Tân Tổng thống Hàn Quốc: Sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên

(Baonghean) - Sau khi kết quả kiểm phiếu được chính thức công bố vào sáng ngày 10/5, với 41,1% phiếu bầu, ông Moon Jae-in đã chính thức trở thành Tổng thống mới của Hàn Quốc thay cho bà Park Geun-hye đã bị phế truất. Chiến thắng của ông Moon Jae-in đã chấm dứt gần 1 thập kỷ cầm quyền liên tục của các đảng theo đường lối bảo thủ, mang theo nhiều kỳ vọng về những thay đổi trong đời sống chính trị cũng như kinh tế - xã hội tại Hàn Quốc. 

Sau một thập kỷ chờ đợi

Kết quả kiểm phiếu của cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc khá tương đồng với những thăm dò dư luận trước đó, cho thấy ông Moon Jae-in - ứng cử viên của Đảng Dân chủ tự do nhận được 41,1% số phiếu bầu, bỏ xa ứng cử viên thứ hai tới hơn 17% (cuộc thăm dò gần nhất ghi nhận tỷ lệ ủng hộ hơn 44% dành cho ông Moon Jae-in).

Sau khi Ủy ban bầu cử xác nhận kết quả kiểm phiếu, ông Moon Jae-in đã ngay lập tức bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống 5 năm của mình mà không cần trải qua thời gian chuyển giao quyền lực. Những vị trí quan trọng nhất trong Chính phủ đã được ông chỉ định ngay trong sáng 10/5 với ông Lee Nak-yon; tỉnh trưởng tỉnh Nam Jeolla làm Thủ tướng, trưởng nhóm thư ký cho chiến dịch vận động tranh cử Im Jong-seok làm Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống và ông Suh Hoon làm Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia. 

Ông Moon Jae-in mừng chiến thắng trước những người ủng hộ. 	Ảnh: Getty
Ông Moon Jae-in mừng chiến thắng trước những người ủng hộ. Ảnh: Getty

Chiến thắng thuyết phục của ông Moon Jae-in đánh dấu sự trở lại nắm quyền lực sau gần 10 năm của Đảng Dân chủ tự do và được chính ông Moon Jae-in gọi là “một chiến thắng vĩ đại”. Các nhà phân tích cho rằng, các lá phiếu của cử tri dành cho ông Moon Jae-in thể hiện sự thất vọng sâu sắc của họ đối với phe bảo thủ cầm quyền sau vụ bê bối của cựu Tổng thống Park Geun-hye.

Họ mong chờ vị Tổng thống mới sẽ có những cải cách đối với nền chính trị nhằm giảm quyền lực quá lớn của Tổng thống và ngăn chặn nguy cơ tham nhũng do sự liên kết giữa các chính trị gia và các lãnh đạo doanh nghiệp - chính là những yếu tố đã dẫn đến sự ra đi của bà Park Geun-hye. 

Những người dân Hàn Quốc cho rằng, chính môi trường chính trị không trong sạch đã khiến các chính sách của Chính phủ tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế gia đình, nhưng lại “không đủ cho những người dân bình thường. Kể từ khi kết thúc chiến tranh, nhiều thế hệ người Hàn Quốc vẫn nhìn nhận rằng những khó khăn kinh tế là khó khăn chung, chỉ có đoàn kết dân tộc mới giúp kinh tế phát triển, và mọi người sẽ cùng được hưởng lợi một khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng.

Nhưng ngày nay, quan điểm về “nỗ lực chung, lợi ích chung” đang bị lung lay khi sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng, giảm cơ hội nghề nghiệp đối với giới trẻ. Chính vì vậy, yếu tố ghi điểm rất quan trọng cho ông Moon Jae-in chính là cam kết tăng cường các biện pháp kích thích tài khóa như tăng chi tiêu công, thúc đẩy nhu cầu nội địa, tạo việc làm cho giới trẻ, từ đó giảm bất bình đẳng trong xã hội. Trong bài phát biểu tuyên bố chiến thắng, ông Moon Jae-in đã khẳng định, ông sẽ trở thành “vị Tổng thống vì tất cả mọi người”, phục vụ ngay cả những người trước đây không ủng hộ ông. 

Chủ động và mềm dẻo với Triều Tiên 

Bên cạnh những vấn đề đối nội, ông Moon Jae-in được cho là còn mang đến nhiều thay đổi trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc, và quan trọng nhất cách xử lý mối quan hệ căng thẳng hiện nay với Triều Tiên. Trong quá trình tranh cử, ông Moon Jae-in cam kết Hàn Quốc sẽ đóng vai trò lớn hơn trong các nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Mặc dù vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Hàn trong giải quyết vấn đề này, song ông mong muốn “Hàn Quốc sẽ dẫn dắt trong các vấn đề ở bán đảo Triều Tiên” thay vì có thể bị Mỹ đặt vào tình huống “sự đã rồi”. Ông Moon Jae-in từng khẳng định: “Cho dù là trong hoàn cảnh nào đi nữa, chúng ta cũng sẽ không để cho số phận của bán đảo Triều Tiên bị nước khác quyết định".

Ông Moon Jae-in tuyên bố sẵn sàng đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA
Ông Moon Jae-in tuyên bố sẵn sàng đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA

Quan điểm của ông Moon Jae-in là giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên một cách mềm mỏng, thông qua các kênh ngoại giao đa phương. Từng chỉ trích chính sách cứng rắn của Chính phủ tiền nhiệm trong suốt 10 năm qua mà không có hiệu quả, ông Moon Jae-in được cho là sẽ theo đuổi “Chính sách Ánh dương” của cựu Tổng thống Kim Dae-jung với ý tưởng cốt lõi là “phát triển quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên hòa bình, hợp tác kinh tế và hướng tới con đường cùng có lợi”.

Ông Moon Jae-in cũng từng tuyên bố, sẵn sàng đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - một động thái khác hẳn với Chính phủ tiền nhiệm. Dù vậy, ông cũng đặt ra điều kiện cho cuộc gặp này là ông Kim Jong-un phải đảm bảo quyết tâm giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. 

Một mối quan hệ bớt căng thẳng hơn giữa hai miền Triều Tiên dưới thời tân Tổng thống Moon Jae-in là điều được các chuyên gia dự báo. Tuy nhiên, đây là về đường hướng lâu dài. Còn với những bước đi luôn rất khó đoán định từ phía Triều Tiên, có lẽ còn quá sớm để nói về những thay đổi sẽ diễn ra trong thời gian tới. Đó là chưa nói tới một “ngòi nổ” vẫn đang trực chờ, thách thức mọi nỗ lực nhằm hạ nhiệt trên bán đảo Triều Tiên: lần thử hạt nhân thứ 6 của Bình Nhưỡng.

Dù lần thử này đã không diễn ra vào ngày 25/4 vừa qua, nhân kỷ niệm 85 năm thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên như dự báo, song như lời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, sự kiện này có thể diễn ra vào bất cứ lúc nào. Một khi vụ thử hạt nhân này diễn ra, đó sẽ là bài sát hạch đầu tiên cho ông Moon Jae-in để chứng minh những thay đổi mà ông tự tin là hiệu quả hơn trong xử lý mối quan hệ với Triều Tiên. 

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN

Tin mới