Trung Quốc thúc đẩy phát triển nền kinh tế số như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Trung Quốc là một trong những quốc gia được đánh giá có nền kinh tế số phát triển nhanh và sôi động nhất trên thế giới. Nền kinh tế số đang dần trở thành một trong những lực lượng chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân của Trung Quốc.
Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Trung Quốc đang trên đà đạt được cân bằng giữa các biện pháp quản lý chặt chẽ và kích thích đổi mới sáng tạo. Nền kinh tế số được coi là yếu tố cốt lõi để thoát khỏi trì trệ kinh tế, tạo ra các cơ hội đầu tư và tăng trưởng năng động.

Nền kinh tế số của Trung Quốc đã trở thành một trong những lực lượng kinh tế thống trị sau nhiều năm phát triển theo cấp số nhân. Vì điều này, Trung Quốc đã đưa nền kinh tế số trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia và đã xây dựng một lộ trình chi tiết cũng như các biện pháp khuyến khích để củng cố lĩnh vực này. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng đang tìm cách định hướng sự phát triển lành mạnh của lĩnh vực kinh tế số thông qua một loạt các nỗ lực pháp lý.

Sơ lược về nền kinh tế số của Trung Quốc

Kinh tế số là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Kinh tế số được hiểu là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số và phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình hợp tác kinh doanh mới.

Các công nghệ hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế số chủ yếu bao gồm dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (Computing cloud), Internet vạn vật (Internet of Thing – IoT), chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) và mạng di động 5G,…

Theo sách trắng do Học viện Công nghệ thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT) công bố cho thấy, năm 2021 nền kinh tế số của Trung Quốc đạt 7,1 nghìn tỷ USD, đứng thứ 2 sau Hoa Kỳ. Thống kê cũng cho thấy, tỷ trọng của nền kinh tế số trong GDP quốc gia, được đo bằng giá trị kết hợp của các sản phẩm công nghệ và đầu vào kỹ thuật số tích hợp, đạt 39,8% trong năm 2021, tăng từ 20,9% vào năm 2012.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế số Trung Quốc đi kèm với việc mở rộng xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Theo đó, Trung Quốc đã có các chính sách để thúc đẩy phát triển nhanh chóng công nghệ 5G, tính đến cuối năm 2022, quốc gia này đã có tổng cộng 2,31 triệu trạm gốc 5G và hơn 1 tỷ người dùng 5G.

Trung Quốc cũng được xem là một trong những quốc gia đang sở hữu một trong những cơ sở hạ tầng mạng lớn nhất và tiên tiến nhất thế giới. Ngoài ra, quốc gia này cũng đã thúc đẩy việc tích hợp dữ liệu lớn, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo. Đến năm 2025, Trung Quốc dự báo sẽ chiếm gần 30% tổng khối lượng dữ liệu của thế giới với nhiều loại dữ liệu phong phú.

Theo dự báo của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDC (International Data Corporation), tối thiểu 80% các ứng dụng doanh nghiệp mới của Trung Quốc năm 2025 sẽ sử dụng các công nghệ AI. Định hướng của Chính phủ Trung Quốc tập trung vào những lĩnh vực công nghệ số đòi hỏi công nghệ vừa phải như thương mại điện tử, tiếp đến tiến tới phát triển những lĩnh vực công nghệ số khó hơn như AI, rô-bốt. Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ USD để hỗ trợ các nhà phát triển AI, trong đó có cả công viên phát triển AI trị giá 2 tỷ USD ở Bắc Kinh. Tập đoàn IDC dự báo, khoảng 51,3% GDP của Trung Quốc năm 2030 sẽ liên quan tới xu hướng số hóa trong bối cảnh các doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy mạnh số hóa các hoạt động kinh doanh.

Trung Quốc đã làm gì để phát triển nền kinh tế số?

Trung Quốc đã đưa nền kinh tế số trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia. Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về Phát triển Kinh tế số đã đưa ra một lộ trình chi tiết và các biện pháp khuyến khích để củng cố lĩnh vực này. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ nâng cao năng lực của mình trong các lĩnh vực chiến lược, chẳng hạn như cảm biến, thông tin lượng tử, truyền thông, mạch tích hợp và chuỗi khối, cũng như thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các công nghệ thế hệ tiếp theo như 6G. Kế hoạch này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số của chuỗi cung ứng để sử dụng tốt hơn các nguồn dữ liệu và cải thiện việc quản trị nền kinh tế số của đất nước.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về Phát triển Kinh tế số của Trung Quốc cũng đã thông qua mục tiêu tăng sản lượng của các ngành công nghiệp cốt lõi trong nền kinh tế số lên 10% GDP của quốc gia vào năm 2025, tăng từ 7,8% trong năm 2020. Con số này đề cập cụ thể đến giá trị gia tăng trực tiếp của truyền thông, phần mềm và các dịch vụ công nghệ thông tin. Các mục tiêu khác bao gồm tăng tỷ lệ kết nối của các doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc với “nền tảng internet công nghiệp” lên 45% và tăng số hộ gia đình Trung Quốc kết nối với băng thông rộng với tốc độ ít nhất 1 gigabyte/giây lên 60 triệu vào năm 2025.

Bên cạnh việc ban hành Kế hoạch hoạch 5 năm lần thứ 14 về Phát triển Kinh tế số, Chính phủ Trung Quốc cũng đã ban hành nhiều chính sách và sáng kiến ​​nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lĩnh vực kỹ thuật số, cụ thể như:

* Vào tháng 1 năm 2022, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã công bố Kế hoạch phát triển công nghệ tài chính cho giai đoạn 2022-2025, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính trong 4 năm tới.

Đây là kế hoạch phát triển công nghệ tài chính lần thứ hai do PBOC công bố tiếp theo sau kế hoạch phát triển công nghệ tài chính giai đoạn 2019-2021 được đưa ra vào năm 2019. Kế hoạch này đưa ra các cơ hội mở rộng công nghệ tài chính, các mục tiêu điều tiết chính của chính phủ và tham vọng của Trung Quốc đối với các ứng dụng công nghệ tài chính tiên tiến và sự phát triển toàn diện của lĩnh vực công nghệ tài chính của đất nước.

* Vào tháng 2 năm 2022, Trung Quốc đã công bố kế hoạch mang tên “Dữ liệu phương Đông, Điện toán phương Tây”. Kế hoạch này nhằm mục đích mở rộng phạm vi của các trung tâm dữ liệu để cải thiện khả năng xử lý, lưu trữ và tính toán dữ liệu của Trung Quốc.

Theo đó, kế hoạch này sẽ xem xét xây dựng 8 trung tâm điện toán và 10 cụm trung tâm dữ liệu tại các khu vực trọng điểm ở phía Đông và phía Tây của Trung Quốc, nhằm mục đích cuối cùng là đưa dữ liệu từ các khu vực đông dân cư và có nền kinh tế phát triển của Trung Quốc đến các khu vực phía Tây giàu tài nguyên và dân cư thưa thớt. Thông qua đó, Trung Quốc hy vọng sẽ khắc phục sự mất cân bằng về cung và cầu về năng lực tính toán, tạo ra các trung tâm dữ liệu xanh hơn và tiết kiệm năng lượng hơn, đồng thời tăng cường năng lực tính toán tổng thể của đất nước để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số và phát triển công nghệ của đất nước.

* Vào tháng 7 năm 2022, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã công bố tài liệu có tựa đề “Các biện pháp đánh giá bảo mật”, trong đó nêu chi tiết các yêu cầu đánh giá bảo mật đối với việc truyền dữ liệu xuyên biên giới của các công ty.

Tài liệu này đưa ra các yêu cầu, các bước và thủ tục cụ thể để các công ty thực hiện đánh giá bảo mật nhằm chuyển dữ liệu hoặc thông tin cá nhân ra nước ngoài, một yêu cầu bắt buộc đối với các công ty xử lý khối lượng lớn dữ liệu từ người dùng Trung Quốc hoặc có dữ liệu được phân loại là quan trọng hoặc nhạy cảm.

Các biện pháp đánh giá mới này dựa trên 3 đạo luật liên quan đến bảo vệ dữ liệu và thông tin: Luật An toàn không gian mạng (Cyber Security Law - CSL) được thực thi vào ngày 01/6/2017; Luật An toàn dữ liệu (Data Security Law - DSL) có hiệu lực từ ngày 01/9/2021; Luật Bảo vệ thông tin cá nhân (Personal Infomation Protection Law - PIPL) mới được thông qua và sẽ có hiệu lực vào ngày 01/11/2021. Các biện pháp đánh giá bảo mật sẽ nhằm mục đích tiêu chuẩn hóa việc xuất dữ liệu từ Trung Quốc, bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích công cộng.

Những nỗ lực của Trung Quốc để điều chỉnh nền kinh tế số là gì?

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về Phát triển Kinh tế số của Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường an ninh mạng và bảo mật dữ liệu, phù hợp với các nỗ lực quản lý dữ liệu của Trung Quốc kể từ năm 2021. Để quản lý lĩnh vực năng động nhưng non trẻ, đặc biệt là nền kinh tế mà tại đó các hoạt động kinh tế và xã hội được diễn ra trên các nền tảng số hay còn gọi là nền kinh tế nền tảng (Platform Economy), Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp quản lý, giải quyết các vấn đề như lạm dụng dữ liệu và hành vi độc quyền thị trường nhằm tạo ra một thị trường công bằng và đổi mới.

* Vào tháng 2 năm 2021, Tổng Cục Quản lý Giám sát thị trường quốc gia Trung Quốc (State Administration for Market Regulation - SAMR) đã công bố các nguyên tắc chống độc quyền mới nhằm hạn chế các hành vi độc quyền của các nền tảng internet khổng lồ và tăng cường giám sát các thị trường thương mại điện tử. Các quy tắc nhằm khuyến khích cạnh tranh công bằng và bảo vệ người tiêu dùng.

* Vào tháng 9 năm 2021, Luật An toàn dữ liệu có hiệu lực như một trụ cột mới trong khung pháp lý của Trung Quốc về bảo mật thông tin và bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu. Luật tập trung vào các yêu cầu về nội địa hóa dữ liệu, xuất dữ liệu và bảo vệ dữ liệu.

* Có hiệu lực từ ngày 1 tháng 11 năm 2021, Luật Bảo vệ thông tin cá nhân, cùng với Luật An toàn không gian mạng và Luật An toàn dữ liệu đã củng cố hơn nữa lĩnh vực pháp lý về bảo mật và bảo vệ thông tin cá nhân.

* Vào tháng 1 năm 2022, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc đã công bố Điều khoản hành chính sửa đổi về Dịch vụ thông tin ứng dụng Internet di động, trong đó nhấn mạnh cam kết của Trung Quốc trong việc điều chỉnh quyền riêng tư và bảo mật của ứng dụng di động.

Đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế trong năm 2022, Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng những gã khổng lồ công nghệ sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc giúp nước này duy trì đà tăng trưởng. Mặt khác, chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường giám sát và thực thi pháp luật trong các lĩnh vực then chốt, bao gồm nền kinh tế nền tảng, đổi mới khoa học công nghệ và bảo mật thông tin trong những năm tới.

Vai trò của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trong việc phát triển nền kinh tế số của Trung Quốc

Việc triển khai tiền kỹ thuật số của Trung Quốc hay đồng nhân dân tệ kỹ thuật số là nỗ lực đầu tiên của chính phủ nhằm thực hiện cơ chế thanh toán thay tiền mặt hay còn gọi là thanh toán kỹ thuật số (digital payment). Việc triển khai nhân dân tệ kỹ thuật số ở Trung Quốc sẽ củng cố cơ sở hạ tầng cho sự phát triển lâu dài của nền kinh tế số của đất nước và có tác động sâu sắc đến hoạt động kinh doanh.

Thanh toán trực tuyến (online payment) hoặc thanh toán di động (mobile payment), giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và nâng cao hiệu quả của hệ thống tài chính. Đây không phải là một khái niệm mới lạ đối với người dân Trung Quốc, khi quốc gia này đã phát triển nhanh chóng các “siêu ứng dụng” như WeChat của Tencent và Alipay của Alibaba.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, 66% giao dịch trong nước được thực hiện qua điện thoại di động, trong đó tiền mặt chiếm 23% và thẻ ngân hàng chỉ có 7%. Trung Quốc được xem là quốc gia đang thúc đẩy phát triển của thanh toán di động nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Mặc dù các doanh nghiệp công nghệ lớn đã hoàn thành giai đoạn phát triển ban đầu của hệ sinh thái kỹ thuật số và số hóa các khoản thanh toán cá nhân nhưng người tiêu dùng chỉ có thể thực hiện thanh toán trực tuyến trên các nền tảng do công ty mẹ của nền tảng thanh toán tương ứng sở hữu hoặc các kênh cụ thể khác mà nền tảng thanh toán kỹ thuật số hỗ trợ.

Do sự cạnh tranh giữa các nền tảng thanh toán khác nhau và không có phương thức thanh toán kỹ thuật số duy nhất nào có thể hỗ trợ tất cả các tình huống kể cả các siêu ứng dụng. Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số có tư cách pháp lý giống như đồng nhân dân tệ vật lý và cung cấp cho người dân một công cụ thanh toán phổ quát có thể được sử dụng trong mọi tình huống thương mại.

Mặt khác, trong một số tình huống, việc thanh toán giữa doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ cần dựa vào tài khoản ngân hàng để đảm bảo tính bảo mật và ổn định. Là một loại tiền tệ được nhà nước xác nhận và do Ngân hàng trung ương phát hành, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số có thể được áp dụng thuận lợi trong tất cả các tình huống thanh toán công khai, điều này có thể phá bỏ những hạn chế của nền kinh tế số.

Kể từ khi ra mắt vào năm 2020, các dự án thí điểm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đã được mở rộng ra 23 khu vực trên 15 tỉnh trên toàn quốc. Năm 2022 đánh dấu một bước tiến lớn đối với đồng nhân dân tệ kỹ thuật số khi phiên bản thử nghiệm beta của ứng dụng nhân dân tệ kỹ thuật số đã chính thức ra mắt cho hệ điều hành iOS và Android trên các cửa hàng ứng dụng tại Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên ứng dụng này được cung cấp công khai cho bất kỳ ai tải xuống và sử dụng ở bất kỳ thành phố nào đang áp dụng thử nghiệm. Việc hình thành một hệ sinh thái đồng nhân dân tệ kỹ thuật số có thể sẽ diễn ra từ từ khi công nghệ phát triển và nền kinh tế số thâm nhập vào mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Trung Quốc tăng cường hợp tác quốc tế trong công nghệ số

Trung Quốc đã tích cực tìm kiếm sự hợp tác với cộng đồng quốc tế để thúc đẩy thương mại và quản trị kỹ thuật số.

Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã nộp đơn đăng ký tham gia Thỏa thuận đối tác kinh tế số (DEPA), một loại thỏa thuận đối tác thương mại mới được ký bởi Chile, New Zealand và Singapore, nhằm thúc đẩy thương mại kỹ thuật số. Thỏa thuận này phù hợp với định hướng của Trung Quốc là tăng cường cải cách trong nước và mở cửa hơn nữa để tăng cường hợp tác kinh tế số với các quốc gia khác.

Mặt khác, quốc gia này cũng tích cực chia sẻ kiến ​​thức kỹ thuật số của mình bằng cách cung cấp công nghệ, thiết bị và dịch vụ cho các nước kém phát triển hơn. Các công ty Trung Quốc đã tham gia vào một số dự án cáp ngầm nối châu Phi và Âu-Á. Theo dữ liệu chính thức, tổng cộng hơn 200.000 km cáp quang đã được lắp đặt, mang lại khả năng truy cập internet băng thông rộng cho 6 triệu hộ gia đình ở châu Phi. Hơn 1/2 số trạm gốc di động và mạng băng thông rộng di động tốc độ cao của châu Phi được xây dựng bởi các công ty Trung Quốc.

Nền kinh tế số không chỉ định hình lại nền kinh tế Trung Quốc mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh cho các công ty nước ngoài. Thị trường nội địa rộng lớn của Trung Quốc mang lại lợi thế quy mô mạnh mẽ cho phép thương mại hóa nhanh chóng các công nghệ số. Chiếm hơn 40% giá trị giao dịch toàn cầu, Trung Quốc là quốc gia có thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới.

Ngày nay, hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống con người đều không thể tách rời công nghệ số, bao gồm giáo dục, y tế, dịch vụ thông tin, giải trí, tài chính và thương mại điện tử. Cơ sở vững chắc này đã cho phép mở rộng các dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng và đẩy nhanh quá trình thương mại hóa các sản phẩm mới. Các công ty nước ngoài có thể khám phá các dịch vụ mới và sáng tạo để tích hợp vào hệ sinh thái kỹ thuật số hiện có tại Trung Quốc.

Tin mới