Quỳ Hợp xây dựng quy trình sản xuất cam khép kín

(Baonghean.vn) - Thực hiện nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, UBND huyện Quỳ Hợp đã chọn cây cam làm mũi đột phá trong phát triển nông nghiệp, trên cơ sở đó UBND huyện đã xây dựng Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu cam Quỳ Hợp theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2015 - 2020” .

Năm 2007, cam Quỳ Hợp được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Cam Vinh”. Tuy nhiên, tình hình sản xuất cam còn mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ và tự phát; chất lượng giống chưa bảo đảm nên chất lượng sản phẩm không cao; Bên cạnh đó thị trường bị thả nổi nên cam Quỳ Hợp lẫn lộn với cam khác cho nên chưa đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường... 

Thứ trường Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam thăm mô hình trồng cam của gia đình ông Hồ Văn Lê xóm Minh Kính xã Minh Hợp tháng 5-2016
Thứ trường Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam thăm mô hình trồng cam của gia đình ông Hồ Văn Lê ở xóm Minh Kính xã Minh Hợp tháng 5/2016.

Trước thực tế đó huyện Quỳ Hợp ban hành Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu cam Quỳ Hợp theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2015 - 2020”. Theo đó, mục tiêu của đề án nhằm khai thác tối đa về tiềm năng đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để phát triển vùng cam. Đề án được thực hiện trong địa bàn 6 xã, gồm: Minh Hợp, Nghĩa Xuân, Châu Đình, Văn Lợi, Hạ Sơn và Tam Hợp. Đây là những địa phương nằm trên vùng đất đỏ bazan màu mỡ có truyền thống phát triển cây cam. Hiện nay người dân ở các xã này rất tích cực chuyển đổi sang trồng cam để nâng cao hiệu quả kinh tế của gia đình.

Tổng kinh phí của đề án dự kiến khoảng 650 tỷ đồng được phân khai bằng các nguồn vốn từ ngân sách, doanh nghiệp, vốn đầu tư nước ngoài và huy động từ người dân. Trong đó dự kiến huy động xã hội hóa trong nhân dân khoảng 46,2%, tương đương 300 tỷ đồng. Đề án hướng đến quy trình sản xuất cam khép kín từ khâu tuyển giống cho đến chế biến sản phẩm và đưa ra thị trường.

Cam V2 - đặc sản ở Quỳ Hợp. Ảnh Phan Toàn
Cam V2 - đặc sản ở Quỳ Hợp. Ảnh Phan Toàn

Một số giải pháp trọng tâm được huyện đưa ra là sẽ xây dựng 1 khu sản xuất cam ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Xuân Thành với quy mô 10 ha sản xuất giống cam; Tập trung đào tạo cán bộ kỹ thuật, tập huấn kỹ thuật cho nông dân; Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác và HTX trên cơ sở liên kết, hợp tác tự nguyện giữa các hộ, trang trại; Khuyến khích phát triển kinh tế hộ và các thành phần kinh tế trong đầu tư phát triển cây cam…

Ông Hoàng Văn Thái - Trưởng phòng NN&PTNT Quỳ Hợp cho biết: “Toàn huyện có tổng số 2.045 ha cam, quýt, đặc biệt cam Qùy Hợp có giá trị kinh tế cao, có những hộ thu nhập hơn 4 tỷ đồng/năm. Quỳ Hợp có vùng đất đỏ bazan tập trung ở các xã Minh Hợp, Nghĩa Xuân Văn Lợi, Hạ Sơn, Tam Hợp và Châu Đình là điều kiện thuận lợi để phát triển cây cam. Bên cạnh đó, cam Quỳ Hợp đã có thương thiệu trên toàn quốc, đặc biệt là thương hiệu cam Vinh.

Chăm sóc vườn cam ở Quỳ Hợp. Ảnh: Đ.C
Chăm sóc vườn cam ở Quỳ Hợp. Ảnh: Đ.C

Tuy nhiên, việc triển khai đề án này cũng gặp không ít khó khăn, đó là ở Quỳ Hợp là mới chỉ có 750 ha bước vào kinh doanh, sắp tới sản lượng sẽ tăng lên, dự báo hơn 2.000 ha nhưng chưa có đầu ra ổn định, chủ yếu do tư thương buôn bán nhỏ lẻ về thu mua. Người dân mong muốn có được một nhà máy chế biến hoa quả đặt tại Quỳ Hợp. Hiện huyện đang xây dựng đề án cam nguyên liệu Quỳ Hợp và đề nghị các ngành chức năng đầu tư kinh phí để quy hoạch vùng trồng cam và nghiên cứu các chất đất để cây cam ngày càng phát triển.

Đầu tháng 5/2016, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã về kiểm tra vùng cam tập trung tại xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, hy vọng trong thời gian tới vùng cam Quỳ Hợp sẽ xây dựng được thương hiệu riêng, nâng cao giá trị sản phẩm cam Quỳ Hợp trên thị trường.

Thu Hường

Đài Quỳ Hợp

TIN LIÊN QUAN

Tin mới