Phát huy vai trò "tai, mắt" của dân

(Baonghean) - Giám sát và phản biện xã hội là một trong những chức năng quan trọng của MTTQ đã được quy định trong hiến pháp năm 1992, đến hiến pháp sửa đổi năm 2013, chức năng này một lần nữa lại được nhấn mạnh. Ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị (Khoá XI) đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TƯ về "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Quyết định này vừa nâng cao vai trò, vị thế của MTTQ các cấp, vừa củng cố trách nhiệm của tổ chức này. Tuy nhiên, để thực hiện nội dung tinh thần của quyết định 217, MTTQ các cấp còn rất nhiều việc phải bàn...
“Tai, mắt”của dân
Lâu nay, việc giám sát của MTTQ các cấp chủ yếu thông qua Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ). Đây được xem là “tai, mắt” của dân ở cơ sở. Xã Vân Diên được xem là đơn vị đi đầu của huyện Nam Đàn trong thực hiện chức năng giám sát của MTTQ thông qua Ban TTND và Ban GSĐTCĐ gồm các thành viên được bầu từ 19 khối, xóm. Nhờ bám sát tình hình thực tế, trong thực hiện việc giám sát trong công tác chi các khoản chính sách cho người có công, năm 2014, Ban TTND xã Vân Diên đã phát hiện cán bộ chính sách xã lợi dụng chức vụ, quyền hạn kết hợp với cán bộ tư pháp làm giấy chứng tử không đúng quy định.
Thông qua việc đối chiếu các thông số trong hồ sơ gốc, khảo sát và xác minh đối tượng thực tế trên địa bàn, Ban Thanh tra nhanh chóng xác minh được sự việc và kiến nghị với cấp ủy, chính quyền. Sự việc đã được giải quyết, vị cán bộ làm khống giấy chứng tử đã bị thi hành kỷ luật. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2014, Ban TTND được mời tham gia việc thu, chi ngân sách tại xóm Quy Chính và xóm Nam Bình. Qua việc giám sát, phát hiện các xóm này đã thu, nhưng chưa nộp đủ và truy thu số tiền 10.150.000 đồng ở xóm Quy Chính, 4.400.000 đồng ở xóm Nam Bình.
Ông Nguyễn Văn Cần - Phó Chủ tịch MTTQ xã Vân Diên - Trưởng Ban TTND và Ban GSĐTCĐ cho biết: Thời gian qua, Ban TTND không những giám sát tốt các chính sách, các khoản thu phí, quỹ tại các xóm, mà qua thực hiện giám sát việc sử dụng đất sau chuyển đổi, đã kịp thời kiến nghị, từng bước tháo gỡ được những vướng mắc ở cơ sở. Việc giám sát thông qua Ban GSĐTCĐ đối với các công trình xây dựng trên địa bàn (trường học, nhà văn hóa, các đường giao thông liên xóm) cũng phát huy hiệu quả cao. Qua giám sát đã phát hiện được những sai sót về nguyên vật liệu không đúng với bản dự toán, thiết kế, và có kiến nghị, đề xuất, dừng thi công và bên thi công đã kịp thời thay đổi, sửa chữa, vì thế, các công trình có sự giám sát đã đảm bảo đúng chất lượng như trong dự toán và hồ sơ thiết kế.
Giám sát việc quản lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện Diễn Châu.
Giám sát việc quản lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện Diễn Châu.
Tại Thành phố Vinh, công tác giám sát cũng được MTTQ các cấp phát huy tương đối hiệu quả. Trên địa bàn thành phố hiện có 25 Ban TTND của 25 phường, xã với 344 thành viên, trong đó có 142 người kiêm thành viên Ban GSĐTCĐ. Hầu hết các ban giám sát đã xây dựng được quy chế hoạt động. Năm 2013, Ban TTND các phường, xã đã tham gia giám sát được 461 vụ việc, xác minh được 120 vụ việc, đã kiến nghị xử lý 118 vụ việc. Tại phường Quang Trung, hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng của MTTQ các cấp đã góp phần nâng cao chất lượng các công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Chủ tịch MTTQ phường cho biết: “Trong năm 2013 và đầu năm 2014, Ban GSĐTCĐ đã giúp chính quyền địa phương phát hiện được những sai sót trong các công trình sửa chữa tại Trường THCS Quang Trung, sự bất cập trong thiết kế của đình cá chợ Quang Trung. Từ đó giúp chính quyền có cơ sở yêu cầu nhà thầu phải thay đổi thiết kế, công khai rõ ràng các hạng mục trong dự toán...”.
Cũng theo bà Tâm, Ban TTND cũng đã có nhiều cuộc giám sát định kỳ tại các khối, xóm trong việc thu thuế, quỹ, kịp thời chấn chỉnh một số đơn vị như khối 1, khối 4 vì không hoàn thiện hồ sơ thu chi các loại phí, quỹ... Còn tại xã Hưng Lộc, thông qua hoạt động giám sát của Ban GSĐTCĐ đã giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân phát hiện những sai sót trong thi công các công trình kênh mương trên địa bàn như: công trình kênh mương tại xóm 14, xóm Hoa Tiến; thi công công trình đường Hoàng Tá Thốn qua 3 xóm, Đức Lâm, Đức Thịnh, Đức Thọ...
Còn nhiều bất cập
Là tổ chức tập hợp được rộng rãi ý kiến của nhân dân và các tổ chức thành viên, MTTQ các cấp đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, thiết thực với chính quyền cùng cấp vào các dự thảo, nghị quyết, kế hoạch, chương trình thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Từ các ý kiến, kiến nghị của MTTQ, chính quyền cùng cấp đã có các giải pháp kịp thời để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Đảng, chính quyền. Tuy nhiên, vẫn có những nơi, việc xác định nội dung, hình thức giám sát còn lúng túng, chất lượng giám sát và phản biện chưa đáp ứng được yêu cầu và sự mong đợi của nhân dân. Thế nên, ở cơ sở vẫn xảy ra tình trạng lời ra, tiếng vào, đơn thư khiếu nại, kiện cáo liên quan việc bình xét hộ nghèo, bình xét gia đình văn hoá, thôn đặc biệt khó khăn; thực hiện chế độ chính sách... Hoạt động giám sát chủ yếu dựa trên 3 hình thức: tham gia giám sát với cơ quan quyền lực Nhà nước; vận động nhân dân giám sát; tự mình giám sát, nhưng thực tế cho thấy, sự chủ động để phát hiện và giám sát của MTTQ ở cơ sở chưa cao, chủ yếu mới thông qua việc nắm bắt, tiếp thu các ý kiến của nhân dân để kiến nghị, phối hợp tổ chức giám sát. Vẫn có hiện tượng giám sát, phản biện theo kiểu hình thức, lựa chiều, theo ý của người lãnh đạo, người có thẩm quyền.
Kênh thủy lợi qua xóm 1, xã Hưng Lộc (TP. Vinh) được xây dựng có sự giám sát của Ban GSĐTCĐ xã.
Kênh thủy lợi qua xóm 1, xã Hưng Lộc (TP. Vinh) được xây dựng có sự giám sát của Ban GSĐTCĐ xã.
Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do năng lực của đội ngũ cán bộ MTTQ và các đoàn thể hạn chế; không được đào tạo bài bản, nhất là ở cấp huyện và cơ sở. Nhiều cán bộ chưa ngang tầm với nhiệm vụ, tính chuyên sâu không cao; năng lực nhìn nhận, phân tích vấn đề, đánh giá, kết luận trong quá trình giám sát và phản biện còn có mặt bất cập. Tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của một số cán bộ làm công tác mặt trận và đoàn thể có nơi chưa được phát huy đúng mức. Cá biệt, ở một vài nơi, cán bộ yếu kém về năng lực lại được điều chuyển sang làm công tác mặt trận, đoàn thể. Ở cơ sở, thực tế hoạt động giám sát chủ yếu dựa vào Ban TTND và Ban GSĐTCĐ, nhưng lĩnh vực này cũng đòi hỏi yếu tố về chuyên môn. Nếu giám sát các công trình xây dựng thì đòi hỏi người giám sát phải có hiểu biết, kiến thức sâu về xây dựng, giao thông. Hay giám sát các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, thì thành viên giám sát cũng phải nắm vững luật và các văn bản quy phạm pháp luật. 
Một lý do nữa gây khó cho công tác giám sát, phản biện tại các cấp cơ sở là cơ chế phối hợp giữa chủ thể giám sát và đối tượng giám sát còn chưa rõ ràng, thiếu chế tài và những quy định liên quan. Bà Nguyễn Thị Vân - Chủ tịch MTTQ xã Hưng Lộc (TP. Vinh) nêu ví dụ: Công trình kênh Vếch Bắc đi qua địa bàn, những cán bộ MTTQ chỉ được tham gia giám sát về vấn đề môi trường, vấn đề rác thải xây dựng, vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, chứ việc hồ sơ dự toán, thiết kế thì hoàn toàn không được biết. Trong vấn đề giám sát công chức thì tại xã Hưng Lộc, cán bộ MTTQ hầu như không được tham gia giám sát các khoản thu ở trung tâm “một cửa”, theo chị Vân “không có cơ chế chúng tôi làm sao có thể giám sát được”. 
Bên cạnh đó, chính sách, điều kiện làm việc mặt trận và các đoàn thể chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn kinh phí dành cho hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCĐ ở cơ sở còn hạn chế (khoảng 2 triệu đồng/năm) ít nhiều ảnh hưởng đến sự nhiệt tình, tâm huyết của cán bộ và chất lượng hoạt động giám sát. Ông Nguyễn Văn Cần - Phó Chủ tịch MTTQ xã Vân Diên (Nam Đàn), chia sẻ: “Tôi làm vì trách nhiệm, vị thế của cán bộ MTTQ và cũng là để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân thôi, chứ trợ cấp thì không đủ xăng xe”. Một lý do nữa khiến cho hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của MTTQ chưa cao là cấp ủy, chính quyền ở cơ sở chưa thật sự chú trọng lãnh đạo cũng như phối hợp với MTTQ thực hiện. Việc tranh thủ ý kiến góp ý đối với dự thảo chủ trương, chính sách, chương trình, dự án của một số cơ quan, tổ chức có thẩm quyền còn hình thức; không ít nơi, tổ chức, cá nhân chưa thực sự cầu thị, tin tưởng, tiếp thu ý kiến phản biện đúng và dũng cảm nhận khuyết điểm, sửa chữa sai lầm của chủ thể phản biện. Nhiều cơ quan, tổ chức gửi dự thảo văn bản để lấy ý kiến của MTTQ và các đoàn thể chậm, không có sự phản hồi về việc tiếp thu của các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra. 
Ngoài giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì MTTQ các cấp còn phải xem chủ trương, chính sách đó có phù hợp, hiệu quả, khả thi hay không để có ý kiến phản hồi lại với cấp ủy, chính quyền. Nếu thấy chưa phù hợp thì tranh luận, phản biện. Tuy nhiên, cho đến nay, ở nhiều nơi, cán bộ mặt trận vẫn hiểu mơ hồ về phản biện xã hội như là “phản ánh”, nên việc thực hiện chức năng này ở nhiều nơi chưa rõ nét, chủ yếu chỉ mới dừng lại ở việc tham gia góp ý, kiến nghị đối với dự thảo một số dự án luật; kiến nghị với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều chỉnh một số chính sách liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người dân và cán bộ ở cơ sở, khối, xóm... Ngay cả hoạt động giám sát của mặt trận cấp tỉnh, cấp huyện cũng đang mang tính chất phối hợp, tham gia cùng các cơ quan, ban, ngành chứ chưa triển khai được nhiều hình thức tự giám sát.
Theo ông Nguyễn Đức Thành - Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, MTTQ tỉnh, muốn phản biện hay tự giám sát phải có hội đồng tư vấn bao gồm các nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu am hiểu sâu về các lĩnh vực. Tuy nhiên, ở tỉnh ta, MTTQ mới ra mắt 3 Hội đồng tư vấn (HĐTV) gồm: HĐTV Dân chủ Pháp luật,: HĐTV kinh tế; HĐTV văn hoá, xã hội vào tháng 8 năm nay, còn ở cấp huyện mới chỉ có một số địa phương thành lập được ban tư vấn. Trung tuần tháng 9/2014, lần đầu tiên MTTQ tỉnh thực hiện chương trình tự giám sát thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại 2 huyện Diễn Châu và Anh Sơn.
Qua giám sát thấy rằng, việc vận chuyển và sử dụng thuốc BVTV còn nhiều bất cập như: cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc không có chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ hành nghề hết thời hạn, vị trí bán thuốc, bảo quản không đúng quy định... Tuy nhiên, điều mà cán bộ MTTQ băn khoăn là sau khi thực hiện việc giám sát và đề xuất lên các cấp chính quyền, các ngành liên quan, liệu vấn đề tồn tại của đối tượng giám sát có được điều chỉnh thay đổi hay không? Bởi thực tế hiện nay, tuy có nhiều văn bản pháp luật đề cập đến vai trò và trách nhiệm giám sát của Mặt trận, nhưng vẫn còn mang tính hình thức, khuôn mẫu, thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể, chưa có biện pháp, chế tài thích hợp với việc tiếp nhận và xử lý kết quả giám sát do MTTQ kiến nghị. Do vậy, dễ dẫn đến tình trạng cơ quan chức năng không xử lý, giải quyết kết quả giám sát của MTTQ hoặc nếu có giải quyết thì chỉ mang tính chiếu lệ.
Nâng tầm cán bộ và có cơ chế phù hợp
Theo ông Trần Xuân Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Diễn Châu, để thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị đòi hỏi cán bộ làm công tác mặt trận phải không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, am hiểu và nắm vững các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ các cấp cần chú trọng đưa nội dung này vào chương trình tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận. Lựa chọn người có chuyên môn, nghiệp vụ sâu, nhiều kinh nghiệm cùng tham gia vào Ban TTND và Ban GSĐTCĐ để phát huy vai trò “tai, mắt” của dân ở cơ sở. Ông Hải cũng cho rằng, MTTQ các cấp cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về chức năng giám sát và phản biện của MTTQ, để thu hút, tập hợp các ý kiến của người dân, tạo điều kiện cho MTTQ có cơ sở để thực hiện giám sát và phản biện xã hội.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đức Thành - Trưởng Ban dân chủ - Pháp luật cho rằng: “Muốn giám sát và phản biện xã hội có chất lượng và hiệu quả, chủ thể giám sát và phản biện phải mạnh, phải có bản lĩnh, có trình độ chuyên môn, có năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề. Vì vậy, các cấp uỷ đảng cần quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ có tâm, có tầm làm công tác mặt trận và các đoàn thể. Chú trọng cán bộ trẻ, có năng lực, trình độ cả về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. Bên cạnh đó, cần có chế độ đãi ngộ thoả đáng, khuyến khích những người có tâm, có tầm vào làm việc. Mặt khác, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành chức năng cần phải có nhận thức và cách nhìn đúng về vai trò của MTTQ. Từ đó phối hợp, tạo điều kiện để MTTQ và các đoàn thể ở địa phương tổ chức thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội; đồng thời, có thái độ thực sự cầu thị trong lắng nghe ý kiến của MTTQ và các đoàn thể...”.
Từ thực tế ở cơ sở, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Chủ tịch MTTQ phường Quang Trung (TP. Vinh) cho rằng, Ban TTND và Ban GSĐTCĐ được ví là “tai, mắt” của dân, có vai trò quan trọng trong hoạt động giám sát. Vì vậy, các địa phương cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí khuyến khích hoạt động của các tổ chức này. Như ở phường Quang Trung, mỗi năm Ban GSĐTCĐ được chính quyền quan tâm, hỗ trợ kinh phí lên tới 25 - 30 triệu đồng, mỗi buổi giám sát, các thành viên của ban được hỗ trợ 25 - 30 nghìn đồng tiền xăng xe... nhờ đó đã khuyến khích được tính tính cực, trách nhiệm của các thành viên và chất lượng hoạt động giám sát ngày càng được nâng lên. Một số ý kiến cho rằng, trong quá trình giám sát, không phải lúc nào chủ thể giám sát cũng nhận được sự hợp tác của đối tượng giám sát, có nơi còn cố tình không cung cấp các hồ sơ liên quan. Vì vậy, công khai, minh bạch thông tin cũng như xây dựng hệ thống cơ chế, ban hành các chế tài đầy đủ, đủ mạnh, đánh giá đúng thực trạng, bổ sung hoàn chỉnh các quy định của pháp luật để MTTQ và các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội là điều kiện quan trọng để Quyết định 127 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống có hiệu quả..
Thanh Nga - Khánh Ly

Tin mới