TPP - Cơ hội, thách thức và giải pháp cho doanh nghiệp Nghệ An

(Baonghean) - Nghệ An với hơn 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghệ lạc hậu, tập trung chính vào thị trường nội địa... khi Việt Nam tham gia vào TPP là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Nghệ An đổi mới, hội nhập sâu rộng hơn, đồng thời đặt ra những thách thức không nhỏ...

Lãnh đạo tỉnh thăm dây chuyền sản xuất nước mắm của Trung tâm Công nghiệp thực phẩm Masan do tập đoàn Masan đầu tư tại Khu công nghiệp Nam Cấm. Ảnh tư liệu.
Lãnh đạo tỉnh thăm dây chuyền sản xuất nước mắm của Trung tâm Công nghiệp thực phẩm Masan do tập đoàn Masan đầu tư tại Khu công nghiệp Nam Cấm. Ảnh tư liệu.

Thời cơ và vận hội mới

Thứ nhất, TPP sẽ tạo ra những cú hích xuất khẩu cho doanh nghiệp. Với việc áp dụng thuế suất bằng 0% thì hàng dệt may và nông sản, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ…- những mặt hàng thế mạnh của Nghệ An sẽ đứng trước cơ hội lớn trong việc mở rộng thị phần thị trường ở các nước TPP, nhất là đồ gỗ sẽ được nhiều thuận lợi khi vào thị trường Hoa Kỳ

Thứ hai, TPP góp phần thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nghệ An. Với vị trí địa lý thuận lợi, cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài hấp dẫn, các khu kinh tế trọng điểm như khu Kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp, VSIP... và sự tham gia vào TPP sẽ mở ra cho kinh tế tỉnh Nghệ An những xung lực mới, góp phần hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu và điều chỉnh đổi mới mô hình tăng trưởng nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay. 

Thứ ba, TPP sẽ là cơ hội lớn của các doanh nghiệp Nghệ An trong quá trình xây dựng, khẳng định thương hiệu, tạo cơ hội tiếp cận công nghệ, khoa học kỹ thuật, trình độ quản lý... Các doanh nghiệp được tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, công khai khi mở cửa thị trường, thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài, mua nguyên vật liệu nhập khẩu từ các nước TPP với chi phí thấp, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ tư, với những yêu cầu cao, cam kết chặt chẽ khi tham gia TPP, trong đó Việt Nam lần đầu tiên cam kết: cắt giảm 100% dòng thuế; giữ nguyên chính sách hiện hành trong những lĩnh vực như đất đai, nhà ở, dầu khí…; hoạt động mua sắm công; môi trường thương mại điện tử; quyền sở hữu trí tuệ ở tiêu chuẩn TRIPS+ … sẽ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng và ổn định. Qua đó, các doanh nghiệp Nghệ An sẽ có cơ hội phát triển và khẳng định mình hơn nữa. 

TPP đặt ra nhiều thách thức không nhỏ. Ảnh: Internet.
TPP đặt ra nhiều thách thức không nhỏ. Ảnh: Internet.

Những thách thức không nhỏ

Thứ nhất, doanh nghiệp Nghệ An mất khả năng cạnh tranh ngay trên thị trường của mình. Việc giảm thuế quan dẫn đến sự gia tăng luồng hàng nhập khẩu vào Nghệ An với giá cạnh tranh, khiến doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, thị phần hàng hóa bị thu hẹp, thậm chí mất thị phần nội địa. Nguy cơ này đặc biệt nguy hiểm đối với nhóm hàng nông sản cũng là thế mạnh của doanh nghiệp Nghệ An. 

Thứ hai, thách thức về sức ép mở cửa thị trường, nguy cơ bị trừng phạt thương mại, khởi kiện…TPP có nhiều quy định ràng buộc chặt chẽ, đòi hỏi mức độ cam kết sâu rộng về thương mại, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ... đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và an toàn lao động, vệ sinh, môi trường… Trong khi đó, công nghệ kỹ thuật của các doanh nghiệp Nghệ An còn lạc hậu; trình độ tay nghề, chất lượng lao động, kỹ năng quản lý, quản trị doanh nghiệp… cũng như khả năng nắm bắt thị trường quốc tế và kiến thức hội nhập còn nhiều hạn chế. 

Xưởng may của Nhà máy may xuất khẩu MLB Tenergy ở huyện Yên Thành. Ảnh tư liệu.
Xưởng may của Nhà máy may xuất khẩu MLB Tenergy ở huyện Yên Thành. Ảnh tư liệu.
 

Thứ ba, nguy cơ trở thành “bãi rác công nghệ” khi nhu cầu của doanh nghiệp ngày một lớn trong việc liên doanh, liên kết, thu hút nguồn đầu tư, đặc biệt là việc chuyển giao công nghệ khi tham gia TPP. Nếu không nắm vững các điều khoản chuyển giao, xây dựng khung cơ chế chính sách, chế tài mới, sự quản lý, kiểm tra nghiêm ngặt về công nghệ… thì đây sẽ là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp muốn thay đổi, đổi mới và đầu tư công nghệ.

Thứ tư, thách thức từ việc chứng minh xuất xứ của nguyên liệu đầu vào. Theo TPP, một ngành chỉ hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu nếu nguồn nguyên liệu đầu vào có xuất xứ từ các nước tham gia TPP. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp Nghệ An, như dệt may… chủ yếu nhập từ Trung Quốc - nước không tham gia TPP nên sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan.

Thứ năm, TPP sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng. Vấn đề về tự do hóa thương mại, mở cửa thị trường, sự chiếm lĩnh, thâm nhập của hàng nhập khẩu…khiến nhiều doanh nghiệp trong tỉnh không có khả năng cạnh tranh sẽ phải thu hẹp sản xuất, thậm chí giải thể, phá sản. 

Đóng gói sản phẩm chuẩn bị xuất khẩu tại Nhà máy gỗ MDF Nghệ An.
Đóng gói sản phẩm chuẩn bị xuất khẩu tại Nhà máy gỗ MDF Nghệ An.

Giải pháp từ nội lực doanh nghiệp

Đứng trước những cơ hội, khó khăn khi gia nhập TPP, doanh nghiệp Nghệ An cần vạch ra cho mình một con đường đi mới, tìm những giải pháp và cả sự hỗ trợ để có tâm thế và nội lực bước vào sân chơi mới này.

Các doanh nghiệp cần trang bị cho mình thông tin, kiến thức hội nhập, tiềm lực cơ sở vật chất, xây dựng thương hiệu và hoạch định cho mình một chiến lược kinh doanh hiệu quả nhằm thích ứng với thị trường TPP. Phần lớn doanh nghiệp Nghệ An còn chủ quan, thờ ơ với hội nhập. Cần thay đổi tư duy kinh doanh và nâng cao nhận thức rằng “càng nhỏ càng đối mặt với nhiều nguy hiểm, và càng cần chuẩn bị sâu hơn, kỹ lưỡng hơn”.

Yếu tố quan trọng quyết định sự sống còn của doanh nghiệp trong sân chơi TPP là năng lực cạnh tranh. Để tồn tại được, các doanh nghiệp cần xây dựng một kế hoạch sản xuất, kinh doanh trung hạn và dài hạn, trong đó đặt ra những mục tiêu như đầu tư thiết bị, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp, áp dụng kỹ năng, chiến lược quản trị, quản lý tiên tiến…

Các doanh nghiệp xuất khẩu cần khẩn trương có kế hoạch chuyển hướng nguồn nguyên liệu, chuyển hướng kinh doanh và thị trường; tăng cường liên kết, chủ động tìm hướng hợp tác với các đối tác nước ngoài, tham gia vào dây chuyền cung ứng toàn cầu để khi Hiệp định được ký kết có thể tận dụng ngay các cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan mang lại.

Thay vì đối đầu trực tiếp trên các thị trường lớn thì có thể chọn các thị trường “ngách” với chiến lược "đại dương xanh" - khai phá mảng thị trường có thể nhỏ nhưng mới và ít đối thủ cạnh tranh, đồng thời là thế mạnh của mình. Bên cạnh đó cần học tập, cải cách và phát triển mình để đáp ứng những quy định về môi trường, lao động hay bảo hộ sở hữu trí tuệ - những điều kiện cần để có thể tham gia và cạnh tranh trong TPP. 

“Tiếp sức” cho doanh nghiệp

Để góp phần tiếp sức cho doanh nghiệp Nghệ An đứng vững và phát triển được trong TPP, các cơ quan, sở, ban, ngành tỉnh cần triển khai các hoạt động nghiên cứu, chỉ đạo doanh nghiệp bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; Đánh giá tác động của TPP đối với các lĩnh vực hàng hóa, đầu tư, dịch vụ thế mạnh của tỉnh để có cơ sở xây dựng, điều chỉnh chính sách dài hạn; Nắm vững cơ hội, thách thức, các cam kết TPP để bảo đảm thực hiện chính xác tranh chấp; Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, ban hành nhiều cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; Cập nhật tư duy quản lý trong tình hình mới, chuyển từ chọn - cho dần sang chọn - bỏ; Quản lý, xây dựng, nâng cao công trình hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là hệ thống sân bay, cảng biển..

Bên cạnh đó, để các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội, hạn chế thách thức khi tham gia TPP cần sự đóng góp không nhỏ của hoạt động đối ngoại nói chung và Sở Ngoại vụ Nghệ An nói riêng. Bởi vậy, thời gian tới, Sở Ngoại vụ Nghệ An tiếp tục khẳng định vai trò của “người dẫn đường”, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành liên quan để tạo “cầu nối” giữa doanh nghiệp Nghệ An với thị trường các đối tác khu vực và thế giới.

Trần Ngọc Danh

(Giám đốc Sở Ngoại vụ Nghệ An)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới