Mỹ mang Đệ nhất phu nhân "đi đánh xứ người"

(Baonghean) - Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama đang có mặt tại Trung Quốc cho chuyến thăm chính thức nhằm mục đích mở rộng mối quan hệ Trung - Mỹ, tuy nhiên bà hạn chế nói về những khác biệt chính trị giữa 2 nước, CNN đưa tin.
Xuất phát vào thứ 4 ngày 19/3 từ Thủ đô Hoa Kỳ Washington, D.C., chuyến thăm kéo dài 1 tuần của bà Obama sẽ ghé qua 3 thành phố Trung Quốc. Tại đây, Đệ nhất phu nhân sẽ trò chuyện với học sinh của một vài trường học về tầm quan trọng của giáo dục cũng như bồi dưỡng, đào tạo thế hệ trẻ. Vào thứ 6 ngày 21/3, lịch trình của bà Obama tham dự các hoạt động và sự kiện với sự có mặt của Đệ nhất phu nhân Trung Quốc bà Bành Lệ Viện. Phát biểu về chuyến thăm này, Phó cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Ben Rhodes cho biết, "Chuyến thăm của bà Obama và lịch trình của bà ấy nhắn gửi một thông điệp rằng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không chỉ đơn thuần là mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo, mà là mối quan hệ của nhân dân 2 nước. Giữ một mối liên hệ mật thiết giữa các nhà lãnh đạo là cực kỳ quan trọng, xét trên vai trò của 2 nước chúng ta trong thế kỷ 21 này. Nhưng chúng tôi còn đang đi xa hơn thế nữa, xây dựng mối quan hệ giữa nhân dân 2 nước, đặc biệt là thế hệ trẻ".
Nếu không có gì thay đổi thì Tổng thống Barack Obama sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trong Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Hague, Hà Lan vào tuần tới. Nhân viên Nhà Trắng thông báo với phóng viên rằng những vấn đề mà Mỹ và Trung Quốc bất đồng quan điểm, ví dụ như nhân quyền và giao dịch thương mại, sẽ được đưa ra đàm phán trực tiếp giữa 2 nhà lãnh đạo và các đại diện của chính phủ 2 bên. Ông Ben Rhodes cũng nói, "Chúng tôi không hy vọng Trung Quốc đồng tình với mọi lập trường chính trị của chúng tôi tại mọi thời điểm, nhưng nếu Trung Quốc càng hiểu về Hoa Kỳ, về Tổng thống, Đệ nhất phu nhân và những ưu tiên hàng đầu của họ, chúng tôi nghĩ sẽ càng có lợi cho cả 2 nước".
Bà Bành Lệ Viện hướng dẫn bà Michelle Obama cách cầm bút viết thư pháp trong chuyến tham quan một lớp học thư pháp truyền thống tại Bắc Kinh.
Bà Bành Lệ Viện hướng dẫn bà Michelle Obama cách cầm bút viết thư pháp trong chuyến tham quan một lớp học thư pháp truyền thống tại Bắc Kinh.
Bà Obama dự định thăm Thủ đô Bắc Kinh và Thành phố Thành Đô, nơi bà sẽ trò chuyện với các em học sinh, bàn luận về trao đổi văn hoá và lợi ích của việc đi du học nước ngoài. Trung Quốc hiện là quốc gia được các sinh viên Mỹ lựa chọn làm điểm đến du học xếp thứ 5. Và ngược lại, Trung Quốc là nước có nhiều sinh viên du học ở Mỹ hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Sau thông điệp về giáo dục, Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ sẽ gặp bà Bành Lệ Viện trong chuyến tham quan Tử Cấm Thành và Vạn Lý Trường Thành. Sau đó bà sẽ đến Thành phố Tây An để tham quan đội quân đất nung.
Tại Thành Đô, bà sẽ tham quan trung tâm gấu trúc Thành Đô, nơi chăm sóc và bảo tồn gần 50 con gấu trúc. Đi cùng Đệ nhất phu nhân trong chuyến đi này còn có mẹ bà, bà Marian Robinson, cùng 2 cô con gái Malia và Sasha Obama. Nhà Trắng tin rằng điều này sẽ có ý nghĩa đối với người Trung Quốc. "Tôi nghĩ rằng họ sẽ hiểu được ý nghĩa của việc một gia đình, hơn nữa lại là một gia đình 3 thế hệ đi "du lịch" cùng nhau, điều mà tôi cho là người Trung Quốc sẽ đánh giá cao, nó thể hiện mối liên hệ gắn bó mật thiết mà gia đình Obama xây dựng giữa những thành viên không thuộc cùng thế hệ", trưởng đoàn nhân viên của Đệ nhất phu nhân Tina Tchen cho hay. "Đây là cơ hội trải nghiệm quan trọng đối với gia đình Obama và cũng để người Trung Quốc biết thêm về một gia đình kiểu Mỹ".
Một điều thú vị là 40 năm sau khi chính sách ngoại giao "bóng bàn" giúp hâm nóng lại mối quan hệ Trung - Mỹ, điều này lại đang được tái hiện lại theo đúng nghĩa đen của nó khi Đệ nhất phu nhân Mỹ thăm một trường cấp 3 tại Bắc Kinh, với sự tiếp đón của Phu nhân Chủ tịch Bành Lệ Viện. Trong lúc tham quan trường, khi ghé qua phòng bóng bàn, một giáo viên hỏi bà Obama liệu có muốn chơi thử. Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ đã cởi bỏ áo khoác ngoài, vui vẻ cầm vợt và chơi với giáo viên này, sau đó là với một học sinh nữ, trong vòng 5 phút. Bà tự nhận mình không có nhiều kinh nghiệm trong môn thể thao này nhưng nói thêm rằng bà thấy nó rất thú vị và chồng bà, ngài Tổng thống cũng chơi bóng bàn.
Đệ nhất phu nhân xấp xỉ 50 tuổi, có lẽ chỉ mới học tiểu học khi cuộc thi đấu tình cờ giữa một vận động viên bóng bàn Trung Quốc với một vận động viên Mỹ khiến Bắc Kinh đưa ra quyết định mời đội tuyển bóng bàn Mỹ sang thi đấu giao hữu vào năm 1971. Trận đấu này là tiền đề cho chuyến thăm của Tổng thống Richard Nixon vào năm 1972, mở đường cho việc thiết lập lại quan hệ ngoại giao vào năm 1979, kết thúc sự cô lập của Trung Quốc khỏi thế giới bên ngoài.
Có thể thấy một Hoa Kỳ đa dạng trong chính sách đối ngoại cũng như cách tiếp cận các đối tác nước ngoài của mình. Không cứng rắn, đanh thép bằng vũ lực hay những tuyên bố hăm doạ, Mỹ trông chờ và phó thác trách nhiệm tiếp cận với một trong những thế lực đáng gờm nhất thế giới cho những "người phụ nữ của Nhà Trắng". Rõ ràng là một chiến thuật tinh tế, mà chưa chắc đã kém hiệu quả hơn nắm đấm của cánh đàn ông. Bởi vì, dù không trực tiếp đề cập đến những lợi ích trước mắt mà mối quan hệ giữa 2 nước hướng tới, sự có mặt của gia đình Obama tại Trung Quốc cho người Trung Quốc cảm giác thân thiện và gần gũi hơn là một mối quan hệ chỉ đơn thuần vì lợi ích quốc gia, điều mà người dân chưa chắc đã được tai nghe mắt thấy. Nhưng cuộc trò chuyện với Đệ nhất phu nhân Mỹ, những trao đổi về giáo dục, du học thì hiện hữu ngay trước mắt họ, dễ hiểu và có sức thuyết phục hơn bất kỳ bản giao kèo ký kết nào giữa các nhà lãnh đạo cao cấp. Tập trung vào các vấn đề liên quan đến con người và xã hội như giáo dục, giới trẻ, thay vì liên quan đến chính trị, là một nước cờ khôn ngoan và cũng nhân văn hơn nhiều.
Ngoài ra, để ý thấy những dự định trong lịch trình của bà Obama đều liên quan đến các trường học, di tích văn hoá lịch sử hay khu bảo tồn môi trường, thể hiện sự quan tâm đến nước bạn Trung Quốc một cách toàn diện. Người Mỹ muốn nói với người Trung Quốc rằng chúng tôi đến để hiểu về các bạn, văn hoá, lịch sử của các bạn. Rõ ràng Nhà Trắng đã nghiên cứu kỹ hệ giá trị của người Trung Quốc nói riêng và người châu Á nói chung khi quyết định đưa mẹ và con của Đệ nhất phu nhân cùng đi. Bởi với người châu Á, gia đình là nền tảng của xã hội, đề cao lề lối, trật tự trên dưới, trước sau trong gia đình, chú trọng việc gắn kết các thành viên trong gia đình.
Bằng việc đưa 3 thế hệ đi cùng nhau, người Mỹ muốn thể hiện cho người Trung Quốc thấy gia đình cũng là một trong những giá trị được người Mỹ đề cao, và rằng điểm chung này giữa 2 dân tộc có thể góp phần giúp mối quan hệ giữa 2 nước càng gần gũi. Tất nhiên là người Mỹ đang có những thể hiện rất tốt, rất khôn ngoan trước Trung Quốc. Nhưng trong bối cảnh mà chuyến "thăm thân tình" của Đệ nhất phu nhân diễn ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân Hague, nơi hai đức phu quân sẽ chạm mặt, cũng có thể hồ nghi rằng thiện chí cũng có ít nhiều, nhưng động cơ làm bước đệm cho ngài Tổng thống Obama "thừa thắng xông lên" hẳn cũng không thiếu. Thế mới biết, thời chiến "giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh" còn thời bình "giặc không đến nhà, đàn bà sang nhà giặc đánh"! Nói vui thế thôi, chứ điều đáng nói là ngay cả trên chính trường quốc tế, những vấn đề đao to búa lớn có khi được gỡ nút chỉ nhờ một cái vẫy tay và nụ cười của một người phụ nữ!
Nấm Linh Chi

Tin mới