Thế giới tuần qua: Những điều chưa có tiền lệ

(Baonghean.vn) - Chính quyền Tổng thống Trump đã có một thông báo gây bất bình khi cảnh báo các sinh viên nước ngoài đang theo học tại Mỹ sẽ phải về nước nếu trường chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn. Đảng Hành động nhân dân của Thủ tướng Lý Hiển Long đã dành chiến thắng trong cuộc bầu cử Singapore, song tỷ lệ phiếu bầu không cao như mong đợi, đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền trong việc củng cố lòng tin của cử tri. Đây là những vấn đề quốc tế được chú ý trong tuần qua.

Ngồi trên đống lửa

Các du học sinh sẽ phải rời Mỹ nếu trường đại học kể từ mùa thu này chỉ dạy online; hoặc nếu muốn ở lại, họ sẽ phải chuyển sang các cơ sở giáo dục khác vẫn còn giảng dạy trực tiếp. Người ở lại bị coi là cư trú bất hợp pháp. Thay đổi áp dụng với nhóm sinh viên quốc tế theo học các chương trình có cấp bằng, chứng chỉ ở Mỹ đang giữ visa F-1 và M-1. Đây là những nội dung thông báo cốt lõi do Cơ quan thực thi hải quan và di trú Mỹ (ICE) công bố ngày 6/7. Chính sách mới của Mỹ được đánh giá là “giải pháp cứng nhắc cho một vấn đề phức tạp”, và gây ra thêm “những hỗn loạn và bất ổn”. 

Các trường đại học lớn đã đệ đơn kiện chính phủ Mỹ vì quy định mới đối với sinh viên quốc tế. Ảnh: Getty
Các trường đại học lớn đã đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ vì quy định mới đối với sinh viên quốc tế. Ảnh: Getty

“Khi các trường cao đẳng và đại học chuyển hoàn toàn sang hình thức học trực tuyến, điều này sẽ truyền đi thông điệp rằng nước Mỹ chưa an toàn trước dịch bệnh. Điều này chắc chắn không đem lại bất kỳ lợi ích gì cho cuộc đua bầu cử của Tổng thống Trump vào tháng 11. Do đó, ông muốn các trường phải mở cửa vào mùa thu”. 

Bình luận viên Jill Filipovic của CNN

Chính sách mới này ảnh hưởng tới hơn 1 triệu sinh viên quốc tế có thể phải dừng học tập tại Mỹ, nhưng đối với các quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump, đây lại là cơ hội cuối cùng để tăng tốc, đưa ra những thay đổi lâu dài cho chương trình nghị sự chống nhập cư của Mỹ.

Không chỉ ảnh hưởng tới các sinh viên quốc tế, mà chính sách visa mới còn tác động tới cả người dân và lợi ích nước Mỹ. Stephen Yale-Loehr, Giáo sư của Trường Luật Cornell, và là cố vấn của Tổ chức chính sách Mỹ cho biết: “Động thái mới này đang gây tổn thương, không giúp ích gì cho nền kinh tế của đất nước”.

Việc mất đi số lượng lớn sinh viên nước ngoài sẽ là đòn giáng mạnh vào tài chính của các đại học Mỹ, qua đó tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới cả những sinh viên trong nước. Theo phân tích của Hiệp hội các Nhà giáo dục Quốc tế (NAFSA), sinh viên nước ngoài theo học tại các trường đại học, cao đẳng Mỹ đóng góp 41 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ và hỗ trợ 458.290 việc làm trong năm 2018-2019.

Trước tình hình đó, 2 đại học danh tiếng của Mỹ là Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts ngày 8/7 đã đệ đơn kiện chính quyền Tổng thống Trump lên Tòa án liên bang. Đơn kiện yêu cầu Tòa án ra phán quyết cản trở sắc lệnh, ngăn không cho Bộ An ninh nội địa, và Cơ quan thực thi hải quan và di trú Mỹ (ICE) có thể kích hoạt thủ tục trục xuất các sinh viên quốc tế, nếu họ không chuyển sang các trường có lớp học trực tiếp. Đơn kiện chỉ rõ, chính sách của ICE đã vi phạm Đạo luật thủ tục hành chính công khi đặt các trường vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” và gây áp lực lớn cho các du học sinh khi chỉ còn vài tuần nữa là kỳ học mùa thu bắt đầu nên việc tìm kiếm và đăng ký học tại một trường mới là điều không thể.

Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Getty
Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Getty

Các sinh viên hiện như “ngồi trên đống lửa”. Các quốc gia có nhiều sinh viên theo học tại Mỹ nhiều nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ả rập Xê út, và Canada. Hiện tại mới chỉ có Harvard đưa ra phương án mới. Đó là năm học tới, Harvard chỉ cho 40% sinh viên học trực tiếp trên giảng đường, chủ yếu là sinh viên năm nhất, còn lại sẽ học trực tuyến. Tuy nhiên để học trực tiếp trên lớp, các sinh viên vẫn phải được kiểm tra sức khỏe và đảm bảo giãn cách xã hội.

Harvard là trường đại học lớn, và ở bang Massachusetts, dịch đã giảm mạnh, còn đối với các trường khác có tiềm lực nhỏ hơn và ở các bang dịch bùng phát mạnh hơn, thì sinh viên chỉ còn cách về nước hoặc chuyển sang trường khác, nếu có thể. 

Chiến thắng không như mong đợi

Hơn 2,65 triệu cử tri của Singapore đi bỏ phiếu bầu ra Quốc hội khóa 14 và Chính phủ mới của nước này, với việc nghiêm túc chấp hành các biện pháp đeo khẩu trang, rửa tay, đeo găng trước khi vào phòng bỏ phiếu. Đây là cuộc bầu cử chưa có tiền lệ tại Quốc đảo bởi diễn ra ngay trong vòng xoáy đại dịch Covid-19 và nền kinh tế đang bị suy thoái trầm trọng, nhiều người thất nghiệp. Cuộc bầu cử ghi nhận con số kỷ lục với 11 đảng tham gia tranh cử. Chiến thắng đúng như được dự đoán trước, ưu thế thuộc về đảng Hành động nhân dân (PAP) của Thủ tướng Lý Hiển Long. Thế nhưng tỷ lệ số phiếu bầu phổ thông cho PAP không cao như mong đợi, đạt 61,2% giảm hơn so với 70% của năm 2015.

Các cử tri mang khẩu trang khi xếp hàng chờ bỏ phiếu tại Singapore hôm 10/7. Ảnh: Reuters
Các cử tri mang khẩu trang khi xếp hàng chờ bỏ phiếu tại Singapore hôm 10/7. Ảnh: Reuters

Kết quả cuộc bầu cử được cho là phản ánh đánh giá và sự không chắc chắn của người dân Singapore về cách chính phủ ứng phó với Covid-19 và thế hệ lãnh đạo tiếp theo.

Singapore là một trong những nước ghi nhận tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp nhất thế giới, và được xem là hình mẫu vàng trong chống dịch. Tuy nhiên, làn sóng thứ hai bùng phát lớn trong các khu ký túc xá chật chội dành cho lao động nhập cư, sau đó đã xô đổ hình tượng Singapore, khi nước này trở thành vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á. Tình hình khiến chính phủ buộc phải đóng cửa trường học và doanh nghiệp lâu hơn, trong khi kinh tế ngày càng tụt dốc. 

Hãng tin Reuters nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước vẫn còn ảm đạm vì đại dịch và đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn, song hầu như người dân Singapore không muốn thay đổi đảng lãnh đạo chính phủ. Do đó, đảng PAP của Thủ tướng Lý Hiển Long hoàn toàn yên tâm và chủ động trong việc thông qua các chính sách chủ chốt. Đảng PAP nắm quyền lãnh đạo kể từ khi Singapore trở thành quốc đảo độc lập năm 1965. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của PAP cũng đứng trước áp lực phải cải thiện tỷ lệ ủng hộ của cử tri sau kết quả bầu cử.

Cuộc bầu cử lần này cũng diễn ra trong thời điểm nội bộ PAP đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ. Đặc biệt hơn cả, đây có thể là lần cuối cùng Thủ tướng Lý Hiển Long tranh cử. Nhà lãnh đạo họ Lý từng tuyên bố, khi tìm được người kế nhiệm, ông sẵn sàng rời chính trường sau cuộc bầu cử này, trước khi ông 70 tuổi.

Theo CNBC, người kế nhiệm ông Lý Hiển Long có thể là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Vương Thụy Kiệt. Ông Vương Thụy Kiệt cùng một số quan chức chính phủ khác, thường được gọi là thế hệ lãnh đạo 4G, đã đi đầu trong tuyến đầu, lên kế hoạch triển khai chống đại dịch Covid-19. Những nhân vật này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò dẫn dắt PAP trong cuộc bầu cử tới. 

Thủ tướng Lý Hiển Long tới trung tâm đề cử trước ngày bầu cử. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Lý Hiển Long tới trung tâm đề cử trước ngày bầu cử. Ảnh: Reuters

Song ngay cả khi PAP tiếp tục cầm quyền, khả năng ông Vương Thụy Kiệt ngay lập tức trở thành thủ tướng không cao. Đại dịch đã khiến Thủ tướng Lý Hiển Long suy nghĩ lại về tuyên bố rút lui, bởi ông tuyên bố sẽ chỉ chuyển giao lại một Singapore “nguyên vẹn và hoạt động tốt” cho thế hệ lãnh đạo mới, thay vì một đất nước hỗn độn vì Covid-19. 

Có một điều chắc chắn rằng, dù người kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long là ai, thuộc đảng nào, sẽ phải giải quyết nhiều bài toán khó, từ xử lý đại dịch, khôi phục kinh tế xã hội, nâng cao vị thế trong khu vực và quốc tế, tới xu thế “đóng cửa” của nhiều quốc gia hậu đại dịch - điều đặc biệt quan trọng với Singapore, vốn có nền kinh tế mở, phụ thuộc nhiều vào giao thương quốc tế.

Tin mới