Từ Lý Nhật Quang đến mối giao thoa giữa Thăng Long - Hà Nội và Nghệ An

Hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, PV. báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với PGS. Ninh Viết Giao - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian xứ Nghệ, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An, xung quanh sự nghiệp của Lý Nhật Quang ở Nghệ An dưới thời Lý đến mối quan hệ giữa văn hóa Thăng Long - Hà Nội và Nghệ An.

 PGS. Ninh Viết Giao.

 PGS. Ninh Viết Giao.

Phóng viên (P.V): Là một trong những nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian hàng đầu của xứ Nghệ, ông có thể cho bạn đọc Báo Nghệ An biết những đóng góp của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đối với vùng biên viễn Nghệ An?

PGS. Ninh Viết Giao: Lý Nhật Quang sinh ra và lớn lên tại Kinh thành Thăng Long, song lập nên nghiệp lớn rồi đi vào cõi vĩnh hằng và hiển thánh trên đất Nghệ An.

Đất Nghệ An thời Lý là vùng trại, biên viễn, phên dậu phía Nam của Tổ quốc. Vì vậy muốn đưa Đại Việt bước vào thời kỳ thịnh vượng thì kế sách của triều đình nhà Lý là phải làm cho đất trại Nghệ An nội trị ổn định về mọi mặt, ngoại trị thì không cho quân Chiêm Thành và Chân Lạp Lão Qua xâm phạm bờ cõi. Để củng cố và phát triển vùng đất phên dậu quan trọng này, triều Lý đã cử Lý Nhật Quang - con trai thứ tám của Lý Thái Tổ vào Nghệ An. Lý Nhật Quang sinh năm Mậu Tý (988).

Thủa nhỏ, Ngài được vua cha và hoàng tộc rèn cặp. Bản tính thông minh, Lý Nhật Quang sớm bộc lộ khí chất dũng cảm, trung hiếu và có tài kinh bang tế thế. Năm 1039, Lý Nhật Quang được triều đình cử vào Nghệ An trông coi việc tô thuế. Năm Tân Tỵ (1041), Lý Nhật Quang được bổ làm Tri châu Nghệ An và chọn vùng đất Bạch Đường núi rừng, địa thế hiểm trở làm nơi đứng chân.

Phủ lỵ châu Nghệ An được Lý Nhật Quang đặt ở dưới chân núi Quả Sơn, thuộc vùng Bạch Đường. Từ phủ lỵ này, Ngài có thể quản lý và khống chế được các vùng ven biển, đồng bằng, trung du cho đến thượng du khá chặt chẽ. Sau khi ổn định vùng lỵ sở Bạch Đường, Lý Nhật Quang tích cực chiêu mộ nhân dân và sử dụng cả tù binh để đẩy mạnh khai khẩn đất hoang với quy mô rộng khắp chưa từng có.

Các vùng đất Khe Bố, Cự Đồn ở Tương Dương, Nam Kim (Nam Đàn), Hoàng Mai (Quỳnh Lưu), Cửa Hội, Kỳ Anh dưới chân Đèo Ngang... tất cả đều do trí tuệ và công lao của Ngài tạo nên. Để có lực lượng làm chủ lực việc giữ vững vùng biên cương và an ninh trong nội bộ nhân dân, Lý Nhật Quang đã lập đạo quân Nghiêm Thắng, đại bản doanh đóng trên tả ngạn sông Lam.

Về sau, vùng đất này nhân dân đã lập nên làng Nghiêm Thắng (nay là xã Đông Sơn, Đô Lương). Lý Nhật Quang đã chú ý khai thông hai con đường huyết mạch trên đất Nghệ An. Đó là con đường thượng đạo từ lỵ sở Bạch Đường ra Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc, con đường lên biên giới Việt - Lào qua huyện Kỳ Sơn. Ngài còn tổ chức nạo vét kênh Đa Cái, đào kênh Bà Hòa làm thông thương con đường thủy từ Bắc vào Nam, lập các trại quân lương, trong đó có trại kho Bà Hòa tích trữ lương thực phục vụ tích cực cho quốc kế dân sinh.

Ngài còn sáng suốt khởi xướng đắp đê sông Lam để ngăn lũ, bảo vệ xóm làng. Nghệ An là vùng đất trại có nhiều biến động về nội trị và cả ngoại trị, nhưng từ khi triều đình cử Lý Nhật Quang đến trị nhậm, với những chính sách thân dân đầy trí tuệ và giàu lòng nhân văn, có tầm nhìn xa rộng nên Nghệ An đã đi vào thế ổn định, chính trị vững vàng, kinh tế phát triển, nhân dân được hưởng thái bình, hạnh phúc!

P.V: Xung quanh sự băng hà của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang có nhiều ý kiến khác nhau. Vậy theo ông, điều mà chúng ta cần biết là gì?

PGS. Ninh Viết Giao: Ngày 17 tháng 12 năm Đinh Dậu (1057), Lý Nhật Quang trút hơi thở cuối cùng tại lỵ sở Bạch Đường. Hình hài, thân thể của Ngài được nhân dân chôn cất tại núi Quả Sơn. Về sau, Ngài hiển thánh, luôn luôn bảo quốc hộ dân. Cuộc đời và sự nghiệp của Tri châu Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được nhân dân xứ Nghệ huyền thoại hóa. Ở trên vùng đất Nghệ - Tĩnh nhân dân đã lập hơn 60 ngôi đền để thờ Ngài. Nhưng đền thờ chính là ở núi Quả Sơn, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương. Từ xưa đến nay vẫn truyền tụng rằng, Lý Nhật Quang trong trận cuối cùng đánh giặc Lão Qua đã bị trọng thương.

 Lễ rước kiệu tại Đền Quả Sơn (Đô Lương)

Lễ rước kiệu tại Đền Quả Sơn (Đô Lương)

Tuy giặc đã chém đầu, Ngài vẫn đặt đầu lên cổ và ngồi vững vàng trên lưng ngựa chạy về. Khi về đến thôn Thượng Thọ (nay là thôn Trạc Thanh, xã Lam Sơn), Ngài gặp một bà bán hàng, chính là bà Bụt hóa thân. Ngài xin bà một mảnh đất. Bà bảo cứ men theo vệ cỏ may, ngựa chạy đến đâu thì đất của Ngài đến đó. Ngựa chạy đến vùng đất Quả Sơn (nay thuộc xã Bồi Sơn) thì quỵ xuống. Lý Nhật Quang ngã xuống, từ cổ òa ra một vũng máu. Chỗ ấy được mối đùn lên thành mộ, gọi là mộ Thiên táng. Hiện nay, đền Quả Sơn thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là một trong những ngôi đền cổ, có tiếng thiêng nhất xứ Nghệ!

P.V: Từ sự nghiệp của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang trên đất Nghệ An, ta thấy rõ trong lịch sử Việt Nam luôn có mối quan hệ, sự giao thoa giữa Thăng Long với xứ Nghệ?

PGS. Ninh Viết Giao: Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, bất kể thời đại nào, xứ Nghệ luôn là điểm dừng chân, là căn cứ địa quan trọng của các tướng lĩnh, các vị vua quan trên đường hành quân từ đất Thăng Long đều đi qua xứ Nghệ và tin tưởng, lựa chọn làm nơi nghỉ ngơi, khôi phục binh lính, lương thực.

Từ đời Trần năm Hưng Long thứ 19 (1311), vua Trần Anh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Thuyền ba quân đến cửa Càn Hải (tức Cửa Cờn, xã Phương Cần, huyện Quỳnh Lưu) thì dừng lại nghỉ ngơi. Đêm, nhà vua mộng thấy nữ thần khóc và nói: "Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, gặp sóng to chết đuối trôi dạt đến nơi này. Thượng đế phong cho làm thần biển ở đây đã lâu, nay thấy Bệ hạ đem quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công".

Sáng hôm sau, Trần Anh Tông liền cho mời các bô lão trong vùng đến hỏi, khi đã rõ sự tích, Trần Anh Tông làm lễ kính tế. Ra đi biển trời lặng gió, vua kéo quân đến thẳng Chà Bàn thắng trận lớn. Năm sau trở về, vua sai Hữu Ty lập đền thờ cho thêm rộng rãi, bốn mùa cúng tế, phong là quốc gia Nam Hải Đại Càn Thánh Nương. Rồi năm Hồng Đức thứ nhất (1470), vua Lê Thánh Tông đích thân mang quân đánh dẹp phương Nam, cũng dừng lại Cảng Xước, nghỉ ngơi chỉnh đốn binh lính và vào đền tế lễ. Sau khi thắng trận, vua tôi kéo quân định tiến thẳng Thăng Long. Thuyền vua vừa ra đến cửa biển bị gió Đông Bắc nổi lên, đoàn thuyền phải vào Cửa Cờn dưới chân đền trú gió. Lê Thánh Tông lấy làm lạ bèn ban thêm vật phẩm, cho tạc tượng dựng thêm mấy tòa đền và làm thơ ngự chế.

Do đặc điểm điều kiện tự nhiên và truyền thống đấu tranh anh dũng lâu đời, người dân xứ Nghệ có được những bản lĩnh đáng quý là dám hy sinh tất cả, một lòng một dạ ủng hộ những nghĩa cử anh hùng, chiến đấu để giành lại cuộc sống thanh bình, thịnh vượng cho quê hương, đất nước. Chính vì lẽ đó, suốt cả quá trình hoạt động, Nguyễn Huệ - Quang Trung rất chú ý tới con người xứ Nghệ. Ngày 3/9 năm Thái Đức thứ 11 (1788), Nguyễn Huệ - Quang Trung đã hạ chiếu: "Chỉ đóng đô ở Nghệ An là độ đường vừa cân, vừa có thể khống chế được trong Nam ngoài Bắc và sẽ làm cho người tứ phương đến kêu kiện tiện việc đi về". Nguyễn Huệ - Quang Trung đã giao cho Trấn Thủ Thận và La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp tổ chức xây dựng Thành Phượng Hoàng Trung Đô. Có thể nói Phượng Hoàng Trung Đô là chứng tích hào hùng thể hiện tầm nhìn văn hóa của "người Anh hùng áo vải" trong quá trình đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng cuộc sống thái bình, ấm no cho dân tộc Việt Nam...

Con em người Nghệ - Tĩnh hôm nay cũng đã có nhiều thành đạt trên con đường lập nghiệp ở đất Thăng Long. Không thể kể hết hiện có bao nhiêu giáo sư, tiến sỹ, nhà khoa học, nhà quản lý... đang nắm giữ nhiều vị trí, chức vụ quan trọng tại Thủ đô Hà Nội. Họ đang tiếp nối truyền thống văn hóa, truyền thống khoa bảng của vùng đất văn vật có bề dày 985 năm danh xưng Nghệ An tại vùng đất 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

P.V: Xin chân thành cảm ơn Phó Giáo sư.

Thanh Thủy (thực hiện)

Tin mới