽ điều chuyển từ 1-3 năm và sau đó trở về đơn vị cũ.

Cần giải pháp căn cơ

Không chỉ riêng huyện Con Cuông, bài toán thuyên chuyển, biệt phái giáo viên cũng là câu chuyện chung của nhiều địa phương trong toàn tỉnh và được thực hiện đồng loạt trước thềm năm học mới. Tại huyện Anh Sơn, hiện Phòng Nội vụ của huyện cũng đang nhận được hàng chục lá đơn xin thuyên chuyển công tác của đội ngũ giáo viên, nhân viên trong toàn ngành. Các lá đơn hầu hết đều bày tỏ nguyện vọng được chuyển công tác về ngôi trường gần nhà sau nhiều năm phải công tác xa gia đình, đi lại khó khăn và tuổi đã lớn.

Lá đơn của cô giáo Phạm Thị Hồng Lam (sinh năm 1979), hiện đang công tác tại Trường THCS Cao Sơn xin được chuyển về dạy học tại trường của thị trấn với lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn, một mình nuôi hai con nhỏ, chưa có nhà ở ổn định.

bna_Sáng nay học sinh ở Trường THCS Khai Lạng đã đi học đầy đủ. Ảnh - HH.jpg
Giờ học của học sinh huyện Anh Sơn. Ảnh: Tiến Hùng

Trong khi cô giáo Nguyễn Thị Bích Ngọc (SN 1976) sau hơn 20 năm công tác, trong đó, có 16 năm ở vùng tả ngạn sông nay xin được chuyển về gần nhà vì sau nhiều năm đi lại vất vả, sức khỏe bị giảm sút, chồng đi làm xa, đang còn con nhỏ, không có nhiều thời gian chăm sóc, kèm cặp…

Qua nghiên cứu đơn của các giáo viên, ông Nguyễn Đức Vĩnh – Trưởng phòng Nội vụ huyện Anh Sơn cũng cho rằng: Tất cả các giáo viên xin được thuyên chuyển về công tác gần nhà đều có lý do chính đáng. Nhưng việc giải quyết nguyện vọng của giáo viên rất khó khăn, vì còn phụ thuộc vào cơ cấu giáo viên của từng nhà trường. Trên thực tế, hàng năm số giáo viên được thuyên chuyển theo nguyện vọng không nhiều, vì nhiều trường trên địa bàn đang thiếu giáo viên.

Ngoài giáo viên, tháng 5 năm nay, Phòng Nội vụ huyện Anh Sơn còn ra một văn bản khá đặc biệt trả lời đơn xin thôi "không làm nhiệm vụ” của một số kế toán trên địa bàn huyện. Nhiều người trong số này đã làm việc nhiều năm, nhưng vì hệ số lương thấp, phụ cấp trách nhiệm ít ỏi họ xin chuyển sang làm nhân viên phục vụ hoặc đề nghị xin nghỉ việc không lương.

Với quy mô trường lớp nhiều, địa bàn trải rộng, số học sinh tăng nhanh qua các năm, huyện Đô Lương nhiều năm nay vẫn đang phải tiếp tục giải quyết sự bất hợp lý về tỷ lệ giáo viên, nhân viên nói chung, tỷ lệ giáo viên bộ môn riêng ở các nhà trường do tăng giảm quy mô của các trường và biến động đội ngũ của các đơn vị và toàn ngành. Số lượng giáo viên biệt phái cũng lên đến hàng chục người/năm.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Tất Tây – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng cho rằng, năm nay, chúng tôi đang thiếu hơn 200 giáo viên và tỷ lệ giáo viên bố trí ở các nhà trường còn thấp. Tuy vậy, để đảm bảo việc dạy và học, huyện buộc phải thuyên chuyển. Trong quá trình thực hiện, huyện sẽ tiếp tục giải quyết thuyên chuyển các trường hợp đã công tác lâu năm tại vùng khó khăn có nguyện vọng về vùng thuận lợi, phù hợp với hoàn cảnh gia đình.

Bên cạnh đó, điều động biệt phái giáo viên đến các trường thuộc vùng khó khăn, miền núi để đảm bảo cho các trường thực hiện các hoạt động dạy học; điều động biệt phái giáo viên các bộ môn dôi dư bậc THCS đến dạy tiểu học và có tính tới ưu tiên giáo viên cho các trường đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng.

Về vấn đề biệt phái, thuyên chuyển giáo viên, tháng 9/2022, Sở Nội vụ đã có Văn bản số 2239 về hướng dẫn thực hiện. Trong đó, có yêu cầu các đơn vị trong quá trình thực hiện phải đảm bảo sự ổn định, kế thừa, đáp ứng yêu cầu về cơ cấu, số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên, nhân viên; cân đối thiếu, thừa giáo viên, nhân viên giữa các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập cấp huyện; chỉ thực hiện việc thuyên chuyển, biệt phái giáo viên, nhân viên từ đơn vị trường học còn thừa đến đơn vị trường học còn thiếu theo cơ cấu vị trí việc làm hoặc theo yêu cầu, nhiệm vụ cần phải tăng cường để thực hiện. Trường hợp đặc biệt do Chủ tịch UBND huyện quyết định.

IMG_0197.JPG
Trước thềm năm học mới, Nghệ An đang thiếu hơn 5.700 giáo viên. Ảnh: Mỹ Hà

Việc triển khai phải thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ và công bằng, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn để lựa chọn và phải thực hiện thuyên chuyển giáo viên, nhân viên theo nguyện vọng trước, sau đó, mới xem xét cử giáo viên, nhân viên biệt phái bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Hiện các địa phương về cơ bản đều thực hiện theo hướng dẫn này, nhưng về lâu dài, các huyện mong muốn, tỉnh và ngành sớm tham mưu để bố trí đủ giáo viên đứng lớp, bởi thực tế hiện Nghệ An đang thiếu gần 6.000 giáo viên. Điều này, cũng hạn chế được tình trạng thuyên chuyển, biệt phái hàng năm và giúp các giáo viên, nhân viên yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ đã được giao.

Tin mới