Tại sao Mỹ không thể từ bỏ Qatar?

(Baonghean.vn)- Các thông điệp lẫn lộn của Mỹ về cuộc khủng hoảng Qatar đã thể hiện bản chất phức tạp của các cáo buộc nhằm vào quốc gia Arab giàu dầu mỏ này.

Các nhà báo tại các tổ chức truyền thông Trung Đông đã “bài xích gay gắt nhau” kể từ khi Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar hồi tháng trước do cáo buộc Doha hỗ trợ các nhóm khủng bố IS, Al Qaeda và các phiến quân do Iran hậu thuẫn tại nhiều nước vùng Vịnh.

Tiểu vương Qatar Al-Thani gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump  tại Riyadh, Saudi Arabia ngày 21/5. Ảnh: AP
Tiểu vương Qatar Al-Thani gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Riyadh, Saudi Arabia ngày 21/5. Ảnh: AP

Dựa trên việc thiết lập ngoại giao của Mỹ và lời nói cũng như hành động của Lầu Năm Góc kể từ khi khủng hoảng Qatar nổ ra, rõ ràng Washington có kế hoạch tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tất cả các nước thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) nhằm đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố.

Tuy nhiên, các thông điệp lẫn lộn của chính quyền Mỹ về khủng hoảng Qatar cho thấy bản chất nhiều mặt và phức tạp của các cáo buộc chung nhằm vào quốc gia Arab giàu dầu mỏ này.

Các quan chức cấp cao của lưỡng viện chỉ trích cả Doha và Riyadh, coi cả hai đều là một phần vấn đề. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, mối quan hệ của Qatar với Hamas và các nhóm Hồi giáo dòng Sunni đã khiến các nghị sỹ Mỹ chỉ trích mạnh mẽ.

Ông John Kerry, hồi còn là Thượng nghị sỹ năm 2009, cho rằng “Qatar không thể tiếp tục là một đồng minh của Mỹ rồi sau đó chuyển tiền cho Hamas”.

Hồi tháng trước, Tổng thống Donald Trump cáo buộc các quan chức cấp cao tại Doha ủng hộ khủng bố. Hồi đầu tháng này, phản ứng trước yêu sách 13 điểm mà nhóm các nước vùng Vịnh kêu gọi Doha thực hiện, cố vấn truyền thông của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, R.C.Hammond, thừa nhận “đây là con đường hai chiều” và “không có bàn tay sạch”.

Hồi năm ngoái, các nghị sỹ Mỹ bỏ qua phủ quyết của Tổng thống Obama và thông qua Đạo luật Công lý chống tài trợ khủng bố (JASTA), ám chỉ chính quyền Saudi “nhúng tay” vào các vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Khi đó với tư cách ứng viên Tổng thống, ông Trump ủng hộ đạo luật này cũng như bà Hillary Clinton, mặc dù tương lai của JASTA dường như vẫn mơ hồ.

Trong nỗ lực ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng Tillerson tại GCC, ông cho rằng phản hồi của Doha đối với yêu sách của 4 nước vùng Vịnh là “rất hợp lý”, động thái rõ ràng cho thấy việc thiết lập ngoại giao của Washington tiếp tục coi trọng Qatar như một đồng minh thân cận của Mỹ. Hơn nữa, Mỹ và Qatar ký một thỏa thuận chống khủng bố khi ông Tillerson có mặt tại Doha ngày 11/7.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gặp người đồng cấp Qatar tại Washington. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gặp người đồng cấp Qatar tại Washington. Ảnh: AP

Trước đó, hồi tháng 6, hai nước hoàn tất thương vụ chiến đấu cơ trị giá 12 tỷ USD. Rõ ràng, bất chấp những dòng Twitter của Tổng thống Trump hồi tháng trước, Washington và Doha vẫn duy trì quan hệ bền chặt với việc Mỹ phản đối các nước vùng Vịnh việc phong tỏa Doha.

Vậy liệu thỏa thuận này có dịch chuyển trọng tâm nhằm vào Riyadh và các nước GCC khác hay không? Có lẽ vậy. Bởi hiện tại Qatar có thể tuyên bố họ đang tuân thủ với các chuẩn mực của Washington nhằm đối phó chủ nghĩa khủng bố.

Ngay cả các nước do Saudi hay UAE dẫn đầu sẽ phải chịu sức ép ký các thỏa thuận tương tự hoặc giải thích lý do đằng sau việc các nước từ chối làm điều đó. Trong bất kỳ trường hợp nào, việc Washington và Doha ký thỏa thuận chống khủng bố sẽ làm hủy hoại các nỗ lực của nhóm 4 nước vùng Vịnh nhằm thuyết phục Mỹ nhìn Qatar bằng “thấu kính” của họ.

Với tất cả những thách thức của Nhà Trắng, chính quyền của Tổng thống Trump cam kết tăng cường hợp tác chống khủng bố với cả Saudi và Qatar, và Mỹ có ý định buộc Riyadh và Doha thương lượng với nhau.

Mục đích của ông Tillerson là nhằm tăng cường vị thế của Mỹ và các đồng minh Arab dòng Sunni trong cuộc chiến chống IS và các nhóm phiến quân khác, cũng như một nước Iran đang lớn mạnh.

Nếu những nỗ lực ngoại giao nhằm dàn xếp một giải pháp đối với khủng hoảng Qatar trở nên vô ích, thì chính quyền của ông Trump sẽ đối mặt với một bầu không khí thách thức hơn tại Trung Đông, điều sẽ giới hạn khả năng Nhà Trắng có thể đạt được các mục tiêu trong khu vực.

Lan Hạ

(Theo National Interest)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới