Về miền Tây xứ Nghệ khám phá mường Chiềng Ngam

(Baonghean.vn) - Mường Chiềng Ngam, nay thuộc xã Châu Tiến và một phần của Châu Bính, huyện Quỳ Châu. Từ hàng trăm năm trước, người Thái đã định cư trên mảnh đất này và lập nên mường của mình...

bna_muong chieng ngam (9).jpg
Chiềng Ngam có nghĩa là một vùng đất đông vui và đẹp. Chiềng hay “chiếng” xưa kia là trung tâm của mường vì thế đông vui. Ngam nghĩa là đẹp. Từ này phổ biến trong tiếng Lào hơn nhưng người Thái vẫn dùng để đặt cho tên đất tên người với ý nghĩa trang trọng. Vùng đất này một mặt giáp với vùng rừng núi xã Châu Thuận gọi là Mường Chai. Mặt khác giáp xã Châu Thắng và con sông Nậm Giải như một ranh giới tự nhiên giữa Chiềng Ngam và huyện Quế Phong. Ảnh: Đình Tuyên
bna_muong chieng ngam (11).JPG
Người Thái trong vùng có câu hát thường được các nghệ nhân nhắc đến khi du khách đến thăm: “Mường Chiềng Ngam ăn cá ba sông”. Đó là các con sông nhỏ Nậm Giải, Nậm Hạt và Nậm Quàng, các chi lưu của sông Hiếu. Ba con sông đã bồi đắp nên những bãi phù sa rộng hàng trăm héc ta, vì thế mà Chiềng Ngam trở thành nơi trồng lúa nước nhiều nhất ở huyện Quỳ Châu. Ảnh: Đình Tuyên
bna_muong chieng ngam (10).JPG
Ở Bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến thuộc mường Chiềng Ngam xưa từng có dòng họ Sầm nhiều đời giữ chức Tri phủ Quỳ Châu. Chức danh được gọi là thổ tri phủ này bắt đầu từ thế kỷ 19 và được triều đình cho phép truyền vị trong dòng họ. Chữ viết của người Thái từng được sử dụng khá phổ biến dưới thời phong kiến và Pháp thuộc. Ảnh: Đình Tuyên
bna_muong chieng ngam (1).JPG
Từ những năm 2010, nơi này bắt đầu phát triển theo chủ trương phát triển du lịch cộng đồng của toàn tỉnh Nghệ An. Các nét văn hóa của người Chiềng Ngam trở thành thế mạnh để phát triển du lịch. Nghề dệt thổ cẩm, trồng dâu nuôi tằm được khôi phục. Chữ Lai Tay, một trong những hệ chữ viết từng được sử dụng trước đây được khôi phục và truyền dạy. Các làn điệu dân ca, nhạc cụ của người Thái cũng được chế tác, truyền dạy bởi các nghệ nhân. Ảnh: Hữu Vi
bna_muong chieng ngam (2).JPG
Sưu tầm lưu giữ trang phục cổ. Trong ảnh là bộ trang phục của bà Nàng Hồng, vợ của ông Sầm Văn Viên - Tri Phủ Quỳ Châu cuối cùng. Ảnh: Hữu Vi
bna_muong chieng ngam (5).JPG
Các lễ hội như Hang Bua diễn ra vào tháng Giêng, lễ Pủ Xừa vào tháng 9 âm lịch vẫn được duy trì đều đặn hàng năm. Trong đó, lễ Pủ Xừa là lễ cúng tâm linh đặc sắc. Vào ngày hội, người dân tập trung tại cây cổ thụ gọi là “pủ xừa” của mỗi bản để cúng thần linh, những người cai quản vùng đất để cầu bình an, mùa màng tươi tốt. Các làn điệu dân ca vẫn được duy trì trong ngày hội, ngày lễ, cưới xin… Trang phục truyền thống và tục uống rượu cần còn khá phổ biến. Ảnh: Hữu Vi
bna_muong chieng ngam (6).JPG
Người mường Chiềng Ngam chủ yếu là cộng đồng Thái, hàng trăm năm canh tác lúa nước và là vùng vẫn duy trì những cọn nước tưới nước cho ruộng đồng. Các làng bản vì thế từ lâu không có tập quán du canh, du cư, mà tập trung phát triển được một vùng văn hóa khá đặc sắc với nếp sống bản địa được duy trì trong những nếp nhà sàn cổ kính. Ảnh: Đình Tuyên
bna_muong chieng ngam (7).JPG
Ngoài văn hóa lúa nước đặc sắc, người Thái ở Chiềng Ngam trồng dâu, nuôi tằm, dệt thổ cẩm và lưu giữ văn hóa nhà sàn, tục uống rượu cần và những nét văn hóa khác khiến du khách về với đất này vẫn có những ấn tượng tốt đẹp. Ảnh: Hữu Vi
bna_muong chieng ngam (3).jpg
Ngày nay, đến với mường Chiềng Ngam, du khách thấy được một diện mạo đổi mới song những nét văn hóa cổ xưa vẫn được lưu giữ. Tiếng khèn, tiếng sáo, hội cồng chiêng vẫn vang lên dưới mái nhà sàn. Những nét văn hóa này hiện nay được thể hiện trong các tiết mục văn nghệ, các cuộc hội hè đón tiếp du khách. Một Chiềng Ngam cổ xưa, một chiềng Ngam đổi mới và phát triển đang là bức tranh sống động mà người phương xa rất dễ nhận thấy khi về đất này. Ảnh: Hữu Vi

Tin mới