Núp bóng 'bảo vệ nhân quyền' để bảo vệ những kẻ chống phá

(Baonghean.vn) - Mấy ngày gần đây, một số tổ chức, hội nhóm ở nước ngoài, trong đó có cái gọi là tổ chức “Sáng kiến Pháp lý Việt Nam” (Legal Initiatives for Vietnam), địa chỉ tại bang California (Hoa Kỳ), lại lên internet và mạng xã hội cố tình bóp méo, xuyên tạc sự thật nhằm bênh vực, bảo vệ cho một số đối tượng lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí vi phạm pháp luật đã bị bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Điểm mặt những nhân vật được bảo vệ, dư luận đặt câu hỏi: Tổ chức “Sáng kiến Pháp lý Việt Nam” và một số tổ chức, hội nhóm kia bảo vệ nhân quyền hay bảo vệ những kẻ chống phá?

Giọng điệu hiểm độc

Đứng ra bênh vực, bảo vệ cho những nhân vật mà họ gọi là “nhà báo độc lập”, một số tổ chức, hội nhóm trong đó có tổ chức “Sáng kiến Pháp lý Việt Nam” lu loa xuyên tạc rằng chính quyền Việt Nam đã “vi phạm quyền tự do ngôn luận”; “tấn công vào nền tự do báo chí và hoạt động báo chí độc lập”... Từ những suy diễn, vu cáo vô lối ấy, cái gọi là tổ chức “Sáng kiến Pháp lý Việt Nam” và một số tổ chức đòi Nhà nước Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho những “nhà báo độc lập” đang bị giam giữ.

Theo lập luận của một số tổ chức, hội nhóm và cái gọi là “Sáng kiến Pháp lý Việt Nam” thì Nhà nước Việt Nam không tuân thủ theo các cam kết về nhân quyền với quốc tế; không chịu nội luật hóa các điều đã cam kết, nên luật pháp Việt Nam không tương thích với công ước của Liên hợp quốc về quyền con người.... Từ những suy diễn ấy họ cho rằng những “nhà báo độc lập” bị bắt giữ thời gian qua chỉ là “bày tỏ chính kiến một cách hòa bình”, “Việt Nam đàn áp tự do ngôn luận, tự do báo chí”... và việc Việt Nam bắt giữ, xử lý những người trong tổ chức tự xưng “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” là vi phạm quyền con người; vi phạm quyền tự do ngôn luận đã được nêu trong Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị.

Ảnh chụp trang web của Tổ chức “Sáng kiến Pháp lý Việt Nam”.
Ảnh chụp trang web của Tổ chức “Sáng kiến Pháp lý Việt Nam”.

Pháp luật Việt Nam luôn phù hợp với thực tiễn và công ước quốc tế

Cần khẳng định ngay rằng, một số tổ chức, hội nhóm, trong đó có cái gọi là tổ chức “Sáng kiến Pháp lý Việt Nam” đang núp bóng “bảo vệ nhân quyền” để bóp méo, xuyên tạc làm sai lệch bản chất các vụ việc nhằm chống phá Việt Nam.

Cái gọi là tổ chức “Sáng kiến Pháp lý Việt Nam” nhất là những người đứng đầu tổ chức này cần biết rằng, Việt Nam đã tham gia vào Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (năm 1966)- một trong những văn kiện nhân quyền quan trọng nhất của Liên hợp quốc. Tại khoản 1, Điều 19, Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, quy định rõ: Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp”. Nhưng cũng tại Công ước này, ở khoản 2, Điều 22 quy định: “Việc thực hiện quyền không bị hạn chế, trừ những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự cộng đồng, và để bảo vệ sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hay các quyền và tự do của người khác”.

Việt Nam đã và đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hệ thống pháp luật của Nhà nước Việt Nam, trong đó có Bộ luật Hình sự hiện hành đều được Quốc hội thảo luận thông qua và được ban hành theo đúng nguyên tắc, trình tự xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Việt Nam luôn chú trọng nội luật hóa các điều khoản đã cam kết với thế giới trên cơ sở văn hóa truyền thống và thực tiễn đất nước.

Mặt khác với tinh thần mở rộng dân chủ trong quy trình xây dựng pháp luật, Việt Nam luôn coi trọng việc lấy ý kiến đóng góp của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Chính vì thế mà hệ thống pháp luật nói chung và Bộ luật Hình sự của Việt Nam nói riêng vừa tương thích với quốc tế, vừa phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bảo đảm tính dân chủ và sự đồng thuận cao của xã hội, vừa tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia đối với các loại tội phạm sẽ bị đưa ra xét xử hình sự.

Đại biểu Quốc hội khóa XIV góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Đại biểu Quốc hội khóa XIV góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Ảnh tư liệu

Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, mọi công dân Việt Nam có quyền bày tỏ tâm nguyện, chính kiến chính đáng của mình, song quyền này phải được thực hiện theo khuôn khổ của pháp luật; bày tỏ chính kiến một cách có tổ chức, trên tinh thần tập thể và ý thức xây dựng, vì lợi ích quốc gia – dân tộc. Xã hội Việt Nam không có chỗ cho những kẻ lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để nêu ý kiến một cách tùy tiện, vô tổ chức, không vì mục đích xây dựng mà nhằm động cơ kích động, gây rối, xâm phạm đến quyền và lợi ích của người khác, làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia - dân tộc... Mọi hành vi trái với tinh thần đó đều là vi phạm pháp luật và phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Mọi luận điệu không lấp liếm được sự thật

Tại Việt Nam, mọi công dân đều bình đẳng trước Hiến pháp và pháp luật, trên tinh thần “Thượng tôn pháp luật”; “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Dù có che chắn, bảo vệ đến đâu chăng nữa thì những kẻ mà một số tổ chức, hội nhóm, trong đó có cái gọi là tổ chức “Sáng kiến Pháp lý Việt Nam” nhắc tới vẫn là những kẻ đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam.

Cụ thể họ là thành viên của tổ chức bất hợp pháp “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”. Dưới vỏ bọc của tổ chức này, họ bày tỏ ý kiến một cách vô tổ chức, “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm xuyên tạc, chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”; “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật phẩm hay bí mật Nhà nước”;... Và họ phải chịu những hình thức xử phạt nghiêm khắc của pháp luật là tất yếu, không có điều gì phải bàn cãi.

Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm vụ án Phan Công Hải về tội tuyên truyền chống phá Nhà nước, tháng 4/2020. Ảnh tư liệu: Đức Dũng
Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm vụ án Phan Công Hải về tội tuyên truyền chống phá Nhà nước, tháng 4/2020. Ảnh tư liệu: Đức Dũng

Giọng điệu mà một số hội, nhóm và cái gọi là tổ chức “Sáng kiến Pháp lý Việt Nam” đưa ra thực chất vẫn là “bình cũ rượu mới” dựa theo luận điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền” của một số nước phương Tây mà thôi. Hành vi của một số hội, nhóm, trong đó có cái gọi là tổ chức “Sáng kiến Pháp lý Việt Nam” đâu phải là vì nhân quyền cho Việt Nam. Đó chỉ là trò núp bóng nhân quyền nhằm bảo vệ những kẻ âm mưu lợi dụng quyền tự do ngôn luận nhằm chống phá Nhà nước và nhân dân Việt Nam./.

Tin mới