Toàn ngành Giáo dục cần nỗ lực với tinh thần 'Tất cả vì học sinh thân yêu'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Đây là mong muốn của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trước thềm năm học mới tại Hội nghị Tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024.

Chiều 18/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024.

Dự Hội nghị có đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì.

Tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định: Năm học 2022 - 2023 là năm học nhiều khó khăn và thách thức với ngành Giáo dục, khi vừa phải tiếp tục cùng cả nước khắc phục, nỗ lực vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo. Đây cũng là năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học theo Chương trình Giáo dục dục phổ thông 2018 đối với lớp 3 và triển khai Chương trình GDPT đối với cấp THPT. Năm học này đánh dấu 10 năm toàn ngành triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo.

bna_Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh - Mỹ Hà.jpeg
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà

Vượt lên những khó khăn, trong năm học 2022 - 2023, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Quy mô và mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên tại các địa phương về cơ bản được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân. Toàn ngành đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2022 - 2023. Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi Olympic quốc tế về khu vực. Theo bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước).

Tuy nhiên, bên cạnh những đạt được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhìn thẳng vào những tồn tại hạn chế như: Tình trạng thiếu giáo viên, tình trạng thiếu trường lớp, quá tải tại các trường học ở các thành phố lớn, các khu đông dân cư. Công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh còn chưa thực sự hiệu quả...

Sớm giải quyết những bất cập tồn tại

Phát biểu tại hội nghị tổng kết, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhắc lại vai trò quan trọng của ngành Giáo dục, đây là quốc sách hàng đầu. Giáo dục và Đào tạo là yếu tố quyết định nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước... Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá cao những nỗ lực của ngành Giáo dục đã đạt được nhiều thành tích cao trong dạy và học.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng, ngành vẫn đang còn những hạn chế như công tác hoàn thiện các thể chế còn chậm, một số chính sách đúng nhưng tư duy, cách làm, tiếp cận, giải quyết các vấn đề chưa phù hợp.

bna_Các đồng chí lãnh đạo thành phố Vinh khen thưởng những học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia. Ảnh - Mỹ Hà.jpeg
Thành phố Vinh tuyên dương học sinh giỏi và giáo viên có thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi năm học 2022 - 2023. Ảnh tư liệu Mỹ Hà

Ngoài ra, việc thực hiện Chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông còn những bất cập, việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới chưa đồng bộ với các điều kiện triển khai, việc thiết kế môn học lịch sử trong chương trình phổ thông còn có những ý kiến trái chiều, chậm ban hành sách giáo khoa tiếng dân tộc, một số địa phương chậm ban hành sách giáo dục địa phương, việc dạy môn tích hợp còn nhiều bất cập. Công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, bố trí giáo viên còn chưa phù hợp dẫn đến tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên, nhiều địa bàn có nhiều khu công nghiệp không bố trí quỹ đất để xây dựng trường lớp gây áp lực tuyển sinh đầu cấp...

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu lên 6 vấn đề ngành Giáo dục cần tập trung, giải quyết hiệu quả. Đó là cần quan tâm, khắc phục tình trạng bạo lực học đường, đảm bảo an ninh an toàn trong trường học, hệ thống sách giáo khoa cần đổi mới nhưng phải đảm bảo chuẩn mực và có tính ổn định, phát triển, chú trọng hơn nữa giáo dục đại học, cao đẳng, thường xuyên, rà soát lại môn học giáo dục công dân trong trường học, có giải pháp nhanh khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường học.

Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều trường học trên địa bàn thành phố vinh (1) (1).JPG
Trước thềm năm học mới 2023 - 2024, tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu Mỹ Hà

Trong năm học 2023 - 2024, Thủ tướng cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu ngành cần rà soát một số cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục về nhà nước... Tổ chức tốt tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới giáo dục và đào tạo. Từ đó, đề xuất với các cấp có thẩm quyền về việc có hay không tiếp tục triển khai hoặc thay thế bằng Nghị quyết khác.

Ngành cũng cần tiếp tục hoàn thiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với thực tiễn, xây dựng chính sách cho đội ngũ giáo viên, nhân viên, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên sư phạm, đẩy mạnh tự chủ giáo dục trên tinh thần cầu toàn nhưng không nóng vội. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát quy hoạch trường lớp để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, tăng cường thông tin truyền thông để tạo được sự đồng thuận của nhân dân.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần phối hợp với bộ, ngành, địa phương đề hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, trong đó lưu ý đến việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, công bố phương án thi tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, đổi mới phương thức thi THPT theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực thi cử nhưng vẫn nâng cao được chất lượng.

Các bộ, ngành liên quan cùng phối hợp để xây dựng chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, tiếp tục đầu tư hạ tầng về Internet nhất là ở vùng lõm. Các địa phương rà soát kiểm tra việc tuyển dụng giáo viên, bổ sung đủ giáo viên đảm bảo nguyên tắc có học sinh là phải có giáo viên nhưng phải phù hợp. Đồng thời, làm tốt bài toán quy hoạch, xây dựng các trường bán trú, nội trú, ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương cho giáo dục...

Trước thềm năm học mới, Thủ tướng Chính phủ mong học sinh, sinh viên toàn quốc cần nỗ lực học tập, rèn luyện, tích cực, tự giác chủ động sáng tạo, phải biết đoàn kết thương yêu để trở thành con ngoan trò giỏi, xứng đáng với công lao nuôi dưỡng của bố mẹ, thầy cô và kỳ vọng của xã hội.

Qua hội nghị tổng kết, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng các đồng chí lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cán bộ quản lý, các thầy, cô giáo và toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, luôn luôn trách nhiệm, nhiệt huyết với nghề nghiệp, nỗ lực vượt khó, kiên định, kiên trì, kiên quyết và quyết liệt hành động thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản giáo dục đào tạo, đáp ứng được sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và của nhân dân, đóng góp vào sự hùng cường và thịnh vượng của đất nước.

Tin mới