VAFI chỉ ra 5 sai lầm của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Theo VAFI, ông Vũ Huy Hoàng đã phạm 5 sai lầm cơ bản trong công tác quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Sau những kiến nghị Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm nhân sự tại Tổng công ty CP rượu bia nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) tiếp tục phản ánh về những sai lầm của cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương - Vũ Huy Hoàng trong công tác quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

vafi chi ra 5 sai lam cua cuu bo truong vu huy hoang hinh 0
Habeco sau 9 năm cổ phần hóa vẫn không được chuyển giao về cho SCIC. (Ảnh minh họa: KT)

VAFI cho biết, trong thời gian ông Vũ Huy Hoàng đương chức Bộ trưởng Bộ Công Thương, việc bổ nhiệm các chức danh chủ chốt tại một số Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đã không đòi hỏi nhiều về kinh nghiệm và thành tích quản trị. Lãnh đạo một số tập đoàn không phải là những người thành công và đi lên từ chính doanh nghiệp.

“Riêng Chủ tịch Sabeco hầu như không có kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp,  thành tích về quản trị doanh nghiệp… Đây là  vấn đề hết sức nguy hiểm trong công tác quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp”, đại diện VAFI cho biết.

Đặc biệt, trong chiến lược hoạt động của PVN, EVN, TKV…không có HĐQT nào sốt sắng với định hướng cổ phần hóa cả tập đoàn. Các Tập đoàn, Tổng công ty như Tổng công ty Thép, Tâp đoàn Hóa chất, TKV ở 1 vị thế tài chính rất yếu so với 10 năm trước, phải trông chờ nhà nước hỗ trợ hay  bơm vốn như ở Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Công ty Gang thép Thái Nguyên…

VAFI cũng cho rằng, điều đáng tiếc tại Bộ Công Thương là việc bố bổ nhiệm chức vụ cho con trai, trong khi kể cả với những doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp gia đình hay công ty tư nhân lớn điều này cũng không bao giờ xảy ra.

Trong một phát hiện khác, VAFI cho biết, Bộ Công Thương thời ông Vũ Huy Hoàng làm lãnh đạo đã chậm bàn giao một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa về cho SCIC quản lý. “Trong 9 năm dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Sabeco, Habeco sau 9 năm cổ phần hóa vẫn không được chuyển giao về cho SCIC”, VAFI chỉ rõ.

Việc chậm trễ cổ phần hóa, chuyển giao tài sản của Bộ Công Thương diễn biến rất chậm đã khiến vừa qua, tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê bình bộ máy quản lý của Bộ Công thương  cồng kềnh cần phải tái cơ cấu,

VAFI cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa trực thuộc Bộ Công thương trốn tránh niêm yết. Người đại diện không thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa như Sabeco, Habeco, Vinatex, Petrolimex…cùng các đơn vị thành viên đã cổ phần hóa trực thuộc các tập đoàn đã không chịu niêm yết.

Trong khi đó, để thúc đẩy mạnh việc thoái vốn nhà nước và niêm yết chứng khoán, Thủ tướng Chính phủ đã quy định, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phối hợp, đôn đốc doanh nghiệp hoàn tất việc thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết trong thời hạn tối đa 1 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực thi hành. Nhưng Quyết định này đã không  làm cho nhiều  đại diện cổ phần nhà nước tại Bộ Công Thương tuân thủ thực hiện, trong đó có Sabeco và Habeco là 2 điển hình của việc tìm mọi cách trốn tránh niêm yết, không thực hiện chỉ thị của Chính phủ.

Đặc biệt, VAFI nhìn nhận, dưới thời cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng,  phong trào cổ phần hóa doanh nghiệp đi xuống và  trì trệ, không thể sôi nổi và tích cực như thời Bộ trưởng Hoàng Trung Hải. “Trong khi Bộ Công Thương là Bộ nắm nhiều doanh nghiệp, ở vị thế kinh doanh thuận lợi nhưng phong trào cổ phần hóa trong nhiệm kỳ 2010- 2015 còn thua xa Bộ GTVT”, VAFI đánh giá.

Với điểm nhấn là việc Bộ Công Thương bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm thành viên HĐQT kiêm PTGĐ Sabeco, VAFI quả quyết rằng, tác động này của ông Vũ Huy Hoàng và những cá nhân có liên quan hoàn toàn mang đậm tính vụ lợi. “Hành vi này còn bị nghiêm cấm theo Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 tại Điểm 1 Điều 10 và tại Điểm 5 Điều 3 đã  qui định: Nghiêm cấm hành vi lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ vì vụ lợi”, VAFI chỉ rõ./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới