Thực hành dân chủ tốt thì người dân sẽ tin tưởng vào chính quyền

Cùng với các giá trị cốt lõi là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được Nghị quyết Đại hội XIII tiếp tục khẳng định thì chủ trương thực hiện dân chủ cơ sở được bổ sung thêm những giá trị mới, hết sức quan trọng đó là: “Dân giám sát” và “Dân thụ hưởng”.

Ông Nguyễn Văn Pha - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trao đổi về vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Pha.
Ông Nguyễn Văn Pha.

PV: Ông đánh giá như thế nào về thực hành dân chủ cơ sở thời gian qua?

Ông Nguyễn Văn Pha: Các văn bản của Đảng, của Nhà nước mang lại những cơ chế thực sự hữu hiệu để phát huy, đẩy mạnh dân chủ cơ sở và cũng là cơ sở để xử lý những cán bộ mất dân chủ. Bên cạnh đó, nhờ sự tham gia nỗ lực của người dân, sự tự giác thực hiện của chính quyền cơ sở nên tình trạng mất dân chủ, vi phạm quyền làm chủ của người dân ở nhiều nơi đã giảm hẳn.

Nhiều điểm nóng có nguyên nhân từ việc mất dân chủ đã được xử lý, đem lại ổn định cuộc sống của người dân, niềm tin của người dân đối với cấp ủy, chính quyền cơ sở được nâng lên.

Tôi ấn tượng nhất là nhiều công trình xây dựng trên nhiều địa bàn về cơ bản đã có sự tham gia của người dân từ khâu lập quy hoạch, xây dựng thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện.

Song cũng có nhiều nơi thực hiện dân chủ hình thức, dù công khai các khoản đóng góp, các nghĩa vụ, nhưng công khai ở những nơi không dễ gì người dân đến để đọc, để biết. Mặc dù tổ chức tiếp dân, tổ chức hòm thư góp ý nhưng cũng được thời gian đầu, sau đó là hình thức.

PV: Thực trạng lợi dụng dân chủ với những hành động cực đoan quá khích đã được nhận diện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Pha: Thời gian vừa qua nở rộ tình trạng sử dụng mạng xã hội để thông tin sai sự thật, gây mất ổn định chính trị xã hội, chống phá Đảng và Nhà nước. Có nhiều vụ việc người ta tổ chức livetreams rất rầm rộ để nói xấu, bôi nhọ, vu khống người khác; ngay khi cả nước đang gồng mình tập trung chống dịch Covid-19 thì có một số người lợi dụng mạng xã hội để nói sai sự thật hoặc tuyên truyền, bán các loại thuốc… Việc nhận diện những vấn đề này đối với cơ quan chức năng không khó nhưng việc xử lý không phải dễ vì có vụ kéo dài cả năm trời mới bị xử lý.

Nguyên nhân dẫn đến nhiều người bị lôi kéo đó là do họ thiếu hiểu biết pháp luật hoặc a dua, cổ súy. Vì vậy, bên cạnh việc xử lý nghiêm những người có hành vi sai trái thì các cơ quan chức năng cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật để người dân không nghe theo, không cổ súy theo kẻ xấu.

PV: Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu vào dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quốc hội kỳ này quyết tâm phải có văn bản luật để thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách thực chất và hiệu quả. Theo ông, làm thế nào để khắc phục được tình trạng dân chủ hình thức?

Ông Nguyễn Văn Pha: Những kết quả về thực hành dân chủ đã nói ở trên cũng xuất phát từ việc chúng ta có những cơ chế rất tích cực từ Chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thế nhưng phải nói rằng, hệ thống các văn bản pháp luật về dân chủ, đặc biệt dân chủ cơ sở là hết sức tản mát, thậm chí còn nhiều quy định đã lỗi thời. Thế nên việc Chính phủ đề xuất, được Quốc hội chấp nhận việc xây dựng Luật thực hiện chủ ở cơ sở là một việc làm dù hơi muộn, nhưng dẫu sao vẫn kịp thời.

Dân chủ hình thức có nguyên nhân từ 2 phía, từ xây dựng thể chế và phía người dân. Bên cạnh những quy định có cơ chế cụ thể để thực hiện thì vẫn còn một số cơ chế hình thức, làm cũng được mà không làm thì cũng không sao, không ai kiểm điểm ai cả. Vì vậy, lần này Quốc hội làm sao cụ thể hóa được các cơ chế và cơ chế đó phải khả thi. Đồng thời loại bỏ những quy định chỉ là khẩu hiệu nếu không có cơ chế thực hiện.

Khi luật được ban hành, chính quyền phải thực sự coi thực hành dân chủ ở cơ sở không chỉ là nhiệm vụ của mình mà còn là quyền lợi của mình. Vì nếu thực hành dân chủ tốt thì người dân sẽ tin tưởng vào chính quyền, từ đó sự lãnh đạo, chỉ đạo sẽ tốt hơn.

Còn về phía người dân cũng phải coi dân chủ là quyền của mình. Bởi vì ở nhiều nơi, mặc dù người dân đã được phổ biến, tuyên truyền nhưng lại thiếu tự giác, không chủ động thực hiện quyền của mình. Người dân phải thực hiện quyền của mình và coi đây là môi trường để thể hiện sự cống hiến, góp công, góp sức xây dựng quê hương và cũng là môi trường để giám sát cán bộ.

PV: Thực hành quy chế dân chủ ở cơ sở thì phải xuất phát từ hai phía, cả từ chính quyền cơ sở và từ chính người dân. Khi nhân dân có quyền làm chủ thì họ cũng phải làm tròn bổn phận công dân. Ông nghĩ sao về mối quan hệ này khi soi vào thực tế trong thời gian gần đây?

Ông Nguyễn Văn Pha: Các quy định để ràng buộc trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện dân chủ cơ sở là khá đầy đủ. Còn ở phía người dân, dân chủ không có nghĩa là muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm mà phải trên tinh thần Hiến pháp quy định về quyền con người, về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và những quy định pháp luật liên quan.

Tôi cho rằng, từ 2 phía là cả chính quyền và người dân, nếu thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình thì dân chủ sẽ được thực hiện một cách đầy đủ trên thực tế.

PV: Theo ông, với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng như mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra cần được luật hóa như thế nào trong Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở? 

Ông Nguyễn Văn Pha: Vừa qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức phản biện xã hội về dự thảo Luật này và đã có rất nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý.

Các chuyên gia đều cho rằng, việc Luật hóa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng là việc làm cần thiết và dự thảo luật về cơ bản đã thực hiện được.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng còn nhiều quy định hình thức và mong muốn làm sao để người dân tự giác, tự nguyện hiến kế cho chính quyền cơ sở thông qua các thiết chế thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng và trực tiếp là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cơ sở để người dân giám sát hoạt động của chính quyền, những điều đã nói với dân, tuyên bố với dân, đã được nhân dân thông qua góp ý phải được thực thi trên thực tế.

PV: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói :“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Theo ông, làm sao để việc thực hành dân chủ trở thành chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn?

Ông Nguyễn Văn Pha: Nhiều nghiên cứu tổng kết về lý luận, thực tiễn cũng đã đúc rút những bài học cực kỳ sâu sắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã răn dạy.

Tôi cho rằng, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải có lòng tin của nhân dân, phải dựa vào dân để thực hiện nhiệm vụ của mình. Bởi vì dân chính là người đã bầu ra cán bộ. Để có lòng tin của dân thì phải thực hành dân chủ một cách rộng rãi, luôn lấy lợi ích của người dân làm mục đích phấn đấu và phục vụ. Nếu làm được như vậy thì dân chủ sẽ trở thành chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn ở cơ sở.

Bác từng nói: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”. Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở tới đây Quốc hội sẽ thông qua, tôi nghĩ cần phải thể chế hóa được tư tưởng vĩ đại này của Bác.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Tin mới