Về 1 điều khoản trong Công pháp quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Việc Trung Quốc dùng vũ lực để xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế hiện đại ở Điều 2, Khoản 4 của Hiến chương Liên hợp quốc.

Ngày 19/1/2024 vừa qua tròn 50 năm chính quyền Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trên các trang mạng xã hội chia sẻ một quan điểm: “Theo luật quốc tế, nếu có tranh chấp lãnh thổ mà giữa các kháng nghị có một khoảng gián đoạn 50 năm hoặc nhiều hơn thì những đòi hỏi lãnh thổ trở nên vô hiệu. Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm 50 năm nhưng Việt Nam chưa gửi bất kỳ kháng nghị, đơn kiện nào lên tòa án công lý quốc tế hoặc tòa án quốc tế về Luật Biển. Nếu không có bất kỳ kháng nghị hay đơn kiện nào thì theo Luật Biển quốc tế coi như Việt Nam chấp nhận mất Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa vĩnh viễn về tay Trung Quốc...”.

Liệu đây có phải là sự thực?

Công pháp quốc tế củng cố nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa tất cả các quốc gia

Công pháp quốc tế, hay còn gọi là Luật Quốc tế, là tập hợp các quy phạm, quy tắc và tập quán nhằm chấn chỉnh quan hệ, sự tương tác giữa các chủ thể tham gia quan hệ quốc tế. Đây là sự kết hợp giữa các quốc gia trong các lĩnh vực khác nhau như xung đột vũ trang, nhân quyền, biển, đảo, không gian, thương mại, biên giới lãnh thổ và quan hệ ngoại giao. Các chuẩn mực Công pháp quốc tế tạo ra một khuôn khổ chung, trong đó, các chủ thể của Luật Quốc tế hoạt động và góp phần vào sự tồn tại của các mối quan hệ quốc tế nói chung ổn định, có tổ chức và nhất quán.

Trụ sở LHQ tại New York (Mỹ). Ảnh: UN
Trụ sở Liên hợp quốc tại New York (Mỹ). Ảnh: UN

Công pháp quốc tế cũng cung cấp các hướng dẫn mang tính quy chuẩn cũng như các phương pháp, cơ chế và ngôn ngữ khái niệm chung cho các chủ thể quốc tế, tức chủ yếu là các quốc gia có chủ quyền, nhưng cũng có các tổ chức khác mang tính quốc tế.

Điều ước là một trong những nguồn chính của Công pháp quốc tế, nếu các quốc gia không có ảnh hưởng như nhau trong các tổ chức quốc tế dựa trên hiệp ước, thì điều này có nghĩa là ý chí của một quốc gia hùng mạnh sẽ chiếm ưu thế trước một quốc gia nhỏ yếu hơn. Do đó, sự bình đẳng về mặt pháp lý sẽ là vô nghĩa nếu không thể chuyển thành sự bình đẳng thực sự, ít nhất là ở cấp độ xây dựng luật pháp trong các tổ chức quốc tế.

Đặc biệt, Hiến chương Liên hợp quốc đặt ra các nguyên tắc cơ bản của Công pháp quốc tế hiện đại, trong đó đáng chú ý là: “Hạn chế nghiêm ngặt quyền sử dụng vũ lực chống lại các quốc gia khác”“Nghiêm cấm việc chiếm đoạt lãnh thổ bằng vũ lực”.

Như vậy, Công pháp quốc tế được đặt ra nhằm để củng cố nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa tất cả các quốc gia. Chính vì vậy, nó cũng sẽ hạn chế một số hành vi của các chủ thể của luật pháp quốc tế, chẳng hạn như ngăn cản các quốc gia tham gia vào một đường lối ứng xử không phù hợp với nghĩa vụ quốc tế.

image_7701217_882019.jpg
Chiến sĩ đảo Cô Lin, huyện đảo Trường Sa ngày đêm nâng cao cảnh giác, canh giữ biển trời của Tổ quốc. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Công pháp quốc tế hiện đại đã phê phán và không chấp nhận nguyên tắc thụ đắc chủ quyền theo thời hiệu, bởi nó đã nhiều lần bị lợi dụng để biện minh cho những hành động xâm lược. Việc sử dụng vũ lực chiếm đóng lãnh thổ của nước khác không bao giờ mang lại danh nghĩa chủ quyền hợp pháp cho quốc gia sử dụng vũ lực.

Chính vì vậy, việc chính quyền Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa bằng vũ lực, nên việc chiếm đóng này kéo dài thời gian bao lâu chăng nữa vẫn là bất hợp pháp.

Sử dụng vũ lực để xâm chiếm là hành động đi ngược lại với Luật pháp quốc tế

Thụ đắc lãnh thổ là việc thiết lập ranh giới địa lý chủ quyền của một quốc gia đối với một vùng lãnh thổ mới theo những phương thức phù hợp với nguyên tắc của pháp luật quốc tế. Việc xác lập chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định của luật pháp quốc tế. Vì vậy, việc thụ đắc lãnh thổ cũng phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Một trong những nguyên tắc cơ bản là “Cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.

Bản thân nguyên tắc này được hình thành trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và đã được khẳng định trong Hiến chương Liên hợp quốc. Thời gian đầu nguyên tắc này thể hiện mong muốn của các dân tộc trong việc thiết lập một trật tự quốc tế công bằng sau chiến tranh. Nghị quyết số 26/25 (1970) của Đại hội đồng Liên hợp quốc về các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế đã quy định rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của việc thụ đắc bởi một quốc gia khác bằng việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Việc thụ đắc lãnh thổ bằng việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực không được thừa nhận là hợp pháp”.

Với chính quyền Trung Quốc, mặc dù họ tuyên bố chủ quyền đối với Tây Sa và Nam Sa (cách gọi của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) nhưng họ lại không hề có bất kỳ một tư liệu gốc thành văn đương đại đồng đại nào để chứng minh điều đó. Và đặc biệt hơn là những ghi chép của danh nhân Trung Quốc lại đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam như bộ Hải ngoại kỷ sự của Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán hay các bản đồ từ đầu thời Thanh cho đến cuối đời Dân quốc đều vẽ cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Quỳnh Châu (đảo Hải Nam).

trung-quoc-su-dung-vu-luc-chiem-dong-trai-phep-quan-dao-hoang-sa-cua-viet-nam-4960.jpg
Ảnh tư liệu

Chính vì vậy, việc Trung Quốc dùng vũ lực để xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế hiện đại ở Điều 2, Khoản 4 của Hiến chương Liên hợp quốc. Theo đó, việc sử dụng vũ lực chiếm đóng lãnh thổ của nước khác không bao giờ mang lại danh nghĩa chủ quyền hợp pháp cho quốc gia sử dụng vũ lực. Và như vậy, rõ ràng hành động dùng vũ lực để cưỡng chiếm không có bất cứ một giá trị nào để quốc tế thừa nhận.

Về cơ sở pháp lý và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thông qua các căn cứ khoa học lịch sử đã trình bày ở trên đã khẳng định rằng chủ quyền xuyên suốt lịch sử trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam. Giáo sư Monique Chemiller Gendreau- Khoa Công pháp và Khoa học chính trị tại Đại học Paris VII đã khẳng định rằng: “Các quyền của Việt Nam là cố hữu và chắc chắn, ngay cả trong trường hợp những tham vọng, yêu sách của Trung Quốc đã được cụ thể hóa bằng sự chiếm đóng dựa trên vũ lực… Những lý lẽ luận chứng mà Trung Quốc nêu lên cho đến nay, không cho phép xác nhận sự tồn tại của những mối liên hệ pháp lý cổ giữa triều đình Trung Quốc với các lãnh thổ này, để cho ngày nay người ta có thể hiểu nó như những mối liên hệ như chủ quyền”[*].

Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa của Việt Nam được khẳng định sớm và liên tục và xuyên suốt qua các thời kỳ lịch sử mặc dù do hoàn cảnh chiến tranh liên tục nên nhiều thư tịch cổ của Việt Nam đã bị mất mát, thất lạc. Tuy nhiên, những tư liệu còn lại đến nay và chính sử vẫn rất phong phú, khách quan, khoa học, đồng nhất đủ để chứng minh được khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, về phía Trung Quốc, mặc dù họ tuyên bố chủ quyền đối với Tây Sa và Nam Sa (cách gọi của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) nhưng họ lại không hề đưa ra được bất kỳ một tư liệu gốc thành văn đương đại đồng đại nào để chứng minh điều đó.

dai-nam-nhat-thong-toan-do-va-ban-do-vn-do-nguoi-phuong-tay-ve-nam-1749-7076.jpg
Đại Nam nhất thống toàn đồ của tác giả Phan Huy Chú, năm 1834 (ảnh trái) và bản đồ Việt Nam do người phương Tây vẽ năm 1749 (Hoàng Sa và Trường Sa mang tên chung là Paracel thuộc Đàng Trong).

Và đặc biệt hơn là những ghi chép của danh nhân Trung Quốc lại đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chính từ những trước tác kể trên đã tạo ra “phông” tư liệu thành văn có tính chất căn cứ khoa học lịch sử và pháp lý để nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thông qua hệ thống căn cứ khoa học lịch sử đã giúp Nhà nước ta khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc quyền làm chủ của Việt Nam từ trước đây, hiện tại và mai sau.

Chính vì vậy, có thể khẳng định một cách chắc nịch rằng, Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và quần đảo Trường Sa năm 1988 đã vi phạm cùng một lúc 3 nguyên tắc đã được luật pháp quốc tế hiện đại thừa nhận, là: nguyên tắc cấm đe dọa bằng vũ lực và sử dụng vũ lực, nguyên tắc bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ quốc gianguyên tắc quyền dân tộc tự quyết. Những hành động đó rõ ràng bị luật pháp quốc tế và dư luận tiến bộ trên thế giới lên án. Chính vì vậy, những hành động phi pháp đó không bao giờ là căn cứ hợp pháp cho yêu sách chủ quyền của chính quyền Trung Quốc.

Bên cạnh đó, thông qua hệ thống sử liệu của Việt Nam, Trung Quốc và các nước phương Tây, đều thể hiện rõ ràng, nhà nước phong kiến Việt Nam xác lập chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ rất sớm và liên tục. Do đó, với trường hợp quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam hiện nay bị các nước láng giếng như Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei chiếm đóng toàn bộ hay một phần chính là phương thức chiếm hữu theo thời hiệu. Có nghĩa là phương cách thụ đắc này được hình thành từ việc chiếm hữu hữu hiệu đối với các lãnh thổ không phải lãnh thổ vô chủ, hoặc lãnh thổ có được một cách bất hợp pháp, hoặc lãnh thổ mà hoàn cảnh lúc thụ đắc không rõ tính hợp pháp của hành vi thụ đắc. Chính vì vậy, việc nhà nước CHXHCN Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như liên tiếp lên tiếng phản đối với cùng một nội dung lặp đi lặp lại nhiều lần, đã tạo nên một hệ quả pháp lý là các nước này không thể thụ đắc một cách hợp pháp hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

hoang-sa-truong-sa-la-cua-viet-nam-5102.jpg
Ảnh: Tư liệu

[*] Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (2016), Quá trình khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Tuyển chọn từ Tạp chí Lịch sử Quân sự), Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, tr404.

Tin mới