Sau Brexit liệu có đến lượt Donald Trump lên làm Tổng thống?

(Baonghean.vn) - Người ta có thể nhận ra những điểm tương đồng trong sự thành công của chiến dịch Brexit và của tỷ phú người Mỹ Donald Trump khi cả hai chiến dịch đều sử dụng những nỗi lo sợ của người dân để “câu kéo” phiếu bầu. Sau chiến thắng của Brexit, nhiều người tự hỏi liệu ông Donald Trump có thể tạo ra bất ngờ trước bà Hillary Clinton?

Donald Trump và cựu thị trưởng London
Ứng cử viên Donald Trump và cựu thị trưởng London Boris Jonhson - người dẫn đầu chiến dịch ủng hộ Anh rời EU. Ảnh: AP/20 Minutes

Chủ nghĩa dân túy, chối bỏ giới tinh hoa cầm quyền, lo ngại của giai cấp công nhân trước sự toàn cầu hóa, nỗi sợ hãi trước cuộc khủng hoảng di cư… đó là những gì mà chiến dịch Brexit và Donald Trump đã và đang sử dụng.

Cuộc khủng hoảng di cư

Ông Nigel Farage, lãnh đạo Đảng Độc lập Vương quốc Anh, đã xem việc di cư là một trong những thách thức chính của Brexit, nhất là trong khẩu hiệu “Breaking point”. Tương tự, ông Trump cũng đưa ra một video chiến dịch tranh cử khi lo ngại về việc trà trộn của IS và những kẻ buôn lậu (tại biên giới với Mexico).

Chủ nghĩa dân túy

Sau khi hay tin Brexit chiến thắng, ông Trump đã ca ngợi đó là một “tin tức tuyệt vời”. Theo ông, người Anh “ đã giành lại quyền kiểm soát đất nước của họ” và “trong tháng 11 tới đây, điều này sẽ đến với người Mỹ khi họ có thể có cơ hội tuyên bố độc lập”. Giống với Nigel Farage, Trump có lòng hãnh diện quốc gia với những khẩu hiệu như “Người Mỹ là trước hết!”, “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Cả hai đều dựa trên chủ nghĩa dân túy khi một người Mỹ tuyên bố “Tôi yêu những người ít học vấn” còn người Anh kia lại hứa hẹn sẽ đem đến một sự thay đổi “cho những người dân bình thường”.

Trưng cầu dân ý với bỏ phiếu chọn tổng thống

Brexit là một cuộc trưng cầu dân ý với những vấn đề phức tạp nhưng câu hỏi đưa ra rất dễ, người dân đi bỏ phiếu chỉ cần chọn: đi hay ở lại.

Dạng bỏ phiếu này lại có lợi cho những bất mãn của người dân. Tuy nhiên, việc bỏ phiếu lựa chọn Brexit của người Anh diễn ra dưới hình thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp.

Còn tại Mỹ, việc bỏ phiếu chọn tổng thống lại diễn ra gián tiếp và phức tạp hơn. Trong cuộc bầu cử tổng thống, các đại cử tri từng bang sẽ đi bỏ phiếu bầu người đại diện cho đất nước trong 4 năm.

Trước đó, ứng cử viên nào giành được nhiều phiếu của cử tri của bang nhất sẽ giành được toàn bộ phiếu ủng hộ của đại cử tri bang đó. Tùy thuộc số dân mỗi bang mà có số lượng đại cử tri khác nhau. Cuối cùng, ứng cử viên nào được giành được số phiếu tối thiểu là 270 trên tổng số phiếu của 538 đại cử tri nước Mỹ thì giành chiến thắng.

Nói chung, có những nét tương đồng giữa 2 cuộc bầu cử ở Anh và Mỹ nhưng rất khó để so sánh nó. Theo nghiên cứu, hiện tại bà Clinton đang dẫn trước ông Trump 7% phiếu bầu nhưng tình hình vẫn có thể thay đổi khi vẫn còn nhiều cử tri lưỡng lự, đưa ra những quyết định ở phút cuối. Trong thời gian tới, việc ông Trump giành chiến thắng không phải là điều không thể nhưng không ai có thể nói trước được tương lai./.

Chu Thanh

(Theo 20Minutes)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới