Tạo sinh kế cho thanh niên vùng cao

(Baonghean) - Sau 3 năm triển khai “Dự án Sinh kế bền vững cho thanh niên các huyện miền Tây Nghệ An” (Actinonaid), đến nay đã xuất hiện một số mô hình sinh kế hiệu quả, tạo việc làm ổn định, góp phần phát triển kinh tế và an sinh xã hội ở các xã nghèo vùng cao…

Trao cần câu

Trong các mô hình phát triển kinh tế của thanh niên trên địa bàn huyện Quế Phong, tiêu biểu có mô hình trồng chanh leo của hộ đoàn viên Vi Văn Sơn (bản Yên Sơn, xã Tri Lễ). Sinh ra và lớn lên trên vùng biên giới khó khăn, mong ước của anh là thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Thế nhưng, cuộc sống dựa vào nương rẫy với diện tích ít ỏi, đất bạc màu, thời tiết khắc nghiệt nên cái đói, cái nghèo mãi bám riết. Kinh tế gia đình anh bắt đầu thay đổi khi Huyện đoàn Quế Phong phối hợp với Liên minh HTX tỉnh triển khai một số hoạt động thuộc Dự án “Sinh kế bền vững cho thanh niên các huyện miền Tây Nghệ An” nhằm giúp thanh niên làm kinh tế thoát nghèo, trong đó có các lớp đào tạo tập huấn về kỹ thuật trồng cây chanh leo. 

Học viên tham gia lớp tập huấn trồng cây rễ hương ở Quỳ Châu.
Học viên tham gia lớp tập huấn trồng cây rễ hương ở Quỳ Châu.

Sau khi áp dụng những kỹ thuật trồng cây chanh leo từ lớp đào tạo do dự án tổ chức, năng suất cây trồng này tăng lên rõ rệt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2015, với 1,3 ha chanh leo cho thu hoạch 16 tấn quả tươi, bán với giá 10.000 đồng/kg, anh thu về 160 triệu đồng. Năm 2016, với kiến thức đã được trang bị, anh Sơn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bón phân theo đúng hướng dẫn, nhờ đó, cây chanh leo phát triển tốt, ước tính trừ chi phí anh thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Đến nay, gia đình anh đã thoát nghèo, mua sắm được nhiều vật dụng tiện nghi phục vụ cuộc sống. 

Trước đây, gia đình anh Lộc Văn Sơn (bản Cỏ Ngựu, xã Châu Thôn, Quế Phong) chỉ dựa vào nguồn thu nhập từ nương rẫy với cây ngô, cây sắn và phụ cấp chức vụ trưởng thôn. Tuy có sức lực, cần cù chịu khó nhưng do thiếu kiến thức, không tìm ra được hướng đi nuôi con gì, trồng cây gì hiệu quả nên cuộc sống của gia đình anh mãi đói nghèo. Năm 2015, được tham gia đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất nấm rơm từ dự án, anh đã tìm được cho mình hướng làm ăn mới. Anh mạnh dạn đầu tư mua giống, gom rơm rạ để sản xuất nấm rơm. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đến nay, gia đình anh đã có trên 600 bịch nấm, mỗi ngày thu hái được 5 - 6 kg, cho thu nhập 250.000 - 300.000 đồng/ngày. Hiện, trong bản có trên 30 hộ dân tham gia trồng nấm, sản xuất đến đâu bán hết đến đó nên mọi người rất phấn khởi. 

Phối hợp để tạo sinh kế bền vững 

Cùng với đào tạo tập huấn, xây dựng mô hình sinh kế, Liên minh HTX tỉnh đã chủ động khai thác các chương trình đề án của tỉnh như Đề án 231 của UBND tỉnh về phát triển HTX giai đoạn 2014 - 2020 để phát triển các HTX trên địa bàn, gắn với việc tiêu thụ nông sản cho thanh niên và các hộ dân để mô hình phát triển bền vững. 

Nhiều thanh niên ở vùng cao Quế Phong đã vươn lên thoát nghèo nhờ chanh leo
Nhiều thanh niên ở vùng cao Quế Phong đã vươn lên thoát nghèo nhờ chanh leo

Trên địa bàn huyện Quế Phong hiện có 22 HTX với đa dạng các loại hình dịch vụ; trong đó phải kể đến HTX Dịch vụ nông, lâm, ngư nghiệp Đồng Tiến. Được thành lập từ năm 2014, sau 2 năm hoạt động, HTX đã có những bước đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Theo ông Lô Văn Tiến - Giám đốc HTX thì, hiện nay HTX đang tập trung vào các hoạt động chính như: khai thác lâm sản tận thu vùng lòng hồ thủy điện Hủa Na với sản lượng 200 m3/năm, khai thác nứa lùng 300 - 400 tấn/năm, đánh bắt cá vùng lòng hồ trung bình 4 - 5 tạ/ngày, trên 30 lồng bè nuôi cá, dịch vụ cày đất sản xuất cho người dân và trồng ngô phục vụ chăn nuôi, khoanh nuôi bảo vệ rừng. Hiện nay, HTX đang tạo việc làm cho trên 200 lao động tại địa phương với mức thu nhập trung bình 4 - 5 triệu đồng/tháng. 

Đồng chí Nguyễn Bá Hiền - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn, huyện Quế Phong cho biết: “Trong năm 2015, xã đã trích kinh phí tổ chức 2 đợt tham quan học hỏi kinh nghiệm và kêu gọi liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Kết quả hiện nay đã có Công ty CP Sữa TH ký hợp đồng bao tiêu 30 ha ngô cây cho 20 hộ dân và Công ty nước mắm Vạn Phần ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cá đánh bắt từ vùng lòng hồ”. 

.Dự án “Sinh kế bền vững cho thanh niên dân tộc thiểu số các huyện miền Tây Nghệ An “ được coi là một hợp phần trong Chiến lược quốc gia 2012 – 2017 của ActinonAid Việt Nam). Mục tiêu chung của dự án là hỗ trợ thanh niên các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An thực hiện giải pháp sinh kế mới, để thay thế cho những loại hình sinh kế hiện đang không đem lại tăng trưởng bền vững và không thay đổi vị thế của thanh niên dân tộc thiểu số tại địa phương. Sau khi khảo sát điều kiện thực tế, Tổ chức AA (Action Aid) và Liên minh HTX Nghệ An đã chọn Quế Phong làm huyện đầu tiên triển khai thí điểm Dự án này.

Năm 2016, dự án được triển khai tại huyện Quỳ Châu. Khảo sát thực tế hiện nay trên địa bàn huyện Quỳ Châu, cây rễ hương mới chỉ đáp ứng đủ 10% nhu cầu sản xuất hương trầm của các hộ dân, dự án đã xây dựng mô hình, nhân rộng mô hình trồng cây rễ hương đáp ứng được các mục tiêu như giải quyết việc làm, thu nhập, ổn định an sinh xã hội. Năm 2016, lớp đào tạo, tập huấn được tổ chức với trên 100 học viên tham gia, kết thúc lớp tập huấn có trên 80% học viên nắm bắt đầy đủ quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch. Hiện Liên minh HTX tỉnh đã làm việc với UBND huyện và Huyện đoàn Quỳ Châu về hỗ trợ thanh niên quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu, vay vốn, xây dựng thương hiệu,…

Qua 3 năm triển khai, Dự án “Sinh kế bền vững cho thanh niên dân tộc thiểu số” đã khẳng định được vai trò và hiệu quả trong việc xóa đói, giảm nghèo cho thanh niên miền Tây với phương thức trao “cần câu” để họ chủ động trong việc sản xuất. Những kết quả khả quan khi triển khai thí điểm ở huyện Quế Phong là tín hiệu tích cực để trong thời gian tới, mô hình được nhân rộng ra các huyện miền Tây Nghệ An. 

Sản phẩm nấm của các học viên Dự án
Sản phẩm nấm của các học viên Dự án
Đồng chí Lê Phúc Ân - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Bên cạnh những hiệu quả thấy rõ thì dự án vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Thứ nhất, hoạt động của dự án đang nhỏ lẻ, số hoạt động ít, chưa tập trung vào việc xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Thứ hai, chưa có kinh phí để hỗ trợ xây dựng và nhân rộng mô hình; chưa có hoạt động hội thảo đầu bờ để đánh giá kết quả triển khai, xây dựng mô hình, từ đó vận động, tuyên truyền để nhân rộng. Thứ ba, địa hình đi lại của các xã do xa trung tâm nên một số nguyên vật liệu chưa chủ động trong khi xây dựng mô hình. Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ nỗ lực phối hợp với các đơn vị thực hiện dự án để khắc phục các khó khăn trên, tiếp tục mang lại hiệu quả sinh kế cho thanh niên nghèo miền Tây”.

Bài, ảnh: Phương Thảo

TIN LIÊN QUAN

Tin mới