Vân Diên "cán đích" nông thôn mới từ phi nông nghiệp

(Baonghean) - Là địa phương có xuất phát điểm nông nghiệp, nhưng nguồn lực chính để xã Vân Diên (Nam Đàn) về đích NTM được huy động từ những ngành nghề phi nông nghiệp.

Sức bật từ chuyển dịch cơ cấu lao động

Tháng 10 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định công nhận xã Vân Diên đạt chuẩn nông thôn mới. Điều đáng nói là mặc dù có xuất phát điểm là một xã nông nghiệp nhưng động lực chính để hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở Vân Diên lại đến từ những ngành nghề khác. Đó là xuất khẩu lao động, làm ngành nghề phụ và kinh doanh buôn bán.

Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể xã Vân Diên được xây dựng khang trang.
Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể xã Vân Diên được xây dựng khang trang.

Anh Nguyễn Văn Long, xóm trưởng xóm Quy Chính 2 đang làm thủ tục vay tiền cho con trai làm thủ tục đi xuất khẩu lao động tại trụ sở Quỹ tín dụng nhân dân Vân Diên, cho biết: Xóm Quy Chính 2 có 161 hộ thì có khoảng 100 hộ có người đi xuất khẩu lao động. Theo thống kê hiện nay xã Vân Diên có gần 900 lao động đang làm việc tại 12 nước trên thế giới, nhiều nhất là Đài Loan, Nhật Bản.

Nhiều năm qua đã có hàng ngàn người vay vốn từ Quỹ tín dụng nhân dân Vân Diên để đi xuất khẩu lao động và đều trả tiền vay đúng hạn. Hiện nay, dư nợ của nguồn vốn vay xuất khẩu lao động chiếm khoảng 10% tổng dư nợ, tương đương gần 10 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Văn Long, xóm Quy Chính 2, Vân Diên, Nam Đàn đang làm thủ tục vay tiền cho con trai đi xuất khẩu lao động tại trụ sở Quỹ tín dụng nhân dân Vân Diên
Anh Nguyễn Văn Long, xóm Quy Chính 2, Vân Diên, Nam Đàn đang làm thủ tục vay tiền cho con trai đi xuất khẩu lao động tại trụ sở Quỹ tín dụng nhân dân Vân Diên.

Một hướng chuyển dịch lao động có hiệu quả khác ở Vân Diên là đẩy mạnh phát triển các nghề phụ, nổi bật là làng nghề bún, bánh Quy Chính đã khẳng định được thương hiệu và nghề xây dựng. 

Với những định hướng chuyển dịch lao động hợp lý, hiệu quả nên trong tổng số hơn 5.300 lao động người trong độ tuổi lao động thì Vân Diên có 93% lao động có việc làm thường xuyên. Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng nhanh từ 18 triệu đồng năm 2010 thì đến hết năm 2015 ước đạt gần 33 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo hiện nay còn 3,54%.

Đột phá từ nội lực

Trong xây dựng nông thôn mới của Vân Diên, nguồn lực của nhân dân đóng góp có giá trị lên đến gần 78 tỷ đồng, chiến gần 55% tổng kinh phí huy động. 

Bên cạnh đóng góp kinh phí xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa, dọc các tuyến đường xóm, người dân các tổ liên gia còn đóng thêm tiền để làm mương thoát nước có nắp đậy.

 Đồng chí đảng viên Nguyễn Văn Phúc (ngoài cùng bên trái) đang trao đổi với cán bộ xã, xóm về hiệu quả của con đường giao thông bê tông mang lại với cộng đồng
Đảng viên Nguyễn Văn Phúc (ngoài cùng bên trái) đang trao đổi với cán bộ xã, xóm về hiệu quả của tuyến đường bê tông đem lại với cộng đồng.

“Nhờ phát huy được dân chủ, tính chủ động của cấp ủy và nhân dân ở cơ sở nên công tác huy động nội lực ở Vân Diên rất thành công. Không đơn thuần là người dân tại địa bàn cư trú đóng góp mà chúng tôi còn huy động được con em xa quê chung tay xây dựng quê hương với số tiền hơn 6,3 tỷ đồng”, đồng chí Trần Bá Minh, Bí thư Đảng ủy xã Vân Diên khẳng định./.

Nhật Lệ

TIN LIÊN QUAN

Tin mới