Vì sao nhiều trường nghề ở Nghệ An khó tuyển sinh?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Mặc dù những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên, khuyến khích đối với công tác đào tạo nghề, nhưng đến nay, công tác tuyển sinh của nhiều trường nghề ở Nghệ An vẫn rất khó khăn. 

Đôn đáo tìm học sinh

Được thành lập từ năm 2008 với nhiệm vụ đào tạo lao động kỹ thuật cho các huyện, thị xã phía Bắc của tỉnh, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An đào tạo các ngành: Điện công nghiệp, Điện dân dụng, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Công nghệ ô tô, Hàn, May thời trang.

Lớp học nghề điện công nghiệp tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An. Ảnh: Minh Quân
Lớp học nghề điện công nghiệp tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An. Ảnh: Minh Quân

Ông Nguyễn Văn Tài - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An cho biết: “Tất cả học sinh sau khi ra trường đều được trường giới thiệu việc làm và giới thiệu đi xuất khẩu lao động. Hiện nay, trường đã phối kết hợp với các công ty để giới thiệu việc làm và cung ứng nhân lực như Lilama18, Lilama7, Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan… Vậy nhưng, khoảng 5-6 năm trở lại đây, hầu như năm nào trường cũng chật vật trong việc tuyển sinh.

Như năm học 2022 - 2023, trường chỉ tuyển được 342/400 chỉ tiêu được giao. Vào các năm học gần đây, huyện Quỳnh Lưu có xấp xỉ 800 học sinh học xong lớp 9 không vào được các trường THPT công lập, nhưng rất nhiều em trong số đó chọn vào học ở 2 trường THPT ngoài công lập trên địa bàn huyện, hoặc đi làm lao động tự do chứ không chọn học nghề, dù hằng năm ngay sau Tết Nguyên đán, Trường đã đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền tới các trường THCS”.

Năm học 2022 - 2023 này, Trường Trung cấp Kinh tế - Thủ công nghiệp Nghệ An được giao chỉ tiêu tuyển sinh là 450 học sinh. Tuy vậy, đến thời điểm này, trường mới chỉ tuyển được hơn 390 học sinh.

Học sinh học may tại Trường Trung cấp Kinh tế - Thủ công nghiệp Nghệ An. Ảnh: Minh Quân.
Học sinh học may tại Trường Trung cấp Kinh tế - Thủ công nghiệp Nghệ An. Ảnh: Minh Quân.

Ông Nguyễn Xuân Phượng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Để hoàn thành chỉ tiêu, việc tuyển sinh của nhà trường tiếp tục diễn ra đến hết tháng 12/2022. Thời gian này, lãnh đạo nhà trường và các tổ chuyên môn trực tiếp làm việc với phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành, thị để tìm giải pháp tuyển sinh đối với đối tượng học sinh học hết lớp 9 nhưng không học lên THPT".

Với Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc, việc tuyển sinh cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở hệ trung cấp nghề, khi đến thời điểm này, trường chỉ tuyển được hơn 100 học sinh trên 190 học sinh theo chỉ tiêu.

Ông Lương Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hằng năm, từ tháng 3, tháng 4, nhà trường đã thành lập các tổ tuyển sinh theo địa bàn, giao chỉ tiêu cụ thể cho các giáo viên. Hầu hết các giáo viên đều đã rất nỗ lực, nhiệt tình trong việc tiếp cận các trường học, thậm chí là đến tận nhà các học sinh có hoàn cảnh khó khăn để thuyết phục các em học nghề.

Tuy nhiên, do đội ngũ giáo viên còn mỏng, ở nhiều địa phương lại có “phong trào” đi xuất khẩu lao động hoặc đi làm việc tại các tỉnh phía Nam, nên nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, thậm chí sau THCS đã chọn đi làm ngay thay vì phải học nghề ít nhất 1,5 năm”.

Tăng cường định hướng nghề nghiệp

Để phát triển lực lượng lao động có trình độ tay nghề cao, Nhà nước đã có chính sách ưu đãi với học sinh, sinh viên học tại các trường nghề như Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo, người tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp; chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

Bản thân các trường nghề cũng nỗ lực nâng cao hiệu quả đào tạo nghề như liên kết với các doanh nghiệp trong giảng dạy, thực tập, tìm kiếm cơ hội việc làm, xuất khẩu lao động cho học sinh sau đào tạo…

Giáo viên trường nghề giới thiệu về ngành nghề đào tạo tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp tỉnh Nghệ An năm 2022. Ảnh: Thanh Nga

Giáo viên trường nghề giới thiệu về ngành nghề đào tạo tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp tỉnh Nghệ An năm 2022. Ảnh: Thanh Nga

Tuy vậy, khó khăn trong tuyển đầu vào vẫn là thực trạng chung của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh những năm qua. Hiện toàn tỉnh có 55 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 9 trường cao đẳng, 13 trường trung cấp, 22 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 11 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp. Theo kế hoạch đào tạo nghề, năm 2022, các cơ sở trên tuyển sinh đào tạo cho 66.300 người.

Theo Kế hoạch 188/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Đề án số 14-ĐA/TU ngày 25/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Nghệ An phấn đấu đào tạo 329.400 lượt người, gồm các cấp trình độ cao đẳng 26.300 người; trung cấp 48.500 người; sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng 254.600 người.

Mục tiêu của kế hoạch phấn đấu tỷ lệ lao động có việc làm sau tốt nghiệp bình quân chung đạt 80,9% (trình độ cao đẳng 96,1%, trung cấp đạt 95,4%, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 77,1%); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71,5%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 31% vào cuối năm 2025 (riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đạt 64,1%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 23,5%).

Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các trường nghề mới chỉ tuyển sinh đào tạo cho 45.519 lượt người, đạt 68,6% kế hoạch, gồm các cấp trình độ: cao đẳng 1.070 người; trung cấp 4.315 người; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 40.134 lượt người. Trong đó, có 7.025/12.500 lao động được hỗ trợ học nghề từ ngân sách, đạt 56% theo Kế hoạch 351/KH-UBND tỉnh.

Qua tìm hiểu thực tế, ngoài các trường có bề dày truyền thống, đã khẳng định được thương hiệu nhiều năm qua như các trường: Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An, Cao đẳng Nghề số 4 Bộ Quốc phòng, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật số 1 Nghệ An… là tuyển đủ theo chỉ tiêu, hầu hết các trường đều tuyển chưa đủ chỉ tiêu, như Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam đạt 91%, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Miền Tây (89%), Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An (87%), Trường Trung cấp Dân tộc nội trú (đạt 81%), các trường Trung cấp nghề ở các huyện Yên Thành, Đô Lương (81% - 85%)…

Nhiều trường THPT ngoài dân lập tăng quy mô tuyển sinh, khiến nhiều học sinh sau khi học hết lớp 9 không thi đậu vào các trường công lập chọn học tiếp 3 năm THPT ở các trường ngoài công lập chứ không chọn học trung cấp nghề, dù học sinh trung cấp nghề vừa có thể học nghề, vừa học văn hoá để hoàn thành chương trình THPT. Rồi các hoạt động du học, xuất khẩu lao động cũng được phục hồi và phát triển mạnh sau dịch Covid-19 cũng làm hẹp thêm cơ hội tuyển sinh của các trường nghề.

Ông Nguyễn Xuân Phượng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Thủ công nghiệp Nghệ An.

Qua trao đổi, đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cho biết: Nguyên nhân dẫn đến khó tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là với hệ cao đẳng, trung cấp chủ yếu là do hiện nay việc đi học đại học không còn khó khăn như trước, trong khi tâm lý của gia đình và học sinh đều thích con em mình đi học đại học hơn so với học nghề.

Như trên địa bàn huyện Nghi Lộc, ngay cả các trường THPT, THCS cũng còn coi nặng việc có số lượng học sinh đỗ đại học hay trúng tuyển vào các trường THPT công lập là thành tích. Do đó, các trường không chú trọng tuyên truyền, hướng cho học sinh vào trường nghề, dù việc học nghề nhận được nhiều chính sách ưu đãi, và việc tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp cũng thuận lợi hơn.

Ông Lương Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật huyện Nghi Lộc.

Bên cạnh đó, theo quy định mới, loại hình đào tạo không còn ghi trên bằng, nghĩa là trước đây học chính quy, chuyên tu hay học tại chức đều được ghi vào bằng nhưng hiện không ghi thì giá trị bằng là như nhau, dẫn tới người học thuận lợi hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học đang mở rộng, ngoài đào tạo tập trung thì hình thức đào tạo từ xa "nở rộ”.

Ngoài ra, từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ điểm sàn trong xét tuyển đại học càng khiến cho sự khó khăn của các trường nghề tăng lên trong công tác tuyển sinh. Mặt khác, quy định học viên trung cấp nghề học văn hóa THPT 4 môn không được liên thông lên đại học cũng khiến các học sinh có nhu cầu học lên cao ngần ngại trong việc chọn học nghề.

Giờ thực hành của sinh viên Khoa Công nghệ ô tô - Trường Cao đẳng Việt Đức Nghệ An. Ảnh: Minh Quân.
Giờ thực hành của sinh viên Khoa Công nghệ ô tô - Trường Cao đẳng Việt Đức Nghệ An. Ảnh: Minh Quân.

Do đó, để phát triển lực lượng lao động có trình độ tay nghề, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, của xã hội thì việc đầu tư thu hút học sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hoạt động giáo dục nghề nghiệp cần được tăng cường hơn nữa, trong đó có việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay khi đang học ở các trường phổ thông. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền thay đổi tư duy, tâm lý của học sinh và gia đình trong vấn đề theo học tại các cơ sở đào tạo nghề hiện nay...

Bản thân các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá các ưu thế của việc học nghề cũng như thế mạnh đào tạo của đơn vị bằng nhiều hình thức, trong đó cần chú trọng các nền tảng mạng xã hội.

Ngoài ra, các cơ sở cũng cần nắm bắt được xu thế, nhu cầu tuyển dụng lao động của các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để điều chỉnh cơ cấu các mã ngành hoặc mở các mã ngành mới phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo cũng như giải quyết việc làm sau đào tạo.

Ông Cao Anh Tuấn – Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt Đức Nghệ An, một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp làm tốt công tác tuyển sinh những năm gần đây.

Tin mới