Nước mắt đàn ông

(Baonghean) - Mang trong mình di chứng chất độc da cam không chỉ khiến đôi chân của tôi không còn sức mạnh, mà còn khiến tâm trí tôi yếu mềm, muốn buông xuôi tất cả. Rồi em xuất hiện, xinh đẹp, dịu dàng. Em nắm tay tôi, dẫn tôi đi trên những cung đường cuộc sống, tuy chông gai nhưng không có nước mắt tủi hờn…

Chị Đào Thị Thơ - vợ anh Lê Thanh Hưng nhận may, sửa đồ kiếm thêm thu nhập.
Chị Đào Thị Thơ - vợ anh Lê Thanh Hưng nhận may, sửa đồ kiếm thêm thu nhập.

Năm 1982, tại một xóm nghèo ở huyện miền núi Con Cuông, tôi cất tiếng khóc chào đời. Đó cũng là năm cha tôi rời quân ngũ trở về sống cùng vợ con sau 20 năm chinh chiến. Còn tôi, hạnh phúc hơn các anh chị vì được cảm nhận hơi ấm của cha ngay từ những tháng năm đầu đời. Thế nhưng, sinh ra thể trạng tôi rất yếu nên thường đau ốm triền miên, cơ thể lúc nào cũng yếu ớt, quặt quẹo. Đã có lần bệnh của tôi trở nặng, cơ thể tím tái khiến mẹ phải bế tôi chạy bộ hơn 3 km đến trung tâm y tế huyện. Vì di chứng của chất độc chiến tranh từ bố, càng lớn đôi chân tôi càng trở nên yếu mềm khiến tôi khó khăn trong việc vận động.

Tuổi thơ của tôi cứ thế trôi đi trong những tháng ngày ủ ê, chán chường và đầy nước mắt. Còn nhớ quãng thời gian bắt đầu đi học, trước đó tôi hào hứng bao nhiêu thì chỉ qua mấy buổi đến lớp tôi đã nhụt chí bấy nhiêu, bởi những lời trêu chọc của bạn bè.

Với đôi chân tập tễnh, tôi xách cặp đến trường trong những ánh mắt tò mò, soi mói của bạn bè. Họ nhìn tôi như thể sinh vật lạ từ ngoài hành tinh rơi xuống trái đất. Có đứa còn cười đùa, chế giễu đôi chân tật nguyền của tôi. Những lúc ấy, tôi thấy mình như bị bùa phép nào đó thu nhỏ lại, cô đơn giữa biển người với những nụ cười, ánh mắt chê cười đáng sợ.

Bởi vậy, đối với chúng bạn “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, thì đối với tôi mỗi ngày đến trường là mỗi ngày tôi nuốt nước mắt vào trong, thu mình co ro trước khao khát hòa nhập, khao khát được vui chơi, chạy nhảy cùng bạn bè.

Thậm chí tôi chỉ mong sao được một lần ngồi dưới bóng cây sân trường trò chuyện cùng bè bạn mà không nghe thấy lời trêu ghẹo nào, không bắt gặp ánh nhìn soi mói nào. Không biết bao lần tôi thèm được đánh thẻ, đánh đáo, nhảy dây trong những tràng cười rộn rã. Với đôi chân tập tễnh chỉ biết đứng nhìn bè bạn chạy nhảy mà thèm khát, mà âm thầm nước mắt rơi.

Đoàn thanh niên Báo Nghệ An tặng máy tính xách tay cho CTV đặc biệt Lê Thanh Hưng.
Đoàn thanh niên Báo Nghệ An tặng máy tính xách tay cho CTV đặc biệt Lê Thanh Hưng.

Những lúc thấy tôi buồn, cha thường vỗ về và động viên tôi rằng đàn ông không được khóc, phải mạnh mẽ lên. Tôi mím môi gật đầu, lòng rối bời bao cảm xúc. Nhiều lần tôi tự hứa với lòng mình sẽ mạnh mẽ như lời cha nói, nhất định không để nước mắt rơi thêm lần nào nữa.

Những năm cuối của cấp trung học cơ sở, lứa tuổi bắt đầu dậy thì, chớm những thay đổi về thể chất, tâm tư tình cảm. Thời gian ấy, những lần gồng mình đạp xe đến trường, lê bước lên những bậc cầu thang đến lớp không khiến tôi chán nản dù đôi chân đau đớn, hơi thở đứt quãng. Nhưng chỉ một câu nói, một ánh mắt của cô bạn tôi thầm cảm mến cũng đủ khiến lòng tôi tê tái vì tự ti, mặc cảm. Những lúc ấy tôi đã phải gồng mình để nước mắt không rơi. Bởi vậy, những mộng mơ của cậu học trò mới lớn chưa kịp bung nở đã chóng lụi tàn bởi sự thiếu đồng cảm của bạn bè, và cả sự tự ti của bản thân. Bởi thế, chỉ khi vùi đầu vào sách vở, làm bạn với những con chữ tôi mới thấy cuộc đời còn nhiều điều cần khám phá, nhiều chân trời cần đi tới, biết đâu nơi nào đó có người còn chờ đợi tôi cố gắng vươn lên.

Rồi tôi cũng vào Trường Đại học Vinh sau 1 năm học ở trường trung cấp. Những ngày học đại học, tôi đến lớp bằng sự giúp đỡ của bạn bè. Có thể những ngày tháng buồn tủi của tuổi thơ xưa tôi sẽ quên, nhưng trong suốt cuộc đời mình tôi sẽ không bao giờ quên ân tình của những người bạn đã đồng hành, giúp tôi hoàn thành giấc mơ giảng đường đại học. Đó là những người bạn chân thành, họ nhìn tôi bằng ánh mắt thương mến, sẻ chia, giúp tôi xua tan cảm giác thất vọng, tự ti khi đối diện với lòng mình. 

Năm cuối đại học, tôi được phân về thực tập tại Trường THPT Quỳnh Lưu 1. Một lần đến chơi nhà bạn, tôi gặp một cô gái thật đặc biệt. Ngay từ những ánh mắt đầu tiên tôi đã thấy em thân thuộc, dễ mến đến nhường nào. Hình ảnh của em choán hết tâm trí tôi, khiến tôi quên đi những thiệt thòi về thể chất, chỉ thấy cháy lên một khao khát được gặp em, cùng em chuyện trò, được giãi bày cùng em hết thảy mọi vui buồn chất chứa bao lâu trong sâu thẳm tâm hồn mình.

Nhà em có chiếc quán nhỏ xinh bán mấy thứ hàng xén. Thường ngày, tôi và em thường gặp nhau, tỉ tê chuyện trò ngày một tâm đầu ý hợp nơi góc quán nhỏ xinh ấy. Và không biết tự lúc nào chúng tôi đã trở thành tri kỷ, cùng nhau chia sẻ những vui buồn, vu vơ thương nhớ. Em như cơn gió mát ngọt ngào ru hồn tôi nhẹ bẫng, lâng lâng hạnh phúc.

Tình cảm ấy cũng khiến đôi chân tôi bớt mệt mỏi, biết xăm xăm tìm lối thân quen hẹn hò, biết vỗ về giấc ngủ nồng nàn thương mến của chàng trai trước đó chưa đêm nào trọn giấc. Chính sự dịu dàng, yêu thương của em đã tiếp cho tôi sức mạnh vượt qua mọi lời đàm tiếu, dị nghị của người đời khi biết chúng tôi yêu nhau. Để bảo vệ tình yêu và người mình yêu tôi đã quên mình còn khiếm khuyết mà trở nên tự tin, mạnh mẽ để phấn đấu học tập, để cùng nắm tay nhau thuyết phục gia đình 2 bên cho chúng tôi được tổ chức đám cưới.

Ngày tổ chức đám cưới là ngày mưa tầm tã, trong màn mưa của núi rừng, ôm chặt đôi bờ vai em, tôi thấy cay cay nơi sống mũi. Đã từ lâu nước mắt đàn ông của tôi thôi rơi, nhưng ngày đó nước mắt tôi hòa cùng mưa là những giọt hạnh phúc, là những quyết tâm cùng lời thề nguyện sẽ mãi mãi cùng nhau đi hết cuộc đời dù vất vả, khó khăn đang chờ trước mắt.

Chúng tôi bắt đầu cuộc sống gia đình đúng như câu “Một túp lều tranh, hai trái tim vàng”. Cùng với sạp rau củ đơn sơ, vợ chồng tôi rau cháo có nhau, dành cho nhau những yêu thương trìu mến. Những giờ phút bên nhau chúng tôi vẫn thường thủ thỉ tâm tư, kể những chuyện vu vơ của cuộc sống quanh mình, để rồi lại tay trong tay siết chặt cùng vượt qua thiếu thốn, khó khăn cơm áo gạo tiền.

Khốn nỗi, đôi chân tôi vẫn không thể phục hồi, những việc nặng nhọc trong gia đình đều dồn lên đôi vai của vợ khiến không ít lần tâm tư tôi lại chao đảo. Nhiều hôm chứng kiến cảnh vợ bụng mang dạ chửa lóc cóc đạp xe hơn 2 cây số đi mua hàng để 4h sáng hôm sau lại đạp chiếc xe cà tàng xuống chợ, tôi thấy tim mình như có bàn tay vô hình nào bóp chặt, đau đớn, bất lực.

Nhưng rồi cảm giác ấy lại qua nhanh khi cô ấy nở nụ cười trìu mến, thương yêu, khi cô ấy chăm chút cho chồng con. Gia đình nhỏ của tôi nhờ vào tình yêu thương ấy mà rổn rảng niềm vui. Những giây phút vui vầy cùng vợ con, tôi lại tự hứa với lòng mình, nếu mai này có khóc thì đó cũng sẽ là những giọt nước mắt hạnh phúc, thương yêu…

P.V

TIN LIÊN QUAN

Tin mới