Nữ thị trưởng Yuriko Koike - 'Bông hồng thép' chính trường Nhật Bản

(Baonghean.vn) - Bà Yuriko Koike từng đi vào lịch sử chính trường Nhật Bản khi trở thành thị trưởng nữ đầu tiên của thủ đô Tokyo năm 2016 và vừa tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Nhìn lại sự nghiệp chính trị của bà Koike, người ta không thấy có gì đáng ngạc nhiên về thành công hiện tại của người phụ nữ được mệnh danh là “bông hồng thép” ở đất nước Mặt trời mọc.

Phá vỡ rào cản vô hình

Kể từ khi cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hai lần bỏ lỡ cơ hội trở thành tổng thống Mỹ, vào năm 2008 và 2016, nhiều người Mỹ tin rằng “glass ceiling” (bức trần kính) là có thật. Đây là cụm từ mà bà Hillary từng sử dụng, ý nói rào cản vô hình đối với phụ nữ trong việc vươn tới quyền lực cao nhất. Thế nhưng, tại Nhật Bản, rào cản này không phải “tấm kính” mà là “tấm sắt” càng khó phá vỡ hơn - theo cách nói của bà Yuriko Koike.

Bà Yuriko Koike nữ thị trưởng đầu tiên của thủ đô Tokyo vừa tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Ảnh: AFP
Bà Yuriko Koike nữ thị trưởng đầu tiên của thủ đô Tokyo vừa tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Ảnh: AFP

Là nữ thị trưởng đầu tiên của Tokyo, bà Koike hiểu hơn ai hết lý thuyết này khi chính trị gia là nam giới vẫn phổ biến hơn trong chính trường Nhật Bản. Tuy nhiên, bà đang từng bước phá vỡ những rào cản vô hình ấy. Chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử vừa qua ở Tokyo một lần nữa củng cố niềm tin của công chúng Nhật vào nữ chính trị gia sắc sảo này.

Những bài phát biểu điềm tĩnh, chừng mực cùng những khẩu hiệu lôi cuốn đã trở thành nét riêng của nữ thị trưởng Yuriko Koike. Mặc dù Tokyo buộc phải để lỡ kỳ Thế vận hội mùa hè đáng lẽ sẽ diễn ra trong tháng 7 này kéo theo hàng chục tỷ đô la thiệt hại song điều đó không khiến bà Koibe gặp rắc rối trong sự nghiệp của mình. Câu chuyện thành công trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 đã giúp bà “ghi điểm” cộng trong mắt công chúng.

Khi tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở Mỹ và nhiều nước châu Âu đều ở mức báo động, thì Nhật Bản với dân số 126 triệu người, chỉ có hơn 20.000 trường hợp mắc. Đáng kể nhất, phải nhắc tới Tokyo - thành phố năng động nhất Nhật Bản đã kiểm soát khá tốt dịch bệnh. Vì lẽ đó, các cử tri thành phố này tiếp tục đặt niềm tin vào cách tiếp cận dựa trên sự thận trọng của bà Koike. Theo kết quả một cuộc thăm dò, bà Koibe nhận được hơn 70% người ủng hộ với cuộc chiến chống Covid-19, trong khi tỷ lệ này với Thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe chỉ hơn 40%. Trong bài phát biểu sau chiến thắng vang dội, nữ thị trưởng Tokyo tuyên bố sẽ ưu tiên áp dụng các biện pháp ngăn chặn virus và bảo vệ siêu đô thị với 14 triệu người và nền kinh tế trị giá 1 nghìn tỷ USD.

Bà Yuriko Koike đã giành chiến thắng vang dội với hơn 3,66 triệu phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử ngày 5/7. Ảnh: Reuters
Bà Yuriko Koike đã giành chiến thắng vang dội với hơn 3,66 triệu phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử ngày 5/7. Ảnh: Reuters

Bà Yuriko Koike cũng gây ấn tượng mạnh mẽ với cam kết sẽ biến Tokyo thành nơi để “phụ nữ và trẻ em tỏa sáng”. Đây được xem là thông điệp nhằm trao quyền cho phụ nữ mà nữ chính trị gia này theo đuổi kể từ khi bà tham gia tranh cử thị trưởng Tokyo năm 2016. Khi đó, bà Koike đã gây ngạc nhiên khi rời khỏi đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) và thành lập một đảng riêng mang tên Độc lập. Đảng của bà bao gồm nhiều thành viên là nữ giới đã áp đảo cả đảng LDP trong hội đồng thành phố.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nền chính trị ở Nhật Bản vốn rất bảo thủ và các đảng đối lập yếu hơn, rất khó để các nữ chính trị gia nổi lên. “Tuy nhiên, bà Koike là nữ chính trị gia bảo thủ đầu tiên đã chứng minh rằng một phụ nữ có thể vươn lên dẫn đầu mà không cần một đảng hỗ trợ đầy đủ. Đó là lý do tại sao bà ấy thực sự đặc biệt”, Giáo sư Ki-young Shin nghiên cứu về giới tại Đại học Ochanomizu nhận định.

Một người truyền cảm hứng

Với nhiều cử tri ở đất nước Mặt trời mọc, bà Koike luôn được xem là một người truyền cảm hứng không chỉ bởi bà dám đương đầu với những điều tưởng như khó khăn nhất, khác biệt nhất mà còn là một người đặc biệt.

Sinh năm 1952 tại quận Hyogo xa xôi, bà Koike theo học tại Đại học Kwansei Gakuin nhưng sau đó bà bỏ dở để đến Cairo (Ai Cập) học tiếng Ả Rập và sau đó lấy bằng cử nhân xã hội học tại Đại học Cairo. Sau một thời gian làm phiên dịch rồi phát thanh viên truyền hình, bà bước vào chính trường giữa những năm 1990 khi Nhật Bản đang ở trong vòng xoáy bất ổn chính trị kinh niên.

Bà Yuriko Koike trong hàng ngũ các chính trị gia ở Nhật Bản. Ảnh: AP
Bà Yuriko Koike trong hàng ngũ các chính trị gia ở Nhật Bản. Ảnh: AP

Năm 1992, lần đầu tiên bà giành được một ghế thượng viện trước khi chuyển sang hạ viện vào năm sau. Bà gia nhập Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền năm 2002 và trở thành Bộ trưởng môi trường năm 2003. Theo báo chí Nhật Bản, bà Koike rất được lòng cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2005, bà được gọi tên là một trong những “kẻ ám sát” của ông Koizumi khi đánh bại một đối thủ nặng ký của ông ở giai đoạn đầu.

Năm 2007, ông Shinzo Abe làm Thủ tướng, Koike từng là cố vấn đặc biệt trước khi trở thành nữ Bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của Nhật Bản - một vị trí vốn chỉ dành cho nam giới. Năm 2008, bà tham gia tranh cử chức Chủ tịch đảng LDP với mục tiêu trở thành Thủ tướng nhưng đã để thua trước ông Taro Aso. 8 năm sau, trong cuộc bầu cử thị trưởng Tokyo bà giành chiến thắng vang dội với hơn 2,9 triệu phiếu bầu, bỏ xa ông Hiroya Masuda về thứ 2 với chỉ 1,9 triệu phiếu. Đáng nói là ông Masuda được thủ tướng Abe hậu thuẫn.

Thông thạo tiếng Anh và tiếng Ả Rập, có thể nói Koike là một người theo chủ nghĩa quốc tế hiếm hoi trong nền chính trị hướng nội của Nhật Bản. Về mặt tư tưởng, bà bị coi là mang tư tưởng “diều hâu” vì quan điểm mạnh mẽ của mình về các vấn đề như sửa đổi hiến pháp và vai trò của Lực lượng phòng vệ. Cũng giống như Thủ tướng Abe, tầm nhìn của bà Koike cũng là xây dựng một nước Nhật quyết đoán hơn, phụ thuộc ít hơn, hoặc hoàn toàn không phụ thuộc vào “chiếc ô an ninh” của Mỹ.

Nữ thị trưởng Tokyo trở thành người truyền cảm hứng trong con mắt nhiều cử tri. Ảnh: Getty
Nữ thị trưởng Tokyo trở thành người truyền cảm hứng trong con mắt nhiều cử tri. Ảnh: Getty

Theo nhận xét của nhiều nhà quan sát, ưu điểm vượt trội hơn của bà Koike là khả năng giao tiếp hiệu quả với các phương tiện truyền thông. Điều này thể hiện trong các thông điệp mà bà đưa ra khi đối mặt với cuộc chiến chống Covid-19. Bà không đưa ra lựa chọn rõ ràng giữa sức khỏe và kinh tế, thay vào đó bà thể hiện sự đồng cảm với cư dân Tokyo nhưng cũng quyết đoán khi đối mặt với khủng hoảng. Điều này đã giúp bà nhận về 3,66 triệu phiếu bầu, nhiều hơn so với cuộc bầu cử cách đây 4 năm. Đây là điều hiếm có trong nền chính trị Nhật Bản. Bởi trước bà Koike, chỉ trong vòng 5 năm mà Tokyo phải trải qua 3 đời thị trưởng và tất cả đều không thể ngồi ghế đúng 4 năm theo nhiệm kỳ.

Là một chính trị gia sở hữu nhiều điểm đặc biệt, bà Koike được cử tri tin rằng sẽ “dẫn dắt nền chính trị Tokyo theo cách chưa từng có trước đây”. Hơn thế nữa, nhiều chuyên gia dự đoán rằng, chiến thắng vừa rồi cũng sẽ mở đường cho bà Koike trong cuộc đua chức Thủ tướng Nhật Bản vào tháng 9 năm sau nếu đảng của bà có thể đánh bại đảng LDP cầm quyền.

Tin mới