'Cú hích' tiếp sức cho bà Hillary Clinton

(Baonghean) - Cuộc đua bầu cử Tổng thống Mỹ tiếp tục có nhiều diễn biến gay cấn khi cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đang có nhiều lợi thế so với đối thủ Donald Trump. Sự ủng hộ của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama được cho sẽ gia tăng uy tín và niềm tin cho bà Hillary, trong khi đó, việc thoát hiểm trong bê bối email cá nhân cũng trút bớt một gánh nặng trong cuộc đua vào Nhà Trắng của bà. 

Cuộc tiếp sức hiếm có

Sau một thời gian giữ quan điểm trung lập, Tổng thống Barack Obama chính thức có động thái công khai ủng hộ cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay.

Hình ảnh Tổng thống Obama và cựu Ngoại trưởng của mình bước xuống từ chiếc chuyên cơ Air Force One mang tính biểu tượng cao bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm bà Hillary không xuất hiện cùng Tổng thống trên chiếc máy bay quyền lực này.

bầu cử Mỹ
Cuộc tiếp sức của Đảng Dân chủ. Ảnh The New Yorker

Chiến dịch vận động tranh cử chung của ông Obama và bà Hillary diễn ra tại thành phố Charlotte, tiểu bang North Carolina - nơi được Đảng Dân chủ coi là “chiến địa” quan trọng trong cuộc bầu cử sắp tới. Tại đây, ông Obama tuyên bố sẵn sàng “trao quyền trượng” lãnh đạo nước Mỹ cho bà Hillary và dành nhiều lời “có cánh” ca ngợi người từng là đối thủ và trợ thủ đắc lực của mình. Ông Obama cũng chỉ trích khẩu hiệu tranh cử “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump khi khẳng định rằng “Nước Mỹ đang thật sự vĩ đại”.

Có thể nói, sự xuất hiện của ông Obama trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của bà Hillary là điều hiếm khi xảy ra và mang một ý nghĩa lớn đối với kết quả chung cuộc. Trong suốt hơn 50 năm qua, ông Obama là Tổng thống đương nhiệm duy nhất vận động tranh cử cho người kế nhiệm mình. Điều này là bởi người kế nhiệm thường không muốn kế thừa những chính sách của người tiền nhiệm để lại.

Hơn nữa, ông Obama và bà Hillary từng là “kình địch” trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2008. Từng công kích và chỉ trích lẫn nhau nhưng cuối cùng, họ lại trở thành đồng minh và ở chung chiến tuyến. Vì thế, sự công nhận của Tổng thống Obama có giá trị hơn bất cứ lời công nhận nào.

Trước mắt, với ủng hộ của Tổng thống đương nhiệm, bà Hillary có thể thu hút thêm lá phiếu của các cử tri trẻ tuổi, cử tri gốc Phi và châu Mỹ Latin, những người vốn dành nhiều tình cảm cho ông Obama. 

Về phía Tổng thống Obama, ông ủng hộ bà Hillary vì đồng tình với quan điểm của cựu Ngoại trưởng Mỹ trước các vấn đề quốc gia hệ trọng. Nhưng quan trọng hơn cả, ông muốn bảo vệ các thành quả chính sách đã đạt được nếu bà Hillary thắng cử. Ít nhất cho đến lúc này, cựu Ngoại trưởng cam kết sẽ tiếp tục duy trì hoặc thúc đẩy các chính sách của ông Obama về vấn đề chăm sóc y tế, nhập cư, cải cách tài chính và môi trường.

Thoát hiểm bê bối email

Cuộc tiếp sức của Tổng thống Obama dành cho cựu Ngoại trưởng diễn ra đúng ngày Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) công bố kết quả điều tra về vụ bê bối sử dụng hộp thư cá nhân trong thời gian giữ chức Ngoại trưởng của bà Hillary.

Theo đó, phía FBI cho biết sẽ không đề nghị truy tố bà Hillary vì không có đủ bằng chứng cho thấy bà và cộng sự đã cố tình vi phạm luật pháp. Với sự chứng thực này, cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ có thể đàng hoàng tham gia đại hội đảng Dân chủ tại Philadelphia vào ngày 25/7 tới đây.

Bên cạnh đó, nó cũng củng cố thêm khả năng bà trở thành đại diện đảng Dân chủ tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, bất chấp việc đối thủ cùng đảng Bernie Sanders từng tuyên bố sẽ không bỏ cuộc.

Bê bối sử dụng email cá nhân khi còn là Ngoại trưởng Mỹ đã đeo bám bà Hillary suốt 4 năm qua kể từ lúc bà rời khỏi chức vụ này.

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey quyết định không truy tố ứng viên Hillary Clinton vì bê bối email cá nhân. Ảnh AP.
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey quyết định không truy tố ứng viên Hillary Clinton vì bê bối email cá nhân. Ảnh AP.

Theo báo cáo điều tra, bà Hillary và các cố vấn đã phớt lờ khuyến cáo rõ ràng của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng hệ thống bảo mật thư điện tử của bà không đạt các tiêu chuẩn liên bang và có thể là điểm yếu cho các tin tặc tấn công. Mặc dù vậy, cơ quan điều tra vẫn phát hiện hàng chục nghìn thư đến và đi trong hộp thư cá nhân của bà Hillary, trong đó có cả những thư tối mật liên quan đến an ninh quốc gia. Đây được cho là “gót chân asin” của bà Hillary khi bà liên tục bị các đối thủ chỉ trích là thiếu trách nhiệm và bất cẩn.

Vậy nên, dù giành thắng lợi ở đấu trường pháp lý nhưng chưa chắc bà Hillary có thể thoát khỏi mũi dùi chỉ trích từ dư luận, đặc biệt là từ phía đảng Cộng hòa. Điều này đã thấy rõ khi đối thủ của bà Hillary, tỷ phú Donald Trump đã chỉ trích quyết định của FBI là “không công bằng” và cáo buộc bà Hillary đã “mua chuộc” để thoát khỏi sự truy tố. Chắc chắn thời gian tới, ứng cử viên Trump sẽ lợi dụng điều này để tiếp tục công kích đối thủ của mình trên các diễn đàn và các chiến dịch truyền thông.

Tuy vậy, với thái độ “hợp tác” điều tra cùng những chứng cứ rõ ràng và minh bạch, bà Hillary vẫn sẽ nhận được sự ủng hộ nhất định của các cử tri. Theo kết quả thăm dò mới nhất, cựu Ngoại trưởng Mỹ đang ngày càng chiếm ưu thế so với tỷ phú Donald Trump với tỉ lệ ủng hộ là 46% và 33%.

Dù khoảng cách giữa hai ứng viên liên tục thay đổi trong các cuộc thăm dò gần đây nhưng tất cả đều cho thấy ông Trump đang ở trong một giai đoạn khó khăn, thể hiện qua việc sa thải người điều hành chiến dịch tranh cử Corey Lewandowski, khó khăn trong vận động tài chính và những phát biểu gây tranh cãi liên quan tới vấn đề chủng tộc.

Trong những người ủng hộ bà Hillary, gần một nửa cho biết lý do bỏ phiếu cho bà là vì không muốn ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ. Dù chưa thể dự đoán chắc chắn, nhưng rõ ràng trong cuộc đua nước rút, bà Hillary đang nhận được những “cú hích” mạnh để tăng tốc./.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN

Tin mới