Tàu lặn bắt được siêu 'thần dược tráng dương' ở nơi sâu nhất thế giới

Tàu lặn Giao Long bắt được con hải sâm đỏ quý hiếm khi khảo sát rãnh Mariana sâu nhất thế giới ở Thái Bình Dương.

tau-lan-trung-quoc-bat-duoc-than-duoc-trang-duong-o-do-sau-4800-m

Giao Long là tàu lặn nước sâu có người lái đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: QQ

Tàu lặn nước sâu Giao Long của Trung Quốc hôm 23/5 hoàn thành chuyến thăm dò đại dương thứ 143 kéo dài hơn 3 giờ tại rãnh Mariana, vực sâu nhất Trái Đất ở tây bắc Thái Bình Dương, theo Xinhua.

Trong chuyến khảo sát này, các nhà khoa học Trung Quốc đã thu thập nhiều mẫu vật biển như đá bazan, bọt biển, sao biển và một con hải sâm màu đỏ, loài sinh vật thân mềm được coi là phương thuốc "thần dược tráng dương bổ thận" trong đông y nước này.

Hải sâm có hàm lượng axit amin lên đến 86,5%, trong đó arginine chiếm 11,9%. Ariginine là thành phần chính để tổng hợp collagen, có tác dụng thúc đẩy tế bào tái sinh, hồi phục tổn thương cơ bắp, tiêu trừ mệt mỏi, hồi phục thể lực. Chúng được coi là "đặc sản tráng dương" tại Trung Quốc hàng nghìn năm qua.

tau-lan-trung-quoc-bat-duoc-than-duoc-trang-duong-o-do-sau-4800-m-1

Con hải sâm màu đỏ dài 35 cm bị bắt ở độ sâu gần 4.800 mét dưới mực nước biển. Ảnh: Renmin

Các nhà khoa học phải mất hơn 30 phút mới dụ được con hải sâm dài 35 cm chui vào lồng ở độ sâu gần 4.800 mét dưới đáy biển.

Hải sâm là loài có nhiều hành vi kỳ lạ trong thế giới động vật. Chúng có thể ngủ đông vào mùa hè, làm đứt đoạn và tái tạo ruột, thậm chí tự giải phóng một chất hóa học để phân rã cơ thể và biến mất không để lại dấu vết.

Theo Yang Hongsheng, phó giám đốc Viện Hải dương học thuộc Viện khoa học Trung Quốc, hải sâm là chìa khóa quan trọng giúp giải đáp nhiều bí ẩn của thế giới sinh vật biển. 

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới