Nước Nhật làm thế nào để thích nghi với động đất?

(Baonghean.vn) - Nhật Bản là một trong những quốc gia chịu nhiều động đất nhất trên thế giới. Mới đây, hai trận động đất liên tiếp trên vùng đảo Kyushu đã cướp đi sinh mạng 41 người, hàng ngàn người bị thương và gây thiệt hại nặng về tài sản. Để đối phó với những cơn động đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào, Nhật Bản cũng đã có nhiều biện pháp để thích nghi và làm giảm thiểu tối đa tổn thất gây ra do động đất.
Tokyo, thủ đô của Nhật Bản được đánh giá là thành phố lớn thứ 2 thế giới về nguy cơ thảm họa tự nhiên. Do đó, chính phủ Nhật Bản luôn đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt cho các tòa nhà cao tầng nơi đây. 
Có 87% tòa nhà ở Tokyo được xây dựng theo chuẩn đặc biệt để thích nghi với động đất. Những căn nhà này được xây dựng với nền móng có cao su chứa chất lỏng đặc biệt để có thể hấp thụ lực khi chịu tác động từ những cơn địa chấn.
Tòa tháp cao nhất thế giới Tokyo Skytree được sử dụng rất nhiều kỹ thuật chống động đất học hỏi từ các ngôi chùa cổ của Trung Quốc.
Tòa tháp cao nhất thế giới Tokyo Skytree được sử dụng rất nhiều kỹ thuật chống động đất học hỏi từ các ngôi chùa cổ của Trung Quốc.
Tiêu biểu là tháp Tokyo Skytree, tòa tháp cao nhất thế giới được xây năm 2012. Với độ cao 634m, tòa tháp này được thiết kế nhờ 100 kỹ sư, kiến trúc sư và nhà quy hoạch để có thể tuyệt đối an toàn khi động đất. 
Ngoài trục trung tâm làm bằng bê tông cốt thép chôn sâu 50m trong lòng đất, cấu trúc bên trong của Tokyo Skytree xây dựng mô phỏng theo hình dạng của những ngôi chùa gỗ cổ xưa nổi tiếng bền vững giữa động đất và bão.
Ở ngoại ô Tokyo, bên dưới một sân bóng đá và công viên trượt băng có một hệ thống xả nước ngầm dài 6,5 km, có 5 tầng để bắt nước lũ từ sóng thần và bão, sau đó xả an toàn ra sông Edo. 
Theo CNN, hệ thống này mất 3 tỷ USD và 13 năm để xây dựng. Nhưng nó mang lại an toàn cho những người dân nơi đây trước những nguy cơ từ thiên nhiên.
Về công trình giao thông công cộng, Nhật Bản cũng đầu tư mạnh mẽ các giải pháp chống động đất cho đường sắt, đặc biệt là những tàu điện ngầm và tàu cao tốc - niềm tự hào của người Nhật trên thế giới. 
Vào trận động đất lịch sử đến 9,0 độ Richter năm 2011, khi đó Nhật Bản đang có 27 tàu cao tốc đang hoạt động. Nhờ mạng lưới khổng lồ các cảm biến dự báo động đất khắp cả nước, tất cả các đoàn tàu đều được dừng lại khẩn cấp ngay trước thảm họa xảy ra. Không có bất cứ ai chết hoặc bị thương khi đi tàu điện ở trận động đất năm đó.
Nhật Bản đã đầu tư 1 tỷ USD cho các hệ thống cảnh báo động đất. Khi nhận được nguy cơ động đất, chỉ 80 giây sau, nguồn khí gas sẽ tự động ngắt. Tuy nhiên bên cạnh các hệ thống cảnh báo, ý thức và hành vi của con người khi có động đất quan trọng hơn rất nhiều. 
2
Đội cứu hộ Nhật Bản được huấn luyện chuyên nghiệp và luôn sẵn sàng khi có động đất.
Tất cả những người dân Nhật Bản đều thuộc nằm lòng cách đối phó khi gặp động đất. Nếu bất ngờ xảy ra động đất, bạn không được chạy và hoảng loạn. Nếu nhà có trẻ con, việc đầu tiên là phải tìm ra những đứa trẻ, sau đó nấp dưới  gầm giường hoặc những thứ tương tự cho đến khi mặt đất ngừng rung chuyển. 
Thiên nhiên tàn khốc vẫn đang khiến Nhật Bản phải chịu những thiệt hại nặng nề từ động đất. Tuy vậy hệ thống và những biện pháp chống động đất của Nhật Bản hiện thuộc hàng tân tiến nhất thế giới, cả Mỹ cũng phải học hỏi Nhật Bản về những công trình chống động đất.
Chính phủ Nhật Bản vẫn đang nỗ lực tìm kiếm thử nghiệm những biện pháp mới, nâng cấp cho các công trình cũ để có thể thích nghi tốt hơn với động đất.
Thanh Hiền
(Theo Gizmodo)
TIN LIÊN QUAN

Tin mới