Tranh cãi đáp án tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Có 2 đáp án tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2023 khiến dân mạng "chia phe" tranh cãi.

Cụ thể, trong phần thi về đích tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2023 có câu hỏi: "Thủy tinh lỏng được dùng để chế tạo keo dán thủy tinh, sứ và nhiều ứng dụng khác. Bạn hãy cho biết thủy tinh lỏng là dung dịch đậm đặc của 2 hợp chất nào (nêu công thức phân tử)?" dành cho Nguyễn Trọng Thành (Trường THPT chuyên Trần Phú, TP.Hải Phòng).

Thí sinh này đã trả lời: "Na2SiO3 và K2SiO3" nhưng sau đó sửa thành "Natri Silicat và Kali Silicat".

MC ghi nhận câu trả lời sau (Natri Silicat và Kali Silicat - PV) và cho rằng Trọng Thành trả lời không đúng, nên quyền trả lời thuộc về các thí sinh còn lại. Ngay lập tức, Nguyễn Việt Thành (Trường THPT Sóc Sơn, TP.Hà Nội) đã nhấn chuông trả lời là: "Na2SiO3 và K2SiO3".

Theo MC: "Trọng Thành chưa đọc kỹ lại câu hỏi. Trong câu hỏi có yêu cầu rõ là nêu công thức phân tử nên câu trả lời cuối cùng chúng tôi nhận được không phải là công thức phân tử".

Lúc này, Trọng Thành đã giơ tay phản biện: "Công thức phân tử được đặt trong dấu ngoặc nên có thể nêu công thức phân tử hoặc không. Bởi vì câu hỏi chỉ yêu cầu chỉ ra 2 hợp chất nào nên em có thể đọc tên chất". Nghe xong, đại diện ban cố vấn đồng ý với giải thích của Trọng Thành.

Không đồng tình với quyết định của ban cố vấn, Việt Thành cũng giơ tay phản biện: "Nếu nêu cả tên và công thức thì không cần chú thích ngoặc đơn làm gì. Và đã có chú thích thì phải nêu đúng công thức phân tử".

Đại diện ban cố vấn trả lời: "Về ý nghĩa của các chất thì có thể đọc tên hoặc đọc công thức. Nói về một chất thì người ta thường dùng tên chất. Mở ngoặc đơn thì chỉ là một chú thích cho chi tiết thêm. Chỉ đọc tên tôi nghĩ là đã đầy đủ rồi".

Kết quả cuối cùng, Trọng Thành được tăng 20 điểm.

Sau chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2023, 2 đáp án "Na2SiO3 và K2SiO3" và "Natri Silicat và Kali Silicat" đã khiến dân mạng tranh cãi. Nhiều người ủng hộ Việt Thành, nhưng cũng có luồng quan điểm ủng hộ Trọng Thành. Một ý kiến khác: "Đáp án phải là đúng hoặc sai. Chứ không thể "tôi nghĩ là" như cách nói của đại diện ban cố vấn".

Việt Thành đã có những phần phản biện với MC và ban cố vấn chương trình tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2023. Ảnh chụp màn hình.

Việt Thành đã có những phần phản biện với MC và ban cố vấn chương trình tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2023. Ảnh chụp màn hình.

Một đáp án khác cũng tạo sự tranh cãi từ thí sinh lẫn dân mạng. Đó là câu hỏi: "Trong bài thơ Kính gửi cụ Nguyễn Du, nhà thơ Tố Hữu viết: "Biết ai hậu thế, khóc cùng Tố Như?/ Mai sau, dù có bao giờ…/ Câu thơ thuở trước, đâu ngờ hôm nay!". "Câu thơ thuở trước" mà tác giả nói đến là 2 câu thơ nào và trong bài thơ nào của Nguyễn Du?" dành cho Nguyễn Minh Triết (Trường THPT chuyên Quốc học, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Thí sinh này không trả lời được. Quyền trả lời thuộc về Lê Xuân Mạnh (Trường THPT Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa) và thí sinh cho biết: "Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng?" được trích trong bài thơ "Độc Tiểu Thanh Ký".

MC chương trình đồng ý với câu trả lời của Xuân Mạnh nên chàng trai quê ở Thanh Hóa được cộng thêm 30 điểm.

Tuy nhiên, Trọng Thành nhanh chóng giơ tay phản biện. Theo Trọng Thành: "Đề thi hỏi câu thơ nào của Nguyễn Du thì phải đọc câu thơ nguyên tác ("Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như" - PV) chứ không thể đọc câu thơ bản dịch vì có rất nhiều bản dịch khác nhau".

Theo đại diện ban cố vấn, bài thơ "Độc Tiểu Thanh Ký" rất nổi tiếng, có trong chương trình phổ thông. Và đáp án mà chương trình đưa ra đã được duyệt là có thể trả lời một trong hai cách, là đọc nguyên văn phiên bản tiếng Hán hoặc bản dịch nghĩa. Có thể là "Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng?" hoặc "Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như".

Và 2 đáp án "đều đúng" của câu hỏi này như chia sẻ của ban cố vấn đã tiếp tục khiến dân mạng phản ứng. Có người đồng tình với ban cố vấn cũng như câu trả lời của Xuân Mạnh. Nhưng bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng giải thích của ban cố vấn không thuyết phục, còn tranh biện của Trọng Thành mới là xác đáng.

Trọng Thành cũng đã có phần phản biện với ban cố vấn chương trình Đường lên đỉnh Olympia 2023. Ảnh chụp màn hình.

Trọng Thành cũng đã có phần phản biện với ban cố vấn chương trình Đường lên đỉnh Olympia 2023. Ảnh chụp màn hình.

Chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2023 được xem là lần đầu tiên xuất hiện những phản biện trực tiếp của thí sinh với MC và ban cố vấn chương trình. Từ đó có thể thấy giới trẻ ngày nay, mà đại diện là các thí sinh vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2023 đã trang bị cho bản thân tư duy phản biện. Họ biết sử dụng kiến thức, lý lẽ để phản biện những điều mà bản thân nghĩ rằng chưa đúng.

Từ những phản biện của thí sinh tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2023, hy vọng có thể khiến người trẻ suy ngẫm, quan tâm, rèn luyện và cải thiện kỹ năng này. Để tư duy phản biện không còn là điểm yếu của người trẻ như nhiều nhận định trước đây.

Bên cạnh đó, từ những phản biện của Trọng Thành, Việt Thành có thể khiến ban tổ chức chương trình Đường lên đỉnh Olympia có những nhìn nhận lại và chỉn chu hơn trong việc ra đề, không để xuất hiện những câu hỏi, đáp án gây tranh cãi như đã xảy ra.

Chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 23 đã khép lại với chiến thắng thuộc về thí sinh Lê Xuân Mạnh đến từ Trường THPT Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa.

Với chiến thắng của Lê Xuân Mạnh ở cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2023 thì đây là lần đầu tiên xứ Thanh có thí sinh vô địch tại trận chung kết năm của cuộc thi này.

Ban Tổ chức đã trao vòng nguyệt quế, cùng giải thưởng trị giá 50.000 USD cho Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 23 Lê Xuân Mạnh. Đây là mức giải thưởng cao nhất từ trước tới nay. Đồng thời, giải thưởng đối với các thí sinh đoạt giải nhì và giải ba cũng tăng lên gấp đôi so với năm ngoái.

Tin mới