Ra với biển như trở về nhà!

(Baonghean) - Làng chài Ngọc Văn ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, một ngày đầu thu rộn ràng tiếng nói cười của những “người con của biển” đang chuẩn bị cho một chuyến dã cào mới. Trên mặt nước lạch Vạn xanh trong, bóng cây rừng ngập mặn chắn sóng soi mặt nước làm nền cho cảnh những thủy thủ đoàn vận chuyển hàng hóa từ trên bến xuống thuyền tạo nên một quang cảnh lao động thật đẹp.
Ngô Trí Nguyên, “ông chủ nhỏ” của cặp thuyền dã cào đôi lớn nhất Nghệ An tại thời điểm hiện nay (với công suất 600 CV mỗi chiếc) vừa hướng dẫn người làm công chuyển từng xe đá lạnh xuống âu thuyền, vừa theo dõi việc kiểm tra máy móc, ngư cụ, vừa trao đổi công việc với các thủy thủ về việc nắm bắt tình hình khi ra khơi bám biển. Bận rộn như vậy, cũng là bởi Ngô Trí Nguyên đồng thời là Trung đội trưởng dân quân tự vệ xã Diễn Ngọc.
Năm 2008, sau ngày tốt nghiệp và chia tay bạn bè thầy, cô, Ngô Trí Nguyên không chọn con đường tiếp tục vào các trường đại học, cao đẳng mà trở về cùng với những công việc trên bờ, dưới biển cùng gia đình và những thủy thủ ở làng chài Ngọc Văn. Nguyên tâm sự: “Gia đình tôi lại luôn rất cần nhân lực để đi biển, vì vậy tôi đã thuyết phục gia đình tôn trọng quyết định gắn bó với nghề biển của tôi”.
Tàu về Lạch Vạn
Tàu về Lạch Vạn
Thời điểm đó, gia đình Nguyên có 2 chiếc thuyền (mỗi chiếc 165 CV) mua lại từ HTX Diễn Ngọc. Khi biết cậu con trai khát khao bám biển, gia đình đã huy động nguồn vốn 1 tỷ đồng để đóng mới 2 chiếc thuyền với công suất 600 CV mỗi chiếc, tạo thành cặp thuyền dã cào đôi lớn nhất Nghệ An. Nguyên cho biết, làng chài Ngọc Văn nói riêng và Diễn Châu nói chung, nghề biển truyền thống chủ yếu mạnh về dã cào, khác với ở Quỳnh Lưu ngư dân lại có ưu thế vượt trội về lưới vây.
Có cặp thuyền dã cào lớn, được “nối rộng đôi tay” cho việc vươn khơi bám biển, số ngày đánh bắt trên biển được kéo dài hơn, mỗi chuyến đi từ 7 đến 10 ngày. Ngư trường đánh bắt cũng được mở rộng, tùy theo luồng cá, thời tiết, cặp thuyền của gia đình Nguyên khi đi đánh bắt về phía Nam thường đến tận ngư trường Quảng Bình. Về phía Bắc, thường đánh bắt đến vùng Sầm Sơn (Thanh Hóa). Nếu đi ra hướng biển Đông, việc mở rộng ngư trường đánh bắt ra vùng đánh cá chung trên tọa độ khoảng 106,55 độ Đông (cách nơi xuất phát trong bờ khoảng 120-130 hải lý). Lực lượng thủy thủ tham gia lao động cho cặp tàu dã cào đôi ổn định 16 người, với mức thu nhập từ 5,5 đến 6,5 triệu đồng/tháng. 
Gia đình Nguyên còn mở rộng cơ sở làm đá lạnh, cung cấp cho cặp thuyền của gia đình và cho các đội tàu địa phương. Cơ sở của gia đình Nguyên hiện nay sản xuất mỗi ngày khoảng 450 - 500 cây đá lớn (khoảng 12-13 tấn), cung cấp đủ nguồn đá lạnh cho khoảng 30 thuyền cá trong vùng. Cơ sở này thường xuyên có 4 người làm công chính, 3 người làm công phụ, chuyên sản xuất đá lạnh 24/24 giờ mỗi ngày.
Năm 2012, được sự tín nhiệm của chính quyền cơ sở và sự tin tưởng của bà con ngư dân trong vùng, Ngô Trí Nguyên được giới thiệu và giao nhiệm vụ Trung đội trưởng dân quân tự vệ xã Diễn Ngọc. Từ đó, Ngô Trí Nguyên không chỉ tham gia điều hành, quản lý cặp dã cào đôi và các công việc hậu cần phục vụ nghề cá  của gia đình, mà còn điều hành Trung đội dân quân tự vệ gồm 28 người, trong đó có 5 người trực tiếp là thủy thủ và thuyền viên trên đội dã cào của gia đình Nguyên. Trung đội dân quân tự vệ Diễn Ngọc trở thành điểm kết nối các tàu thuyền của bà con ngư dân trên biển nhằm nắm bắt, báo cáo mọi tình hình, tình huống trên biển cho đất liền. Đồng thời tham gia ứng cứu, cứu hộ cứu nạn, hỗ trợ ngư dân sửa chữa ngư cụ.
Nguyên tâm sự, vào thời điểm giữa năm 2014 đến nay, từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, không ít bà con ngư dân Diễn Ngọc và các xã lân cận có tâm lý lo lắng. 28 đội viên Trung đội dân quân tự vệ Diễn Ngọc trở thành những người tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ ngư trường, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trung đội dân quân tự vệ được trang bị hệ thống thông tin không chỉ giúp liên lạc nắm bắt tình hình an ninh trên biển, mà còn nắm bắt ngư trường, luồng lạch cá chạy, nhờ đó hiệu quả đánh bắt ngày càng cao, thu nhập từ nghề biển ngày càng ổn định. Đối với thủy thủ, nguồn th từ 5,5 - 6,5 triệu đồng/tháng và có thể cao hơn nếu trong tháng gặp nhiều mẻ cá lớn. Do đó, khả năng kết nối, tập hợp, hỗ trợ ngư dân của những dân quân tự vệ biển ngày càng được phát huy. 
Chia tay làng chài Ngọc Văn khi nắng đã gần đứng bóng. Hình ảnh những thuyền cá rập rờn đang hối hả chuẩn bị vươn khơi và những tiếng động cơ nổ dòn vang trên mặt nước tạo nên một khí thế sôi động. Trước khi lên đường ra khơi, Ngô Trí Nguyên và những thủy thủ đoàn chào chúng tôi bằng những cái bắt tay thật chặt. “Biển với chúng tôi như là ngôi nhà lớn. Về với biển như về với nhà mình. Tấc biển tấc vàng, nên phải giữ nghề, giữ biển chứ!” – tiếng của Ngô Trí Nguyên vang xa trong sóng gió xen lẫn tiếng cười khỏe khoắn của thủy thủ đoàn trên chiếc tàu bắt đầu rời cảng, hùng dũng rời khỏi lạch Vạn tiến ra biển khơi.
Kiên - Nam

Tin mới