Trước thềm Xuân, nghe chuyện người Đan Lai đổi mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Tôi đã nhiều lần về Môn Sơn (Con Cuông) thăm đồng bào Đan Lai ở khe Búng, khe Khặng, nơi vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Mỗi lần mỗi khác, những cảm nhận về sự đổi thay, bứt phá nơi tộc người “ngủ ngồi” này ngày càng đậm nét.

Chuyến di cư lịch sử

Tôi trở lại với Môn Sơn vào dịp cuối năm, lúc này không khí Xuân đã tràn ngập khắp nơi. Đây quả là thời điểm thích hợp để ghi nhận sự đổi thay ở vùng đất Mường Quạ, và hơn hết để “mắt thấy, tai nghe” những câu chuyện đổi mới của người Đan Lai mà lâu nay rất nhiều người, trong đó có những đồng nghiệp của tôi thường nhắc đến. Ít ai biết rằng, chỉ mới vài chục năm về trước người Đan Lai từng được xem như “thổ dân” giữa rừng sâu…

Dẫu vậy, thời tiết khắc nghiệt với cái rét dưới 12 độ C quả là một thử thách khi trước mắt chúng tôi là 20 cây số đường sông để đến với 2 bản thuần người Đan Lai tận thượng nguồn sông Giăng là bản Búng và bản Cò Phạt.

Đón tôi ngay cổng trụ sở UBND xã Môn Sơn là Phó Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Nhật Sơn, một cán bộ biên phòng được tăng cường cho xã cách đây 3 năm. Biết tôi quyết tâm vào Cò Phạt, vị phó bí thư mang quân hàm xanh này xoa hai bàn tay vào nhau cho đỡ run và nói “rét đấy”, rồi chúng tôi lên đường.

bna-mot-con-duong-khang-trang-tai-ban-tan-son-anh-tien-dong-6317.jpg
Đường đi, lối lại tại Môn Sơn ngày càng được đầu tư khang trang. Ảnh: Tiến Đông

Từ bến đò ngay chân đập Phà Lài, chúng tôi lên chiếc thuyền nhôm ngược sông Giăng tiến sâu vào vùng lõi Pù Mát. Mùa này nước sông Giăng còn cao, từng đợt sóng vỗ vào bờ rì roạp. Cánh quạt máy gắn sau đuôi thuyền lúc nâng lên, khi hạ xuống, vè vè quẫy bọt trắng xóa, khuấy động cả một vùng sông trong thoáng chốc rồi lại mất hút vào sâu thẳm màu xanh trầm mặc của bóng núi.

Anh Sơn cho hay, hiện nay, xã Môn Sơn có gần 2.400 hộ dân, với 9.600 khẩu, thuộc 14 bản. Trong đó, có 2 bản thuần người Đan Lai là Cò Phạt và bản Búng. Hai bản này có gần 250 hộ dân, với trên 1.000 nhân khẩu. Trước đây, khi con đường từ bản Xiềng ở trung tâm xã vào 2 bản này chưa bị hư hỏng, việc đi lại trở nên thuận lợi hơn. Thế nhưng, mấy năm gần đây, sau nhiều đợt mưa lũ, đường đi đã bị gãy, lở nên chỉ có đi thuyền là tối ưu nhất.

bna-can-bo-xa-mon-son-cung-cac-can-bo-don-bien-phong-mon-son-trao-doi-voi-truong-ban-tan-son-anh-tien-dong-4342.jpg
Cán bộ xã Môn Sơn và Đồn Biên phòng Môn Sơn, thường xuyên có mặt tại các thôn, bản để tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phát triển kinh tế. Ảnh: Tiến Đông

Dù mới được tăng cường sang làm Phó Bí thư Đảng ủy xã chưa lâu, nhưng anh Sơn đã có nhiều năm gắn bó với Môn Sơn, với đồng bào Đan Lai, nên hiểu từng nết ăn, nếp nghĩ của đồng bào. Anh bảo, cách đây hơn 20 năm người Đan Lai khi đó chen chúc nhau sống trong vùng lõi của rừng Pù Mát, chủ yếu sống bằng nghề săn bắt, hái lượm, quần cư và hôn nhân cận huyết. Trước nguy cơ thoái hóa nòi giống, và ảnh hưởng đến việc bảo tồn của rừng Pù Mát, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng đề án đưa người Đan Lai ra khỏi vùng lõi của rừng Pù Mát.

bna-cay-2056.jpg
Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Môn Sơn giúp người dân cấy lúa. Ảnh: Tiến Đông

Thời điểm đầu những năm 2000, sau một thời gian khảo sát, đánh giá, 36 hộ dân đầu tiên trên tổng số hơn 200 hộ dân Đan Lai đang sống tại các vùng khe Khặng, khe Búng được đưa ra các điểm tái định cư Tân Sơn, Cửa Rào ngay tại trung tâm xã Môn Sơn. Đến năm 2006, Đề án Bảo tồn và Phát triển bền vững tộc người Đan Lai tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát đã được Chính phủ phê duyệt. Sau đó, ngoài những hộ đã di chuyển ra trước, đã có hàng chục hộ được đưa ra tại các điểm tái định cư Thạch Sơn và Bá Hạ ở xã Thạch Ngàn.

bna-can-bo-doi-van-dong-quan-chung-don-bien-phong-mon-son-huong-dan-nguoi-dan-chong-ret-va-phong-dich-benh-cho-vat-nuoi-anh-tien-dong-5330.jpg
Hướng dẫn người dân Đan Lai phòng chống rét và phòng chống dịch, bệnhcho trâu, bò. Ảnh: Tiến Đông

Những lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo

Câu chuyện về chuyến di cư lịch sử của người Đan Lai cứ thế cuốn chúng tôi đi, hành trình hơn 20 cây số vì vậy mà có cảm giác được rút ngắn lại. Sau gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi cũng đã có mặt tại khu vực khe Khặng, nơi người dân Đan Lai của bản Cò Phạt quây quần sống gần nhau.

Bản Cò Phạt hiện có 126 hộ dân, với 516 nhân khẩu, sau khi các hộ nằm trong danh sách tái định cư được đưa ra các nơi ở mới, thì những hộ dân còn lại cơ bản sống ổn định. Tiếp chuyện chúng tôi, ông La Văn Linh - Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt, người đã có đến 30 năm làm “cán bộ” ở nơi bản “thâm sơn” này. Sinh năm 1963, ông Linh là một trong những người cao niên ở bản, đồng thời cũng là một trong những người “cấp tiến” nhất ở Cò Phạt, khi từ năm 20 tuổi, ông đã được cán bộ biên phòng và chính quyền địa phương vận động tham gia hoạt động xã hội ở bản. Sau nhiều năm làm nhiệm vụ thôn đội trưởng, trưởng bản, đến nay ông được tín nhiệm bầu giữ chức bí thư của chi bộ bản có 14 đảng viên.

bna-linh-8345.jpg
Phóng viên trao đổi với ông La Văn Linh - Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt. Ảnh: Tiến Đông

Nói về sự đổi thay của người Đan Lai, ông Linh chia sẻ, kể từ sau khi Nhà nước có chủ trương đưa người Đan Lai ở vùng lõi này ra các điểm tái định cư, đến nay, đời sống người dân đã có những phát triển rất rõ rệt. Người Đan Lai đã biết làm lúa nước, đã biết chăn nuôi trâu, bò, thậm chí bây giờ đã có hộ mua máy cày để cơ giới hóa nông nghiệp. Đây là điều mà trước đây không hộ dân Đan Lai nào nghĩ rằng sẽ có được.

Theo ông Linh, trước đây người dân trong bản chỉ loanh quanh vùng khe Khặng đánh bắt cá trên khe và kiếm củ, quả trên rừng ăn qua ngày. Nay thì đã có nhiều người được đi học, đi làm ăn xa, có người còn làm giáo viên, làm cán bộ ở xã. Đặc biệt, hiện nay trẻ em trong bản đều đã được đến trường, trong đó, có hơn 60 cháu đang theo học cấp 2 ở ngoài trung tâm xã, có 3 cháu đi học cấp 3.

bna-don-8763.jpg
Lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo của gia đình ông Linh. Ảnh: Tiến Đông

Ngay cả gia đình ông Linh cũng là một điển hình gương mẫu trong phát triển kinh tế. Ngoài trồng lúa nước và tự túc được lương thực, gia đình ông còn nuôi 5 con bò, 6 con trâu và rất nhiều gà, vịt. Đặc biệt, vào cuối năm 2023, gia đình người bí thư chi bộ này đã tự nguyện làm đơn gửi UBND xã Môn Sơn để xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Ông bảo, “nghèo mãi xấu hổ lắm, dù gia đình mình cũng còn khó khăn so với mặt bằng chung của toàn xã, nhưng dù sao cũng đã có nhà ở, cuộc sống cũng tiến bộ hơn. Nhưng trong bản còn nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hơn. Mình ra khỏi hộ nghèo để chia sẻ cho các hộ khác, đồng thời, cũng làm gương cho các hộ vươn lên thoát nghèo”.

bna-rau-8573.jpg
Dưới sự hướn g dẫn của các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Môn Sơn, người dân Đan Lai ở Cò Phạt đã biết trồng rau, chăn nuôi trâu, bò, gà, vịt. Ảnh: Tiến Đông

Ông Linh khoe, ông là 1 trong 2 người ở huyện Con Cuông mới được đi Hà Nội về. Ông vui vì được đi thăm Lăng Bác, được tham quan nhiều địa điểm ở Thủ đô mà từ bé tới giờ ông chưa biết. Nhưng ông tin, tương lai con em Đan Lai sẽ được đi ra khỏi bản, khỏi làng nhiều hơn. Khi hiện nay, trong bản cũng đã có hơn 10 thanh niên tham gia xuất khẩu lao động và hàng chục thanh niên đi làm công nhân ở các khu công nghiệp.

Ngoài gia đình ông Linh, vào cuối năm qua, gia đình ông Lê Xuân Đường ở bản Cò Phạt cũng đã làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Cũng tương tự ông Linh, gia đình ông Đường hiện đã dựng được nhà 3 gian, nuôi được 10 con trâu, bò cùng hàng trăm con gà, vịt. Ông viết đơn tự nguyện ra khỏi hộ nghèo vì không muốn mình trở thành gánh nặng cho Nhà nước, cho chính quyền địa phương.

bna-nuoi-lon-1220.jpg
Hướng dẫn cho người dân Đan Lai chăm sóc đàn lợn mới được hỗ trợ. Ảnh: Tiến Đông

Trên đường trở ra, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Nhật Sơn chia sẻ một thông tin rất hay, không riêng gì những người như ông Linh, ông Đường ở bản Cò Phạt, tại bản Tân Sơn trong năm 2023 cũng đã có 4 hộ dân Đan Lai viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Đó là gia đình các anh La Văn Báo, La Văn Thái, La Văn Hoa và chị Lê Thị Hòa. Đây thực sự là một tín hiệu vui cho chính quyền địa phương.

bna-chi-le-thi-hoa-mot-trong-4-ho-dan-dan-lai-da-lam-don-xin-ra-khoi-ho-ngheo-tai-ban-tan-son-anh-tien-dong-5222.jpg
Chị Lê Thị Hoà, một trong bốn hộ dân Đan Lai tại bản Tân Sơn vừa làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo năm 2023. Ảnh: Tiến Đông

Ghé vào nhà chị Lê Thị Hòa, chúng tôi được biết, gia đình chị là 1 trong 36 hộ đầu tiên được đưa đi tái định cư vào đầu những năm 2000. Ngày đi tái định cư chị Hòa còn là một đứa trẻ 5 tuổi. Khi lập gia đình và ra ở riêng, vợ chồng chị Hòa cũng gặp nhiều khó khăn, và nằm trong ngưỡng hộ nghèo. Sau mấy năm chăm chỉ làm ăn, đến nay, vợ chồng chị đã tự gom góp xây dựng được một ngôi nhà khá khang trang. Hiện tại, chồng chị thì đi làm công nhân tại miền Nam với lương tháng hơn 10 triệu đồng. Bản thân chị Hòa ở nhà làm ruộng, chăn nuôi trâu, cùng chăm sóc 2 đứa con. Năm 2023, gia đình chị đã làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường chính sách này cho các hộ khác còn khó khăn hơn.

bna-can-bo-don-bien-phong-mon-son-giup-nguoi-dan-dan-lai-xay-nha-anh-tien-dong-4575.jpg
Cán bộ Đồn Biên phòng Môn Sơn giúp người dân Đan Lai xây dựng lại nhà ở. Ảnh: Tiến Đông

Vươn ra đấu trường quốc tế

Đặc biệt, ở xã Môn Sơn trong năm qua, người dân vẫn luôn rầm rì câu chuyện về cô bé Nguyễn La Vi Na, hiện đang theo học tại Trường THPT DTNT số 1 của tỉnh đã xuất sắc đoạt Huy chương Bạc tại Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế TIMO tại Thái Lan vào tháng 3/2023. Nguyễn La Vi Na là con gái đầu của anh Nguyễn Thế Thảo - Phó Chủ tịch HĐND xã Môn Sơn. Và là niềm tự hào của người dân Đan Lai ở xã Môn Sơn nói chung.

bna-nguyen-la-vi-na-1903.png
Nguyễn La Vi Na (đứng giữa) tại Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế TIMO tại Thái Lan vào tháng 3/2023. Ảnh: GĐCC

Gia đình anh Thảo được ví von là “Gia đình Liên hợp quốc”, khi anh Thảo có bố là người Kinh, mẹ là người Thái và vợ là người Đan Lai chính gốc Khe Khặng. Điều bất ngờ hơn khi vợ anh Thảo là chị La Thị Hằng, cũng là một trong những học sinh Đan Lai đầu tiên được đi học tại Trường THPT DTNT Nghệ An từ năm 1995, hiện đang là giáo viên tiểu học tại xã Môn Sơn.

Mặc dù không có điều kiện được học tiếng Anh bài bản như các bạn ở miền xuôi, vậy nhưng, tại Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế TIMO, Nguyễn La Vi Na đã xuất sắc hoàn thành bài thi của mình, đem vinh quang về cho bản thân, gia đình và nhà trường.

vo-chong-anh-thao-chi-hang-ben-nguoi-con-trai-thu-2anh-tien-dong-2635.jpg
Vợ chồng anh Thảo, chị Hằng bên người con trai út. Ảnh: Tiến Đông

Chị Hằng chia sẻ, được học hành và quay lại nuôi dưỡng những đứa trẻ Đan Lai là niềm hạnh phúc đối với chị. Đối với con gái Nguyễn La Vi Na của mình, chị cũng mong muốn cháu có được điều kiện để học tập, trau dồi kiến thức. Dù không quá kỳ vọng con có thể gặt hái được thành tích cao trong học tập, nhưng với tấm Huy chương Bạc Olympic Toán học quốc tế TIMO mà cháu đã đạt được thì đó là một thành quả xứng đáng. Đó cũng là một niềm động viên, giúp con em Đan Lai có thể tự tin vào chính bản thân và tiếp tục đến với những chân trời mới trong tương lai.

Điều chúng tôi trăn trở nhất là hiện nay, do các hộ dân Đan Lai đang sống trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát nên việc cấp đất cho người dân gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu cấp đất ở, đất sản xuất cho người dân với khoảng gần 400 ha chưa thực hiện xong. Vì thế, có nhiều chính sách hỗ trợ, như chính sách hỗ trợ nhà ở mà Bộ Công an thực hiện vào năm trước không thực hiện được. Đây là một thiệt thòi rất lớn đối với người dân.

ông Lô Văn Thao - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông

Chia sẻ về những đổi thay của người dân Đan Lai, ông Lô Văn Thao - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: Những năm qua, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, và sự hỗ trợ, đồng hành của các đơn vị, nhất là Đồn Biên phòng Môn Sơn, đời sống của bà con Đan Lai đã từng bước phát triển.

Ngoài sự hỗ trợ từ “Ngân hàng bò” của Mặt trận Tổ quốc, các cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Môn Sơn còn tích cực bám dân, bám bản hỗ trợ người dân chăn nuôi, trồng trọt, từng bước thay đổi thói quen săn bắt, hái lượm của bà con nhân dân... Đó chính là những tín hiệu vui không chỉ đối với người dân Đan Lai mà còn cả của chính quyền và nhân dân Môn Sơn.

Tin mới