Phấn đấu xây dựng nông thôn Việt Nam trở thành những miền quê đáng sống

Phấn đấu xây dựng nông thôn Việt Nam trở thành những miền quê đáng sống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng nông thôn mới chính là đổi mới xã hội nông thôn “sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc” và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân để người dân lao động có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc...

Nông thôn Việt Nam gắn liền với lũy tre xanh, cây đa, bến nước, với “rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt”... là niềm thương, nỗi nhớ những người con xa quê mỗi khi Tết đến, Xuân về. Nông thôn Việt Nam là nơi người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp (hiện vẫn chiếm khoảng 62,4% dân số cả nước).

Ngày nay, khu vực nông thôn đã có những chuyển biến rõ nét trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện rõ rệt đời sống của bà con nông dân, củng cố và tăng cường niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước.

bna_Nông thôn Nghệ An đang từng ngày khởi sắc(1).jpg
Nông thôn Nghệ An khởi sắc. Ảnh: Thái Dương

Chương trình xây dựng nông thôn mới được đánh giá là đạt “kết quả to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”. Đến tháng 12/2023, cả nước đã có khoảng 78% số xã, 42% số đơn vị cấp huyện, 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người không ngừng được nâng cao (năm 2022 đạt gần 3,86 triệu đồng/người), tỷ lệ hộ nghèo giảm nhiều so với trước.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng nông thôn mới chính là đổi mới xã hội nông thôn “sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc” và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân để người dân lao động có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc. Xây dựng nông thôn mới là làm cho nông thôn xanh, sạch, đẹp, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển quan hệ cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, kết nối sự đoàn kết, là động lực của sự phát triển đất nước…

hoi-nghi-lan-thu-nam-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-7789.jpg
Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: Tư liệu

Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết xác định “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới”. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Nội dung xây dựng nông thôn hiện đại chính là thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo.

Để xây dựng nông thôn hiện đại thì trước hết các cấp ủy Đảng phải lãnh đạo cả hệ thống chính trị phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khai thác mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả Bộ Tiêu chí về xã nông thôn mới và Bộ Tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

bna_Đoàn công tác của tỉnh và huyện Nam Đàn về thẩm định nông thôn mới kiểu mẫu xã Nam Cát-Ảnh Mai Hoa.jpg
Đoàn công tác của tỉnh và huyện Nam Đàn về thẩm định nông thôn mới kiểu mẫu xã Nam Cát. Ảnh tư liệu: Mai Hoa

Xây dựng nông thôn hiện đại phải có quy hoạch phù hợp theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn lâu dài, có các khu chức năng dân sinh, khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đảm bảo giải quyết nhiều việc làm có thu nhập cao cho cư dân nông thôn, góp phần thực hiện mục tiêu “ly nông không ly quê” gắn với bảo vệ tốt môi trường sinh thái.

Tăng cường việc chỉ đạo tổ chức thực hiện theo quy hoạch và quản lý quy hoạch có hiệu quả… khai thác, phát huy mọi nguồn lực để xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, thủy lợi, điện, cơ sở văn hóa, thương mại, thông tin truyền thông, nhà ở dân cư ở nông thôn từng bước đồng bộ, chất lượng. Xây dựng nông thôn hiện đại gắn với những tiến bộ trong thực hiện tiêu chí thu nhập, giảm nghèo đa chiều, có tỷ lệ lao động được đào tạo nghề cao, phát triển đa dạng các mô hình liên kết, mô hình hợp tác xã, khuyến nông, phát triển làng nghề,… để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Xây dựng nông thôn hiện đại phải gắn với phát triển văn hóa - xã hội như giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

nong-nghiep-nghe-an-5915.jpg
Xây dựng nông thôn hiện đại gắn với những tiến bộ trong thực hiện tiêu chí thu nhập, giảm nghèo đa chiều... Ảnh: Tư liệu

Xây dựng nông thôn hiện đại phải có con người tổ chức thực hiện, vì thế, tăng cường xây dựng hệ thống chính trị ở nông thôn vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, có kiến thức, kinh nghiệm, gắn bó với nhân dân. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến sâu để tiêu thụ hết nguyên liệu cho nông dân sản xuất ra, tăng kim ngạch xuất khẩu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành,…

Phấn đấu xây dựng nông thôn Việt Nam ngày càng xanh, sạch, đẹp, lưu giữ truyền thống “tình làng, nghĩa xóm”, mỗi người dân đều được ấm no, hạnh phúc sẽ là một miền quê thanh bình, một miền quê đáng sống.

be-tong-hoa-duong-noi-dong-o-xa-quynh-ngoc-huyen-quynh-luu-anh-nhat-thanh-2661.jpg
Bê tông hóa đường nội đồng ở xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Nhật Thanh

Tin mới