Trở lại vùng đất thiêng

(Baonghean) Tháng 7, nắng và gió Nam - Lào đã làm cho đất trời Quảng Trị như một chảo lửa; Cái nắng đó, vẫn không ngăn được dòng người từ các nơi trên khắp cả nước hướng về mảnh đất anh hùng, nơi mà hàng vạn người lính đã hy sinh anh dũng để bảo vệ nền độc lập cho Tổ quốc. Kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ, Hội CCB Báo Nghệ An đã trở lại vùng đất thiêng này để thăm lại chiến trường xưa, để tri ân đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc, mỗi người mang theo một tâm trạng và cảm xúc riêng...

Gần 12 giờ trưa ngày 21/7, đoàn chúng tôi đặt chân xuống Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Khoác trên mình bộ quân phục, bắt đầu từ 1 giờ 30 phút, địa điểm đầu tiên đoàn chúng tôi đến là Thành cổ Quảng Trị. Rất nhiều ô tô chở khách tham quan trên khắp cả nước đến đây, bãi đỗ xe không còn chỗ trống. Mỗi đoàn đến từ các vùng miền khác nhau, nhưng cùng chung tâm niệm thăm lại chiến trường xưa, thắp nén hương cho đồng đội, với thế hệ trẻ là kính cẩn thắp nén hương cho những người đã nằm xuống trên mảnh đất này.

CCB Báo Nghệ An làm lễ kính cáo tại Tượng đài trung tâm Nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh: Mai Hoa.

Quảng Trị có 2 con sông nổi tiếng trong lịch sử là Bến Hải và Thạch Hãn. Sau ngày non sông thống nhất, Quảng Trị có 2 nghĩa trang liệt sỹ được công nhận cấp Quốc gia. Đó là Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9. Ở vùng đất thiêng ấy còn có những tên đất từng vang vọng năm châu qua cuộc kháng chiến: Lao Bảo, Làng Vây, Khe Sanh, Tà Cơn, Phu Lơ, Cửa Tùng, Cửa Việt, địa đạo Vĩnh Linh... và Thành cổ Quảng Trị với trận chiến 81 ngày đêm rất đỗi anh hùng. Nói đến vùng đất này, nhà báo Minh Thông của đoàn Báo Nghệ An rất tự hào kể về người đồng đội của mình là nghệ sỹ nhiếp ảnh, nhà báo Lê Bá Dương, người khởi xướng nghi lễ thả hoa tưởng niệm đồng đội trên dòng Thạch Hãn. Trong thời khắc thiêng liêng giao hòa giữa đôi bờ hư ảo ấy, những câu thơ gan ruột trong tâm hồn người nghệ sỹ đã bật lên, vang mãi: "Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm".

Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9, nơi yên nghỉ của hơn 1 vạn liệt sỹ đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là một trong những chứng tích lịch sử về cuộc đấu tranh kiên cường của quân và dân ta trên Đường 9 anh hùng. Những ngày này, Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9 như một công trường đang xây dựng. Gần 1 năm qua, được sự nhất trí của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Trị, với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" cán bộ, viên chức ngành Tài chính trên cả nước đã chung tay góp sức nâng cấp, xây dựng khu hành lễ nghĩa trang. Đây là nén tâm nhang thành kính của ngành Tài chính đối với các anh hùng liệt sỹ, công trình được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ, đáp ứng được sự mong mỏi của thân nhân và gia đình các liệt sỹ, cũng như nhân dân cả nước. Hàng chục công nhân đang khẩn trương hoàn thiện từng hạng mục, sΩn sàng cho tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ tri ân cho các anh hùng - liệt sỹ trước ngày 27/7. Ông Nguyễn Tài Tuệ, người quản trang Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9, xúc động nói: "Tháng 7 năm nay, tổ quản trang chúng tôi phải vất vả hơn các năm trước, vì các đoàn khách đến viếng nghĩa trang nhiều hơn, hơn nữa nghĩa trang đang giai đoạn hoàn thiện nâng cấp nên chúng tôi phải sắp xếp, bố trí các đoàn vào phải hợp lý".

Rời Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9, xe chúng tôi lăn bánh trên đường Hồ Chí Minh, qua những cánh rừng cao su bạt ngàn để đến Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn. Ở đây, có rất nhiều đoàn đến dâng hương cho 1 vạn anh hùng liệt sỹ. Ngay phía sau đài tưởng niệm của nghĩa trang là khu vực liệt sỹ quê hương Nghệ An. Chúng tôi, ai cũng muốn đọc được nhiều tên tuổi của các anh, muốn được cắm một nén hương cho các anh đang yên nghỉ. Liệt sỹ La Quý Dậu, sinh năm 1951, quê quán xã Thạch Giám, huyện Tương Dương, nhập ngũ tháng 1/1971, hy sinh tháng 12/1972; Liệt sỹ Trương Văn Hòa, sinh năm 1946, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, nhập ngũ tháng 4/1967, hy sinh ngày 2/11/1972... Các anh còn rất trẻ!

Trong chuyến đi này, có nhà báo Phan Văn Toàn (Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An), Chủ tịch Hội CCB của Báo, là người đã từng tham gia chiến đấu giành giật từng tấc đất Quảng Trị, anh đã để lại một phần máu thịt của mình ở chiến trường. Trên suốt chặng đường, anh kể cho chúng tôi - những thế hệ người lính trong thời bình, nghe những địa danh, những trận đánh ác liệt của chiến dịch năm 1972 trên đất thép Quảng Trị. Tại hai nghĩa trang đã có hơn 20 nghìn đồng đội của anh yên nghỉ. Anh thắp những nén hương thơm, lặng người đứng trước những phần mộ, đọc tên từng đồng đội. Và anh đã đọc mấy đoạn thơ do mình sáng tác: "Mười hai đứa con làng Quỳnh năm ấy/ Những sinh viên, lớp mười, lớp bảy/ Vinh, Quang, Sanh, Liêu, Lộc, Châu, Toàn/ Sức trẻ lên đường đánh Mỹ/ Ngày toàn thắng bao tuổi xuân ngã xuống/ Đồng đội Quang, Sanh, Châu, Lộc... đâu rồi/ Giữa đại ngàn Trường Sơn các anh ở lại/ Gió thì thầm ru mãi tuổi đôi mươi". Đây không phải là lần đầu tiên CCB Phan Văn Toàn trở lại chiến trường xưa để viếng đồng đội, nhưng lần này trong lòng anh thêm một lần xúc động, là với cương vị Chủ tịch Hội CCB của tòa soạn báo, dẫn đầu đoàn, trong đó phần lớn là các đồng chí sinh ra trong thời bình.

Phóng viên Báo Nghệ An ghi lại chứng tích vũ khí hủy diệt của đế quốc Mỹ.

Ảnh: Minh Thông.

Đối với tôi, ấn tượng của chuyến đi này chính là những giọt nước mắt của thế hệ trẻ hôm nay. Tuy là những người sinh ra và lớn lên trong hòa bình nhưng vẫn xúc động khi chứng kiến những chiến tích của chiến tranh, mỗi khi đứng trước hàng vạn ngôi mộ trong các nghĩa trang liệt sỹ. Đứng trước các anh, chúng tôi, từng người trong đoàn lặng lẽ tỏa ra các khu mộ theo các địa danh và đứng thật lâu tại các địa danh của quê hương mình, tìm tên từng người trên các tấm bia mộ có ghi tên, tuổi, địa danh xã, huyện, tỉnh, như tìm đến sự chia sẻ, an ủi với các anh - tôi mạo muôi gọi những người ấy là đồng hương đã nằm xuống nơi đây. Không thể bù đắp hết được những đau thương, mất mát của những gia đình chính sách, những người đã hy sinh cho Quảng Trị hôm nay có được một màu xanh non nơi thành cổ và bình yên khắp mọi nơi. Nhưng với những cử chỉ dù nhỏ nhoi cũng góp phần làm ấm lòng người ở lại.

Tháng 7 này, dù cho nắng và gió Nam Lào thổi rát, vẫn không thể ngăn nổi từng dòng người đổ về đất thiêng Quảng Trị. Vùng đất thêm một lần hương hoa giăng ngút ngàn. Trong số những dòng người ấy, không chỉ thân nhân các liệt sỹ, mà rất nhiều bạn trẻ cũng tìm đến vùng đất một thời hoa lửa để được nghe, được chứng kiến những hào hùng và dữ dội của dân tộc. Những cỏ cây và hoa rừng vẫn cứ vươn cao xanh mát, tỏa hương như biểu tượng anh linh của những người đã khuất.

Xuân Hoàng

Tin mới