Tết xưa...

(Baonghean) - Nhiều người có chung cảm nhận là Tết bây giờ đến nhanh hơn Tết xưa. Thực ra, nhanh, chậm là do ta cảm nhận chứ thời gian của thiên nhiên, của vũ trụ xoay vần thì đâu phải như thế. Trước đây, nuôi con gà, con lợn cũng tính theo năm, dắt cây mạ xuống, qua 3 lần làm cỏ, bón phân, đến khi gặt hái…, vượt cho qua những ngày giáp hạt, thời gian nặng trĩu trôi, thật là dài. Đi lại, suy nghĩ của con người cũng chậm…
Ngày nay, cuộc sống hiện đại, cái gì cũng "cao tốc, tăng tốc, dữ dội". Lại thêm mỗi tuần có hai ngày nghỉ nên thời gian cứ như chong chóng. Thói thường cứ khi ta chờ đợi thì thấy lâu; khi vô tình hoặc không chờ đợi thì cảm thấy nhanh mà thôi.
Nhiều người ở tuổi tôi, mỗi lần Tết đến thường kể cho con cháu nghe những hồi ức về Tết xưa. Bọn trẻ nghe lạ lắm. Chúng cười phá lên, mình cũng cười. Cười mà thấy nghẹn ngào, rơi nước mắt.
Ông đồ viết chữ ngày xuân
Ông đồ viết chữ ngày xuân
Thời ấy, chúng tôi nôn nao chờ đón Tết, cứ tính từng ngày một như đồng hồ đếm ngược. Tết thường rét lắm. Có lẽ do ăn đói, mặc thiếu nên càng thêm rét. Mưa phùn, gió bấc, trên các nẻo đường quê bùn nhão nhoẹt vẫn rộn ràng một không khí đón Xuân, vui Tết. Tết đến, dù nghèo khó đến đâu nhưng mỗi đứa đều mong có manh áo mới. Chao! Phải sáng mùng một mới khoác cái áo mới thơm mùi vải, chúng tôi mặc nó cho đến ngày Rằm mới giặt! Đứa nào cũng có ý thức gom góp, để dành từng đồng xu, chữ tiền từ tháng Mười một, tháng Chạp để chơi trò đánh đáo. Ngày thường có khi cả tháng mẹ không đi chợ vì không có hàng để bán, không có tiền để mua, ăn uống chỉ là cơm độn khoai với tương cà, dưa nhút nhưng ngày Tết ai cũng có thịt cá. Nghèo như nhà tôi, trưa 30 vẫn ăn cơm độn sắn, mồng ba Tết là "trở về số mo" nhưng con cái chí ít cũng được “thả phanh” trong bữa tất niên - chiều 30 Tết, trưa mùng Một với xôi, bánh, thịt, cá! Mâm cơm chiều 30 có ấn tượng kỳ lạ. Trong không khí rộn ràng, thiêng liêng, bữa cơm thật long trọng!…
Chúng tôi háo hức với không khí Tết. Dường như đất trời, con người có sự giao hòa, thiêng liêng lắm. Ai cũng xởi lởi, vui vẻ, rạng rỡ, không đăm chiêu, khó tính như ngày thường. Từ hai ba, hai tư tháng Chạp, bọn trẻ chúng tôi đã nắm khá đủ thông tin trong xóm có ai đi xa đã về quê ăn Tết. Hồi đó, người đi xa không nhiều như bây giờ. Có người về nhà là đốt ngay một tràng pháo, nó cũng như báo hiệu để bọn trẻ ùa đến, chúng tôi nhặt pháo tịt có, chờ vài cái kẹo cũng có! Giấy bóng màu gói kẹo được chúng tôi cất cẩn thận để làm thủ công, làm kính dán mắt! Chúng tôi cũng không phân biệt ai quan chức, ai sang hèn, chỉ biết họ đều là người làng mình, thân tình và gần gũi…
Nói đến Tết xưa là nói đến tục đụng thịt lợn. Hồi ấy không có lợn to như bây giờ. Nuôi suốt năm cũng chỉ được bốn, năm chục cân nhưng thịt thì thơm ngon, lành chứ không như bây giờ. Đầu tháng Chạp, cứ bảy, tám nhà ghép lại để làm thịt một con. Đứa nào con nhà chủ có lợn thì thường được các cụ ưu tiên cái bong bóng, cái đuôi. Không ai quy định nhưng gần như đó là “luật bất thành văn” , đừng có ai sinh chuyện chia hoặc giành lấy! Các cụ tính với nhau cụ thể, chi li lắm. Mỗi bộ phận, từ quả tim đến cái tai bé xíu cũng được chia ra cho đều. Lại có phần chi phí "củi lửa" cho gia chủ. Hội nào "thông thoáng" còn có cái lễ "tế đầu dao" cho người khó nhọc. Cái mật lợn được biếu cho người cao tuổi, có uy tín trong hội. Các cụ giải thích là nó giúp cho ngày Tết yên bụng… Nồi nước lòng cũng được chia rõ ràng, họ khuấy lên để múc vào những cái ấm, cái liễn cho từng nhà một cách công bằng! Nhà tôi đông con, tất cả thịt, lòng, xương đều chế biến, cất kỹ. Chỉ có nước lòng là mẹ tôi bỏ vào ống gạo, nấu cháo, ăn trước. Thịt lợn được chế biến nhiều món, trong đó có kiểu ngâm vô nước mắm, ngâm vô mật mía hoặc lùi vào trong bồ muối để dành ra tận Rằm tháng Giêng… Hai chín, ba mươi Tết, cả xóm rộn ràng tiếng chày giã giò. Tiếng che kéo mật mía kẽo kẹt, phảng phất mùi mật thơm bay khắp hết ruộng đồng, đồi bãi xen trong tiếng pháo điểm xuyết đến nao lòng…
Nồi bánh chưng, bánh tét ngày Tết đem lại một không khí ấm cúng, một nét Tết quê da diết. Gói bánh, nấu bánh như là một công việc hệ trọng. Cha mẹ tôi trao đổi, tính toán rất kỹ: Mấy bánh để thờ, mấy bánh đi cúng ở đâu, từ nhà thờ, nội ngoại, nếp ở đâu, nhân gì…. Đứa con út hoặc đứa yếu hơn thường được dành cái bánh nhỏ, xinh xinh, nó chỉ bằng nắm tay người lớn. Bà tôi bảo bánh để nguội mới ngon. Chúng tôi thường mang nó bên mình, đi khoe khắp xóm, ra mồng năm, mồng sáu mới ăn. Mà hồi ấy, đứa nào cũng hay để dành, từ cái kẹo, cái bánh… chứ không như bây giờ. Bên nồi bánh, cha mẹ tôi thường hồi tưởng: “Nhờ Đảng, nhờ Bác Hồ nhà ta mới được thế này. Trước đây, cha mẹ tôi đã có những cái Tết không có bánh, không có cơm. Mồng hai Tết đã đi cày, đi cấy kiếm gạo”. Ngồi bên mâm cỗ tất niên, cha tôi thường nhắc: “Thương một đời ông nội, hơn 80 tuổi mà không có một cái Tết nào cho ra Tết!”.
Tết, có lệnh ngừng bắn, cả làng đèn đuốc, nến sáng trưng. Sau bữa tất niên, chúng tôi chạy khắp làng, bắn súng diêm, nổ pháo khuấy động cả đêm tối. Nhưng cứ gần 12 giờ đêm là cả đoàn tìm đến nhà nào có đài để nghe Bác Hồ chúc Tết. Giờ ấy, không được đứa nào xì xào. Nói chuyện là bị người lớn nạt ngay! Chao ôi, thiêng liêng đến lặng người!
Tết nay đã khác xưa. Tục đụng thịt lợn đã lui vào dĩ vãng. Nhiều gia đình không còn giã giò, gói bánh chưng, bánh tét, nấu xôi gấc, bánh ong… Xã hội ngày càng đi lên ấm no, tiến bộ, hiện đại. Thế mà tôi lại thấy thương lớp trẻ bây giờ không được có những cái Tết như ngày xưa mà chúng tôi đã được chứng kiến: Nghèo, đón đợi, toan tính, ấm cúng, thiêng liêng đến lạ kỳ.
Anh Đặng

Tin mới