Quỳnh Lưu: Chọn lựa nhân tố điển hình để dẫn dắt, tạo dựng phong trào

(Baonghean) - Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh ở huyện Quỳnh Lưu được thấm nhuần đến từng đảng viên và quần chúng nhân dân, gắn liền với các phong trào thi đua và việc làm cụ thể. Có được kết quả đó là nhờ bài học đề cao vai trò của các nhân tố điển hình, tích cực.

Ngọc Sơn là xã miền núi, địa bàn rộng, từng gặp nhiều khó khăn như chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế của địa phương như đất đai và lao động; nguồn thu trên địa bàn hạn hẹp…

Vậy nhưng vào ngày 20/8/2016, xã đã được trao bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, và sau đó xã tiếp tục hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí. Điều gì làm cho xã Ngọc Sơn từ trong khó khăn vươn lên với sức bật mạnh mẽ, đồng bộ và toàn diện? Đây là câu hỏi của khá nhiều cán bộ các xã trong huyện, trong tỉnh khi đến học tập mô hình của Ngọc Sơn.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Hồ Bá Canh - Bí thư Đảng bộ xã Ngọc Sơn, cho rằng: Tất cả đều do sức dân; người dân tin vào việc làm mà xã triển khai nên mọi việc đều tưởng như khó mà trở thành dễ. Quan điểm xuyên suốt là tuyệt đối không được “tơ hào” gì đến của dân, phải minh bạch, để dân tin, dân ủng hộ. 

Cơ giới hóa sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn của HTX Lam Cầu, xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu). Ảnh: Việt Hùng
Cơ giới hóa sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn của HTX Lam Cầu, xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu). Ảnh: Việt Hùng


Tại thôn 2, xã Ngọc Sơn, ông Nguyễn Đức Yêng không chỉ tự nguyện đóng góp hơn 30 triệu đồng, mà còn tự nguyện góp nhiều công sức để vận động bà con trong thôn làm đường, làm nhà văn hóa. Để dân tin, bản thân ông Yêng còn đứng ra làm giám sát báo cáo công khai rõ ràng mọi đóng góp của nhân dân, mọi hạng mục thực hiện. 

Trong đội ngũ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách của Ngọc Sơn có nhiều người tận tụy với phong trào của từng xóm, từng tổ liên gia, tiêu biểu như ông Trần Xuân Luận - công chức địa chính xã. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mùa đông hay mùa hè, ông Luận thường xuyên có mặt tại những nơi người dân cần khảo sát, đánh giá, tính toán khối lượng vật liệu xây dựng, kinh phí thực hiện, tiến độ thi công, hỗ trợ người dân không chỉ về kỹ thuật mà còn cách thức vận động, huy động phù hợp, hiệu quả.

Khi được lòng dân, không chỉ thuận lợi trong đóng góp xây dựng nông thôn mới, mà các nội dung công việc xã triển khai đều cơ bản gặp thuận lợi. Ví như việc thực hiện các loại quỹ, phí, năm nào cũng chỉ trong 5 ngày là người dân tự nguyện đến trụ sở UBND xã nộp đủ 100% theo thông báo.

Được sự đồng thuận của nhân dân, 6 năm liền Ngọc Sơn là lá cờ đầu về an ninh nông thôn, Đảng bộ xã Ngọc Sơn 4 năm liền trong sạch vững mạnh. Làng quê ở Ngọc Sơn bây giờ vừa trù phú, giàu đẹp, vừa giữ được nét yên bình, hài hòa.

Bí thư Đảng ủy xã Hồ Bá Canh cho rằng, từ thực hiện Chỉ thị 03 đến Chỉ thị 05 về học tập làm theo Bác, quan hệ giữa người dân với cán bộ đảng viên ngày càng tốt đẹp, đó là mấu chốt của mọi thành công.

Tại xã Quỳnh Tân, đồng chí Nguyễn Đình Chỉnh - Bí thư Đảng ủy xã cho biết một trong những khuyết điểm của cán bộ xã Quỳnh Tân trước đây chính là phương pháp làm việc chưa hiệu quả, cán bộ lãnh đạo chưa chủ động, chưa sâu sát với quần chúng.

Thực hiện Chỉ thị 05 gắn với Nghị quyết TW 4 (khóa XII), Đảng ủy xã Quỳnh Tân phân công các ủy viên ban chấp hành phụ trách các chi bộ, các lĩnh vực, hàng tháng có báo cáo tình hình, nhận diện khó khăn, đưa ra giải giải pháp khắc phục để tạo chuyển biến.

Đơn cử như tại xóm 12, đồng chí Hồ Sỹ Cường - Phó Chủ tịch UBND xã được giao phụ trách thôn, thông qua họp dân phát hiện vấn đề bức xúc kéo dài là trạm bơm phục vụ dân sinh đã được người dân đóng góp 300 triệu đồng để xây dựng từ năm 2008, đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đồng chí Cường đã đề nghị cấp ủy, chính quyền làm việc với doanh nghiệp thi công và kết quả là doanh nghiệp đã cam kết đến ngày 30/9/2017 sẽ hoàn thành, hiện tiến độ thi công đang được đẩy nhanh. 

Để phát huy thế mạnh vườn đồi, Đảng bộ xã Quỳnh Tân chú trọng xây dựng các mô hình làm ăn cho thu nhập cao. Tại xóm 5, trên diện tích 2 ha đất vườn đồi, gia đình ông Nguyễn Cảnh Thắng đầu tư trồng cỏ voi và xây dựng khu chuồng trại cố định nuôi 120 con hươu, nai. Mỗi con hươu, nai nuôi từ năm thứ 2, 3 có thể cho thu hoạch từ 3,5 - 4 kg nhung lộc, 1 kg trị giá khoảng 8 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Cảnh Thắng thu từ 700 triệu - 1 tỷ đồng.

Tại xóm 14, trang trại gà của ông Nguyễn Cảnh Tân thường xuyên có từ 7.000 - 8000 con gà. Việc chăn nuôi quy mô lớn gắn với áp dụng khoa học kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh tốt, từ năm 2013 đàn gà trang trại ông Nguyễn Cảnh Thắng chưa bị dịch bệnh, đảm bảo thu nhập từ 600 - 700 triệu đồng/năm. Từ các mô hình điển hình tiêu biểu, xã đã tổ chức học tập, nhân rộng, đến nay toàn xã có khoảng 46 trang trại, gia trại hoạt động hiệu quả.

Trang trại nuôi hươu, nai của gia đình ông Nguyễn Cảnh Thắng ở thôn 5, xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu). Ảnh: Đức Dương
Trang trại nuôi hươu, nai của gia đình ông Nguyễn Cảnh Thắng ở thôn 5, xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu). Ảnh: Đức Dương


Đồng chí Trần Thị Hà - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳnh Lưu cho biết, xã Quỳnh Tân là địa phương thực hiện tốt phong trào tương thân tương ái trong các cấp hội. Hiện nay, 14/16 chi hội phụ nữ trong xã đã thực hiện phong trào “nuôi lợn nhựa”, thực hiện tiết kiệm hàng tháng để gây quỹ giúp đỡ các hội viên khó khăn về vốn để phát triển kinh tế, để mua bảo hiểm y tế.

Một trong những người đi đầu phong trào là chị Nguyễn Thị Minh - Ủy viên Thường vụ Hội Phụ nữ kiêm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã. Từ năm 2014, chị Minh nhận đỡ đầu cháu Hồ Thị Linh, sinh năm 2009, là con của mẹ đơn thân bị tàn tật ở xóm 3, xã Quỳnh Tân. Từ khoản tiền tiết kiệm chi tiêu hàng ngày, chị Minh thường xuyên hỗ trợ áo quần, hỗ trợ nhiều khoản đóng góp để cháu Linh được đến trường như bao trẻ em khác, quan tâm hỗ trợ các phần quà vào dịp lễ, Tết.

Từ năm 2017, chị Nguyễn Thị Minh nhận giúp đỡ thêm cháu Hồ Minh Huy ở thôn 5, bố bị bỏng toàn thân, mẹ sức khỏe yếu. Tháng 7/2017, chị Minh đóng góp cho quỹ giúp bạn nghèo vượt khó của Trường THCS Quỳnh Tân 1 triệu đồng. Tuy điều kiện kinh tế bình thường, nhưng chị Nguyễn Thị Minh đã có những hoạt động xã hội tích cực.

Thông qua những điển hình có sức lan tỏa, phong trào “nuôi lợn nhựa” giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn ở Quỳnh Tân được nhen nhóm từ năm 2011, đến nay đã phát triển sâu rộng, hiệu quả, lan tỏa các giá trị nhân văn trong cuộc sống.

Đánh giá về việc thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn, đồng chí Hoàng Văn Bộ - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳnh Lưu cho rằng, mỗi nơi có thể sáng tạo ra một cách làm riêng để phù hợp với địa bàn, song nhìn chung kinh nghiệm để tạo sức lan tỏa lớn chính là chọn lựa nhân tố điển hình tiêu biểu để dẫn dắt, tạo dựng phong trào. Cùng với đó là thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, cổ vũ động viên kịp thời, đó chính là biện pháp để làm cho việc thực hiện Chỉ thị 05 thực sự có sức sống, được đảng viên và nhân dân tích cực hưởng ứng.

Đức Dương

TIN LIÊN QUAN

Tin mới