Nữ bác sỹ nội trú Cao Thị Huyền Trang: ‘Tôi rung động với y học dân tộc’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Đó là lời tâm sự của một nữ bác sĩ trẻ, đam mê nền y học cổ truyền của dân tộc, với mong muốn mang những gì tinh túy nhất của Đông y đến gần hơn với cuộc sống của người dân. 

Trong cuộc sống hiện nay, với nhiều phương pháp điều trị hiện đại để chăm sóc sức khỏe, có không ít người vẫn chung thủy, kiên trì điều trị với phương pháp Đông y. “Nhẹ nhàng, thú vị, hết đau, vui vẻ, thoả mãn” – là những câu, từ mà người bệnh từng trải qua tháng ngày điều trị ở Khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh qua đôi bàn tay của vị bác sĩ này đều cảm thấy.

Ít ai biết rằng, nữ bác sĩ này đã từ chối nhiều lời mời làm việc hấp dẫn ở các thành phố lớn. Chị từng là bác sĩ nội trú của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Song chị vẫn quyết định trở về quê hương - thành phố Vinh, để tiếp tục theo đuổi và nuôi dưỡng niềm đam mê từ thuở bé. Đó là nữ thạc sĩ, bác sĩ Cao Thị Huyền Trang.

bsi-cao-trang-951.jpg
Thạc sĩ, bác sĩ Cao Thị Huyền Trang - Khoa Y học Cổ truyền, Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh. Ảnh: NVCC

Ươm mầm tình yêu với y học dân tộc

Hẹn gặp rất nhiều lần, cuối cùng tôi mới được “diện kiến” bác sĩ Trang. Ấn tượng đầu tiên khác xa so với tưởng tượng của tôi về một bác sĩ Đông y - lớn tuổi, chững chạc, bác sĩ Trang lại là một bác sĩ trẻ, nhỏ nhắn, nụ cười sáng, trên tay cầm 1 nắm lá dâu tằm. Thấy tôi có vẻ tò mò, bác sĩ Trang mỉm cười: “Em thích sưu tập cây. Nay bệnh nhân cho nắm lá dâu tằm, quý lắm ạ!”.

Trang chia sẻ, không biết y học cổ truyền đã đến với cô, hay chính cô đến với y học cổ truyền. Gần như đó là cơ duyên, là sợi dây ràng buộc giữa nghề và người từ tấm bé. "Em cảm thấy rung động với y học dân tộc" - Trang bộc bạch.

Khi còn ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, cô học trò Trang có người bạn thân cùng học cấp III trong xóm nhỏ, nơi gia đình sinh sống. Bà nội của người bạn này là làm nghề thuốc nam. Sang chơi nhà bạn, dầu cho bạn có đi đâu, Trang vẫn đứng dòm ngó bà cụ cắt thuốc, chế biến, bốc thuốc để chữa bệnh. Những vị thuốc ban đầu Trang biết đến như: cam thảo, hương nhu, xạ can, hà thủ ô, trúc diệp... cũng từ bà nội của bạn. Kể từ ngày đó, dường như chỗ chơi duy nhất sau giờ học của cô học trò nhỏ chính là khoảng sân nhà người bạn.

tham-kham-benh-5682.jpg
Bác sĩ Cao Thị Huyền Trang thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Y học Cổ truyền - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh. Ảnh: NVCC

Từ những dược liệu đầu tiên như thế, cô bé Trang thuở đó mang cả hương nồng nàn của các vị thuốc Bắc, thuốc Nam vào trong những giấc mơ. Trang mơ mình trở thành một bác sĩ y học cổ truyền, bốc thuốc chữa bệnh. Tình yêu đối với y học cổ truyền dân tộc đã ngấm vào cô bé Trang theo cách bình dị như vậy. Và dường như, sợi duyên may giữa y học cổ truyền và Trang cứ lẫn vào nhau mỗi ngày. Và Trang đã chạm vào giấc mơ thuở nhỏ bằng việc quyết định đăng ký tuyển sinh vào Khoa Y học cổ truyền của Đại học Y Hà Nội.

6 năm ở Đại học Y Hà Nội là những ngày tháng Trang vừa miệt mài nơi giảng đường, vừa xin đến thực tập ở các phòng khám cổ truyền để xem các lương y chữa bệnh như thế nào. Những phương pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp vật lý trị liệu của Tây y, làm thế nào để quá trình điều trị cho một bệnh nhân không bị xung đột giữa hai phương pháp, tất cả đều được cô sinh viên xứ Nghệ học hỏi, nghiên cứu, nắm bắt. Cả những chuyến đi tình nguyện lên đến các tỉnh miền núi phía Bắc đều được Trang biến thành cơ hội nghiên cứu y học cổ truyền của dân tộc. Cô sinh viên nhỏ nhắn vừa hoạt động xã hội, vừa điền dã, tìm hiểu đồng bào dân tộc chữa bệnh như thế nào, bởi đó cũng là một phần trong vốn quý kinh nghiệm của dân tộc trong y học. Tất cả những điều đó cứ hun đúc dần.

“Càng đi sâu càng thấy Đông-Tây y có nhiều điểm tương đồng, chứ không như người nhiều thường nói, hai phương pháp "đối chọi" nhau và gây ra strigger point (điểm gây ra sự đau đớn) cho bệnh nhân” – bác sĩ Huyền Trang chia sẻ.

Chính điều đó tiếp tục thúc đẩy Trang theo đuổi học lên bác sĩ nội trú. Một tháng ôn thi cật lực, đổi lấy kết quả: Trang là một trong số ít sinh viên trúng tuyển bác sĩ nội trú. Với Trang đó là “điều không bao giờ hối hận”. 3 năm theo đuổi bác sĩ nội trú là khoảng thời gian Trang tiếp tục tích luỹ học thuật, vừa lui tới các phòng mạch để tích luỹ kinh nghiệm.

tinh-nguyen-1380.jpg
Bác sĩ Cao Thị Huyền Trang cùng các y bác sỹ Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam thăm, khám bệnh tình nguyện cho người dân ngày 22/2/2024. Ảnh: NVCC

Mang Đông y đến gần hơn với cuộc sống

Qua quá trình học tập và nghiên cứu, Trang đã chỉ ra những ưu điểm vượt trội của Đông y. Trang chia sẻ: “Đông y sử dụng nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên, nên có tính an toàn cao và hầu như không có tác dụng phụ, dù sử dụng lâu dài. Các bài thuốc từ Đông y hiệu quả nhanh không kém Tây y. Mỗi bệnh nhân được cá nhân hoá một bài thuốc, một phác đồ điều trị riêng mỗi loại bệnh có một bài thuốc. Điều này khác với Tây y chỉ dùng một bài thuốc cố định. Đó vừa là tinh hoa vừa là cái khó của Đông y”.

Theo bác sĩ Trang, để khám chữa bệnh bằng phương pháp Đông y thành công thì từ tư duy, kĩ thuật đến bài thuốc đều phải theo đúng tiêu chuẩn của Đông y. Và kết hợp Tây y khi cần làm các xét nghiệm, chụp chiếu cần thiết.

Trong lúc trò chuyện, tôi để ý thấy hai ngón tay của Trang - ngón cái và ngón trỏ cứ xoa vào nhau. Thấy tôi hơi băn khoăn, Huyền Trang cười: "Là thói quen nghề nghiệp. Đây là thao tác xoay kim châm chị ạ!" Hóa ra, học châm cứu hoàn toàn không đơn giản. Học về các huyệt đạo lại càng không hề dễ, dù Trang chia sẻ vui rằng “cuộc đời em không có gì ngoài các huyệt đạo. Ai cũng có thể cầm kim để châm, nhưng châm như thế nào để chữa được bệnh thì lại là chuyện khác. Lúc thì kim nghiêng bên trái, lúc lại nghiêng bên phải, mỗi góc nghiêng của kim sẽ phải phù hợp với tình trạng của bệnh nhân tại mỗi thời điểm. Và qua quá trình chữa trị đó, làm sao để bệnh nhân cảm thấy khỏe khoắn, tâm lý được giải phóng, khí huyết lưu thông, kinh mạch ổn định.

Trang bộc bạch, bí quyết trong Đông y là độ nghiêng, độ sâu của kim châm, đó là "thủ thuật bổ tả". Mỗi một bác sĩ Đông y dễ dàng chia sẻ với nhau đơn thuốc, và gia giảm vị thuốc đối với người bệnh cho phù hợp. Tuy nhiên, với thủ thuật bổ tả thì lại phụ thuộc vào tay nghề y thuật của mỗi người. Vừa châm vừa phải kiểm tra mạch, có như vậy mới biết được là đang châm đúng hay sai.

bao-cao-khoa-hoc-5995.jpg
Bác sĩ Cao Thị Huyền Trang (thứ 3 từ trái sang) được lãnh đạo bệnh viện khen thưởng vì có thành tích cao trong nghiên cứu khoa học về điều trị đau thắt lưng do thoái hoá cột sống bằng phương pháp cấy chỉ theo Y học cổ truyền. Ảnh: NVCC

Bác sĩ Trang tâm niệm rằng, Đông y không có thuốc gì gọi là thuốc chữa dạ dày, chữa viêm họng, chữa thoát vị đĩa đệm, mà tất cả nằm ở việc điều chỉnh mạch, giúp cơ thể hấp thụ được dưỡng chất, và sản sinh ra những tế bào “thiện chiến”. Mạch khỏe, đồng nghĩa người khoẻ. Có những loại mạch đặc trưng cho từng loại bệnh, kể cả bệnh hiểm nghèo.

Vậy nên để có mạch tốt, theo quan điểm của bác sĩ Trang, những vị thuốc “đắt giá" nhất lại không nằm trên đơn của bác sĩ, mà ở chính những người bệnh. Tập thể dục là thuốc, giấc ngủ ngon là thuốc, một chế độ ăn uống cân bằng là thuốc, tiếng cười là thuốc, thái độ tích cực là thuốc. Người bệnh đến với bác sĩ Trang đều được khuyên phải tập thể dục, phải ngủ ngon, và luôn tích cực.

Với mỗi người bệnh, bác sỹ Huyền Trang lại trăn trở tìm ra căn nguyên, liệu đó có phải là bệnh tâm lý, hay bệnh về thần kinh, bệnh về cột sống… hay là vì điều gì. Bởi Đông y sẽ giúp người bệnh điều trị được căn nguyên, thay vì chữa hiện tượng. Có những bệnh, Tây y bó tay, song Đông y lại có thể “làm nên chuyện”.

Để những phương thuốc Đông y đi vào đời sống hàng ngày một cách tự nhiên nhất, Trang luôn cố gắng tìm ra những vị thuốc dân dã nhất, gần gũi nhất, song lại có tính dược học cao để đưa vào đơn thuốc như: nhục quế, khoai mài, giun đất.... Cùng với đó, bác sĩ Trang luôn cố gắng rút ngắn liệu trình chữa trị một cách nhanh nhất, vừa rút ngắn quỹ thời gian, chi phí, hạn chế việc đi lại nhiều lần cho bệnh nhân, không phải nằm viện quá dài, vừa giảm áp lực cho bệnh viện, nhưng vẫn mang lại hiệu quả tích cực. “Đối với một số bệnh, em rút vị này, nhưng bổ sung vị kia. Trong một thời gian ngắn, vừa giảm chi phí cho người dân, vừa nâng cao sử dụng các vị thuốc đông y”, Trang chia sẻ.

Là một người trẻ, bác sĩ Trang còn vận dụng các nền tảng số để tuyên truyền, phổ biến những kiến thức y khoa cho người dân, như hướng dẫn bài tập thở, các bài tập trị liệu nhằm giãn và khoẻ cơ, cảnh báo việc lạm dụng các loại thuốc…

Chờ đợi một "phiên bản Trang nhỏ"

Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi tiếng gọi của một bé gái: “Mẹ ơi…”. Khi hỏi về gia đình nhỏ, neo sự xúc động vào nụ cười tủm tỉm, Trang kể về cô bé con của mình, rằng bất kể Đông hay Hè, cũng đòi bận đồ bác sĩ để đi học. Ở nhà, khi mẹ làm việc, cô bé con luôn quấn lấy, và nhặt nhạnh những vị thuốc nhỏ như kỳ tử, hoa cúc, cam thảo…

Biết đâu đấy! Như một sợi dây của tình yêu dành cho cỏ cây, hoa lá, dành cho dược liệu từ người mẹ, bé con lại chẳng trở thành phiên bản “Trang nhỏ” trong tương lai! Thật ấm áp khi nghĩ tới điều này.

Là một người yêu thích văn học, với Trang, văn học và y học tưởng chừng rất khác biệt, nhưng ít nhất với người bác sĩ trẻ này, lại không hề xa lạ. “Văn học là nhân học. Và mục tiêu cao nhất của y học cũng chính là hướng đến giá trị nhân bản cao quý”./.

Tin mới