Tá hỏa vì mảnh đất cha mẹ để lại 'không cánh mà bay'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Dù không tặng, cho hay chuyển nhượng cho ai, thế nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Hiền Lương, trú tại xóm Văn Yên, xã Văn Thành (Yên Thành) tá hoả sau một thời gian làm ăn xa trở về, đất hương hoả của tổ tiên đã "không cánh mà bay" vào đất của hai gia đình hàng xóm, láng giềng.

Chiếm hết đất hương hỏa của hàng xóm

Gia đình ông bà Nguyễn Văn Xứng và Nguyễn Thị Tiu (đã mất) là bố mẹ của bà Lương, vốn là hàng xóm láng giềng với gia đình ông Nguyễn Thanh Thản và ông Nguyễn Văn Kiêm (nay là con trai Nguyễn Văn Sơn), tại xóm Văn Yên, xã Văn Thành. Khi ông Xứng và bà Tiu mất, do con cái của ông bà ốm yếu, đi làm ăn và lấy chồng xa, cả hai gia đình nói trên đã lấn chiếm và chia nhau đất để nhập vào thửa đất của nhà mình.

Bà Lương trình bày sự việc với phóng viên. Ảnh: Tiến Đông

Bà Lương trình bày sự việc với phóng viên. Ảnh: Tiến Đông

Theo đơn trình bày của bà Nguyễn Thị Hiền Lương gửi Báo Nghệ An, bố mẹ của bà sinh được 3 người con. Sinh thời ông bà có tạo lập được khối tài sản chung là thửa đất số 437, tờ bản đồ 299, diện tích 360m2, nay là một phần của thửa 764 và một phần của thửa 803, tờ bản đồ số 19. Năm 1989 bố của bà qua đời không để lại di chúc, sau đó một mình mẹ của bà ở lại trên mảnh đất đó vì bản thân bà Lương đi làm ăn xa, em trai lập gia đình và ra ở riêng nơi khác. Đến năm 1984 em gái của bà cũng đi lấy chồng về xã Đồng Thành. Lúc này do bà Tiu sống một mình nên em trai của bà Lương là ông Cương đã đón mẹ về chăm sóc. Đến tháng 1/1994 bà Tiu qua đời cũng không để lại di chúc.

Thửa đất trước đây thuộc về gia đình bố mẹ bà Lương nay đã nằm trong vườn nhà ông Thản. Ảnh: Tiến Đông

Thửa đất trước đây thuộc về gia đình bố mẹ bà Lương nay đã nằm trong vườn nhà ông Thản. Ảnh: Tiến Đông

“Khi mẹ tôi về ở với em trai tôi thì trên mảnh đất đó vẫn còn có nhà cửa, cây cối và hai ngôi mộ, chị em chúng tôi thỉnh thoảng có về ghé thăm ngôi nhà cũ và thắp hương trên hai ngôi mộ đó. Sau khi mẹ tôi mất, chị em chúng tôi cũng xác định đây là đất hương hỏa tổ tiên, ông bà, cha mẹ để lại nên sẽ xây dựng nhà thờ và không có ý định cho, tặng hay chuyển nhượng cho ai cả. Sau khi tôi ở miền Nam về xác định sinh sống luôn ở trên mảnh đất của bố mẹ để lại, thì phát hiện diện tích đất đó đã bị hai gia đình hàng xóm là ông Nguyễn Văn Kiêm (sau này vợ chồng ông Kiêm tặng cho lại con trai là Nguyễn Văn Sơn) và Nguyễn Thanh Thản lấn chiếm hết cả” – bà Lương bức xúc cho biết.

Một ngôi mộ đang nằm trong vườn nhà ông Thản. Ảnh: Tiến Đông

Một ngôi mộ đang nằm trong vườn nhà ông Thản. Ảnh: Tiến Đông

Sau khi bị chiếm đất, bà Lương đã nhiều lần gửi đơn lên UBND xã Văn Thành yêu cầu giải quyết. Trong các ngày 13/10/2020 và 24/11/2020, UBND xã Văn Thành đã mở cuộc họp hòa giải giữa các gia đình nhưng không thành.

Tại biên bản cuộc họp hoà giải vào sáng 13/10/2020, ông Thản cho rằng: Thửa đất ông Thản ở từ năm 1983; tại thời điểm đó có thửa đất của ông Nguyễn Văn Xứng liền kề; năm 1986 do gia đình ông Xứng không ở trên đất, nhà đã bị đổ sụp nên ông Cương (con ông Xứng) đã dỡ nhà. Năm 1986, Hợp tác xã đã về giao đất và đã chia đất nhà ông Xứng cho gia đình ông Thản và gia đình ông Kiêm.

Cũng tại cuộc họp hoà giải này, UBND xã Văn Thành cho rằng, hồ sơ pháp lý về việc cấp đất, giao đất của Hợp tác xã tại thời điểm trước không còn. Chưa kể, tại Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Thản được cấp ngày 12/4/1995 (mang tên vợ là Đào Thị Huề), đã không ghi cụ thể số thửa và diện tích.

Ngoài ra, vẫn còn một ngôi mộ hiện đã bao vào trong vườn nhà anh Nguyễn Văn Sơn. Ảnh: Tiến Đông

Ngoài ra, vẫn còn một ngôi mộ hiện đã bao vào trong vườn nhà anh Nguyễn Văn Sơn. Ảnh: Tiến Đông

Đến ngày 24/11/2020, tại cuộc họp hoà giải tranh chấp đất ở giữa gia đình bà Lương và gia đình anh Nguyễn Văn Sơn. Trong phần ý kiến của mình, anh Sơn cho rằng, tại thời điểm bố anh còn sống, chỉ bao vào con đường đi vào thửa đất ông Xứng; hiện tại gia đình anh Sơn đã xây dựng công trình kiên cố. Bản thân anh Sơn đã làm thủ tục cấp đổi từ bìa đỏ sang bìa hồng và diện tích cấp hiện tại số liệu giảm hơn so với bìa đỏ.

Cả 2 cuộc hoà giải vào ngày 13/10 và 24/11/2020 các bên không đi đến thống nhất được với nhau, chính vì thế mà việc giải quyết tranh chấp đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Thửa đất của bố mẹ bà Lương số 437 tờ bản đồ 299 (khu vực được đánh dấu nhân). Ảnh: Tiến Đông

Thửa đất của bố mẹ bà Lương số 437 tờ bản đồ 299 (khu vực được đánh dấu nhân). Ảnh: Tiến Đông

Tự ý bao chiếm

Liên quan đến vấn đề này, tại một báo cáo gửi TAND huyện Yên Thành vào ngày 26/1/2022, UBND huyện Yên Thành cho biết, thửa đất ông Nguyễn Thanh Thản có nguồn gốc Nhà nước công nhận Quyền sử dụng đất trước 15/10/1993. Theo bản đồ 299, là thửa đất số 436, diện tích 260m2. Theo bản đồ địa chính là thửa đất số 764, tờ bản đồ số 19, diện tích 501m2. Hộ ông Thản đã được UBND huyện cấp Giấy CNQSDĐ ngày 12/4/1995 mang tên bà Đào Thị Huề, tổng diện tích đất là 2.256m2, trong đó có 1.762m2 đất nông nghiệp, phần diện tích đất ở và đất vườn không thể hiện số thửa, tờ bản đồ bao nhiêu.

Cổng vào nhà ông Thản và phía đằng xa là nhà anh Sơn, hiện tại lối vào thửa đất của bố mẹ bà Lương đã không còn. Ảnh: Tiến Đông
Cổng vào nhà ông Thản và phía đằng xa là nhà anh Sơn, hiện tại lối vào thửa đất của bố mẹ bà Lương đã không còn. Ảnh: Tiến Đông

UBND huyện Yên Thành cũng khẳng định nguồn gốc, quá trình sử dụng đất tại thửa đất số 437 (bản đồ 299), từ trước năm 1980 là đất thổ cư của gia đình ông Nguyễn Văn Xứng. Gia đình ông Nguyễn Văn Xứng ở trên thửa đất đó đến khoảng năm 1986 đến năm 1989. Sau khi ông Xứng mất, vợ ông Xứng là bà Nguyễn Thị Tiu về ở với gia đình con trai là Nguyễn Văn Cương thì thửa đất đó được gia đình ông Thản và gia đình ông Nguyễn Văn Kiêm chia nhau sử dụng từ đó đến nay. Gia đình ông Kiêm bao phần lối đi vào của thửa đất 437. UBND huyện Yên Thành cũng khẳng định hiện chưa có tài liệu chứng minh việc giao thửa đất số 437 cho ai sử dụng.

Chiều 1/3, chúng tôi đã đi cùng cán bộ địa phương đến nhà anh Nguyễn Văn Sơn và ông Nguyễn Thanh Thản để nắm rõ sự việc một cách khách quan. Phía anh Nguyễn Văn Sơn thì trả lời rằng anh được bố mẹ tặng lại đất nên không biết. Sự thực thì khi trả lời chính quyền địa phương tại cuộc họp hoà giải 24/11/2020, anh Sơn nói rằng “tại thời điểm bố anh còn sống, chỉ bao vào con đường đi vào thửa đất ông Xứng”.

Sau đó, chúng tôi tiếp tục sang gặp ông Nguyễn Thanh Thản, sau khi xuất trình các giấy tờ cá nhân. Ông Thản cũng thừa nhận gia đình ông Xứng và bà Tiu trước đây ở kề bên nhà ông. Sau khi cả ông Xứng và bà Tiu mất thì được Hợp tác xã chia cho thửa đất này. Khi chúng tôi đang trao đổi thì có một người tự xưng là “chú”, đến đuổi chúng tôi và cán bộ xã ra ngoài.

Một người tự xưng là "chú", đuổi chúng tôi và cán bộ xã Văn Thành ra ngoài khi đang trao đổi với ông Thản. Ảnh: Tiến Đông

Một người tự xưng là "chú", đuổi chúng tôi và cán bộ xã Văn Thành ra ngoài khi đang trao đổi với ông Thản. Ảnh: Tiến Đông

Rõ ràng, Pháp luật nghiêm cấm hành vi lấn, chiếm đất đai. Điều 3, Nghị định 91/2019/NĐ-CP, ngày 19/11/2019 cũng khẳng định “chiếm đất” là hành vi tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép, hay cơ quan quản lý nhà nước đồng ý.

Vậy nhưng, thửa đất 437 có diện tích 360m2 theo bản đồ 299 là đất của bố mẹ bà Lương – ông Nguyễn Văn Xứng và bà Nguyễn Thị Tiu, dù là đất hương hoả, sử dụng từ trước năm 1980 nhưng đã “bốc hơi” trong khi hàng xóm 2 bên là gia đình ông Thản và anh Sơn chưa được sự đồng ý của gia đình bà Lương và chính quyền địa phương đã ngang nhiên sáp nhập vào thửa đất của nhà mình, rõ ràng là hành vi "chiếm đất".

Về phía chính quyền địa phương xã Văn Thành, huyện Yên Thành, sau các cuộc hoà giải không thành cũng đã hướng dẫn gia đình bà Lương khởi kiện ra toà. Tuy vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc “chiếm đất” của gia đình bà Lương, ông Thản đang bị một gia đình khác làm đơn khởi kiện vì lấn đất.

Tin mới